Câu 4 cùa bài thơ với 3 từ “lạc mai hoa” đã gây nhiều tranh luận. Đỗ Bằng Đoàn, Bùi Khánh Đản cho “Lạc mai hoa” là tên một khúc nhạc nên dịch: “Giang Thành vẳng khúc Lạc mai hoa”.
Tân Việt Điểu dịch:
Sáo ngọc thổi trong lầu Hoàng Hạc
Tháng năm mai rụng chốn Giang Thành
Quốc Nghi Trương Cam Vịnh cho là Tân Việt Điểu dịch sai vì theo ông “Lạc mai hoa” là tên khúc nhạc người Khương phả vào ống địch chứ không phải là “hoa mai rụng”.
Tân Việt Điểu phản bác lại là ông dư biết có khúc nhạc ấy, nhưng ông dịch là “hoa mai rụng” vì căn cứ ở các điểm sau:
- Thứ nhất: trong
Từ nguyên chỉ có khúc nhạc “Mai hoa lạc” chứ không có khúc “Lạc mai hoa”.
- Thứ hai là câu thơ của Lý Bạch là song đối: Hoàng Hạc đối với Giang Thành, xuy (thổi) đối với lạc (rụng), “ngọc địch” đối với “mai hoa”. Như vậy hai câu này không phải là câu dưới tiếp liền câu trên (enjambement) như trong thơ Tây phương mà là một cặp song đôi (parallélisme). Trong những bài thất ngôn tứ tuyệt, Lý Bạch thường dùng lối song đối cho câu thứ 3 và thứ 4 như bài
Thượng hoàng tây tuần Nam Kinh kỳ nhất:
Địa chuyển Cẩm Giang thành Vị Thuỷ
Thiên hồi Ngọc Luỹ hoá Trường An
Đỗ Bằng Đoàn, Bùi Khánh Đản dịch là:
Đất chuyển Cẩm Giang thành Vị Thuỷ
Trời xoay Ngọc Luỹ hoá Trường An
- Thứ ba: nếu như câu dưới nối tiếp câu trên chứ không phải là song đối thì Hoàng Hạc và Giang Thành phải ở liền một nơi với nhau. Đằng này Hoàng Hạc ở Tây Nam huyện Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc, còn Giang Thành tức Giang Hoài thuộc tỉnh Giang Tô xa cách nhau vạn dặm làm sao mà tiếng sáo ở Hoàng Hạc lâu nghe ở tận Nam Hoài được?
- Thứ tư: Theo
Quảng sử loại về mục chữ “mai” có câu “Giang phong biểu tín” dưới có chứ thích là “Phong tục thông nghĩa” nói: “Ngũ nguyệt hữu lạc mai phong, Giang Hoài dĩ tín phong” (Tháng năm có gió mai rụng, ở miền Giang Hoài cho là tín phong, gió báo tin).
Khi Lý Bạch ngồi uống rượu cùng quan Sử lang trung trên lầu Hoàng Hạc mà nghe tiếng địch đã nghĩ đến Giang Hoài là nơi có gió tháng năm làm rụng hoa mai. Như thế hoa mai còn rụng vào tháng năm. Cảnh trí này còn là nguồn cảm hứng của văn nhân, thi sĩ, hoạ sĩ và nhạc sĩ. Theo
Từ nguyên thì vùng Giang Tô An Huy có “Mai hoa lãnh” thuộc huyện Giang Đô, tỉnh Giang Tô, “Mai sơn” ở Lô Giang và Thủ Thành. Mai Tiêu động, Mai Lãnh ở Giang Tây có “lạc mai phong” mà Giang Hoài cho là “tín phong”.
Và ông Tân Việt Điểu cho là các cụ Cử Tu Trai Nguyễn Tao, cụ Tú Đặng Chu Kình, cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Thọ Dực, Bửu Cầm... đều đồng ý với cách giải thích của ông.
Với sự nghiên cứu sâu sắc và sự tham khảo ý kiến của những nhà Hán học lão thành nhiều kinh nghiệm thì ý kiến của Tân Việt Điểu rất có cơ sở để tin tưởng là chính xác.
Tôi ghi lại cuộc tranh luận này để thấy đối với thơ Đường để hiểu được ý nghĩa đúng của bài thơ nhiều khi phải biết dựa một phần vào luật đối của bài thơ.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]