Xét sách “Giao Châu ký” của Triệu công có nói rằng: Giữa niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường, Nguyễn Thường Minh làm Đô đốc Phong Châu, thấy xứ Bạch Hạc đất đai nghìn dặm, sông núi như đai vạt bao quanh, bèn xây quán Thông Thánh, đặt tượng tam thanh để làm một cảnh quan kỳ vĩ. Lại riêng mở hai dải vũ trước sau, định tô tượng thần hộ vệ quán, nhưng chưa rõ vị trí nào linh thiêng nên đốt hương khấn rằng: “Các vị thần trời, thần đất ở đây, nếu có vị nào linh thiêng, xin sớm hiện hình cho tôi biết để tạc tượng”. Đêm đến mộng thấy hai vị dị nhân, dáng mạo cổ quái, đều đem theo bộ thuộc, mắng mỏ chen lấn nhau rảo đến chỗ Thường Minh, tranh được ở quán trước.

Thường Minh hỏi họ: “Các ngài tên, tự là gì?” Một người xưng là Thổ Lệnh, một người xưng là Thạch Khanh. Thường Minh nói: “Xin thử tài nghệ, ai thắng sẽ được ở trước.” Thạch Khanh nhảy một bước đến bên kia sông, bỗng thấy Thổ Lệnh đã đứng bên kia sông rồi. Thạch Khanh lại nhảy một bước qua bên này sông, lại thấy Thổ Lệnh đã đứng bên này trước. Vì vậy Thổ Lệnh được ở đây. Đó tức là vị thần mà ngày nay được sắc phong Vũ phụ trung dực uy hiển vương.

Từ thời Đường đến nay, đã ngoài hàng trăm hàng nghìn năm. Nơi đây đất quý, thần thiêng, cầu đảo được báo ứng, xưa nay đều như vậy.

Trước đây vào thời Thái Tông hoàng đế, vị vua thứ hai triều Trần, khoảng năm Bính Tý, trị nước thái bình, bốn phương theo giáo hoá. Lúc đó có đạo sĩ Hứa Tông Đạo, người lý Hải Đàn, hương Thái Bình, huyện Phúc Thanh, thuộc Phúc Châu, lộ Phúc Kiến, nước đại Tống, cùng người trong tòng phái, cao hứng đáp thuyền đến nước Nam.

Bấy giờ, con thứ sáu của Thái Tông hoàng đế là Chiêu Văn vương, nay làm Nhập nội kiểm hiệu thái uý bình chương sự, đô nguyên suý ở phủ lộ Thanh Hoá, được ban túi kim ngư, tước Thượng trụ quốc khai quốc vương, có lòng mộ đại đạo, tính thương coi trọng người Tống, nên đã lưu Tông Đạo ở môn tường, mong mở mang đạo giáo.

Cuối đông năm Giáp Thân (1284), giặc Bắc đến xâm lược! Lúc đó, Khai Quốc vương trấn thủ các lộ Tuyên Quang. Ngày thượng nguyên năm Ất Dậu (1285), vương cùng Hứa Tông Đạo cắt tóc thề trước thần linh trên sông Bạch Hạc: sẽ đem hết lòng trung báo ơn vua. Rồi đem quân tả hữu, một mình một ngựa xong lên phía trước. Vừa qua vùng Man Lão quân Thát đã đến sau, trong vòng tám khắc, hai bên không gặp nhau. Vương đến thẳng trước vua, chầu hầu ở bên hữu ngự giá, rồi tập hợp quân sĩ, chém đầu Toa Đô.

Trung tuần tháng năm, quân Thát thua chạy. Đó là đều nhờ vào phúc ấm của thần vương vậy.

Sau đó vài năm, Khai Quốc vương nhiều lần tu sửa hoàng lục. Hứa Tông Đạo chủ trì việc thừa hành, thường dâng giản lên đỉnh núi Tản Viên, tiến long bích ở vực thiêng Bạch Hạc. Trình bày việc Tông Đạo trước đây đi qua dưới đền, thấy cung quán đã dần dần nghiêng đổ, thấy thiếu chuông lớn để sớm hôm thức tỉnh người đời, lòng muốn đúc chuông nhưng sức chưa đủ!

Sau đó có trưởng công chúa Thiên Thuỵ họ Trần, con gái cả vua thứ ba là Thánh Tông hoàng đế. Bà là người cai quản dân hương Bạch Hạc, đã từng bỏ của nhà, mua gỗ lạt, sửa sang đền như mới. Sau khi trưởng công chúa Thiên Thuỵ qua đời, dân cư đất đai hương này đều thuộc quyền cai quản của trưởng công chúa Thiên Chân, con gái cả của vua thứ năm là Anh Tông hoàng đế. Công chúa lấy thuế nhẹ, giảm sưu dịch, thương người khổ, yêu dân chúng. Tất cả sinh linh trong hương, chẳng ai không được nhờ ơn huệ.

Nào hay người trời giáng thế, không chịu ở lâu. Năm hai mươi tuổi lập gia đình, nhân lúc có mang bị bệnh. Bấy giờ Hứa Tông Đạo kính vâng chiếu mệnh, đại diện coi việc cầu cúng, cứu chữa trăm đường, nhưng vân khó tránh được hạn lớn! Thực là việc thăng trầm khó lường, được siêu độ không phải không có tiền nhân.

Sau đó Thái thượng hoàng thái hậu của Anh Tông hoàng đế, lấy vàng bạc thuộc phần của trưởng công chúa Thiên Chân đem bố thí hết, cúng dâng cho cung Thái Thanh năm mươi lạng vàng sống.

Nào ngờ cuối xuân năm Canh Thân (1320), Anh Tông hoàng đế đã ngự xe mây lên tiên! Lúc đó Hứa Tông Đạo đang xây dựng cung Thái Thanh, công việc chưa xong. Trong lòng đau đớn, không biết dựa vào đâu, nghĩ khó báo đáp ơn vua, lòng muốn tu tròn quả phúc.

Mùa xuân năm Tân Dậu (1321), Hứa Tông Đạo đúc chuông lớn ở cung Thái Thanh. Lại đội ơn Thái thượng hoàng Thái hậu uỷ cho đường chủ là công chúa Bảo Vân họ Trần, lấy ba mươi ba lạng bạc thuộc phần thưởng công chúa Thiên Chân, tính thành tiền là năm trăm quan, thân trao cho Hứa Tông Đạo cúng dâng vào toà duyên ty để làm quả phúc cho tiền trình của trưởng công chúa Thiên Chân.

Lại gặp lúc Văn Huệ vương ở phủ đệ Gia Lâm thay trưởng công chúa Thiên Chân, bố thí cho kẻ mồ côi nghèo hèn và các chùa quán, lại cúng dâng cho cung Thái Thanh vàng bạc tính thành tiền là hai trăm quan.

Nay Hứa Tông Đạo đã nhiều lần đội ơn được cúng dâng nên muốn mở rộng ân đức ấy: trừ khoảng đã làm duyên cho cung Thái Thanh ra, lại lấy của cải mà trưởng công chúa Thiên Chân đã bồ thí để mua đồng thiếc, vào xin với Nhập nội kiểm hiệu thái uý khai quốc vương làm chủ minh, đến cột đá [...] đúc một quả chuông lớn để cúng dâng [...] để báo ơn dày của [...] để đáp ơn sâu của [...]. Những muốn [...] tăng thêm quả phúc to lớn, lâu dài dòng dõi cành vàng. Cúi vì trưởng công chúa Thiên Chân họ Trần, nhờ công đức đúc chuông này, để tẩy trừ ngũ lậu sắc thân, siêu thoát lên tĩnh giới tam thanh. Những vì trưởng công chúa Thiên Thuỵ họ Trần, mà chứng giám cho việc xây quán là một việc tốt trước kia, và tiêu trừ nghiệp cấu vô biên khi qua đời. Lại vì đại đạo pháp môn thần vương từ hạ [...], cầu cho hương hoả để phù trợ cho mọi người trong nước. Kính chúc Kim thượng Hoàng đế thánh thọ vô cùng, nền phúc [...]. Mong cho Khai Quốc vương họ Trần lòng thiện bền vững, tuổi thọ thêm dài. Bọn Hứa Tông Đạo chúng tôi và tất cả loài hữu tình đều được thấm nhuần phúc ấm.

Niên hiệu Đại Khánh đời vua thứ sáu triều Trần nuớc Việt
[...]
Hứa Tông Đạo kính cẩn ghi lại

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.