Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Hồ Hoàng Đông
Đăng bởi Bình Minh vào 30/07/2023 23:22
Trong năm 2019, tôi không nhớ mình đã đọc bao nhiêu tập thơ đã xuất bản và bao nhiêu bản thảo thơ gửi đến Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Trong những tập thơ và bản thảo thơ tôi đã đọc, có những tập thơ hay, có những tập thơ chưa hay nhưng rất ít những tập thơ tạo được sự khác biệt cả về giọng nói và nội dung. Nhưng khi đọc bản thảo tập thơ Rêu phủ thềm rồng của tác giả Hồ Hoàng Đông thì tôi thực sự ấn tượng bởi sự rất khác lạ của tập thơ này so với rất nhiều những tập thơ khác.
Tập Rêu phủ thềm rồng có năm phần: Đi hái phù vân, Rêu phủ thềm rồng, Hài cú hư vô, Đại mộng cà-sa và Tình đất tình người. Chỉ nghe tên các phần trong tập đã thấy rất lạ cho dù phần năm lại rất… bình thường. Cả cái tên tác giả cũng lạ. Một cái tên không thông thường.
Hầu hết những bài thơ của Hồ Hoàng Đông là thơ ngắn. Ngắn nhưng không phải theo cách của thơ Đường hay Haiku mà là sản phẩm chính hiệu Hồ Hoàng Đông. Khi tôi đọc những câu thơ: “Bến xưa sông vắng/ Bây giờ/ Người đâu?” tôi đã dừng lại. Một không gian bàng bạc và mơ hồ dâng lên. Nó ám ảnh tôi. Một câu hỏi trĩu nặng và cô đơn về kiếp người nhỏ bé trong vũ trụ vô tận này. Câu hỏi này không mới. Nhưng cách tạo dựng các câu thơ ngắn, đơn độc, cách biệt (bởi dòng) lại làm nên tình thần mới mẻ của nó. Chẳng có gì còn mới trong thế gian này, tôi nghĩ vậy, chỉ có cách nhìn của con người hay cụ thể của thi nhân làm cho nó trở nên mới mẻ. Nhưng đến bài thơ Xếp chữ thì làm tôi hoàn toàn bị kích động. Tôi đã đọc không ít lời bàn từ đông sáng tây, từ cổ chí kim về thơ và việc làm thơ. Nhưng chưa bao giờ thấy cách nhìn về chuyện làm thơ như thế.
Xếp chữNgười xưa cả phương Đông và phương Tây coi thơ là ông Hoàng của mọi nghệ thuật. Người xưa nói, chỉ có thơ mới trò chuyện được với Thánh thần và Ma quỷ. Bởi mỗi câu thơ, mỗi bài thơ được viết ra nó liên quan đến số phận của cả kiếp người và đôi khi luận bàn cả vũ trụ. Khi “xếp thơ” mà “xếp cả tử - sinh” thì lạnh người. Thơ thực sự là một cái gì đó được sinh ra không theo bất cứ một nguyên tắc nào và không nằm trong mọi dự định, kế hoạch nào của chính nhà thơ. Thơ được sinh ra khi con người nhà thơ chợt (vô tình) hoà đồng với vạn vật (vũ trụ). Bởi thế, hầu hết các nhà thơ đều thừa nhận những câu thơ hay, bài thơ hay của mình không hề được báo trước. Nó chỉ sinh ra từ khi câu thơ đầu tiên được viết ra và rồi bài thơ bùng nổ theo một lối đi đầy bí ẩn của nó. Bài thơ Di sản cũng là một bài thơ mang đến cho tôi sự bất ngờ. Không phải sự bất ngờ về hình ảnh, không phải sự bất ngờ về ngôn từ mà bất ngở bởi “quan niệm” của tác giả về thơ.
Đêm buồn
Nhặt chữ xếp thơ
Vô tình
Xếp cả từng giờ
Tử - Sinh
Di sảnTrong lịch sử của cảm nhận ngôn ngữ, “phòng khi” là một cách nói của người Việt từ hàng đời nay. Người ta có thể chuẩn bị gạo, muối, tiền bạc, thuốc thang hoặc một “lối đi”… để “phòng khi” rơi vào hoàn cảnh nào đó vô cùng hiểm nghèo thì có… lối thoát. Nhưng chuẩn bị thơ để “phòng khi” là phòng cái gì, chuyện gì? Tôi không biết tác giả dùng chữ “phòng khi” này với mục đích gì. Và tôi cũng không cần biết. Bởi thơ ca là một nghệ thuật “đa văn bản”. Nghĩa là văn bản thứ nhất sau khi sáng tạo thuộc về nhà thơ còn các văn bản khác (sau khi đọc) là thuộc về người đọc. Lúc này, bài Di sản có một văn bản thuộc về tôi. Tôi toàn quyền sử dụng văn bản đó cho cảm xúc và những mối liên hệ lý tính khác khi đọc xong bài thơ này. Nghệ thuật không phải là một văn bản khép kín. Nó là một văn bản mở. Đấy là một trong những đặc tính quan trọng nhất của nghệ thuật đặc biệt là thơ. Và Hồ Hoàng Đông đã sở hữu được đặc tính đó trong không ít các bài thơ của anh.
Một đời thơ có nhiêu đây
Chắt chiu chép lại từng ngày
Phòng khi…
Người hỏi Ngài thế sựKhổ thơ rất đẹp, rất ung dung, rất tự tại và vượt thoát ra khỏi một câu chuyện của hai người. Câu “Ngài cười, áng mây trôi” sẽ bị phá vỡ cái thanh bình, vô vi nếu tác giả ngắt thành hai câu “Ngài cười/ Áng mây trôi”. Đôi khi cảm giác về chữ cho ta sự chính xác hơn là dùng phép tu từ học. Nhưng đến câu “Tử sinh/ Điểm/ từng/ hồi” mà không ngắt câu, cứ để thành một câu “dài” thì cái nhịp của từng hồi sẽ không còn nữa. Thủ pháp ngắt câu ở câu thơ tôi vừa nói nếu là ý định (chủ trương) của tác giả thì tác giả rất tài. Nhưng nếu câu thơ đó không có “chủ trươn” thì mới làm tôi sợ. Vì như vậy, độ Thiền đã hoà vào tận đáy của tâm thức và vang lên cái nhịp ấy một cách “như không”. “Như không”, theo tôi là tận cùng của phép Thiền.
Ngài cười, áng mây trôi
Trà khuya hương ngan ngát
Tử sinh,
điểm
từng
hồi
(rút từ bài Hai người chung đôi mộng)
Giọt mưaKhác với sự trích dẫn các khổ thơ, bài thơ ở các phần trên, tôi không nói gì về bài thơ này trước khi trích dẫn. Tôi đặt bài thơ trước để ai đó đọc tập thơ này thì sẽ đọc bài thơ trước đã. Cũng như tôi muốn mọi người cùng nhìn giọt mưa ấy. Đây là một bà thơ Thiền xuất sắc. Nhìn MỘT giọt mưa rơi thấy trọn vẹn MỘT kiếp người. Sự hình thành nên một giọt mưa chỉ trong khoảnh khắc, sự rơi (sự biến mất) của giọt mưa cũng chỉ trong một khoảnh khắc. Nói chính xác là chỉ trong một sát na, mà ta có thể nhìn thấu toàn bộ kiếp. Đến lúc này, tôi không muốn bàn thêm nữa. Vì tôi sợ việc bàn luận của tôi làm mất đi cái tĩnh lặng tột cùng của giọt mưa rơi cũng là cái tĩnh lặng tột cùng của bài thơ.
Giọt mưa
Rơi
Ôi
Một đời…