594.53
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
70 bài thơ
2 bình luận
24 người thích
Tạo ngày 27/11/2005 20:33 bởi Vanachi, đã sửa 3 lần, lần cuối ngày 28/08/2009 00:44 bởi karizebato
Hồ Dzếnh (1919 - 13/8/1991) tên thật là Hà Triệu Anh hay Hà Anh (ghi theo giọng Quảng Đông là Hồ Dzếnh), sinh tại làng Đông Bích huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hoá, mất tại Hà Nội. Cha ông là Hà Kiến Huân, người gốc Quảng Đông, mẹ Đặng Thị Văn là người Việt. Ông học trung học, dạy tư, làm thơ, viết báo từ năm 1931 tại Hà Nội. Năm 1953 ông vào Sài Gòn làm báo, năm 1954 trở về Hà Nội tiếp tục viết báo, làm thơ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngay từ buổi đầu thành lập (1957).

Hồ Dzếnh được truy tặng Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Tác phẩm:
- Quê ngoại (thơ, 1943)
- Hoa xuân đất Việt (thơ, 1946)
- Chân trời cũ (tập Hồi ký, xuất bản năm 1942 và do nhà Hoa Tiên, Sài Gòn tái bản năm 1968)
- Một truyện tình 15 năm về trước (tiểu…

 

Tuyển tập chung

 

 

Ảnh đại diện

Hồ Dzếnh và những người bạn đoản mệnh

...Thế đấy, trong cuộc đời bình lặng của mình, Hồ Dzếnh đã có được cái hạnh phúc là bè bạn không nhiều đến mức xô bồ, nhưng lại có những người bạn luôn nghĩ về ông với ấn tượng đẹp...

Chúng ta đều biết: Thạch Lam chính là người đã viết lời tựa đầu tiên cho tập “Chân trời cũ” của Hồ Dzếnh (1916-1991). Về xuất xứ của mối quan hệ này trước đây báo Văn Nghệ cũng đã có đôi nét sơ qua, tiếc rằng có nhầm lẫn một chi tiết. ấy là việc Hồ Dzếnh và Thạch Lam quen biết nhau từ một chuyến tàu (mà báo Văn Nghệ từng in là tàu điện). Sự thực là bấy giờ (vào năm 1941) trên chuyến xe lửa từ Hải Dương về Hà Nội, trong khi đang chăm chú giở xem lại tập bản thảo một số truyện ngắn của mình, Hồ Dzếnh chợt thấy người đàn ông ngồi bên cạnh có nhã ý muốn mượn xem tập bản thảo của ông. Đấy là một người mà tuổi đời cỡ độ ba mươi, gương mặt thanh tú, dáng cao và mảnh. Quả tình lúc bấy giờ Hồ Dzếnh chưa biết rằng đấy là một trong những nhà văn nổi tiếng của Tự Lực văn đoàn, song chỉ cần lướt qua một vài trang, Thạch Lam đã nhận ngay ra đây là một tác giả mà mình đã chú ý từ lâu, với những tác phẩm tình cờ ông được đọc như: Thiên truyện “Người chị dâu tôi” (đăng trên tập san Mùa gặt mới) và bài thơ tuyệt tác “Màu cây trong khói” (sau này tác giả đổi lại là “Chiều”) in trên tờ Người Mới...

Thạch Lam xin được mượn tập bản thảo và xin địa chỉ để có dịp trao đổi lại với tác giả. Tất nhiên (đúng như tính cách dè dặt của ông) Thạch Lam lúc ấy cũng vẫn chưa xưng danh. Song một tuần sau ông tìm đến địa chỉ của tác giả trẻ mà theo ông là tài năng còn nhiều hứa hẹn, và khuyên nhủ Hồ Dzếnh hãy nhanh chóng cho tập truyện được xuất bản, ông sẽ nhận viết lời tựa. Tiếc rằng khi tập “Chân trời cũ “được in ra (ở nhà in Á Châu) thì hơn một tháng đó (tháng 6/1942), Thạch Lam qua đời. Hồ Dzếnh đã gửi lời thương nhớ này ở lời đầu sách. Năm ấy Thạch Lam có 32, còn Hồ Dzếnh mới vừa 26 tuổi.

Kể ra, về Thạch Lam, Hồ Dzếnh chỉ còn lưu lại những ấn tượng đẹp. Ngoài ra, là lòng mến phục tác phẩm, mà ở hai ông người ta nhìn thấy sự tương đồng khá rõ rệt. Còn thì, đó chỉ là những kỷ niệm tản mát, những mẩu hồi ức được chiếu rọi ở một góc độ hẹp. Bởi vì, dễ hiểu là thời gian các ông quen nhau quá ngắn ngủi.

Quãng 1939-1940, sau một thời gian ra học ở Hà Nội, Hồ Dzếnh bắt đầu lao vào viết và kiếm sống. Ông vừa làm gia sư, kế toán, nhân viên bán hàng ở 48 Hàng Ngang, cửa hiệu bán tơ lụa của con dâu nhà Phan Thái Thành (họ Phan đã nhiều đời bán tơ lụa của Hà Nội). Ngôi nhà sau này trả về cho chủ là một người Hoa kiều bán hàng thuốc bên cạnh. Sau đó ông Trịnh Văn Bô - một nhà tư sản yêu nước đã mua lại và năm 1945 (từ 25/8 tới 2/9) Bác Hồ đã tạm trú ở ngôi nhà này, viết bản Tuyên ngôn độc lập. Bấy giờ lương mỗi tháng Hồ Dzếnh được 5 đồng. Ấy là dịp hai bạn Hồ Dzếnh và Nguyễn Bính thường rủ nhau đi ăn bánh bao ở Hàng Buồm. Và thường khi ra về Hồ Dzếnh không quên “san sẻ” cho Nguyễn Bính một ít để tiêu vặt.

Phải chăng “những cuộc chơi nghiêng lệch cả đêm ngày, bằng tiền của ai không biết” như Tô Hoài đã viết trong lời giới thiệu “Tuyển tập Nguyễn Bính”, lại đôi khi xuất phát từ cái điểm nho nhỏ ấy. Ngoài ra, gia đình người Hoa nói trên thường mỗi ngày có lệ để thừa hai suất cơm để tiếp khách, cho nên thỉnh thoảng nhỡ bữa, Nguyễn Bính lại ghé tạm vào đây. Hồ Dzếnh giới thiệu Nguyễn Bính là em mình. Có thể trong cuộc đời lang thang phiêu bạt của mình Nguyễn Bính đã từng kết bạn với vô vàn người, và những nỗi đời cay đắng đã làm cho ông có những cái hoặc nhớ hoặc quên. Song với người sống tương đối bình yên mà cũng chịu không ít phần thiệt thòi như Hồ Dzếnh, thì đó là những kỷ niệm mãi mãi còn xúc động.

Có một người bạn nữa mà Hồ Dzếnh vẫn thường hay nhắc đến. Đó là Đinh Hùng. Tôi chưa được đọc bài viết về Hồ Dzếnh của thi sĩ này, và chưa thật biết nhiều về mối quan hệ của hai người. Chắc là cũng chỉ ở mức độ quý mến nhau chứ không thật là thân. Vì một người “Tôi vui lòng sống trong im/ Hồn nương bóng gió lời chim đến người” như Hồ Dzếnh chắc hẳn phải có sự khác biệt đối với tác giả của những bài như “Bài ca man rợ”... Nhưng theo Hồ Dzếnh cho biết thì chính ông là người đã giúp cho Đinh Hùng in được quyển “Mê hồn ca” (tập thơ của Đinh Hùng). Ông đã nhờ một người bạn ở nhà in Á Châu - người mà trước đây đã giúp ông in quyển sách đầu tay. Bấy giờ là vào đầu năm 1945.

Không biết tự bao giờ, Hồ Dzếnh đã đọc và chăm chú theo dõi bước đường văn nghiệp của Nguyễn Minh Châu. Chỉ nhớ là trước đây mấy năm, mỗi lần đến thăm ông, tôi lại thấy ông tấm tắc khen ngợi nhà văn này. Câu chuyện thỉnh thoảng bị ngắt chừng bởi những câu hỏi: “Này, cậu đã đọc cái truyện ngắn này? Bác thấy Nguyễn Minh Châu viết giỏi lắm...”. Rồi thì ông lại bắt đầu đánh giá, ca ngợi bằng những lời mà trước đây ông chỉ dành cho Thạch Lam - người mà ông được hậu thế “xếp chung một chiếu”. Thế rồi, từ người bạn trong sách vở trở nên người bạn ngoài đời. Hồ Dzếnh chủ động tìm gặp Nguyễn Minh Châu.

Tiếc thay bấy giờ Nguyễn Minh Châu đã bị mắc bệnh đi nằm viện. Hồ Dzếnh đạp xe đạp mang đường sữa đến viện Quân y 108 thăm Nguyễn Minh Châu. Nhớ lại hình ảnh ông già đã ngoài bảy mươi sau những đận nắng nôi, xe cộ vừa đi thăm người bệnh trở về, vừa ngồi thở phập phù vừa hổn hển kể chuyện, tôi không khỏi xúc động. Tính Hồ Dzếnh là vậy. Ai mà ông đã ghét thì dù quyền chức đến mấy có lại thăm ông, ông cũng dửng dưng. Những người mà ông đã quý (vừa ở cái tài vừa ở cái tâm, chủ yếu là cái tâm) thì dù người ấy ít tuổi hơn mình rất nhiều ông vẫn đến tìm người ta trước. Các anh ở Văn nghệ Quân đội kể cho tôi nghe Nguyễn Minh Châu đã xúc động như thế nào khi Hồ Dzếnh đến thăm mình. Có thể nói đây là người mà Nguyễn Minh Châu mến mộ đã lâu, qua những tác phẩm đọc từ tuổi thơ. Nguyễn Minh Châu đã khuyên nhủ anh em nên tìm đọc tác phẩm của nhà văn này. Mừng rằng lúc đó NXB Văn học đã kịp in lại tác phẩm của ông- cuốn “Hồ Dzếnh - tác phẩm chọn lọc”.

Đã lâu Hồ Dzếnh không làm thơ, nhưng trong những lần đến thăm Nguyễn Minh Châu, ông đã xúc động viết tặng Nguyễn Minh Châu bài thơ “Cầu Giát”. Cuối năm 1988, báo Văn Nghệ đã in bài thơ này. Nghe nói đọc xong Nguyễn Minh Châu đã bật khóc nức nở!

Có thể nói với Hồ Dzếnh, Nguyễn Minh Châu và Thạch Lam đều là những người bạn mà thời gian giao tiếp thật ngắn ngủi song cũng thật là xúc động. Đó là hai cái mốc trong giai đoạn đầu và cuối cùng cuộc đời ông. Tôi còn nhớ những ngày trước khi mất, Nguyễn Minh Châu đã không quên dặn vợ là phải thay mình đến thăm và tạ lễ Hồ Dzếnh.

Thế đấy, trong cuộc đời bình lặng của mình, Hồ Dzếnh đã có được cái hạnh phúc là bè bạn không nhiều đến mức xô bồ, nhưng lại có những người bạn luôn nghĩ về ông với ấn tượng đẹp...


Phạm Thành Chung

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
14.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lời giới thiệu Hồ Dzếnh trong “Việt Nam thi nhân tiền chiến”

Vào thời tiền chiến, có một tập thơ ra đời: tập Quê ngoại của Hồ Dzếnh. Chừng ấy cái tên người cũng đủ làm người ta lưu tâm. Và nhà Á Châu ấn cục đã ưng ý tác phẩm khi giới thiệu cùng độc giả những lời sau đây: “Lần đầu tiên thi ca Việt nam được tô điểm một cách trau chuốt bằng ngọn bút linh diệu của nhà thơ ngoại quốc”.

Sự giới thiệu của nhà Á Châu ấn cục ta ngỡ là lối quảng cáo một ấn phẩm vừa xuất bản, nhưng thực chất của tập Quê ngoại không làm cho độc giả thất vọng khi báo Tri Tân viết như sau: “Tên tuổi người Minh-hương ấy, văn học quốc ngữ không nề hà gì mà chẳng đón tiếp như đã đón tiếp bao nhiêu nhà văn hữu tài”.

Quê ngoại của Hồ Dzếnh đã thử thách qua sự chấp nhận xuất bản của Á Châu ấn cục và lời phê bình của tuần báo Tri Tân, một tạp chí chuyên bình luận văn học lúc bấy giờ; và ta còn tìm gặp điển hình một độc giả trẻ tuổi ưa thích Hồ Dzếnh tức nhà văn Mai Thảo ngày nay, khi Mai Thảo ghi lại cảm nghĩ mình thuở vừa tiếp xúc tiếng thơ của họ Hồ, những dòng sau đây: “Trong cái thế giới ngột ngạt bít bưng tức thở ra của những tháp ngà tiền chiến như những phần mộ lạnh buốt, thơ Hồ Dzếnh hơn cả Xuân Diệu, và theo tôi, hơn cả Nguyễn Bính đầu mùa, là những xâu chuỗi lanh lảnh nhạc vàng gõ vui từng nhịp nắng trên mênh mông đài trán thanh niên. Tôi nhớ mãi cái cảm giác của tôi, 20 tuổi, tiếp nhận một tập thơ cốm mới đậm đà, một tập thơ mười tám cái xuân đầy, đọc mỗi câu tưởng như có mật có đường ngọt trong cổ. Thơ Hồ Dzếnh tiền chiến là cái trạng thái ngu ngơ trong suốt nhất của một tiếng thơ mà chủ đề là tình yêu và ánh sáng. Ngó thật kỹ, Quê ngoại không hằn một nếp nhăn. Với tôi, một tập thơ đầu tay phải như thế. Phải có cái khí thế vạm vỡ của sống như một lao vào, cái vóc dáng của yêu như một kín trùm dào dạt...”


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
32.67
Chia sẻ trên Facebook