Câu ca dao theo suốt một thời tuổi trẻ của tôi, như một nhịp cầu gắn liền hai vùng đất: “Học trò trong Quảng ra thi / Thấy cô gái Huế chân đi không đành”, lại khẳng định một trong những tinh hoa của cả hai nơi, là truyền thống hiếu học và vẻ đẹp rạng ngời của đất và người chốn kinh kỳ, cái đẹp của thiên tính nữ và của cả người phụ nữ. Đó cũng là lẽ tất yếu của một thời đại lịch sử với nền giáo dục văn chương cử tử.
Kinh đô là trung tâm giáo dục. Thời nhà Nguyễn, thi Hương được tổ chức ở mỗi tỉnh, để chọn ra các cử nhân. Sau đó về kinh thi Hội là thi vòng loại để chọn người vào thi Đình. Thi Hội không cấp bằng (chỉ có người đỗ đầu kỳ thi Hội được phong tặng danh hiệu Hoàng giáp), nhưng vượt qua kỳ thi Hội mới được tham dự thi Đình, để chọn ra tiến sĩ theo ba cấp là đệ nhất cấp, đệ nhị cấp, đệ tam cấp và phó bảng. Thời ấy, không chỉ có học trò xứ Quảng ra Huế học, mà hầu hết các vùng đất trong cả nước đều tập trung về Huế học. Và, cũng không chỉ có xứ Quảng mới có truyền thống hiếu học, mà còn có học trò xứ Nghệ (lúc đầu chung cho cả Nghệ An và Hà Tĩnh), rồi Kinh Bắc, Thăng Long,... nhưng xứ Quảng là vùng đất mới, đất nghèo khó, đất gió dông, thiên tai hạn hán, đất dữ dằn tai ương trên con đường mở cõi về phương Nam, các sĩ tử lại lặn lội ngược dòng về kinh đèn sách. Trong hàng trăm những danh nhân xứ Quảng xuất hiện vào đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX hầu hết đều là danh sĩ, đều là những người có học, những người mà sau bậc cử nhân đều phải về Huế học, thậm chí có người chỉ đỗ cử nhân ở quê cũng ra Huế làm quan. Đặc điểm nổi bật ở họ là, bằng con đường này hay con đường khác, cách này hay cách khác, trên cương vị xã hội nào, họ cũng đều là người yêu nước, là mẫu người lý tưởng của thời đại và nếu họ có may mắn được một người con gái Huế nào đó quan tâm để mắt đến thì cũng là lẽ thường tình.
Những ‘học trò trong Quảng ra thi” đỗ đạt một thời, ở lại Huế đảm nhiệm các chức quan như Nguyễn Văn Dục (1807-?), đỗ phó bảng làm quan đến chức Tế tửu Quốc tử giám, Lễ bộ Thị lang, Lễ bộ Hữu tham tri; Đỗ Thúc Tịnh (1818-1862), đỗ tiến sĩ từng làm chức Biện lý bộ Binh; Phạm Phú Thứ (1820-1883), đỗ tiến sĩ làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ, Thương chính đại thần, Tham tri bộ Binh, hàm Hiệp biện đại học sĩ; Hoàng Diệu (1828-1882), đỗ phó bảng từng làm Tri huyện Hương Trà, Tham tri bộ Hình, Tham tri bộ Lại, trông coi Đô sát viện; Nguyễn Thuật (1842-?), đỗ phó bảng, từng làm Thị lang nội các, Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Lại, Thượng thư bộ Binh, hàm Hiệp biện đại học sĩ; Trần Văn Dư (1842-1885), đỗ tiến sĩ, từng làm Thừa biện bộ Lại, Giảng tập Dục Đức đường, Chánh Mông đường (dạy học cho hai vua Dục Đức và Đồng Khánh); Phạm Như Xương (1844-?), đỗ hoàng giáp làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình, sung vào Đô sát viện; Phạm Liệu (1872-1936), đỗ tiến sĩ, làm Thượng thư bộ Lại; Phan Quang (1892-?), đỗ tiến sĩ, làm Tham tri bộ Lại... Hoặc những người từng đỗ đạt cao, nhưng từ quan, rời bỏ kinh thành, đứng ra tổ chức hoặc tham gia các phong trào yêu nước, tên tuổi gắn liền với xứ Huế và lịch sử dân tộc như các phó bảng Lê Vĩnh Khanh (1819-1884), Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887), Phan Châu Trinh (1872-1926); các tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), Trần Quý Cáp (1870-1908) và những người tuy “không sinh ra cùng năm cùng tháng, nhưng đã chết cùng năm cùng tháng cùng ngày” như Trần Cao Vân (1866-1916), Thái Phiên (1882-1916)... Trẻ hơn, những người mà sự nghiệp gắn liền với Huế như Trần Hoành (1880-1936), Phan Khôi (1887-1960), Nguyễn Nho Tuý (1898-1977), Nam Trân (1907-1967) hoặc những người thuộc thế hệ Tây học đầu tiên từng học ở Huế và chính nơi đây đã góp phần tạo nên tư cách của một danh sĩ như Phan Khoang (1906-1971), Nam Trân (1907-1967), Khương Hữu Dụng (1907-2005), Phan Thanh (1908-1939), Thiên Giang (1911-1985), Phan Du (1915-1983), Phạm Hầu (1920-1944), Võ Quảng (1920-2000), Nguyễn Văn Xuân (1921-2007), Nguyễn Văn Bổng (1921-2001), Lê Đình Kỵ (1923-2010), Vũ Hạnh (sinh 1926), Nguyễn Q. Thắng (sinh 1940), Tần Hoài Dạ Vũ (sinh 1945)...Có người chỉ học ở Huế có mấy năm, nhưng chính “Thời gian học ở Huế, là một bước ngoặt quyết định cho sự nghiệp thơ ca của Khương Hữu Dụng” (Trần Mạnh thường,
Các tác gia văn chương Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin 2008, t.1, tr.808), nhưng cũng có người đỗ tú tài ở quê, ra Huế làm Tham tán toà Khâm sứ, làm Tán lý bộ Lại, đã phát hiện ra
Huế đẹp và thơ (1939) như Nam Trân.
Lần theo câu ca dao “học trò trong Quảng ra” lập nghiệp ở Huế thời ấy, đông không kể hết và không ít người đã làm nên danh phận đối với lịch sử đất nước và đã đóng góp không nhỏ cho xứ Huế, nhưng dấu vết của họ còn lại nơi đây thật quá ít ỏi. Người Quảng hiện diện trên đường phố Huế lâu nay chỉ có mỗi Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ, chủ nhiệm báo Tiếng dân Huỳnh Thúc Kháng. Đó là con đường dài 3000m, chạy dọc bờ sông Đông Ba, hình thành cùng với dòng sông đào này từ đầu thế kỷ XIX, lúc đầu mang tên đường Quai de Dong Ba (Bờ sông Đông Ba), năm 1956 đổi thành Huỳnh Thúc Kháng, năm 1996 cắt đoạn từ cầu Thanh Long đến Bao Vinh đặt tên Đào Duy Anh, đường Huỳnh Thúc Kháng chỉ còn dài 1267m. Gần đây, do sự phát triển của quá trình đô thị hoá, nhiều khu dân cư mới được hình thành, có thêm tên đường người thành lập An Nam Phật học hội, thành lập tổ chức Thanh niên Phật tử Việt Nam, phát minh ra sérum trong y học và là Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới đầu tiên của Việt Nam Lê Đình Thám, chỉ dài khoảng 500m từ Điện Biên Phủ đến Thích Tịnh Khiết và đường mang tên người làm trị sự, phát hành cho báo Tiếng dân là Trần Hoành, dài không quá 350m nối từ Võ Liêm Sơn đến Cao Đình Độ. Ngoài bức tượng của bác sĩ Lê Đình Thám còn được đặt trang trọng trong khuôn viên chùa Từ Đàm, những nơi khác như toà soạn báo Tiếng dân và trụ sở của công ty cổ phần Huỳnh Thúc Kháng từng được chuyển thành Cư xá sinh viên Huỳnh Thúc Kháng, sau 1975 trở thành khu tập thể của cán bộ trường Đại học Y Huế, nay đã xuống cấp nhếch nhác đến mức rách nát, bẩn thỉu, không được quan tâm đến. Khu nghĩa trang của Hội đồng châu Quảng Nam rộng mấy hecta ở đường Tam Thai cũng chịu chung số phận, bỏ mặc cho dân lấn chiếm làm nhà cửa, quán xá, có nguy cơ xoá sạch dấu vết. Khu nhà Lê Đình Thám từng ở trước đây, ở số 71-75 Phan Bội Châu, đã bị chia lô, hoá giá bán cho cán bộ Sở thương nghiệp, đã không còn dấu vết gì liên quan đến người chủ cũ. Phủ của Thượng thư Phạm Liệu, nơi nhà thơ Phạm Hầu từng ở thời thơ ấu ở số 128-134 Phan Bội Châu, cũng bị con cháu chia lô, bán đất, khu mộ của hai cha con nằm sau lưng chùa Vạn Phước cũng đìu hiu, không ai biết chẳng ai hay. Đáng buồn thay trên bia mộ của thi sĩ Phạm Hầu, một trong bốn mươi sáu tác giả được Hoài Thanh - Hoài Chân “bầu” vào
Thi Nhân Việt Nam chỉ ghi có 56 chữ, đã có 18 lỗi chính tả! Nơi ở của Thượng thư Phạm Phú Thứ, thuở còn đi học là căn gác nhỏ ở một xóm lao động, theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, là ở ven bờ sông Hương, bây giờ là đường Trịnh Công Sơn, nơi ông sống hoà mình vào cuộc sống những người lao khổ và đã làm hằng trăm bài thơ về họ, ký bút danh là Giang Thụ Sào (cái tổ chim treo trên cây ven sông), nay tuyệt nhiên không thể tìm thấy dấu vết gì. Ngôi mộ đôi của hai nhà yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân trên đồi Từ Hiếu, cũng chỉ mới được quan tâm trùng tu từ đầu những năm chín mươi, sau khi có kiến nghị của Hội đồng hương sinh viên Điện Bàn...
Văn hoá Mỹ là văn hoá thực dụng (nhưng thực dụng có gì là xấu), nên họ đã tìm ra khu nhà trọ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từng ở vào những năm ba mươi và đã gắn vào đó tấm biển: “Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã từng ở từ ngày... đến ngày...”. Và, ai đến ở căn phòng của một danh nhân đã từng ở, xin trả tiền gấp trăm lần phòng bên cạnh. Đó là bài học đối với ngành du lịch dịch vụ ở nước ta. Ta không nên cố gắng xây dựng các khách sạn nhiều sao để mong chiêu dụ khách nước ngoài, vì những thứ ấy, ở nước họ không thiếu. Tại sao không khôi phục lại những không gian văn hoá của các tiền nhân, các danh nhân, để họ đến ở và tự hào rằng đã được sống nơi một danh nhân từng sống? Du lịch từ trong sâu thẳm tâm hồn của chủ thể, là khách du lịch bao giờ cũng là cuộc rong chơi văn hoá. Từ văn hoá mới tạo ra kinh tế. Du lịch bán hàng theo kiểu tiểu nông của Trung Quốc một thời thịnh hành, đem lại nhiều thành tựu và đã tràn sang nước ta như hiện nay, không còn hấp dẫn và thu hút khách nước ngoài. Khôi phục lại không gian văn hoá quá khứ để kinh doanh, vừa thu lợi nhuận về kinh tế, vừa thể hiện ý nghĩa văn hoá, lại vừa quan tâm đến di sản quá khứ của tiền nhân.
Một vùng đất văn hoá luôn được tạo nên bởi những nhà văn hoá. Đó là những người biết trân trọng, nâng niu từng hạt sáng lấp lánh trong đời sống quá khứ, biết đãi cát tìm vàng, để làm giàu có thêm những giá trị văn hoá, chứ không phải sự phủ nhận, loại bỏ, xoá sạch và xây dựng cái mới một cách thực dụng. Văn hoá là những thành tựu về vật chất và tinh thần do con người làm ra, nhưng xét cho cùng nó tồn tại ở dạng tinh thần là chủ yếu, nơi mà nhiều thế hệ, từ đời này sang đời khác, từng phả tâm hồn của mình lên đó, làm nên sức sống muôn đời. Với tốc độ phát triển đô thị hoá như hiện nay, không biết còn bao nhiêu dấu vết của những “học trò trong Quảng” còn tồn tại bao lâu nữa ở xứ Huế đẹp và thơ?
Phạm Phú Phong