Gọi đò, đò đã sang sông
Gọi em, em cũng ngược dòng nhân gian
Gọi nhau một khúc tình tan
Em, người dưng đã, hoang đàng, thơ tôi!
Lời tình còn đọng trên môi
Trái tim tôi đã tơi bời xanh xao
Sông sâu có khúc bạc đầu
Đò em lỡ chuyến biết đâu mà chờ!
Khi xưa lỡ một chuyến đò
Đi lên đi xuống vòng vo nỗi buồn
Bây giờ cách mấy đại dương
Muốn thăm em, đâu biết đường mà đi!
Chiều phơi cuối ngọn xuân thì
Phủi tay, biết có còn gì cho nhau
Chuyến đò chở khẳm bể dâu
Bỏ tôi ở lại vực sầu lạnh tanh…
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Hư Vô ngày 17/08/2018 06:50
Một buổi trưa không biết ở thời nào
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ
(Đi Giữa Đường Thơm – Huy Cận)
Có lẽ như nhà thơ Huy Cận đã viết: “Ca dao luôn sống mãi trong bao tâm hồn Việt. Nó chính là dòng sữa ngọt ngào nuôi lớn đời ta“. Đối với người xa quê, ca dao dường như đã trở thành quê hương, thành xương thịt, là dòng tâm tưởng tràn trề, lai láng. Nó gợi nhớ tình quê, gợi những kỷ niệm một thời xa vắng. Chọn thể thơ lục bát của ca dao, Hư Vô đã làm ta sống lại những cảm xúc đã dồn nén bao lâu bỗng tuôn trào, lai láng. Đọc Bến Bờ của thi sĩ ta không chỉ cảm nhận đang về lại quê hương với dòng sông, con đò, bến đợi và bên tai vẫn cứ văng vẳng những làm điệu dân ca, ca dao về những tình yêu không trọn vẹn mà chính là ta đang sống trong một thế giới của âm nhạc, của cảm xúc, suy tưởng.
Con đò, dòng sông là mô típ thường thấy trong ca dao. Ca dao thường mượn hình ảnh con đò, bến nước, cây đa để thể hiện tình yêu thuỷ chung hay ly biệt, nhớ thương:
– Con đò với gốc cây đa
Cây đa muôn thuở chẳng xa con đò.
– Cây đa bậc cũ lỡ rồi
Đò đưa bến khác bạn ngồi chờ ai.
– Gọi đò chẳng thấy đò sang
Phải chăng bến cũ phụ phàng khách xưa.
“Thuyền đi để bến đợi chờ,
Tình đi nghĩa ở bao giờ quên nhau.
Chẳng nên tình trước nghĩa sau,
Bến này dãi bóng trăng thâu đợi thuyền”
Chọn một hình ảnh thường xuất hiện trong đời sống, trong ca dao, nhà thơ dễ dàng truyền đến người đọc sự đồng cảm ngay từ phút giây đầu.
Gọi đò, đò đã sang sông
Gọi em, em cũng ngược dòng nhân gian
Gọi nhau một khúc tình tan
Em, người dưng đã, hoang đàng, thơ tôi!
(Hư Vô)
Đoạn thơ xuất hiện hình ảnh dòng sông, bến đợi, con đò và khách sang sông. Nhưng tất cả đều thể hiện sự trễ muộn. Đò đã sang sông, em ngược dòng nhân gian. Câu chữ không theo quy luật, hình ảnh cũng ngược chiều. Tất cả đều oái oăm, ngang trái. Tình tan, mộng dở dang. Lời gọi đò, gọi em, gọi nhau chỉ còn là những âm thanh buồn bã, tắt lịm. Dòng sông vẫn trôi, đò vẫn cứ sang sông không đợi khách bộ hành. Em không chờ tôi về đã vội vã bỏ đi, lạc hướng mịt mờ bóng chim tăm cá. Tình tan, em - muôn đời vẫn làm
người dưng, hoang đàng theo mỗi bước thơ tôi.
“Gọi” lập lại ba lần, “đò” lập lại hai lần, em- người dưng đã vừa lập lại vừa nhấn, câu cuối những dấu phẩy cắt câu bát thành bốn theo nhịp 1/3/2/2 diễn tả một sự rối loạn của cảm xúc. Thảng thốt, đau đớn, rã rời để rồi buông trôi, buông xuôi. Một nỗi đau định hình, sự thất vọng não nề hiện lên từng câu chữ. Có một chút gì cay trong mắt, có một chút gì nhói trong tim. Có lẽ là nỗi đau từ khúc tình tan của khách sang sông. Cấu trúc câu thơ với nhiều thanh bằng nhưng dường như không tạo được cảm giác nhẹ nhõm mà nhân rộng, toả rộng nỗi đau bởi vần “an”. Ngôn từ, cảm xúc của thi sĩ gợi tôi nhớ đến Lời thề cỏ may của Phạm Công Trứ:
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ… một khoảng trời pha lê.
Trăng vàng đêm ấy bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may…
Phạm Công Trứ gỡ bỏ lời thề cỏ may, Hư Vô khác xưa, hoang đàng cuộc đời, hoang đàng thơ. Chữ tình hư ảo sao làm tan nát bao cuộc đời, bao con người và có đôi khi sự tổn thương đã khép lại hoàn toàn trái tim yêu. Có lẽ điều này đúng với những người vốn có trái tim đa sầu, đa cảm như chàng trai đa tình trong thi phẩm. “Hoang đàng” có lẽ là câu chữ của thi sĩ thể hiện một sự thay đổi của nhân vật trữ tình, con người bình thường xưa đã không còn nữa, sự thay đổi quả thật đau lòng. Có lẽ chàng trai không thể chấp nhận được tình tan. Xưa nay tôi vẫn cho rằng tình là vô thưởng bởi nó đến rồi đi không hề báo trước, chính vi vậy khi tình yêu tan vỡ có những người không thể vượt qua có lẽ với một người bản lĩnh cách hành xử trên có phần nào yếu đuối, tiêu cực nhưng chưa hẳn như vậy bởi điều mình đặt hết tâm huyết vào nếu mất đi không thể xem là chuyện bình thường, bởi vậy mà “khúc tình tan” của thi sĩ bắt đầu lên tiếng:
Lời tình còn động trên môi
Trái tim tôi đã tơi bời xanh xao
Sông sâu có khúc bạc đầu
Đò em lỡ chuyến biết đâu mà chờ!
(Hư Vô)
Tình yêu trong Hư Vô thường là nỗi đau, thường là chia ly. Thi sĩ không nói rõ vì sao mà ly tan nhưng đôi khi chính người trong cuộc cũng không hiểu vì sao? Chỉ biết khi tình lỡ nỗi đau dường như làm ta tuyệt vọng. Nhưng có một điều tôi nhận ra nỗi đau tình trong thơ Hư Vô không quằn quại của những rên xiết, thét gào mà thật da diết đến đớn đau của những vết cắt sâu để rồi thành những đoá hoa sầu, những giọt lệ thầm trong đêm sâu khi chỉ một mình trong thăm thẳm của bóng đêm để rồi thảng thốt chợt nhận ra mình đã không còn như ngày xưa:
Gọi nhau một khúc tình tan
… Trái tim tôi đã tơi bời, xanh xao.
“Tơi bời” câu chữ đơn sơ, giản dị gần như là một khẩu ngữ tạo một định hình cho nỗi đau rất thực. Tơi bời là kết quả của một không gian vừa trải qua một cơn lũ tràn, một cơn bão lớn. Tất cả tan hoang, vỡ nát, rời rã, tang thương. Cơn bão tình làm giông tố phá nát hồn anh, đời anh. Cơn bão đi qua, sự sống rồi sẽ hồi sinh nhưng cơn bão tình thì mãi mãi thổi, linh hồn thành hoang mạc, nỗi sầu tạo thành quách trong tim. Cơn bão tình- cõi vô vọng đang hoà vào nhau tạo thành khúc tình tan. Có lẽ nỗi đau của khúc tình tan sẽ mãi theo chàng thi sĩ suốt những tháng ngày còn lại. Khi tôi đọc đến câu thơ này tôi liên tưởng đến bài thơ Bão của Tế Hanh:
Cơn bão tạnh lâu rồi
Hàng cây xanh thắm lại
Nhưng em đã xa xôi
Và cơn bão lòng ta thổi mãi.
(Tế Hanh- Bão)
Để rồi tôi cảm nhận ra cơn bão lòng tôi vẫn còn thổi mãi một niềm đau quá khứ có lẽ vì vậy mà tôi hiểu “trái tim xanh xao” của chàng trai, lại một câu chữ biến hoá trong tay của thi sĩ, lấy nét vẽ ngoại hình “xanh xao” để miêu tả thế giới nội tâm của riêng mình, một sự nhiễu loạn về màu sắc đỏ thành xanh, sự sống đã lìa bỏ, đã cạn nguồn khi em rời xa tôi. Nhẹ mà thấm, mà đau, câu chữ của Hư Vô vốn là vậy. Tim thay màu, không gian cũng thay màu:
Sông sâu có khúc bạc đầu
(Hư Vô)
Sông bạc đầu hay màu sông cũng đổi thay dường như là lời tự vấn của thi sĩ. Em bạc lòng, sông cũng bạc lòng, thiên nhiên vốn ít khi thay đổi mà vẫn đổi thay huống chi là con người. Em thay lòng, em làm tan nát cuộc đời tôi lời nhẹ trách mà thương nhiều. Trái tim nhà thơ vốn vậy luôn bao dung, luôn đầy đạm. Lời trách cứ thành âm vang trôi xuôi theo dòng sông:
Đò em lỡ chuyến biết đâu mà chờ!
(Hư Vô)
Em đi rồi khó quay trở lại. Nhưng cho dù có trở lại nhưng tất cả đã lỡ làng, đã kết thúc, câu thơ vang lên một âm thanh buồn bã của sự đợi chờ vô vọng “biết đâu mà chờ!”. Thời gian không đợi, người không hẹn quay về chỉ còn lại dòng sông và tâm trạng nỗi sầu của người đợi đò. Câu thơ gợi nhớ những câu ca dao với những nỗi buồn sông nước:
-Nước sông lững đững lờ đờ
Thương người nói vậy biết chờ hay không.
-Sông sâu cá lội ngù ngờ
Biết em có đợi mà chờ uổng công
-Sông dài cá lội biệt tăm
Thấy anh người nghĩa mấy năm em cũng chờ.
-Sông sâu biết bắc mấy cầu
Khi thương thì anh thương vội
Khi sầu anh để lại cho em
Gì buồn hơn giữa những dòng sông đỏ nước phù sa, con thuyền không thấy quay về. Dòng sông buồn thấm vào ca dao, chảy tràn qua thơ Hư Vô để thi sĩ ngẩn ngơ, nuối tiếc, xót xa, hụt hẫng và rồi chỉ biết buông xuôi:
Khi xưa lỡ một chuyến đò
Đi lên đi xuống vòng vo nỗi buồn
Bây giờ cách mấy đại dương
Muốn thăm em, đâu biết đường mà đi!
(Hư Vô)
Ở khổ thơ thứ hai, “Khi xưa” không và chưa bao giờ mất đi trong lòng thi sĩ; nó luôn song hành cùng thực tại “Bây giờ” đó là ranh giới của tình yêu: Anh vẫn không đổi thay. Không gian xưa hẹp chỉ là một bến sông, mà anh luôn đợi dù biết đợi chờ cũng chỉ để ngậm ngùi “Đi lên đi xuống” tôi thích chữ “ vòng vo” mà thi sĩ dùng. Đẹp, lạ và mang hơi hướm của ca dao tạo sự chân thực trong từng câu chữ. Vòng vo là trạng thái đi không định hướng, câu chữ gợi tôi nhớ đến chàng trai trong bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa” với động tác trèo lên/ bước xuống dường như vô thức để diễn tả sự mất phương hướng khi lỡ duyên. Và thi sĩ của chúng ta lại chọn bến sông để “đi lên đi xuống vòng vo” để diễn tả một cảm xúc buồn khi tình yêu đã hết. Vòng vo của bước chân lên xuống vô định kia làm trái tim người đọc cũng như lây nhiễm nỗi đau tình. Hư Vô đang đánh thức điệu hồn ca dao dậy để nỗi ngậm ngùi như sâu, như rộng, như dài hơn dường như để bắt kịp không gian. Ngày xưa là một không gian hẹp “bến sông” bây giờ là một không gian rộng “cách mấy đại dương”. Xưa chỉ một không gian hẹp mà đã lạc nhau một đời, giờ là không gian rộng thì làm sao mà tìm! “Muốn thăm em, đâu biết đường mà đi!”. Câu thơ dường như phá cách trong kỹ thuật hài thanh, câu chữ dường như không xuôi chiều, dường như có sự chống đối lại nhau. Tôi nghĩ câu thơ có thể viết thành “Muốn thăm em, biết đường nào mà đi!” nhưng thi sĩ không viết vậy bởi vì anh muốn dùng “biết đâu” ở khổ thơ trên thành “đâu biết” ở khổ thơ này như một cách nhấn. Biết đâu là một phủ định, đâu biết cũng là một phủ định, một khẩu ngữ dù có đảo cách nào đi chăng nữa cũng để thể hiện một nỗi niềm sự bế tắc, mịt mờ phương hướng của những kiếm tìm. Tôi nghe như lời tình vô vọng đang vang lên để rồi đọng lại thành nỗi buồn sông nước. Bến chờ, bến đợi trong ca dao chỉ còn trong tâm tưởng, bến sông xưa đã ngăn cách mấy đại dương nên bến tình buồn hiu hắt. Tôi thương những dòng sông đợi đò trong chiều vắng ngắt chỉ có gió lạnh đi qua không nói năng gì, tôi thương lữ hành đợi người nơi bến vắng chiều mưa để bao nhiêu hơi buốt giá thấm vào hồn:
Chiều phơi cuối ngọn xuân thì
Phủi tay, biết có còn gì cho nhau
Chuyến đò chở khẳm bể dâu
Bỏ tôi ở lại vực sầu lạnh tanh…
(Hư Vô)
Chiều xuống, chiều đang rơi, chiều tàn… Đó là cách mà ta thường dùng khi nói về hoàng hôn, Hư Vô viết “chiều phơi cuối ngọn xuân thì” cách viết vừa lạ, vừa hình tượng. Tôi tưởng tượng buổi chiều như đang phơi trần trước ta, dấu vết cuối ngày đã buồn lại càng buồn hơn khi hình ảnh người con gái ngồi phơi cuối ngọn xuân thì. Cái đẹp dường như đã tàn, đã kết thúc tạo nỗi ngậm ngùi dài và rồi nhân vật trữ tình cũng rời bỏ nỗi muộn phiền của đời mình trong một nồi niềm day dứt:
Phủi tay, biết có còn gì cho nhau
(Hư Vô)
Yêu là để chờ trong muộn màng, nuối tiếc; yêu là để trĩu nặng niềm ray rứt không nguôi, yêu là những bâng khuâng, nhung nhớ… Tình yêu là hạnh phúc trong nỗi thương đau, lặng im để tưởng niệm một thời tình đã qua… Phải chăng trong thi sĩ, trong tôi và chúng ta những người từng có một thời yêu có phải đã từng cho rằng: Yêu là được nhớ nhung, giữ gìn một ai đó trong tim dù có trải qua bao dâu biển đổi dời tình ấy không mất đi mà vẫn luôn nguyên vẹn.Tình yêu không đợi có nhau trong cuộc đời mà nó sẽ là một hình bóng luôn vẹn nguyên trong tâm hồn ta, nó là động lực giúp ta đứng lên khi bị cuộc đời xô ngã. “Phủi tay” có nghĩa là buông bỏ, là không còn nghĩ đến để vui hay để buồn nhưng chỉ là cái động tác ngoại hình bởì trong tâm hồn ông chữ tình vẫn chất chứa không nguôi “biết có còn gì cho nhau” một cụm từ phủ định nhưng lại mang ý nghĩa khẳng định của sự dâng hiến đầy yêu thương. Câu thơ buồn trong từng câu chữ nhưng lại trĩu nặng những “dấu tích trần ai”. Và trong tận cùng của quá khứ hình ảnh con đò lại quay trở về:
Chuyến đò chở khẳm bể dâu
(Hư Vô)
Khổ thơ đầu là “đò”, khổ thơ tiếp là “đò em” và hai khổ còn lại thi sĩ viết “chuyến đò” như một trình tự tăng tiến đò chở khách qua sông, em là chiếc thuyền tách bến sang sông một mình và cuối cùng là chuyến đò cuộc đời. Trễ đò, khách tiếc nhớ, mong đợi. Đò em sang sông, anh hụt hẫng đau thương. Đò đời chở nặng giông tố, biển dâu chỉ mình anh nhận thì quả thật là chua xót.
Hai câu thơ cuối khoanh tròn kiếp người, kiếp tình thành nỗi buồn phơi trên ngọn xuân thì. Phủi, bỏ, ở lại.. một loạt từ diễn tả những trạng thái ngược nhau là những suy ngẫm về cuộc đời, về tình yêu. Đời là biển dâu, chàng trai đã nhận trong khoảng đời phiêu bạt, có những nỗi buồn, nỗi nhớ không thể tỏ bày và tình yêu cũng mất chỉ còn lại thi sĩ và vực sầu lạnh tanh. Lạnh tanh nghĩa là rất lạnh. Tình lạnh, đời lạnh chồng lên nhau, nỗi đau của tình lỡ, nỗi đau của bể dâu cuộc đời chỉ mình “tôi” mang không người chia sẻ. Tại sao không là “để tôi” mà lại là “bỏ tôi”. Chữ bỏ đã nói lên tất cả. Bỏ mặc, không đếm xỉa, không đoái hoài là sự từ bỏ, bỏ rơi nó là kết quả của tình yêu một thời tươi đẹp. “Bỏ tôi” đã làm tăng cao nỗi cô đơn, bẽ bàng của thi sĩ, nó dồn ép cảm xúc là một sự cam chịu đầy cay đắng, tôi thương sự cô đơn của thi sĩ trong cuộc đời, tôi cảm nhận được vực sầu lạnh tanh mà anh viết. Hai vần”anh” liền kề tạo một âm vang, âm vang từ đáy vực nên thăm thẳm mất hút trong không gian nên cuối cùng âm thanh cũng im bặt chỉ còn lại khoảng trắng lặng im càng tô đậm dáng vẻ cô đơn của nhân vật trữ tình. “Lạnh tanh” tôi rằng nó là cụm từ đắc địa thể hiện trọn vẹn cảm xúc của bài thơ. Lạnh của yêu thương, lạnh của nhân tình, cái lạnh đã trùm suốt bài thơ nhưng càng về cuối cái lạnh càng lạnh hơn nữa thành một chuỗi âm vang không lời thể hiện cái lạnh lẽo, trơ trọi của một nỗi đau tình khi chỉ còn mình “anh” đi trên con đường tình, đường đời bơ vơ.
Khúc tình tan của Hư Vô đã cho tôi một khoảng lặng của ngậm ngùi, của xót xa khi tình yêu tan vỡ. Nếu Xuân Diệu đã từng làm xúc động bao trái tim người yêu thơ với “Cung Nguyệt Lạnh” thì Hư Vô đã đem đến cho người đọc mê lộ cùng đường của “Khúc Tình Tan”. Trong khúc ca tan vỡ kia tôi thấy thấp thoáng bóng của ca dao hiện về với giọng hò thê thiết trên sông nước mênh mông với những khúc ca não lòng của tình yêu tan vỡ. Tôi tìm thấy trong khúc tình tan của Hư Vô nỗi chạnh lòng, nỗi thương thân trong kiếp tình buồn, trong cuộc đời dâu biển đa đoan và khi bài thơ khép lại thì cái giọt “lạnh tanh” kia chính là giọt sầu, giọt đời thi sĩ, tôi, bạn đang uống từng ngày và ngày vẫn cứ trôi trong tiếng vọng của ngàn xưa với khúc tình tan của chàng thi sĩ có tên gọi HƯ VÔ.