Tào Thực 曹植 (192-232) tên tự là Tử Kiến 子建, khi mất có tên thuỵ là Tư, nên còn được gọi là Trần Tư Vương. Ông là một nhà thơ nổi bật nhất trong số văn nhân thời Kiến An(1), Trung Quốc.
Cuộc đời:Tào Thực, người đất Bái, huyện Tiêu, nay thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc; là con trai thứ tư của Tào Tháo (155-220), em của Tào Phi (187-226).
Lúc Tào Tháo xây xong Đồng Tước đài thì Tào Thực chỉ khoảng 10 tuổi. Vậy mà, khi nghe cha ra lệnh các con làm thi phú để tán tụng, ông làm xong bài phú
Đồng Tước đài, khiến cha vừa mừng vừa kinh ngạc, và Tào Phi bắt đầu ganh tị với ông từ đó.
Ban đầu, Tào Tháo đã định lập ông làm Thái tử, nhưng vì tính tình phóng túng, không phục tùng ai; lại bị Tào Phi đố kỵ, xúc xiểm, nên ông không còn được cha tin tưởng.
Đau lòng nhất, theo học giả Dịch Quân Tả (người Trung Quốc), Tào Thực thương một người con gái đẹp (sách không cho biết tên, chỉ ghi là Chân thị. Xem thêm chú thích 2) mà Tào Tháo có ý muốn tự nạp, về sau lại cưới cho Tào Phi. Khi người yêu dấu mất, Tào Thực mộng thấy gặp lại Chân thị ở bên bờ Lạc thuỷ, và nàng đã tặng cho ông một chiếc gối. Khi tỉnh giấc, thiên tình sử ấy được Tào Thực tả lâm ly trong bài
Cảm Chân phú. (3)
Năm 220, Tào Tháo mất, Tào Phi được thừa kế địa vị của cha, và đã ép Hán Hiến Đế (189-220) thoái vị và tự xưng là hoàng đế nước Nguỵ (hay Tào Nguỵ).
Tào Phi và con là Tào Duệ (206-239) kiếm đủ cách bức hại Tào Thực, như: giết mất “cánh tay” của Tào Thực là Đinh Nghi, Đinh Dực, chỉ phong ông tước hầu (Bình Nguyên hầu), bị buộc phải rời kinh đô...
Về sau, tuy được mang tước vương (Đông A vương, Trần vương), nhưng trong khoảng thời gian hơn mười năm dài, ông bị thuyên chuyển sáu lần và cuộc sống chẳng khác gì người tù bị giam lỏng.
Cũng theo Dịch Quân Tả, thì “Tội nghiệp Tào Thực phải chạy ngược chạy xuôi, lo buồn tiều tuỵ, không có được một ngày yên tĩnh, nghỉ ngơi, và ông chết trong sự uất hận đó khi tuổi vừa 40.” (4)
Tào Thực mất có để lai
Trần Tư Vương tập, gồm khoảng 80 bài thơ; hơn 40 bài từ, phú, tản văn và có thể làm hai thời kỳ:
- Buổi đầu, thơ Tào Thực thể hiện chí khí tiến thủ, khát vọng lập công như:
Đông chinh phú (Bài phú chinh phạt phía Đông, tức Đông Ngô),
Chinh Thục luận (Luận về việc đánh nước Thục)...
- Ở thời kỳ sau, vì bị anh và cháu chèn ép, nên thơ ông có chuyển biến rõ rệt. Thơ trở nên u uất bi thương, như:
Dã điền hoàng tước hành (Bài hành về con sẻ vàng ngoài cánh đồng),
Dao tước phú (Bài phú về loài chim cắt),
Hu ta thiên (Thiên tự than thân), nhưng tiêu biểu nhất là bài
Tặng Bạch Mã vương Bưu 贈白馬王彪...
Tuy nhiên, do cảnh sống mà ông cũng có được một số tác phẩm phản ảnh được ít nhiều nỗi khổ của nhân dân trong cơn ly loạn, nhất là nỗi đau đớn của những người phụ nữ bất hạnh, như
Khuê tình (Tâm tình chốn phòng khuê),
Khí phụ thi (Bài thơ về người vợ bị bỏ rơi),
Thất ai thi (Bảy nổi buồn than),...
GS. Nguyễn Khắc Phi đánh giá: “Thơ Tào Thực có số lượng khá nhiều, nghệ thuật khá cao, ngôn từ điêu luyện, phong vị dân ca đậm đà, song nội dung không sâu sắc bằng những bài thơ tiêu biểu của một số thi nhân cùng thời, như Trần Lâm (?-217), Vương Xán (177-217) và Thái Diễm (177-?)... có một vị trí nhất định trong sự phát triển của lịch sử văn học Trung Quốc. Đó là tia hồi quang của một giai đoạn lịch sử đầy biến động khi những phe phái quân phiệt xâu xé nhau trên cái nền sụp đổ của triều Hán, gây cho nhân dân Trung Quốc biết bao thảm hoạ.”
Ngoài ra, Tào Thực còn là một trong những người đầu tiên biết học tập dân ca một cách sáng tạo. Nhờ ông, thơ ngũ ngôn Trung Quốc đã phát triển đến độ thành thục.
Bàn về quan niệm văn chương của Tào Thực & Tào Phi, học giả Nguyễn Hiến Lê viết: “Tào Phi và Tào Thực, là hai anh em ruột mà tính tình và đời sống trái nhau hẳn. Tào Phi làm vua chỉ cho văn chương mới là sự nghiệp lớn, đáng lưu truyền lại thiên thu; còn phú quí, công danh hễ chết là hết.”
Tào Thực, ngược lại, cho văn chương là nghề mọn mà sự lập công mới đáng trọng. Trong một lá thư gửi bạn, ông thố lộ nỗi lòng, đại ý nói: “Tôi tuy bạc đức, cũng gắng sức giúp nước, để ân huệ cho dân, chứ không muốn lấy công việc bút mực làm công lao, lấy từ phú làm hơn người”.
Mặc dù “cho văn chương là nghề mọn”, nhưng cũng theo Nguyễn Hiến Lê thì “Tào Thực xứng đáng là đệ nhất thi nhân trong hai đời Tần, Hán và là người mở đường cho lối thơ diễm lệ đời Lục Triều (5). Thơ của ông đặc sắc vì lời rất điêu luyện, có nhạc, có đối mà vẫn tự nhiên, đủ văn vẻ lẫn chất phác.”
Danh sĩ Tạ Linh Vận (6) thời Đông Tấn cũng hết sức khen ngợi: “Văn chương trong thiên hạ có cà thảy một thạch (tức 10 đấu), riêng Tử Kiến (Tào Thực) đã chiếm hết 8 rồi!...”
Giới thiệu tác phẩm:Tặng Bạch Mã vương BưuTháng Năm 223, Tào Thực cùng Tào Bưu (khác mẹ) và Tào Chương (cùng mẹ) vào triều. Đến Lạc Dương, Tào Chương bị chết một cách ám muội. Lúc trên đường đi về, hai anh em Tào Thực, Tào Bưu lại bị quan lại đi theo tìm cách hãm hại, không cho ở cùng một chỗ. Tào Thực phẫn uất viết bài thơ này tặng Tào Bưu trước khi chia tay.
Bài thơ gồm bảy đoạn. Hai đoạn đầu nói lên sự vất vả dọc đường sau khi rời dòng Lạc Thuỷ và phần nào hé lộ nỗi niềm bi phẫn. Đoạn ba nói lên ý chính tức những điều ông quá bức xúc vì bị cắt chia tình cốt nhục và bị chèn ép về chính trị.
Trên càng xe quạ réo,
Đầy đường sói nhởn nhơ.
Nhặng làm lẫn đen trắng,
Nghe dèm thân hoá sơ.
Đoạn bốn tả cảnh thu buồn bã. Đoạn năm thuật lại cái chết của Tào Chương và nêu lên dự cảm về kết cục bi đát của những người thân còn lại. Đoạn sáu, mở đầu bằng những lời động viên Tào Bưu (“Trượng phu chí bốn biển. Ngàn dặm cũng như gần”) nhưng kết thúc vẫn là những vần thơ chứa chan đầy nước mắt. Đoạn cuối nói lên nỗi lòng lúc chia tay và dự đoán khả năng “ly biệt mãi mãi”.
GS. Nguyễn Khắc Phi nhận xét: “Tuy chỉ đề cập đến những bất hạnh cá nhân, nhưng bài thơ cũng cho ta thấy một số mặt trong các mối quan hệ xã hội dưới thời phong kiến ở Trung Quốc, do đó nó vẫn có giá trị hiện thực nhất định. Bài này lời lẽ chân thành, hình tượng sinh động, tự sự kết hợp nhuần nhuyễn với trữ tình, tình hoà với cảnh...”
Thất ai thiỞ Thất ai thi (Bảy nổi buồn than), tác giả mượn tâm trạng của một người đàn bà thương chồng, nhưng bị chồng phụ bạc để nói lên tâm trạng đau khổ của mình.
...Chàng như bụi trên đường,
Thiếp như bùn dưới nước.
Chìm nổi đã khác nhau,
Hoan hợp bao giờ được?
Nguyện làm gió tây nam,
Xa thổi vào lòng chàng,
Lòng chàng như chẳng mở,
Tiện thiếp, biết nhờ ai?
Dã điền hoàng tước hành (Bài hành về con sẻ vàng ngoài cánh đồng)Tác giả làm để than thở cho thân phận bị giam lỏng của mình (tự ví với con hoàng tước bị mắc lưới).
Cây cao nhiều gió thảm,
Biển động sóng ào ào,
Kiếm sắc tay chẳng có,
Nhiều bạn ích gì đâu?
Không thấy tước trong giậu,
Sợ diều lỡ đâm vào,
Chủ lưới mừng thấy tước,
Mình thấy tước mà rầu.
Vung kiếm chém đứt lưới,
Hoàng tước được bay cao.
Bay cao sát trời xanh,
Đáp xuống cảm ơn ta.
Thất bộ thiSau khi Tào Phi lên ngôi, muốn loại trừ Tào Thực, một lần giữa triều, nhà vua lấy đầu đề “Anh em” (nhưng trong bài không được nói đến hai tiếng “anh, em”) bắt Tào Thực bước bảy bước, phải làm xong bài thơ, nếu không sẽ bị tội. Và Tào Thực, vừa rơi nước mắt vừa đọc:
Chử đậu nhiên đậu cơ,
Đậu tại phù trung khấp.
Bổn thị đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp.
Dịch:
Nấu đậu bằng dây đậu,
Đậu ở trong nồi khóc.
Rằng cùng một gốc sinh,
Đốt nhau sao mà gấp!
Dịch Quân Tả có lời phê: Tào Phi là một người tàn ác thế mà khi đọc xong bài thơ trên cũng không khỏi không cảm động. Nhờ thế mà Tào Thực thoát chết.
*
Nói gọn, Văn học Kiến An, ba cha con là Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực, làm lĩnh tụ trên thi đàn. Tháo có giọng trầm hùng. Phi thì sầu, nhã. Thực, đa tài hơn cả; thơ vừa diễm lệ, vừa lâm ly và cao kỳ.
Đến năm 226, Tào Phi và Tào Thực đều đã chết hết, văn đàn rực rỡ thời Kiến An cũng rã tan theo.
(1) Người gái đẹp này tên họ Chân, không biết tên, sử gọi là Chân thị. Trước là vợ của Viên Hy (con trai Viên Thiệu). Sau khi Tào Tháo đánh bại được cha con Viên Thiệu, Tào Phi đã cưới Chân thị, làm vợ. Chân thị sinh ra Tào Duệ, chính là người kế nghiệp Tào Phi (Nguỵ Minh đế). Khi Tào Phi lên ngôi hoàng đế đã sủng ái Quách thị, Chân thị bị buộc phải tự vẫn.
(2) Thời Kiến An (196-220): Kiến An là niên hiệu vua Hán Hiến Đế, Trung Quốc. Đây là thời kỳ Hán mạt, đất nước lại lâm cảnh hỗn loạn, dân gian lại chịu vô vàn khốn khổ. Và văn học ở thời Kiến An (gọi tắt là Văn học Kiến An) chính là chiếc cầu nối tiếp giữa văn học thời Lưỡng Hán (Tây Hán và Đông Hán) và văn học thời Lục triều. Ngoài ba cha con Tào Tháo, có bảy người nổi tiếng gọi là Kiến An thất tử, gồm: Khổng Dung, Nguyên Vũ, Trần Lâm, Từ Cán, Ứng Dương (hay Ưng Sướng, theo Dịch Quân Tả, sách ghi bên dưới), Lưu Trinh và Vương Xán.
(3) Cảm Chân phú, về sau Tào Phi (Tào Nguỵ Minh Đế) đổi tên lại là Lạc thần phú tức bài phú về nữ thần sông Lạc. Sau khi trích một đoạn mô tả vẽ đẹp của nữ thần sông Lạc, Dịch Quân Tả kèm lời khen: “Thực là một bức hoạ sống động, vẽ lên được nét thanh tú của một mỹ nữ. văn thể và tự cú được xem là một sự giải phóng của thể Hán phú. Nếu không phải là Tào Thực, một người có tài múa bát đẩu, thì làm sao có thể múa bút một cách bay bướm như thế được!”
(4) Từ điển Văn học (bộ mới) chép: “Do ông thường xuyên bị người theo dõi, giám sát, đất phong bị thay đổi luôn, bạn bè thân tín bị giết hại dần, nên cuối cùng ông phẫn uất quá, mang bệnh mà chết ở tuổi 40” (Nxb Thế giới, 2004, tr. 1600). GS. Trịnh Vân Thanh viết: “Tào Thực biết anh không ưa mình, uống rượu li bì, sanh bịnh rồi mất” (Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển, Nxb Hồn thiêng, Sài Gòn, 1966, tr. 1213).
(5) Lục triều: Sử gọi các triều đại Đông Ngô, Đông Tấn, Tống (hay Lưu Tống), Tề, Lương, Trần; kể từ năm 222 đến năm 589 ở Giang Nam là Lục triều.
(6) Tạ Linh Vận, người Dương Hạ, Trần Quận (nay thuộc Thái Khang, Hà Nam), sống ở Cối Kê (nay thuộc Thiệu Hưng, Chiết Giang), là dòng dõi của đại gia tộc Tể tướng Tạ Huyền. Năm Nguyên Gia thứ 10 (433) do mưu phản nên Tạ Linh Vận bị xử tội chết. Ông là thi gia tả cảnh sông núi trứ danh đời Tấn Tống. Tác phẩm có Tạ Khang Lạc tập.
Tài liệu tham khảo chính:
- Văn học sử Trung Quốc tập I, Dịch Quân Tả biên soạn, GS. Huỳnh Minh Đức dịch. (Nxb Trẻ, 1992).
- Đại cương Văn học sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê biên soạn (Nxb Trẻ, 1997)
- Từ điển Văn học (bộ mới. Nxb Thế giới, 2004)