Có một lần, tôi thật sự xúc động khi từ phòng mình bước ra hành lang trong đêm, trời đất bất ngờ hiển sáng, thì ra đó là lúc vầng trăng vừa qua phút mây che. Tôi nghĩ bụng, suýt kêu lên: “Bất ngờ trăng!”. Thật ra thì trăng hàng ngàn năm vẫn vậy, có gì bất ngờ đâu, chẳng qua là tại vì ta không quan tâm đó thôi. Đọc Cõi lạ của Thu Nguyệt, tôi có một tâm trạng cũng gần như thế. Những tập thơ trước đây như Điều thật và Ngộ cũng có những điều làm tôi nhớ, nhưng phải đến Cõi lạ mới thật sự làm tôi thấy “bất ngờ trăng”.

Nhà thơ Ý Nhi trong một bàn tròn thơ đã nói rằng: “Hãy xốc lên từ hàng trăm, hàng hàng tập thơ, nhất định sẽ có tập thơ hay, chí ít cũng có năm ba bài hay”. Điều ấy thật có lý và tình nữa, bởi không việc gì mà chúng ta không rộng lòng ra đón lấy những thông điệp tốt đẹp của những người xung quanh thật lòng hảo tâm muốn gởi đến cho mình.

Thu Nguyệt không phải đi tìm chất liệu cho thơ mình ở đâu xa, nó có sẵn trong máu, trong hồn chị. Đó là một quê hương cụ thể, một làng quê ở Đồng Tháp Mười - miệt vườn riêng của chị - có những cánh đồng, sông nước, cỏ hoa, cây trái, con người của vùng đất này và cả tiếng chuông chùa nữa.

Quê hương, tuổi thơ của Thu Nguyệt có vui thì cũng là cái vui man mác. Quê hương nặng lòng chị lắm, nặng buồn chị lắm, ân tình chị lắm!
Đồng ruộng quê mình làm bằng dấu chân ba
Từ đấy cần cù mọc lên ngọn lúa
Con lớn lên trên cánh đồng ngậm sữa
Đứng nơi nào cũng trên dấu chân ba
(Dấu chân Ba - Điều thật)
Cho nên khi xa nhà, xa quê, lúc nào chị cũng quay lòng mình về quê hương với nỗi nhớ rỉ rả mà thấm đẫm:
Bất ngờ tiếng chim rơi cuối phố
Điếng lòng trong trẻo tiếng quê xa
Thành thị ta ngồi nghe nước mắt
Tí tách rơi tuôn nỗi nhớ nhà...
(Nhớ nhà - Ngộ)
Yêu và gắn bó với quê hương, Thu Nguyệt luôn khẳng định mình với mọi người điều đó khi chị 2 lần (trong hai tập thơ Điều thậtNgộ) nhắc lại rằng: “Tôi là con bé nhà quê”; và chị thành thật thú nhận:
Thị thành dù giáp dấu chân
Nằm mơ vẫn nhớ lời dân miệt đồng
(Bến lở - Ngộ)
Thơ Thu Nguyệt là những sự trăn trở, mà đã là trăn trở thì đa phần là buồn. Cái sự buồn có nhiều cấp độ khác nhau, cái buồn ở Thu Nguyệt là cái buồn man mác, cái buồn của sự hiểu rõ mình, rõ việc:
Tháng ngày nhẹ hững đi qua
Những điều gần đó rồi xa...thật thường!
(Sẽ đến rồi qua - Cõi lạ)
Ước gì ta được buồn như đá
Nước giỡn mà ta khuyết thật thà
(Ước - Cõi lạ)
Chị suy tư phiền muộn nhẹ nhàng, trầm tĩnh về cái có, không, ở và về của kiếp người:
Kiếp phù du, giấc phù hoa
Lấy ai ru đá giùm ta sau này?!
Thôi thì đá ngủ cho say
Để rồi thức giấc ngày mai một mình
(Ru đá - Cõi lạ)
Nghe lòng rung một hồi chuông
Tiếng vang như có lại dường như không
(Chùa xa - Cõi lạ)
Buồn như thứ “gien” có sẵn trong máu, trong hồn người thi sĩ, cứ phải “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu). Thu Nguyệt biết tấn công vào nỗi buồn rồi lại dỗ dành, hoá giải nó một cách hết sức tỉnh táo và tự tin:
Giá được làm cỏ dại lan man
Vơ vẩn sống, phất phơ đời bên tháp
Vui với nắng sương, mưa trùm gió đập
Lặng lẽ đâm chồi, ta tự trùng tu
(Tháp Chàm - Cõi lạ)
Hoa vô tư nở bên đời
Ta vô tình lại học đòi xót xa
(So đũa hoa - Cõi lạ)
Trong thơ Thu Nguyệt tôi hay gặp những từ ngữ bình thường giản dị, nhưng được tác giả đặt đúng chỗ đến nỗi tôi nghĩ rằng khó có thể thay thế được bằng những từ ngữ dù văn hoa hơn. Ví dụ, khi đứng trên một bãi cát ở biển, bàn chân ta sẽ không có cảm giác như ở trên đất, và cái cảm giác ấy được Thu Nguyệt gọi tên thật đúng:
Nghe nước mắt hành tinh oà lên má
Và nao lòng nghe cát rã quanh chân
(Với biển - Ngộ)
Cũng từ rã ấy với một bông hoa khi tàn rơi:
Gói hương hoa trả cho trời
Cánh hoa rụng xuống mùa tôi rã buồn!
(Hạch thảo - Ngộ)
Hay khi nhớ đến Hàn Mặc Tử:
Tôi bây giờ trước biển lặng thinh
Nhặt hòn đá bần thần không dám ném
(Trước biển Qui Nhơn - Cõi lạ)
Hoặc khi nói về những đứa trẻ con trong ngày Tết:
Hồi xưa Tết thiệt là vui

....
Đêm giao thừa ngủ thấy thương
Anh đem pháo đốt bên giường mới hay
(Tết xưa - Cõi lạ)
Thu Nguyệt tin cậy, nương nhờ vào thơ truyền thống. Chị bước tới bằng nhịp điệu “đánh sáng” lời ăn tiếng nói dân gian, chuyển đổi, đặt để từ ngữ khéo léo, điêu luyện:
Tôi là con bé nhà quê
Quanh đâu cũng quẩn về bến sông
(Tản mạn - Điều thật)
Qua mùa, ngọc rớt vàng rơi
Văn chương lả tả con ngoi về nhà
(Cỏ dại - Ngộ)
Cởi giày ngồi phịch bến sông
Xoè ra mười ngón tay không mà cười
(Tự bạch - Ngộ)
Bóng mình dòm kỹ thấy khơi khơi
(Sự mình - Cõi lạ)
Ta lêu bêu không bạn không thù
Nói cười răm rắp
Nghĩa tình xâm xấp
Không đầy cũng chẳng vơi

...
Đêm qua trời chuyển thu rồi
Lá đâu một chiếc bỗng rơi vào phòng

...
Giọt buồn nhễu hạt long tong
Vậy mà cứ tưởng là không...
Thiệt tình!
(Nhà mình - Cõi lạ)
Tôi cứ đọc thầm “Thiệt... tình!” và thú vị khoái chí cười một mình. Thiệt tình tưởng là không..., nghe như có thiếng thở dài trách móc nhẹ nhàng cái giọt nhỏ long tong ấy vậy. Tôi nghe như chính Thu Nguyệt nói (mặt mày hồn nhiên, tươi rói): “Vậy mà mình cứ tưởng là không chớ ta!”, và chị cười, nhưng không phải là không buồn!

Không khí trong thơ Thu Nguyệt là không khí của sự tĩnh lặng, tao nhã. Hồn thơ của Thu Nguyệt là hồn thơ đa đoan phiền muộn mà trong trẻo, giản dị mà thông minh, trầm tích mà ngời sáng...

Có hay không sự rung động mãnh liệt chân thành? Thiếu điều này sẽ thiếu cuộc đời trong thơ, cuộc đời sẽ thiếu thơ. Thu Nguyệt im lặng, thơ chị trả lời: Có!

Thơ Thu Nguyệt không mới nhưng không cũ. Điều quan trọng là khi đọc những vần thơ ấy ta không thể thấy bình thường.

Đọc Thu Nguyệt, đặc biệt là Cõi lạ, tôi cảm và phục.

Chim Trắng

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]