Người đời thường biết đến Nguyễn Bỉnh Khiêm dưới danh hiệu Trạng Trình (1), có những bài “sấm” trứ danh đoán những việc xảy ra tới hằng trăm năm sau khi ông mất, hoặc là một nhà thơ ẩn dật cầu nhàn sau khi chán nản trước công danh. Tuy là một người tinh thông dịch số, nhưng Bạch Vân cư sĩ (Người ẩn sĩ ở am Mây Trắng) không phải chỉ là một tiên tri như nhiều người lầm tưởng, ông cũng chẳng phải là một người bi quan hưởng nhàn của Đạo gia. Thực ra, ông là một kẻ sĩ với lòng yêu nước thương nòi, cả đời bận tâm đến sự an nguy hạnh phúc của dân hơn cả chính bản thân. Nơi ông, văn cũng như người, đã biểu lộ một tâm hồn trong sáng thanh cao, với đạo lý rạng ngời của Nho gia kết hợp cùng vẻ đẹp của truyền thống Việt. Qua cuộc đời và tác phẩm, chúng ta cùng tìm hiểu một con người mà “bóng mát đạo đức” đã trùm lên gần cả một thế kỷ đau thương của quê hương và dân tộc: Thời Nam Bắc triều, sẽ mở màn cho cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh.
I. ƯỚC MỘT TÔI HIỀN, CHÚA THÁNH MINH (2)Nguyễn bỉnh Khiêm chào đời vào những năm thịnh đạt cuối cùng của triều vua Lê Thánh Tông. Sau đó là thời suy sụp của nhà Hậu Lê, với những vị vua yếu đuối ăn chơi, hoặc bất tài, hung bạo. Trong triều, quyền lực đã lần lượt rơi vào tay các dũng tướng như Trịnh Duy Sản, Trịnh Tuy, Trần Chân, Nguyễn Hoằng Du... Ngoài xã hội thì giặc giã nổi lên, dân chúng khổ sở, lầm than. Cho tới năm 1527, Mạc Đăng Dung đã thanh toán hầu hết các thế lực bên ngoài, ép vua Lê nhường ngôi, lập ra triều đại mới: nhà Mạc.
Kẻ sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chào đời và lớn lên trong hoàn cảnh đó. Năm 1534, ông ứng thi và đậu giải nguyên dưới triều vị vua xuất sắc nhất của nhà Mạc: Mạc Đăng Doanh. Những người không hiểu rõ chữ Trung của Nho giáo, câu nệ theo học thuyết Tống Nho của Trình, Chu (3); đã cho rằng việc ông phò nhà Mạc là một lầm lẫn: vì họ Mạc là phản thần tiếm vị vua Lê, phò tá kẻ “soán nguỵ” thì còn đâu là trung nghĩa? Nhất là khi ông là người tinh thông lý số, biết luật thiên địa tuần hoàn và mệnh Trời sẽ trở lại với nhà Lê, sao vì chút công danh mà không giữ tròn tiết tháo?
Thật ra quan niệm “Tôi trung không thờ hai chủ” bắt ngờ uồn từ học thuyết Tống Nho nghiệt ngã, đã được các vua chúa của ta vào thời Lê Nguyễn ca ngợi, tiếng là để giữ vững đạo lý kỷ cương, nhưng thực ra là để củng cố ngôi vị của mình và của dòng họ. Phù trợ một dòng họ chính thống để dân chúng chịu khổ vì sưu cao thuế nặng, đất nước loạn ly vì binh đao giặc cướp. Hay làm một cuộc đổi đời như Hồ Quý Ly đời Trần, Mạc Đăng Dung đời Hậu Lê, hầu đem lại thái bình, no ấm cho dân? Chữ “Trung”, nếu hiểu theo đúng nghĩa của Khổng học lúc ban đầu, hẳn phải trở về với thuyết “Chính Danh” của Khổng Tử, để các tầng lớp xã hội được” định phận”. Áp dụng vào cuộc đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng vậy, ông thật có lý lúc ra giúp nước khi gặp vua hiền, hơn là vào Nam theo mấy ông tướng như Trịnh Duy Sản, Nguyễn Hoằng Dụ để phò vua Lê trên hư vị, sau đó là tranh chấp quyền hành. Hơn nữa, nào ông đã nhận gì bỗng lộc của nhà Lê mà bắt ông phải trung trinh giữ tròn tiết tháo? Vả lại, ông là người đã quan sát thời cuộc và suy nghĩ kỹ càng trước khi dấn thân vào hoạn lộ. Ông đã bỏ qua sáu khoa thi thời nhà Lê suy đồi (18 năm). Sau này, dù nhà Mạc đã có những cải cách quan trọng lúc ban đầu, nhưng ông cũng bỏ thêm hai khoa thi nữa để chờ đợi và suy nghĩ, 6 năm là một thời gian dài để những người lên án ông là bộp chộp hoặc say “mộng công hầu”, phải làm thinh. Chúng ta cùng giở lại “Đại Việt Sử Ký” của nhà Lê, tuy đối địch với nhà Mạc, nhưng cũng thành tâm ca ngợi những năm thịnh trị của thời Đại Chính (4): “Nhà Mạc xuống lệnh cấm các xứ trong ngoài dân chúng không được cầm giáo mác, dao nhọn, binh khí đi đường, ai trái lệnh thì bị bắt. Từ đó kẻ buôn bán hành nhân đều đi lại tay không. Đêm không trộm cướp. Người ta đuổi trâu bò ra đồng chẳng cần lùa về, một tháng kiểm điểm một lần, có khi đẻ con ra thêm thì chẳng biết súc vật nhà nào nữa. Trong mười năm liền đi đường không lượm đồ rơi, cửa ngoài không cần đóng kín” (5)... Đủ thấy sự hợp lý của Nguyễn Bỉnh Khiêm khi ra hợp tác với Tân triều. “Ước một tôi hiền chúa thánh minh”, tưởng như rồng đã gặp mây, hoạn lộ thênh thang, ông dấn thân vào triều đình để giúp dân giúp nước.
II. CÔNG DANH HAI CHỮ ĐÃ NHƯỜNG NGƯỜINăm Đại Chính thứ sáu, ông đỗ trạng nguyên và được bổ làm Đông Các hiệu thư, chuyên soạn thảo, sửa chữa các văn thư triều đình. Ông đã sung sướng khi thấy vua nghe lời mình và các quan đồng liêu, sửa lại Quốc Tử Giám và nhà Thái Học, củng cố việc học, ban hành giáo hoá; nhất là chấn chỉnh nhân tâm và đào tạo hiền tài, đó là cái gốc của quốc gia trong mọi thời đại. Dần dần, ông được bổ vào chức Hình bộ Tả thị lang coi về hình luật; Ở đây, ông bắt đầu vấp phải những tranh danh đoạt lợi của người đời, không được hoàn toàn hành xử theo phép nước cho ích quốc lợi dân. Thấy vậy, nhà vua đưa ông sang làm Lại bộ Tả thị lang, đây là nơi bổ nhiệm các quan lại, một chỗ ngồi béo bở cho những người kiếm lợi lộc, nhưng cũng là nơi làm đau lòng những con người chân chính đầy trách nhiệm nhưng lại không đủ quyền hành như ông. Đang lúc đó, thì vua Mạc Đăng Doanh lại qua đời khi tuổi vừa 41 (năm 1540), người “tôi trung” thật bàng hoàng khi mất chỗ dựa để thực thi hoài bão của mình. Năm sau, tới lượt thượng hoàng Mạc Đăng Dung cũng lìa cõi thế. Mạc Phúc Hải lên ngôi, lại rơi vào vết xe của triều đại cũ: bất tài, nhu nhược, trọng đãi gian thần. Triều Mạc bắt đầu có dấu hiệu suy vong.
Ở đây, chúng ta thấy tâm trạng day dứt của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Một đàng “Nghĩa cả luống quên ơn chúa cũ”, muốn ở lại triều đình để giúp dân giúp nước; đàng khác lại bất lực trước bè lũ gian thần, “Thề xưa nỡ phụ nước non xanh”, không làm được gì để “tế thế an dân”. Ông muốn về quy ẩn để lòng không vướng bợn nhơ, giáo hoá dân chúng, nêu cao đạo lý thánh hiền. Trách ông không làm được gì khi còn tại vị ư? Thật ra trong suốt 8 năm làm quan,ông chưa bao giờ có đủ thực quyền để làm một việc gì to lớn cả, chức Tả bộ Lại thị lang chỉ là phụ tá cho một Thượng thư đứng đầu một bộ. Nếu là người an phận cầu nhàn, thì ông đã “mũ ni che tai”, mượn câu “minh triết bảo thân” để yên lặng hưởng nhàn; nhưng như thế thì còn gì là khí tiết của Nho gia,còn gì là trách nhiệm của sĩ phu vì dân vì nước. Và ông đã can đảm viết sớ tâu vua xin chém đầu 18 nịnh thần. Tuy trọng nể ông là người ngay thẳng, nhưng vua không nghe, vì những người ông đòi chém là những sủng thần trong triều. Thế là:
Quân tử ngẫm xem nơi xuất xứ
Aét là khôn hết cả hoà hai.
Khi Xuất (ở triều đình) thì ông lập công danh, lo việc chính sự. Khi Xử (về ở ẩn) thì giữ tròn khí tiết, làm việc nghĩa cho đời, không lo lắng bon chen, lấy thiên nhiên làm bạn, dân chúng làm người thân, an vui trong hiện tại. Khi làm quan cũng như làm dân, ông luôn có tư cách trong sạch, thái độ phân minh, luôn lo lắng cho đời và cho người.
III. HÃY ĐEM BÓNG MÁT CHE DÂN CHÚNGVề quê, ông đã nghĩ ngay đến dân làng: dân là “gốc” của quốc gia, phải làm cho gốc ấy được luôn vững bền. Ông đã lập ra “Trung Tân quán” để dạy dỗ dân, và dựng am Bạch Vân làm nơi ở, cũng là nơi sáng tác những bài thơ giáo huấn, răn đời. Tuy vui thú với “Một mai, một cuốc, một cần câu”, “thản nhiên vô sự lòng không vướng”, nhưng lại “Tân Quán ngày đêm mở cửa hoài” để sống gần và sống có ích cho dân. Những người mà càng gần gũi thì ông càng yêu mến; vì ông đã thấy rõ rằng: những tranh giành danh lợi, suy đồi phong hoá, chỉ có ở tầng lớp quan quyền giàu có, còn đa số dân chúng thì vẫn sống lành mạnh với truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, ông vẫn khuyên dân đừng bắt chước những người quyền thế, không biết nghĩa nhân, chỉ ưa điều lợi, là điều dễ đưa đến sự hỗn loạn. Ông giảng dạy, làm thơ, nói về đạo lý, mà chính là phản đối những phe phái đang tranh giành lợi lộc trong triều, đưa quốc gia đến suy vong. Điểm đặc sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm là những bài thơ về nhân tình thế thái, đề cao đạo lý thánh hiền, có tính giáo huấn rất cao:
Ông khuyên con người, dù giàu dù nghèo, nên sống khiêm tốn:
Dầu sang trọng, cũng do Trời
Ta có chi, kiêu với ai?
Đừng quá quan trọng cái được cái mất ở đời:
Có chẳng giữ giàng, không chẳng luỵ
Được không háo hức, mất không lo
Và cũng không nên quá tham lam
Đủ no hay vậy, xin thong thả
Sục sạo làm chi, luống nhọc nhằn
Nếu đã tham hơn thì phải thiệt
Hãy ghi lời ấy để mà răn.
Trong xã hội, người mua kẻ bán, người giàu kẻ nghèo, nên nương nhau mà sống:
Kẻ khó thường làm ích kẻ giầu
Ở thì phải gẫm, biết nhường nhau
Bán kia chẳn nỡ mua cho rẻ
Vay nọ, xin đừng lấy lãi đau
Hàng xóm láng giềng, nên ở với nhau cho thân thiện, đạo nghĩa:
Hào hoa tụ hội, nhà liền vách
Nhân hậu theo lề tục tốt lành
Nhờ vậy, sẽ có được tình xóm làng đẹp đẽ:
Chọn được lòng nhân tình đẹp tốt
Hướng về xóm đức cảnh vui vầy
Hằng năm bô lão vui hương ẩm
Cười nói tình quê, tay nắm tay
Ngoài xã hội đã vậy, trong gia đình thì phải kính trên nhường dưới, mới mong có được cuộc sống hạnh phúc vui tươi. Đối với cha mẹ thì:
Hay khi ấm mát, trọn cung dưỡng
Siêng năng sớm tối, việc hỏi han
Dẫu có giận hờn, càng kính thuận
Vâng lời sai khiến, dám phàn nàn
Và nàng dâu thì phải
Yêu nể, càng giữ gìn lễ phép
Bị giận hờn, cũng chớ thẫn thờ
Về phần cha mẹ nên
Quét cửa Nho, chờ khách đến
Trồng cây đức, để con ăn
Còn anh em thì phải nhường nhịn nhau
Chân tay gẫm lại, ai hơn nữa
Tranh cạnh làm chi, lỗi phép nhà
Chồng đối với vợ thì
Lỗi nhỏ, thứ cho đừng nên giận
Tình thân, nghĩ đến cũng nên thương
Ngay với đầy tớ, ông cũng có lời khuyên
Đạo làm đầy tớ, ở cho ngay
Mấy tơ hào cũng chẳng riêng tây
Tóm lại, trên cũng như dưới, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, mỗi người phải giữ danh phận của mình:
Tôi hết lòng chầu chực chúa
Con hằng thảo, kính thờ cha
Anh em chớ nỡ điều hơn thiệt
Bầu bạn cho hay nết thực thà.
IV. THIÊN HẠ CHẲNG TƯ, ẤY CỦA CHUNGMột điểm son trong cuộc đời của Trạng Trình, là nghĩ tới tiền đồ đất nước khi đào tại một thế hệ tương lai. Học trò của ông là những văn thần võ tướng nổi tiếng thời bấy giờ: Trạng nguyên Giáp Hải, trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, danh tướng Nguyễn Quyện, rồi Lương hữu Khánh, Nguyễn Dữ, Đinh Thì Trung. Và ở đây, khi đào tạo nhân tài cho đất nước, chúng ta thấy “cái hay” trong sự giáo dục của Nguyễn Bỉnh Khiêm: Tuy ông làm quan với nhà Mạc, nhưng Phùng Khắc Khoan và Lương Hữu Khánh thì vào Nam theo vua Lê, Nguyễn Dữ lại ở ẩn như thầy và viết ra bộ
Truyền kỳ mạn lục nổi tiếng. Đành rằng ông là người thầy luôn tôn trọng chí hướng của học trò, nhưng ông còn có cái nhìn xa và rộng của một người yêu dân yêu nước, đôi khi vượt trên cả cái nhìn của Nho gia.
Theo Nguyễn Bỉnh Khiêm, sự loạn lạc binh đao đã làm cho dân chúng khổ sở lầm than, nhà tan cửa nát. Những cảnh vợ xa chồng, con mất cha, với “núi xương sông máu”, chắc đã tạo nhiều ấn tượng và suy nghĩ nơi tâm hồn nhạy cảm của ông, từ đó phát sinh một quan niệm quốc gia chân chính: đất nước không là của riêng ai, hay của một dòng họ nào, mà là của toàn dân. Tại sao cứ phải hẹp hòi với những chữ “trung quân”, “chính thống”, để gây cảnh “binh đao đầy mắt khổ chưa thôi” cho dân chúng. Đã đành rằng “Sự thế cuộc cờ đâu miễn được”, nhưng rõ ràng như ông thấy” lòng người: sông biển cạn mà sâu”, chiến tranh trước tiên bắt nguồn ở tự lòng người, những người muốn ngôi cao quyền trọng. Chính vì vậy, ông đã để cho các học trò của mình tự do tìm chí hướng: phù trợ “nhà” nào cũng được, miễn là ích quốc lợi dân, dùng tài kinh bang tế thế mà đem thái bình thịnh vượng cho trăm họ. Điều chính yếu là dân, như Mạnh Tử nói: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (6). Đó là đạo lý thánh hiền và cũng là nguyên tắc xử thế cho những người vì dân vì nước. Ngay bản thân ông, tuy đã từng làm quan với nhà Mạc, nhưng chúa Trịnh và chúa Nguyễn cũng cho người đến hỏi ý kiến ông những chuyện quan trọng (xem phụ lục). Có thể ông là người tinh thông dịch số biết chút ít về hậu vận mai sau, nhưng cũng có thể ông là người giỏi tiên đoán thời cuộc dựa vào những biến cố, và nhất là dựa vào tình yêu nước thương nòi. Câu nói “Giữ chùa thờ Phật thì ăn xôi ăn oản” với Trịnh Kiểm, phải chăng phát xuất từ quan niệm hiếu trung của Nho giáo, và muốn tránh cho nước nhà khỏi thêm nạn binh đao, vì giả như Trịnh Kiểm lật vua Lê để chiếm ngôi thì biết đâu lại có “những Trịnh Kiểm” khác sẽ phò vua Lê mà chống lại, tạo thêm hỗn loạn cho nước, đau khổ cho dân? Còn câu khuyên nhủ Nguyễn Hoàng vào Nam dung thân, biết đâu cũng phát sinh từ quan niệm vì dân vì nước: đất Thuận Hoá cùng phương Nam bao la nghìn dặm, sao không đưa dân vào khai khẩn, tạo cuộc sống an lành, mở mang bờ cõi; lại cứ tranh giành miền đất Thanh Nghệ và Bắc Hà với vua Mạc, vua Lê? Gây cảnh “nồi da xáo thịt” cho quê hương, trong nhà lại mang tiếng anh em bất nghĩa! “Một lời yên ba họ, sau trước việc đều thông”, lời ca ngợi của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (đời vua Quang Trung) cả trăm năm sau còn cho thấy tấm lòng của một người muốn đất nước khỏi binh đao, dân được sống ấm no, thanh bình. Ông chẳng ngại dư luận người đời, góp ý cho Mạc, Trịnh, Nguyễn, “nhà” nào cũng được, vì ông không nghĩ tới ngôi nhà của một dòng họ, mà là cả “ngôi nhà” tổ quốc, trong đó dân tộc Việt Nam được cư ngụ thanh bình.
Bốn biển vui theo người đạo đức
Khắp nơi lại thấy cảnh thanh bình
Xưa nay nhân giả là vô địch
Lọ phải khư khư thích chiến tranh.
V. VẰNG VẶC SOI ĐƯỜNG, BẮC ĐẨU KIALà một con người quang minh lỗi lạc: khi gặp minh quân thì ra cứu nước an dân, khi hoàn cảnh không cho phép thì lui về ẩn dật giúp đời; ở triều đình can đảm nói lời trung thực, không kể an nguy bản thân, về quê thì dạy dỗ dân lành, nêu gương đạo đức; làm quan hay dân, giàu hay nghèo, vẫn một lòng thanh thản, an bình. Sở dĩ được như vậy, là vì Nguyễn bỉnh Khiêm đã thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, đã nghiền ngẫm và hoà nhập tư tưởng đó với truyền thống Việt, một truyền thống chuộng hoà bình, yêu lễ nghĩa, trọng điều phải, thương đồng bào. Nhờ đó, ông có thể đứng vững trước sóng gió thời cuộc; được dân chúng, và vua chúa quan quyền kính trọng yêu thương. Đến nỗi khi ông mất, vua nhà Mạc đã cho lập từ đường để thờ và đích tay viết hoành phi trước cổng: “Mạc Triều trạng nguyên tể tướng từ”, dù trong cuộc đời, ông chưa bao giờ làm tể tướng.
Đối với ông, “đạo chẳng ngoài thân”, “đạo chẳng xa người”, nó nằm ngay ở chữ “Nhân”. Trước tiên, con người phải biết sông nhân ái với chính mình: tu thân tích đức, giữ mình trong điều thiện. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, là trật tự mà kẻ sĩ cần phải theo, trong đó “tu thân” đứng hàng đầu. Còn việc giúp người, giúp đời, thì tuy rằng thế thái nhân tình “nhạt như nước ốc bạc như vôi”, nhưng kẻ sĩ nếu có lòng nhân ái thì sẽ sống gần gũi yêu thương mọi người, sẽ vượt trên vinh hoa phú quý để có thể sống “an bần lạc đạo”, sẽ không coi trọng lợi lộc để yêu điều nhân nghĩa, sẽ không câu nệ tiểu tiết để luôn sống phóng khoáng, có thể hi sinh danh dự cá nhân để vì “đại nghĩa diệt thân”.
Nguyễn Bỉnh Khiêm mãi mãi thanh khiết như “Vầng mây trắng”, nhưng lại không ở trên cao xa xôi, mà lại luôn gần gũi bao bọc dân chúng, yêu mến quê hương. Dù ngay trong thời gian ở ẩn, “sống thung dung ưu nhàn trên 40 năm, mà tâm địa chưa từng ngày nào quên đời, lòng lo đời và thương người thế tục thể hiện ra văn thơ”. Ông vẫn lo duy trì đạo đức cho dân, và đào tạo cho đất nước một thế hệ tương lai ưu tú. Quả thật ông là một người “công tuy không trùm thiên hạ nhưng đức có thể sánh với trăng sao”. Chúng ta có thể dùng chính câu thơ của ông để nói về ông rằng:
Chon von đức trọng lâu dài mãi
Vằng vặc soi đường, Bắc Đẩu kia.
“Đạo của thánh nhân từ tiên sinh mà truyền ra, bờ cõi thánh nhân duy tiên sinh là thấu đáo”, lời văn bi thiết của học trò Đinh Thì Trung trong đám tang của ông đã nói lên sự trân trọng đối với một bậc thầy, không chỉ là của đám môn sinh thời bấy giờ hay của dân làng Trung Am, nhưng còn là bậc thầy của mai sau trong đường xử thế. Và ông sẽ mãi mãi là tấm gương trung hậu cho những ai yêu mến quê hương, dân tộc Việt Nam.
PHỤ LỤC I: NHỮNG GIAI THOẠI VỀ TRẠNG TRÌNH1. Giữ chùa Thờ Phật thì ăn xôi ăn oảnNăm 1556, vua Lê Trung Tông mất, lại không có con nối dòng. Thái sư Trịnh Kiểm muốn tự lập làm vua, nhưng còn e ngại, liền bí mật sai sứ giả ra Hải Dương hỏi ý kiến Trạng Trình. Đang bàn với người nhà về việc ruộng nương, ông nói bóng gió: “Năm nay mất mùa, giống lúa không được tốt, lấy lại giống cũ mà trồng”. Rồi ông đi thăm chùa, sứ giả lẽo đẽo theo, gặp chú tiểu đang quét chùa, ông khen: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn xôi ăn oản”. Sứ giả về kể lại chuyện, Trịnh Kiểm hiểu ý nên bỏ ý định soán ngôi, cho người tìm kiếm trong dân gian, gặp được cháu 5 đời của ông Lê Trừ (là anh ruột của vua Lê Lợi), lập lên làm vua, tức vua Lê Anh Tông (1447-1573).
2. Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thânHưng quốc công Nguyễn Kim của nhà Lê chết, binh quyền rơi vào tay con rể là Trịnh Kiểm. Để giữ địa vị, Trịnh Kiểm ngầm mưu hại em vợ là Lãng quận công Nguyễn Uông, người em thứ hai là Đoan quận công Nguyễn Hoàng sợ vạ lây, cho người đi hỏi ý Trạng Trình (năm 1558). Ông vừa tiếp sứ giả, vừa cười chỉ hòn non bộ ngoài sân và nói: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Sau dãy núi Hoành sơn là nơi dung thân muôn đời). Nguyễn Hoàng khi nghe chuyện, hiểu ý, bèn nhờ chị là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin cho mình vào trấn thủ Thuận Hoá. Trịnh Kiểm dâng biểu và vua Lê nghe theo, cho Nguyễn Hoàng vào Nam, từ đó lập nên cơ nghiệp nhà Nguyễn sau này.
3. Đất Cao BằngLúc Trạng Trình bị bệnh nặng, vua Mạc Mậu Hợp sai sứ đến thăm, tiện hỏi chuyện quốc gia. Ông trăn trối: “Sau này nếu quốc gia có biến cố, thì đất Cao Bằng tuy nhỏ, cũng có thể kéo thêm vài đời nữa”. Quả thật 7 năm sau, nhà Mạc mất ngôi (1592), nhưng con cháu chạy lên Cao Bằng là nơi địa thế hiểm trở, “dễ thủ công khó” (7), lại được vua quan nhà Minh che chở, tới thời vua Mạc Kính Vũ (1677) mới mất hẳn.
4. Minh Mạng thập tứNăm vua Minh Mạng thứ 14 (1883), Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ được vua sai đi khai khẩn vùng đất Đông Bắc, vì con sông phải đào sẽ băng qua đền thờ của Trạng, nên ông ra lệnh phá đền. Khi lính tháo xà ngang xuống, thì thấy có mấy câu thơ “tiên tri” của Trạng.
Minh Mạng thập tứ
Thằng Trứ phá đền
Phá đền rồi lại xây đền
Nào ai cướp nước tranh quyền chi ai?
Nguyễn Công Trứ sợ hãi, vội dựng lại đền thờ cũ.
Đây là một truyền thuyết có phần vô lý: Vì đền thờ của Trạng được vua Mạc cho xây sau khi ông mất, làm sao có bút tích của ông được? Vả lại, 150 năm sau, đền thờ bị đổ nát nên được xây lại thành hai toà (1735), cái xà ngang chứa bút tích hoặc vì mục nát, hoặc vì không vừa với kích thước mới của đền, chắc đã không còn.
PHỤ LỤC II: NHỮNG BÀI THƠ HAYThơ cảm húng V (8)
Phù trì xã tắc ngửa nghiêng
Ruổi rong xá chịu ngồi yên phận già
Dân lành cay cực xót xa
Tái sinh cứu khổ ai là cậy trông
Tốn cô vì Chúa dốc công
Định kỳ diệt giặc lấy xong đô kỳ
Đất trời trở lại bình thì
Quán Tân quê cũ, đi về Vân Am
Của nặng hơn người
Đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười
Có của thì hơn hết mọi lời
Trước đến tay không, nào nói hỏi?
Sau vào gánh nặng, lại vui cười
Anh anh, chú chú, mừng hơ hải
Rượu, rượu, chè chè, thết tả tơi!
Người, của, lấy cân ta hử nhắc,
Mới hay rằng của nặng hơn người!
Dĩ hoà vi quý
Ở thế đừng tranh tiếng trượng phu
Làm chi cho có sự đôi co
Đây cậy đây khôn, đây chẳng chịu
Đấy rằng đấy phải, đấy không thua!
Duật nọ hãy còn đua với bạng
Lươn kia hầu dễ kém chi cò
Chữ rằng: “Nhân dĩ hoà vi quý”
Vô sự thì hơn, kẻo phải lo.
Thú nhàn
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn, mặc ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Thế gian biến cải
Thế gian biến cải vũng nên doi (cồn)
Mặn lạt chua cay lẫn ngọt bùi
Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi
Xưa nay đều trọng người chân thật
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi
Ở thế mới hay người bạc ác
Giầu thì tìm đến, khó tìm lui.
Hoài Việt Hoài
(1) Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng), tên là Văn Đạt, sau đổi thành Bỉnh Khiêm (giữ vẹn thái độ khoan hoà, khiêm tốn), tự là Hanh Phu (người hiểu rõ lẽ cùng thông ở đời), hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Về già được học trò tôn làm Tuyết Giang phu tử (người thầy ở bên sông Tuyết). Được gọi là Trạng Trình, vì ông đỗ Trạng nguyên, lại được phong làm Trình Tuyền hầu, và Trình quốc công.
(2) Những chữ in nghiêng trong bài này đều là thơ của Trạng Trình, từ tập thơ Bạch Vân am thi tập (chữ Hán) và “Bạch Vân quốc ngữ Thi” (chữ Nôm). Theo Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú, thơ của Trạng Trình có gần 1000 bài nay đã thất lạc hầu hết.
(3) Tức là Trình Hạo (1032-1085) và Trình Di (1033-1107), là 2 anh em ruột, được người đời gọi là Nhị Trình. Trình Hạo khoan hoà dễ dãi, trọng sự giảng học và gắng công hành động. Em là Trình Di thì nghiêm khắc, cương quyết, đôi khi đến cố chấp, chủ trương “cùng lý tận tính” (muốn thấy được tính tốt thì phải tìm đến tận sự lý của mỗi vật), trọng cả tri lẫn hành. Còn Chu Hy (1130-1200), là học trò 4 đời của Trình Di, tính nghiêm trang, cẩn trọng, phát huy học thuyết Nhị Trình đến cực đoan, đưa ra những nguyên tắc luân thường nghiệt ngã. Cả 3 đều thuộc đời Tống, dốc lòng phát huy đạo Nho. Ở Tây phương, có người gọi học thuyết Tống Nho của các ông là Tân Khổng Học (Néo-confucianisme).
(4) Niên hiệu của Mạc Đăng Doanh, vị vua thứ 2 của nhà Mạc (1530-1540).
(5) Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, quyển 15, tr.115. Nxb Khoa học xã hội 1998. Đây là bộ sử nổi tiếng và xưa nhất còn xót lại ở nước ta, do sử thần Ngô Sĩ Liên đời Lê viết, bản dịch của Viện KHXH.
(6) “Dân là quý, thứ nhì là đất nước, Vua là thường thôi”.
(7) Phan Huy Chú; Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí, tập hạ, tr.155. Bản dịch của Nguyễn Thọ Dực. Nxb Saigon 1973.
(8) Vì năm 1554, Trạng Trình được vua Mạc Phúc Nguyên mời đi tảo thanh giặc Vũ Văn Mật ở vùng này với vua, nên ông biết khá rõ. Vả lại, ông hiểu tình thế bấy giơ: Vua Lê Chúa Trịnh đã chiếm Bắc Hà, Chúa Nguyễn đã vào Nam, còn chăng cho họ Mạc chỉ là góc núi Cao Bằng phía Bắc.
(9) Những bài thơ của Trạng Trình lúc ban đầu không có đầu đề, người đời sau đã thêm vào để dễ phân biệt.