Nếu Lý Bạch được người đời gọi là Thi Tiên thì Đỗ Phủ được gọi là Thi Thánh - vị Thánh trong làng thơ. Gọi là Thánh không chỉ vì tâm hồn cao đẹp mà còn vì nghệ thuật thơ ca bậc thầy của ông. Nhà thơ Nguyễn Du của chúng ta khi đi sứ Trung Quốc có đến viếng mộ ông và viết mấy câu thơ:
Thiên cổ văn chương thiên cổ sư
Bình sinh bội phục bất thường li
(Nghìn thưở văn chương đúng bậc thầy
Trọn đời khâm phục dám đơn sai)
- Lỗi Dương Đỗ Thiếu lăng mộ
Đỗ Phủ sinh năm 712 mất năm 770, người huyện Củng tỉnh Hà Nam, xuất thân trong một gia đình Nho học, làm quan suốt mấy đời, nhưng đến đời ông thì sa sút nghiêm trọng. Ông lại sống trọn vẹn trong hoành cảnh loạn ly (loạn An Sử), ngược xuôi chạy loạn, gia đình ly tán, con chết đói... Và rồi ông cũng chết thảm thương vì đói và bệnh tật trong một chiếc thuyền rách nát trên sông Tương nơi đất khách quê người. Ông để lại hơn 1400 bài thơ.
Thơ của Đỗ Phủ thấm máu và nước mắt của nhân dân trong thời buổi loạn ly. Nếu trong thơ Lý Bạch có dòng sông hát ca, chim muông ríu rít, vầng trăng duyên dáng thì trong thơ Đỗ Phủ dòng sông nức nở, vầng trăng thổn thức và chim muông, cỏ cây câm lặng, úa vàng.
Người đời gọi thơ ông là một tập “thi sử” (một bộ sử viết bằng thơ). Men theo năm tháng của các bài thơ ra đời, chúng ta có thể thấy được những nét chính của đời sống chính trị, xã hội đời Đường trước và sau loạn An Sử. Trước loạn An Sử (755-763) hai hiện tượng xã hội nổi bật là thói ăn chơi xa hoa, dâm dât của vua quan và chiến tranh bành trướng xâm lược. Nhà thơ lớn của nhân dân đã cùng nhịp thở với trăm họ, đứng ở vị trí của những nạn nhân mà nói lên niềm uẩn ức không kìm nén được.
Lệ nhân hành miêu tả cảnh yến tiệc linh đình của chị em Dương Quý Phi cùng với các vương tôn công tử bên bờ sông. Đũa làm bằng sừng tê ngưu. Thức ăn là bướu lạc đà. Kèn sáo vang động cả quỷ thần mà họ không buồn nghe, thức ăn quý do bếp nhà vua dâng họ không buồn gắp. Giọng thơ đều đều như khách quan mà không giấu được uẩn ức.
Tự kinh đô phó Phụng Tiên (Từ kinh đô về huyện Phụng Tiên) làm vào năm 755, năm đó An Lộc Sơn đã khởi loạn nhưng chưa vào đến Trường An, cũng là năm đói kém, người chết như rạ. Nhưng Đường Minh Hoàng vẫn cùng Dương Quý Phi yến ẩm ở Ly Sơn. Đỗ Phủ vừa nhậm chức (một chức quan nhỏ, coi kho vũ khí). Trên đường về thăm nhà, mục kích cảnh tượng xa hoa, dâm dật của vua quan, ông làm một mạch 100 câu thơ gồm 500 chữ, tuôn chảy theo nỗi lòng uẩn ức bấy nay. Trong đó có những câu nổi tiếng được người đời truyền tụng:
Chu môn tửu nhục xú
Lộ hữu đống tử cốt
Vinh khô chỉ xích dị
Trù trướng nan tái thuật
(Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường đầy xác chết
Sướng khổ cách gang tấc
Quặn lòng không nói được)
Đất nước điêu linh, nhân dân cơ cực, nhưng triều đình vẫn liên tục phát động chiến tranh, mở mang bờ cõi. Đỗ Phủ đã đứng về phía những người dân bị bắt phu bắt lính, kịch liệt lên án chiến tranh bành trướng xâm lược.
Binh xa hành (Bài ca xuất trận) phản ảnh tâm trạng của người ra đi và người tiễn đưa thật ảm đạm. Họ chỉ là con thiêu thân phục vụ tham vọng chinh phục nước Nam Chiếu (vùng Vân Nam bây giờ) để mở rộng biên cương. Nhà thơ còn làm các bài
Tiền xuất tái,
Hậu xuất tái (Xuất tái là ra cửa ải) châm biếm bọn tướng tá lấy việc chinh phạt để tiến thân. Ông lên tiếng chất vấn nhà vua:
Mỗi nước có biên thuỳ
Chỉ cần chặn xâm lược
Tàn sát để làm chi?
Sự xa hoa, dâm dật, bỏ mặc chính sự cùng với việc động binh liên tục đã dẫn đến sự rối loạn của nhà Đường. Loạn An Sử nổ ra, triều đình phải mất 8 năm mới dẹp yên được. Nhân dân rơi vào cảnh lầm than, điêu đứng. Hai hiện tượng nổi bật trong những năm tháng loạn ly này là cảnh bắt lính, bắt phu và cảnh chia ly thê thảm. Chùm thơ
Tam lại (ba bài nói về cảnh nha lại bắt lính, bắt phu ở Đồng Quan, Tân An và Thạch Hào). Tam biệt (ba bài nói về cảnh ly biệt giữa đôi vợ chồng già giữa đôi vợ chồng trẻ và giữa một người lính già với ngôi nhà bị phá rụi: Thuỳ lão biệt, Tân hôn biệt, Vô gia biệt). Bài
Thạch Hào lại (Nha lại bắt lính ở Thạch Hào) đã vẽ nên một cảnh tượng điển hình: Nha lại chờ lúc mọi người ngủ say để xông vào nhà bắt lính. Cả gia đình (mà nhà thơ ngủ nhờ trên đường về nhậm chức ở Hoa Châu thăm vợ nơi tản cư) có ba con trai đều ra trận, hai đứa đã chết; trong nhà chỉ còn hai ông bà già và một cô con dâu với đứa bé còn bú trên tay. Thế mà Nha lại vẫn đòi người, ông già phải vượt tường trốn và bà già phải đi thay để nấu cơm cho quân sĩ. Nhà thơ tự nén mình trước tiếng khóc uẩn ức của xóm làng khi bọn Nha lại kéo đi, đêm đen lại trùm lên xóm làng hoang vắng. Bài
Tân hôn biệt (Cuộc chia ly của đôi vợ chồng trẻ mới cưới) mô tả cảnh tượng thê thảm của người vợ trẻ:
Cưới chiều hôm, vắng sớm mai
Duyên đâu lật đật cho người dở dang.
Tam lại,
Tam biệt là chùm thơ nổi tiếng của Đỗ Phủ. Gọi thơ ông là Thi sử bởi vì cái ấn tượng binh đao khói lửa nội chiến mà thơ ông gieo vào lòng người còn sâu sắc gấp trăm lần các bộ sách viết về thời này.
Nhưng Đỗ Phủ không hề “viết sử” một cách khách quan. Ông đã đứng hẳn về phía “dân đen”, coi nỗi đau của họ như nỗi đau của chính mình, ước mong san sẻ gánh năng cơm áo và dằn vặt tâm linh với họ. Tư tưởng nhân đạo của Đỗ Phủ là đỉnh cao của chủ nghĩa nhân đạo dưới thời phong kiến. Một nhà nho suốt đời long đong lận đận nhưng luôn quan tâm đến vận nước, mà quan tâm đến vận nước cốt để giảm nhẹ gánh nặng cơm áo và sự dằn vặt tâm linh của người dân bình thường. Bài
Mao ốc vi thu phong sở phá ca (Túp lều tranh bị gió cuốn sập) thể hiện rõ nhân cách của ông. Trên đường chạy loạn, nhờ người bạn giúp đỡ ông dựng được túp lều tranh, nhưng rồi bị gió phá sập. Trong cảnh màn trời chiếu đất ông đau đớn cho thân phận riêng và không quên nghĩ đến những “hàn sĩ” như mình. Ông có ước mơ thật cao cả:
Ước gì có được ngôi nhà vạn gian
Che cho kẻ sĩ nghèo trong thiên hạ, ai nấy đều hân hoan.
Ước mơ cũng được thể hiện trong bài
Hựu trình Ngô lang (Lại nhắn người họ Ngô). Cũng trên đường chạy loạn, ông thuê được một căn nhà nhỏ. Trong vườn có cây táo, hằng ngày bà lão hàng xóm thường chui qua hàng rào nhặt táo rụng cầm hơi. Ra đi, ông nhắn người chủ mới chớ có rào kín mảnh vườn, để bà lão kia còn có thể sống qua ngày. Ước mơ thật tội nghiệp, nhưng cũng thật vĩ đại. Cuối cùng ông còn rút ra được bài học: ăn trộm là do nghèo đói, nghèo đói là do thuế khoá, chiến tranh.
Chung quy, Đỗ Phủ đã cùng nhịp thở với nhân dân của mình trước vận nước và trong cảnh đói nghèo, loạn ly. Ông viết về mọi đề tài. Nhưng hầu như không có đề tài nào thoát ly thời cuộc. “Đỗ Phủ là nhà thơ chính trị vĩ đại nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc” (
Lịch sử văn học Trung Quốc, Viện Khoa học Trung Quốc, 1988).
Khác với Lý Bạch - nhà thơ lãng mạn, ngòi bút Đỗ Phủ luôn bám sát đời sống, hay nói như Lương Khả Siêu, ông là nhà thơ “tả thực chi tiết”. Ông lại đặc biệt chú trọng ngôn từ thơ ca, chủ trương “ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu” (lời thơ không làm người ta kinh hoàng thì chết không nhắm mắt). Do vậy thơ ông gieo vào lòng người đọc ấn tượng sâu sắc về cuộc sống, về nỗi cơ cực của nhân dân, về số phận “gian nan khổ hận” cùng cảnh ngộ với “dân đen” của chính ông. Đặc biệt Đỗ Phủ có nhiều bài luật thi rất chuẩn mực, chính tỏ sự tu dưỡng về thơ rất uyên thâm của Thi Thánh.
Ảnh hưởng của Đỗ Phủ đến đời sau rất sâu sắc. Đó là ảnh hưởng về nhân cách, luôn luôn đồng cam cộng khổ với nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Đó còn là ảnh hưởng về con đường sáng tác thơ ca: thành công của nhà thơ tuỳ thuộc vào vốn sống của nhà thơ, vào độ chính trong quá trình chiếm lĩnh hiện thực. Đó còn là tài năng thơ ca, một tài năng siêu việt được Nguyễn Du tôn làm bậc thầy của văn chương muôn thuở.