Năm 1978 Bùi Giáng về ở với ông Võ, nhưng đến năm 1985 ông mới gặp được người bạn vong niên, không ngờ cũng là người thừa kế của mình sau này. Đó là đứa cháu rể tên Hoài, con rể của ông Võ, cất nhà trong khuôn viên của gia đình.
Anh Hoài thật sự ngỡ ngàng trước một ông bác vợ “kỳ quặc” nhưng vốn không có cha từ 18 tuổi, nên anh rất quấn quýt, thương yêu và kính trọng ông. Mãi đến năm 1990, anh mới bắt đầu đồng cảm với Bùi Giáng, và động viên ông sáng tác trở lại. Bùi Giáng là một cõi riêng huyền diệu, cả thế gian này chưa chắc được mấy người hiểu ông, huống chi một kẻ “ngoại đạo” với văn chương như anh Hoài. Với tấm lòng thương quý thôi, anh đã xâm nhập được vào cõi riêng ấy, và giữ lại cho đời một bóng hình Bùi Giáng thiên thu.
Có lẽ Bùi Giáng tỉnh táo ra kể từ khi tập thơ của ông được nhóm Việt Thường cho xuất bản tại Canada vào năm 1990. Rồi năm 1993, NXB Hội Nhà văn lại cho tái bản tập
Mưa nguồn. Bùi Giáng được tôn vinh trở lại, và ông cũng hết điên, bắt đầu một cuộc thăng hoa mới không kém phần rực rỡ. Anh Hoài tiết lộ, ông đã từng thì thầm bí mật với anh: “Tao đâu có điên. Tao phải giả điên như thế để đi hết cuộc hành trình của tao, khỏi bị quấy rầy”. Ai quấy rầy? Thì anh em, họ hàng, bạn bè, chính quyền, và tất cả mọi người trong cõi nhân gian... Thôi kệ, ông nghĩ vậy thì cứ cho là vậy! Trong cái cõi mênh mênh mang mang của ông ấy mà... Chẳng ai bắt bẻ làm gì. Thật tình, người ta thương Bùi Giáng nhiều hơn ông tưởng. Ông quá nhân hậu với đời, làm sao đời không nhân hậu với ông!
Ông nằm trên võng lắc lư, và quẹt thơ vào bất cứ cuốn sổ nào, trang giấy nào. Nói “quẹt”, vì nét chữ ông khi ngang, khi ngửa, khi lại xiên xiên, khi chen chúc vào một góc giấy học trò. Có nhiều bài, nhiều trang, ông làm rơi vãi trong cơn say. Người đi nhặt, rồi cất giữ trân trọng chính là anh Hoài. Đến khi anh gom góp và xuất bản dùm ông cuốn Rong rêu, ông trố mắt hỏi: “Ủa, mày lượm của tao đó hả? Tao vui vui làm mấy bài thơ, mày lượm làm gì”. “Bác cứ làm thơ đi. Con hứa với bác cái gì bác làm con sẽ in hết”. Anh Hoài hứa, mà như một lời thề với chính mình. Bùi Giáng cảm động. Và sau này làm được bài nào ông thường gọi anh Hoài đến cho xem.
Sách vở trong phòng ông, ông quý hơn vàng, đố ai đụng tới được, kể cả bà Võ và chị Uyên (vợ anh Hoài) vào dọn dẹp ông cũng không cho. Ông cố tình để dơ dáy vậy để đừng ai bước vào cõi riêng của ông. Chỉ duy nhất anh Hoài có thể vô sắp xếp lại dùm ông. Anh đau lắm khi phát hiện nhiều người đã “chôm” thơ của bác mình bằng cách xé ngang nửa cuốn thơ ông đang viết dở dang. Từ đó, ông viết xong cuốn nào, anh đem cất kỹ. Ông cười hề hề: “Mày cứ đọc đi, rồi muốn hỏi gì thì hỏi, tao nói cho”. Nhớ lại, anh Hoài thở dài: “Tiếc là tôi không thấu nổi tư tưởng của bác. Có lần thu băng nghe ông nói, mở ra nghe, cũng không theo nổi. Ông nói đủ chuyện cổ kim, bên Tây bên Tàu, rất uyên bác. Lại còn dạy chữ Phạn cho các sư trong chùa nữa”. Anh chỉ còn biết động viên bác sáng tác để làm vui.
Nhưng Bùi Giáng không sáng tác cho vui, mà ông làm trối chết. Ông hoạ một lèo hết trơn tập thơ của Thân Thị Ngọc Quế, lấy tên
Tuyết băng vô tận xứ. Và ông ngồi ngay cái bàn trước cửa nhà anh Hoài mà dịch cuốn
Thục nữ học đường của André Gide, đêm nào cũng thức trắng, chỉ một tháng là xong. Đây là quyển tiểu thuyết nói về tâm lý phụ nữ rất hay, mà tính ông vốn yêu phụ nữ, nên say mê là lẽ đương nhiên. Đến cuốn thứ hai cũng của André Gide là
Dưỡng chất trần gian, thì anh Hoài hoảng quá không cho bác làm việc kiểu đó nữa, bỏ dở dang nửa cuốn. “Thôi thôi, bác làm thơ cho vui đi!”. Anh “dụ dỗ” Bùi Giáng, và ông nghe lời. Nhờ vậy mà ông có gần chục tập thơ vào lúc cuối đời, như
Tâm sự tuổi già,
Trúc mai,
Rớt hột phiêu bồng... anh Hoài sẽ cho xuất bản nay mai cùng với
Tuyết băng vô tận xứ và
Thục nữ học đường. Người ta không thấy Bùi Giáng làm việc lúc nào, vậy mà vẫn có tác phẩm, hoá ra ông chỉ làm việc về đêm, thường là thức trắng. Bộ não ông rất lạ kỳ, say đó, rồi tỉnh như không. Bác Võ kể: “Một hôm ông Ngô Văn Tao đến nhờ Bùi Giáng dịch dùm một quyển sách, thấy ông nằm võng dưới gốc xoài, say khướt, ông Tao bảo thôi đi về. Bùi Giáng mở mắt, đưa đây, đưa đây. Rồi dịch một lèo mấy trang, xoã hai tay giấy rơi lả tả xuống đất, xong ngủ khò”.
Giai đoạn 1994 - 1996, Bùi Giáng sáng tác rất dữ. Và ông cẩn thận làm giấy uỷ quyền cho đứa cháu rể quản lý toàn bộ tác phẩm của mình. “Sau này mày in sách lo cho mấy đứa nhỏ”. Đó là những đứa cháu nhỏ xíu mà ông cũng dành cho nhiều câu thơ chân thành:
Ngày mai ông sẽ lìa đời
Các con ở lại buồn vui thế nào
Ông về chín suối chiêm bao
Thần tiên mộng mị mừng chào các con
Không chỉ cao siêu, diễm tuyệt, mà ông còn có hàng trăm bài thơ đời thường, đầy thương yêu như thế. Ông ban phát thơ cho khắp nhân gian, hình như ai cũng có phần...
Ta sực tỉnh máu tim vừa mới chớm
Đã thiên thu ở lại giữa hồn ta
Phổi tim như cây lá trước hiên nhà
Cùng chim hót chan hoà ta tỉnh giấc
Bức thư tình chưa “công bố”Bùi Giáng viết thư và làm thơ cho Kim Cương nhiều vô kể, nhưng trong đó có một bức thư Kim Cương chưa hề trông thấy. Đó là bức thư ông viết năm 1998 (trước khi chết vài tháng) rất tỉnh táo, nhưng lại không đưa cho Kim Cương, chỉ anh Hoài cất giữ. Sau này, anh Hoài có kể cho Kim Cương nghe về lá thư này, nhưng vì quá bận bịu nên lá thư lại trôi vào quên lãng. Mãi đến khi chúng tôi thực hiện loạt bài này anh mới đưa cho chúng tôi đăng tải, cũng là “ra mắt” Kim Cương lần đầu tiên.
Cô Kim Cương yêu quý,
Kể cũng gần 50 năm quen biết và yêu mến cô. Đó là hạnh phúc lớn đi suốt đời tôi. Sau này cô cao hứng đến nhà viếng thăm tôi. Ấy thật bất ngờ. Rủi ro lần đầu tôi say rượu chẳng biết gì cả. Lần thứ nhì, tôi tỉnh táo. Tâm hồn thoải mái như được cùng tiên tái ngộ. Mấy ngày rày cứ giở mấy tấm ảnh chụp chung với cô. Gương mặt cô càng ngày trông càng lạ. Mấy đứa cháu gái, cháu dâu, cháu ruột chúng xúm xít trầm trồ: “Cô Kim Cương ngoài đời đẹp hơn trên ti vi... Lạ quá! Lạ quá!”. Gương mặt cô có nét hồn hậu, trung hậu dịu dàng. Ai ai cũng nhận thấy thế. Hình như sau này cô gặp hạnh phúc lớn hay sao mà bỗng nhiên trông cô còn trẻ hơn xưa nay? Lúc trước đọc báo nghe cô nói có ý mua cho tôi một cái nhà. Tôi cảm động đến ngẩn ngơ. Giữa đêm tỉnh giấc, còn âm ỉ khóc lóc một mình. Nhưng cô nghĩ xem? Làm sao tôi dám chấp nhận? Tôi vốn già điên say rượu... ở với tụi cháu sum vầy mấy chục năm nay, chúng quen thuộc tính nết tôi rồi. Chúng vui vẻ hân hoan chịu đựng. Nhiều lúc tôi lại có ý chọc cho chúng la rầy để nghe cho vui vẻ lỗ tai... đỡ buồn hiu quạnh... Tuổi già tôi có được đôi ba bạn thân và còn giữ được tình nghĩa của cô thì thử hỏi còn gì tốt đẹp hơn nữa? Xin mời cô thỉnh thoảng ghé lại nhà coi như đi nghỉ mát. Được nhìn thấy cô là tự nhiên hết buồn, hết điên, hết say rượu. Chúc cô suốt đời sung sướng.
Bùi Giáng 98 (Mậu Dần)
Hoàng Kim