Trong bài thơ Vùng (Zone) nổi tiếng, G.Apollinaire, có lẽ nhìn từ tháp Eiffel đã thấy những cây cầu bắc qua sông Seine như một bầy cừu “kêu be be sáng nay”. Nếu thay vì bầy cừu là bầy dê, thay nàng chăn cừu là chàng chăn dê, lại thấy thấp thoáng hình bóng một Bùi Giáng nơi thượng nguồn con sông Thu Bồn đang chăn những đám mây trên mặt nước sông vào buổi sáng mùa thu nào đó.
Là người dịch rất nhiều tác phẩm trứ danh của văn học Pháp, nhưng hình như Bùi Giáng chưa có dịp đi Paris. Vậy mà tôi đã... gặp ông ở ngay kinh đô Ánh sáng này. Cuối năm 2003, tôi sang Paris dự Festival Thơ quốc tế, và khi có dịp ghé quán Foyer Viet Nam ở số 80 phố Monge quận 5 (khu Latin), người tôi gặp đầu tiên ở đây là... Bùi Giáng! Đúng hơn, là tôi đã gặp một bức chân dung Bùi Giáng vẽ bằng bút sắt. Nét vẽ rất có thần. Lại đôi mắt sáng quắc nhìn tận đâu đâu. Lại vẻ mặt hồn hậu của một lão nông xứ Quảng Nam đang mơ màng như nhớ lại câu thơ tuyệt vời của Apollinaire: Bergere ô tour Eiffel le troupeau des ponts bêle ce martin (Ôi tháp Eiffel nàng chăn cừu bầy cầu be be sáng nay - bản dịch của Hoàng Hưng). Tôi hỏi nhà thơ Võ Văn Thận - người phụ trách Foyer VN - và được biết bức chân dung Bùi Giáng là của hoạ sĩ Trần Văn Liêm-một người rất hâm mộ Bùi tiên sinh ở Paris. Mà không chỉ hoạ sĩ Liêm, khi Võ Văn Thận tặng tôi tập thơ mới của anh Bàn chân dưới đất, tôi cũng đã đọc trong những câu thơ của người xa xứ này rất nhiều hơi hướng Bùi Giáng. Anh Thận cũng là người hâm mộ, và có lẽ hơn cả hâm mộ, yêu quý Bùi Giáng. Đi lang thang giữa những phố cổ của Paris, thỉnh thoảng tôi lại gặp những người già chánh hiệu... Bohemiens. Họ uống rượu hoặc không uống rượu nhưng ngồi hoặc nằm ngay vỉa hè những con phố đông người qua lại. Trong hình dáng những người già tóc râu xoã xượi ấy, tôi lại thấy thấp thoáng một Bùi Giáng đang cảm nhận Paris bằng tất cả thể xác và tâm hồn mình. Chợt nhớ bản dịch tuyệt vời của Bùi tiên sinh tác phẩm u ẩn mà run rẩy tình người của Saint-Exupery Cõi người ta (Terre des hommes). Đúng là phải tới tay Bùi Giáng thì nguyên tác này mới có chữ “cõi” và chữ “ta” trong bản dịch. Giở một quyển sổ cũ, cách đây hơn 20 năm, tôi đã chép lại một đoạn văn xuôi trong Cõi người ta, chép để giữ cho mình như một lời biết ơn tác giả và dịch giả: “Punta Arenas! Tôi tựa lưng vào bờ giếng. Những đàn bà già nua tới đây lấy nước. Trong tấn bi kịch đời họ, ngày mai tôi sẽ biết riêng chỉ một cử động tôi đòi ấy thôi. Một bé con ngửa cổ vào tường, khóc lặng lẽ. Ngày mai trong kỷ niệm của tôi, sẽ chỉ còn ghi riêng hình ảnh một đứa bé lạc loài, sầu khổ không nguôi. Tôi là kẻ lạ tới đây. Tôi không biết, không biết gì hết cả. Thế giới họ, tôi không thể bước vào, làm tôi dám nói. Những yêu thương, những ganh ghét, những niềm vui của con người, cả một tấn tuồng rộng lớn đó diễn ra trong một khung cảnh bé bỏng xiết bao. Từ đâu con người khơi dẫn được về cho mình nguồn khát vọng vô biên. Từ đâu? Con người vốn bị phó mặc cho rủi may, bị vất ra sống trên một miền đất mà phún thạch hoả sơn còn hâm hấp nóng, mà những trận bão cát sắp tới, mà những cơn mưa tuyết sắp về, còn hăm doạ mãi! Nền văn minh của họ chỉ là một lớp vàng mạ mỏng manh. Hoả sơn sẽ xoá, sẽ bôi. Một biển mới sẽ dâng triều. Một cơn lốc cát”. Tác phẩm văn học nước ngoài, khi qua một dịch giả đồng điệu sẽ hiện ra bằng Việt ngữ như vậy đó! Một bài thơ văn xuôi đích thực, đầy xúc cảm và nhuyễn như thể nó được viết bằng tiếng... Việt. Tôi biết, nhiều người kêu Bùi Giáng ở một số bản dịch khác, rằng ông dịch tuỳ hứng và cả... tuỳ tiện quá! Nhưng chúng ta thử đọc Cõi người ta hay Hoàng tử bé của Saint-Exupery, hãy đọc Ngộ nhận hay Carnets của Albert Camus qua bản dịch Bùi Giáng, ta sẽ cảm nhận được hết sự tinh tế và uyên áo của nguyên tác qua một bản dịch. Tôi nhớ, ngày còn chiến tranh, ở chiến trường Đông Nam Bộ, tôi đã chép từng đoạn văn A.Camus trong Sổ tay (Carnets) qua bản dịch Bùi Giáng, và những đoạn văn tuyệt vời ấy đã an ủi tôi rất nhiều ngay trong những hoàn cảnh thắt ngặt của chiến tranh. Sau này, đã có những dịch giả dịch lại những tác phẩm trên của A.Camus hay Saint-Ex, nhưng phải nói thực, họ không vượt qua được bản dịch cũ của Bùi Giáng. Cần phải ghi công ông ở lĩnh vực truyền bá văn học thế giới này. Một người chỉ tự học ngoại ngữ mà có thể trở nên uyên thâm như thế, có thể “tung tăng” như thế trong khi dịch thuật, quả là hiếm có! Người như thế mà chưa một lần sang Paris để mặc sức chăn cừu hay chăn dê trên sông Seine thì thật đáng tiếc! Nhớ những ngày ở Paris hay xuống Orleans với nhà văn Đặng Tiến, ở đâu tôi cũng cảm thấy phảng phất sự hiện diện của Bùi Giáng trong những câu chuyện trao đổi về văn học, trong những bài thơ hay bài viết của các bạn văn người Việt ở Pháp mà tôi được đọc. Anh Thận còn tặng tôi một đĩa DVD về ngày giỗ Bùi Giáng ngay tại Paris, tại quán Foyer thân thiết và ấm cúng. Những bài thơ của Bùi tiên sinh đã được trình bày trong ngày giỗ ấy. Coi như ông đã đến Paris và đã lang thang dọc những con phố lát đá mờ ảo khu Latin này rồi, khu Đại học nổi tiếng của Pháp và cũng là nơi vinh danh rất nhiều nhà thơ nhà văn Pháp mà Bùi Giáng đã có lần chuyển dịch sang Việt ngữ. Trong dòng sông văn học khá bình thản của ta mà có được một người “quậy tưng” như Bùi Giáng kể cũng đặc biệt và thú vị. Nhưng rồi, ngay trong những lúc “quậy” như thế, chợt ta chìm lắng lại với những câu thơ kiểu như thế này: “Một hồn rũ rượi trong mưa/Nhớ ôi ngọc trắng ngày chưa cát lầm”. Như một khúc bi ca về cội nguồn trinh thục của Thơ. Như nỗi hoài nhớ về một thiên đàng tuổi thơ đã biền biệt. Thiên đàng ấy bên một dòng sông và những ngọn đồi lúp xúp mọc toàn sim mua...
Thanh Thảo