Bùi Giáng sinh ngày 17/12/1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thân sinh của Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ chánh qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền.

Bùi Giáng là con thứ 2 của ông Bùi Thuyên với bà Huỳnh Thị Kiền nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng. Và Bùi Giáng cũng tỏ ra thích thú với tên gọi này. Thỉnh thoảng ông cũng tự xưng cái tên thứ đó trong những câu thơ của mình. Sau này trong một bài thơ khá hài hước, Bùi Giáng viết: “-Ủa, phải anh Sáu Giáng đó không?/- Và cô có phải cô Bông năm nào?/- Anh còn nhớ rõ, ôi chao/Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh/Anh điên mà dzui dzẻ thập thành/Còn chúng tôi tỉnh mà đành buồn thiu”.

Mặc dù là người gặp may mắn trên đường học vấn nhưng Bùi Giáng luôn luôn phá ngang. Bùi Giáng từng viết rằng ông không có ý định học để lấy bằng cấp. Ông Bùi Văn Vịnh, một người em ruột cùng cha cùng mẹ khác của Bùi Giáng cho biết, sau khi học xong bậc tiểu học ở Trường Bảo An tại huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, Bùi Giáng được gia đình cho ra Huế tiếp tục học ở Trường Trung học Thuận Hoá. Năm 1945, khi đang học lớp Đệ Tứ thì thời thế thay đổi. Đại chiến thế giới thứ hai nổ ra, Nhật hất cẳng Pháp, rồi Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành Chung. Rồi Bùi Giáng lên đường đi theo kháng chiến. Năm 1950, khi có kỳ thi tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, Bùi Giáng dự thi và đậu Tú tài 2 văn chương, rồi lên đường ra Liên khu IV, tới Hà Tĩnh, để tiếp tục vào học đại học. Từ Quảng Nam thuộc Liên khu V ra tới Hà Tĩnh thuộc Liên khu IV phải đi bộ theo đường mòn trên núi hơn một tháng rưỡi trời. Nhưng khi ra đến nơi, không hiểu sao ngay trong ngày khai giảng, Bùi Giáng đã quyết định bỏ học để quay ngược trở về Quảng Nam.

Bỏ học trở về nhà, ông theo chân đàn bò rong ruổi khắp các vùng đồi núi. Sau này ông có sáng tác bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ in trong tập Mưa nguồn để kỷ niệm cho khoảng thời gian này. Một số tài liệu cho rằng Bùi Giáng đã có nhiều năm chăn dê nhưng thực ra ông chỉ trải qua 2 năm chăn bò, từ 1950 đến 1952 trên vùng rừng núi Trung Phước. Có lẽ đây là quãng đời lãng mạn nhất của ông. Và ông đã gọi quãng thời gian này là 15 năm chăn dê, như Tô Vũ ngày xưa. Nhớ lại những tháng ngày này, ông viết: “Tôi bỏ học, chẳng biết chi sách vở. Chạy về quê làm thằng chăn bò. Bao nhiêu thơ làm ra, tôi âm thầm tặng hết cho chuồn chuồn châu chấu!”.

Bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ dài đến 60 câu, được nhiều người thích đọc. Bài thơ với những lời thơ hết sức thiết tha, đằm thắm, ông dành cho những nàng thơ đặc biệt của ông là những con bò, đọc lên nghe rất thú vị. Trong bài thơ, ông xưng anh với những con bò mà ông đã biến chúng thành dê cho giống chuyện Tô Vũ ngày xưa và gọi chúng là em: “Chiều hôm nay bên chó vàng chễm chện/Anh lặng nghe em bé hé bên sườn đồi”. Ông tặng các nàng thơ của ông những chiếc vòng bằng mây mà ông tự đan đủ màu sắc như người ta tặng kỷ vật cho người mình yêu: “Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm/Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu/Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh/Này đây em Hoa Cà hỡi! Chiếc nâu”. Mỗi nàng dê một chiếc vòng, ông tự tay đeo vào cổ các nàng và thủ thỉ: “Ngẩng đầu lên! Dê ơi anh thong thả/Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh/Ngẩng đầu lên! Đây lòng anh vàng đá/Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên”. Tặng xong kỷ vật cho các nàng dê rồi ông mới thề thốt: “Và giờ đây một lời thề đã thốt/Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta/Cao lời ca bê hê em cùng thốt/Hoà cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha”.

Lấy dê, thực chất là bò, làm nàng thơ quả là một chuyện xưa nay chưa có ai làm. Nhưng đáng kinh ngạc hơn nữa là ông so sánh chuyện đeo vòng mây cho dê với việc trao vòng cầu hôn cho vị hôn thê của mình: “Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ/Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi/Trao người em trăm năm lời ước thệ/Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi”. Trong lần xuất bản đầu tiên của tập Mưa nguồn, Bùi Giáng còn ghi chú rõ ý khổ thơ này là, ngày xưa khi ông cưới vợ, thì cái giây phút đeo chiếc vòng đính hôn kỳ diệu ấy không làm ông xúc động bằng bây giờ đeo vòng mây cho dê! Thật là một cảm xúc khác người. Sau này chúng ta sẽ thấy, thứ cảm xúc này không phải do ông cố nặn ra cho thành bài thơ lạ mà đó là những gì diễn ra thực tế trong tâm trí ông.

Nỗi lòng Tô Vũ là một bài thơ độc đáo bởi đối tượng cảm xúc của tác giả không phải là cảnh đẹp, là người thơ mà là những con dê. Bài thơ không giống ai đó có những đoạn thơ đẹp lạ lùng: “Em nhớ hay không hồn hoa dại cỏ/Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya/Vàng cao gót nai đầu buông hãi sợ/Gió cây rung trút lá mộng tan lìa”...

Trần Đình Thu