Trong chiến tranh chống Mỹ, Quảng Nam là vùng đất được coi vào loại ác liệt nhất nước. Đấy là một vùng đất chết, một bên trắng xoá cát biển, một phía lúp xúp đồi. Bom đạn cày xới đến từng cen-ti-mét. Nơi đấy một loạt các nhà văn đã hy sinh mà hai người nổi tiếng nhất, đến giờ vẫn còn để lại những đau xót trong lòng mọi người là nhà văn Dương Thị Xuân Quý và nhà thơ Nguyễn Mỹ.
Tôi vừa được cùng một số nhà văn Khu Năm cũ về thăm căn cứ Khu uỷ khu V xưa ở Trà My, căn cứ địa Nước Oa - “Thủ đô kháng chiến Khu Năm” thời chống Mỹ, nơi hiện đang có phần mộ liệt sĩ Nguyễn Mỹ.
Có nhiều chuyện về Nguyễn Mỹ, nhà thơ của Như chưa hề có cuộc chia ly nổi tiếng mà có lẽ không ai không biết vì nó được đưa vào sách giáo khoa, vả lại bài thơ này cũng hay thực sự, ít nhất là cho đến bây giờ. Ông quê ở Tuy An, Phú Yên, là em ruột nhạc sĩ Nhật Lai với bài hát Hà Tây quê lụa nổi tiếng. Câu chuyện về sự hy sinh của Nguyễn Mỹ đầy éo le mà tôi được nghe từ các đồng đội của ông kể ngay tại mộ ông khiến rưng rưng quặn thắt.
Trước đó, năm 1964, Nguyễn Mỹ làm bài thơ
Cuộc chia ly màu đỏ như một sự tự khẳng định tài năng của mình trên văn đàn. Bài thơ là một trong những áng thơ tình hay nhất thời ấy, đồng thời cũng rất lạc quan thời đại, nó vừa có yêu đương, có chia ly lại rực rỡ sắc màu, nhờ thế mà nó được phổ biến và hầu như thanh niên ai cũng thuộc. Lục trong google, thấy Wikipedia ghi vẻn vẹn: “Nguyễn Mỹ sinh ngày 21 tháng 2 năm 1935, tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. 16 tuổi vào bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ. Năm 1954, tập kết ra Bắc, công tác ở đoàn văn công Tây Nguyên (nơi anh ruột mình là trưởng đoàn - VCH). Học xong lớp báo chí của Trường Tuyên huấn Trung ương thì về công tác ở Nhà xuất bản Phổ Thông. Năm 1968, ông trở lại chiến trường miền Nam, làm phóng viên báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ, thuộc Ban Tuyên truyền văn nghệ khu V. Hi sinh ngày 16 tháng 5 năm 197l ở huyện Trà My, Quảng Nam”.
Nhưng những gì tôi nghe các nhà văn là đồng đội của ông kể thì bi tráng và đau đớn hơn nhiều. Nó khiến tôi ngẩn ngơ suốt cả tháng. Thì ra phía sau mỗi cuộc đời, phía sau những vần thơ đẹp, phía sau tưởng tượng và hiểu biết của ta, lại là những sự thật, phần lớn là đau lòng...
... Vào những ngày cuối đời của nhà thơ Nguyễn Mỹ, ông gần như bị cách ly với cuộc chiến đấu và với cả đồng đội. Sau ngày giải phóng, phải thẩm tra mãi, cách đây mấy năm, nhà thơ mới được công nhận là liệt sĩ. Số là ở quê tại Phú Yên, ông có một bà mẹ, bà rất nông dân, một hôm bị bắt trộm con gà, mà người bắt chính là mấy anh... du kích xã. Hồi ấy các anh du kích trẻ đói nên việc ấy cũng thường xảy ra. Tiếc gà, bà chửi như tất cả những người nông dân mất gà khác. Bà chửi liền mấy ngày đêm thì bị chính mấy anh du kích này bắn chết, nhưng họ lại báo lên trên rằng bà là Thiên Nga. Trên báo lên trên tiếp... Thế là Nguyễn Mỹ tự nhiên bị cách ly, được phân ra rẫy ở một mình đuổi khỉ và chim, tự túc lương thực thực phẩm. Một người bình thường cô đơn đã khổ, huống gì đây lại là nhà thơ của “Cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/ Tươi như cánh nhạn lai hồng... Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/ Như chia hề có cuộc chia ly...”, nhà thơ mỏng manh nhạy cảm và có thể cả yếu đuối nữa, thế mà một mình một khu rừng trong nỗi mặc cảm dày vò khắc khoải không được giải thích và có thể là cả ân hận nữa thì nỗi cô đơn đau khổ nhân lên gấp mấy lần? Ở lâu như thế, hoàn toàn mù tịt với tình hình và cả cách đánh của địch, một hôm ông gặp một tốp biệt kích nhưng lại hoá trang mặc quân phục giải phóng. Mừng quá, ông nhào ra vẫy rối rít: “Các đồng chí ơi, tôi đây...”. Bảy ngày sau thì đồng đội mới biết ông đã bị bắn chết. Nhưng lúc này thì xác đã trương lên và có biểu hiện có lựu đạn ở dưới xác. Thường bọn biệt kích hay cài lựu đạn dưới xác liệt sĩ để nó sẽ phát nổ tiêu diệt tiếp khi đồng đội đi tìm. Thế là mọi người để nguyên ông nằm trên mặt đất, lấy đá xếp vòng xung quanh rồi đứng xa hắt đất vào chôn. Đấy là một nỗi đau, là bi kịch cứa mãi trong lòng đồng đội của ông, nhưng bi kịch hơn là sau đấy khi quay lại quy tập hài cốt thì... toàn bộ hài cốt đã không còn. Chỉ còn lại các dụng cụ cá nhân mà khi bị bắn chết ông vẫn mang trên người như quần áo, dép, vỏ đạn, bi đông... những thứ này bây giờ đang nằm dưới ngôi mộ có tên liệt sĩ nhà thơ Nguyễn Mỹ lúc nào cũng đỏ thắm hoa mười giờ do nhà văn Nguyễn Bá Thâm trồng và hôm nay thì rực đỏ hoa hồng do chúng tôi mang đến. Nhà văn Cao Duy Thảo, nhà thơ Thanh Quế và nhà văn Nguyễn Bá Thâm là người sống, chiến đấu cùng Nguyễn Mỹ thời ấy, đồng cam cộng khổ và hiện nay cũng là người siêng năng đi thăm và lo lắng cho mộ Nguyễn Mỹ nhiều nhất, khi kể chuyện này đều buồn rười rượi và các ông đều cho rằng, khả năng lớn nhất là xác nhà thơ Nguyễn Mỹ đã bị thú dữ đào lên ăn thịt. Nhà văn Cao Duy Thảo lặng lẽ ngồi bệt sát mộ Nguyễn Mỹ và kể cho tôi nghe câu chuyện trên. Ông giờ ở Nha Trang, để đến được với Nguyễn Mỹ hôm nay, ông đã vượt năm trăm cây số. Rồi ông kết luận: “Chiến tranh mà. Trong chiến tranh không có chuyện gì không thể xảy ra. Nhiều chuyện còn bi kịch và kinh khủng hơn nhiều, nhiều chuyện cố tin cũng không thể tin nổi, dù đấy là sự thật”. Ông kể thêm chuyện tìm mộ nhà văn Chu Cẩm Phong. Những người chôn Chu Cẩm Phong vẫn còn cả đấy, nhưng đào nát cả thửa ruộng đã chôn anh rồi mà vẫn không thấy hài cốt đâu. Cuối cùng bà mẹ anh xuất hiện. Bà thắp nhang vái rồi sẵn chai rượu mang theo, bà ngậm trong miệng phun khắp xung quanh. Và điều kỳ lạ xảy ra: Một đám cỏ chuyển màu có hình người. Đào lên thì đấy đúng là di cốt Chu Cẩm Phong...
Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại bài thơ
Cuộc chia ly màu đỏ, để nhớ và hiểu thêm một thời hào hùng và bi tráng của dân tộc. Trên nắp mộ nhà thơ Nguyễn Mỹ, đồng đội ông cũng khắc mấy câu thơ rực đỏ ấy...
Văn Công Hùng
(Báo Sức khoẻ và Đời sống, 2009)