Triệu Giả (chữ Giả có nhiều người đọc là Hỗ) tự Thừa Hựu, người Sở Châu. Tuổi nhược quan đi ngao du khắp nơi, kế tới làm khách của Quan sát sứ Chiết Đông Nguyên Chẩn mấy năm, kết giao với Tùng sự Lư Giản Cầu. Khi Chẩn ra trấn Vũ Xương, Giả qua Tuyên Thành làm Tùng sự ở Mạc phủ của Quan sát sứ Tuyên Hấp Thẩm Truyền Sư, chơi thân với Đỗ Mục. Trong niên hiệu Thái Hoà (827 - 835) được Truyền Sư cử làm Hương cống, lên ngụ ở kinh đô kết giao với các văn nhân, có khi cùng nhau đi chơi tới tận Lĩnh Nam, đến năm Hội Xương thứ 4 (844) mới thi đậu Tiến sĩ. Nhà Giả ở Chiết Tây, thường qua lại Trường An, có lần làm bài
Trường An thu vọng (Đêm rằm mùa thu ở Trường An) như sau:
Vân vật thê lương phất thự lưu,
Hán gia cung khuyết động cao thu.
Tàn tinh kỷ điểm nhạn hoành tái,
Trường địch nhất thanh nhân ỷ lâu.
Tử diễm bán khai ly cúc tĩnh,
Hồng y tận lạc chử liên sầu.
Lô ngư chính mỹ bất quy khứ,
Không đới Nam quan học Sở tù.
(Cảnh vật thê lương trắng một màu,
Đền đài cung điện vút đêm thu.
Sao tàn lác đác nhạn qua ải,
Sáo trỗi vi vu khách dựa lầu.
Rào tía mới khoe đài cúc lặng,
Ao hồng đã trút áo sen sầu.
Cá quê đang béo chưa về được,
Vò võ tha hương ngóng Sở Châu.)
Giả ở Chiết Tây quen một nàng ca kỹ xinh đẹp, có ước hẹn với nhau. Gặp ngày rằm tháng bảy nàng ấy lên viếng chùa Hạc Lâm, bị Tiết độ sứ Chiết Tây cưỡng ép bắt về. Năm sau Giả thi đậu Tiến sĩ, gởi một bài thơ có ý đe doạ rằng:
Tịch mịch đường tiền nhật hựu huân,
Dương Đài khứ tác bất quy vân.
Đương thời văn thuyết Sa Tra Lợi,
Km nhật thanh nga chúc sứ quân.
(Lặng lẽ sân thềm bóng tịch huân,
Non Vu mây vắng quạnh mơ xuân.
Từng nghe chuyện cũ Sa Tra Lợi,
Nay gởi tình nương chỗ sứ quân.)
Viên Tiết độ sứ được thơ trong dạ bất an, sai người đưa nàng ca kỹ về cho Giả. Lúc ấy Giả đang trên đường trở lên Trường An, gặp nhau ở trạm Hoành Thuỷ, nàng ấy ôm Giả gào khóc rồi chết, Giả mai táng nàng ở phía nam dịch trạm.
Sau khi Giả đậu Tiến sĩ, Tuyên tông hỏi lấy tập thơ của Giả xem, thấy bài
Đề Tần hoàng (Vịnh Tần Thuỷ hoàng) ở đầu quyển có hai câu “Chỉ tri lục quốc đồ cân phủ, Mạc hữu quần nho định thị phi” (Chỉ nghe sáu nước theo rìu búa, Chẳng có quần nho luận đúng sai), vua rất không vừa lòng.
Giả làm thơ phần lớn chỉ là thù tạc với công khanh, tặng đáp với bạn bè, nhớ nhung xứ sở, buồn bã công danh..., song lời thơ trong trẻo già dặn, có nhiều câu hay. Đỗ Mục đọc bài
Trường An thu vọng nói “Hai câu Sao tàn lác đác nhạn qua ải, Sáo trỗi vi vu khách dựa lầu rất có ý vị, ngâm mãi không chán”, nhân đó gọi Giả là “Triệu Ỷ lâu”. Có điều thời bấy giờ nhà Đường suy yếu, các Tiết độ sứ cát cứ châu quận không phục tùng chính quyền trung ương, mà Giả làm bài
Đề Tần hoàng lại có ý khen ngợi nhà Tần thống nhất Trung Hoa, dù muốn hay không cũng đụng chạm tới sự bất lực của triều đình, có lẽ vì vậy mà mãi đến năm Đại Trung thứ 6 (852) mới được cử giữ chức Huyện uý Vị Nam. Giả bình sinh đã lận đận về công danh lại đau lòng về tình ái, nên trước đó làm thơ có hai câu “Tảo vãn thô thù thân sự liễu, Thuỷ biên quy khứ nhất nhàn nhân” (Nợ đời một sớm tạm xong, Thong dong về lại vui cùng nước non) tỏ ý lạt lẽo việc đời, kế quả chết tại chức, người đời gọi là Triệu Vị Nam.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]