Trong
Thông báo Hán Nôm học năm 2004 chúng tôi đã giới thiệu dấu tích thủ bút của Trấn thủ Nghệ An Nguyễn Văn Thậm trên văn bản Hán Nôm thời Tây Sơn. Bài viết này xin được giới thiệu chứng tích ngự bút của vua Lê Hiển Tông thời Lê Trung hưng khắc trên tấm bia đá ở xã Phương Triện, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Tấm bia này được dựng tại lăng mộ Trần tướng công ở Phương Triện, dòng họ Trần là dòng họ nổi danh mấy đời khắp Bắc Ninh và kinh thành Thăng Long cuối thời Trung hưng. Đặc điểm, kích cỡ tấm bia có khác với đa số bia đá cùng thời. Bia có kích thước 68x98cm, chất liệu bằng đá. Tổng thể hình chữ nhật đứng, không có trán bia, không có rìa cạnh khắc hoa văn trang trí. Trên đầu tấm bia là 4 chữ đầu đề
Thư bút ngự tứ 書筆御賜 khắc theo kiểu chữ Triện - Lệ xếp theo chiều ngang ngăn với phần chính văn ở dưới bằng một đường viền ngang. Toàn văn chữ Hán viết lối đá Thảo được khắc lại trên đá phân làm bảy dòng xếp theo chiều dọc. Tổng số có 56 chữ khắc chìm viết theo thể Thất ngôn liền mạch. Bia không có hàng ghi niên đại, chỉ có 3 chữ Trùng tứ đề viết nhỏ hơn chữ ở phần chính văn, được khắc cách quãng chếch phía dưới cuối bài thơ. Dưới 3 chữ này là hình con dấu khắc vuông bên trong có 4 chữ Triện.
Bia
Thư bút ngự tứ đã được giới thiệu sơ lược phần phiên âm dịch nghĩa trong
Văn khắc Hán Nôm Việt Nam(1). Thác bản bia hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu N04207. Dưới đây là đoạn phiên âm và dịch nghĩa bài
Thư bút ngự tứ.
Phiên âm:
Thư hương thế phiệt trọng Nho lâm
Trấp cửu niên lai lý lịch thâm
Tế lý túc xưng Đường quốc bảo
Huệ nhàn hề lận Hán đình câm (kim)
Đức giang thắng khái cung di dưỡng
Thai lĩnh kì bằng lạc dự trâm
Sơ chính chính kim cầu cố thiết
Ngu... chu phụ cách hà tâm
Dịch nghĩa:
Dòng thế phiệt thi thư được làng Nho trọng vọng
Hai mươi chín năm qua từng trải đã nhiều
Làm việc đủ khen là quốc bảo nhà Đường
Ban thưởng đâu tiếc bạc vàng như nhà Hán
Dải Thiên Đức kỳ thắng giúp di dưỡng
Núi Thiên Thai ngạo nghễ vui dự cùng
Mới làm chính nên cần giúp rập
Hiền nhân phò giúp có hạng nào đâu(2)
Về xuất xứ bài thơ được khắc trên tấm bia lăng mộ này. Đây là bài thơ ngự bút của vua Lê Hiển Tông viết tặng ông Trần Danh Lâm 陳名林 Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731) làm quan đời Lê Cảnh Hưng. Trần Danh Lâm hiệu là Khiêm Trai người làng Bảo Triện, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh năm Ất Dậu đời Vĩnh Thịnh là người nổi tiếng thông minh có tài văn chương. Năm 19 tuổi ông đã đỗ Hương giải. Khoa thi năm Tân Hợi (1731) ông đỗ Tiến sĩ, được bổ chức Nhập thị Bồi tụng, qua nhiều chức vụ sau thăng đến chức Thượng thư Bộ Hình - tước Du Nhạc hầu. Ông về hưu trí năm Kỷ Sửu và đến năm Đinh Dậu thì qua đời, thọ 73 tuổi. Khi ông mất Lê Hiển Tông rất thương xót cử đại thần Lê Quý Đôn cùng gia quyến tổ chức lễ tang và đọc văn tế. Ông được truy tặng Thiếu bảo tướng công và ban tên thuỵ là Trung Lượng.
Xét hành trạng cuộc đời và quan hệ gia tộc của Trần Danh Lâm. Ông là con trai của Ngự sử đài Đô ngự sử Diễm quận công, là em ruột của Thượng thư bộ Lễ Trần Danh Thành, là cha đẻ của danh thần Trần Danh Án cuối thời Trung hưng. Ông và người anh Trần Danh Thành cùng đỗ một khoa, cùng làm quan cao chức trọng đồng triều. Qua việc đối chiếu xem xét hai tấm bia có liên quan là
Thần đạo bi ký 神道碑記 và
Thiếu bảo tướng công từ đường bi ký 少保相公祠堂碑記ở xã Phương Triện huyện Gia Bình, Bắc Ninh (thác bản bia hiện lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có ký hiệu là No 4208 và No 4214-17, đã được dịch giới thiệu trong
Văn khắc Hán Nôm Việt Nam). Đồng thời đối chiếu với bảng Lục thập hoa giáp, chúng tôi đã cố gắng dựng lại niên biểu cuộc đời sự nghiệp của Trần Danh Lâm, để từ đó tìm ra được khoảng thời gian mà vua Lê Hiển Tông viết bài
Thư bút ngự tứ và thời gian lập tấm bia đã nêu rõ trên.
Trần Danh Lâm sinh năm Ất Dậu tức năm 1705. Năm ông 19 tuổi tức năm 1723 (tính theo tuổi ta) đỗ Hương giải. Năm Tân Hợi năm 1731 ông đỗ Tiến sĩ. Năm Đinh Hợi là năm 1767, người anh ruột là Trần Danh Thành chết, ông đã soạn bia
Thiếu bảo tướng công từ đường bi ký, cho khắc và dựng trên từ đường dòng họ mình. Năm Kỷ Sửu là năm 1769, ông về hưu trí. Năm Đinh Dậu là năm 1777 thì ông qua đời.
Trở lại bài thơ
Thư bút ngự tứ của vua Lê Hiển Tông. Đây là bài thơ viết khen ngợi công lao tài đức của Trần Danh Lâm chứ không phải bài thơ tặng khi ông mất hoặc tặng người về hưu trí. Do đó chắc nó đã được viết trước năm Kỷ Sửu là năm 1769. Trong bài thơ có câu “Trấp cửu niên lai lý lịch thâm” ý rằng Trần Danh Lâm đã trải làm quan 29 năm rồi. Sự nghiệp quan trường của ông có thể tính từ năm ông đỗ Tiến sĩ là năm Tân Hợi (1731). Nếu làm phép cộng ta sẽ được số năm tính ra niên đại là 1731+ 0029 = 1760. Năm 1760 mang niên hiệu thứ 21 đời Lê Cảnh Hưng bài
Thư bút ngự tứ ra đời; hoặc cũng có thể dung sai trước và sau năm 1760 một vài năm. Vua Lê Hiển Tông đã ngự bút viết tặng Trần Danh Lâm bài thơ này. Bài thơ được viết trên giấy hoặc trên lụa, có đóng ấn ngự bảo của vương triều Lê.
Cho đến năm 1777 Trần Danh Lâm qua đời, con cháu ông đã lấy nguyên bản bài
Thư bút ngự tứ áp trên tấm đá, khắc lại y nguyên thành tấm bia mộ dựng nơi ông nằm để dòng tộc và bà con bản quán chiêm bái, cũng là để cho thiên hạ thấy được tài đức công lao của một con người, một trọng thần đã được thiên tử ban khen bút ngự. Từ đây cũng cho chúng ta thấy được vì sao tấm bia này lại khác với các bia cùng thời: không có trán bia, không có rìa cạnh và không có hoa văn trang trí.
Điểm đặc biệt nữa là 4 chữ
Thư bút ngự tứ khắc theo thể Triện - Lệ có kích thước, hình thức, nét khắc bố cục khác hẳn với kiểu chữ ở chính văn. Xem xét ô vuông, đường phân cách, kiểu chữ nổi ở bia chúng tôi cho rằng 4 chữ này không phải thủ bút của vua Lê Hiển Tông. Tức là nó không được viết cùng bài thơ khoảng năm 1760 mà được thực hiện năm 1777 khi con cháu Trần Danh Lâm khắc chữ dựng bia.
Điểm cuối cùng chúng tôi muốn nói trong bài viết này là việc khẳng định hoàn toàn văn bản này là ngự bút của vua Lê Hiển Tông. Với kiểu chữ nét viết đẹp, bút pháp hài hoà, tự nhiên; với 4 chữ “thư bút ngự tứ”, với xuất xứ bài thơ và quan trọng là hình dấu trên văn bia. Dấu hình vuông có rìa cạnh, 4 chữ triện bên trong là 4 chữ
Ngự tiền chi bảo 御前之寶. Đây là một trong 6 bảo ấn của nhà Lê được làm ra từ năm Thiệu Bình thứ 2 đời Lê Thái Tông (1435) chuyên dùng đóng trên giấy tờ sổ sách của vua. Đến đời Lê Cảnh Hưng vẫn sử dụng con dấu này, nó đã được đóng trên văn bản dưới thủ bút của Lê Hiển Tông. Đến năm 1777 đã được con cháu Trần Danh Lâm sao y nguyên bản khắc lại trên tấm bia mộ, tính đến này đã 229 năm.
Nguyễn Công Việt (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
(1) Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1993.
(2) Theo bản dịch của Văn khắc Hán Nôm Việt Nam. Sđd.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]