Ngay sau khi hơn 900.000 thí sinh trên cả nước hoàn thành môn thi Ngữ văn kì thi THPT Quốc gia, PV báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Nguyễn Duy – tác giả bài thơ “Đánh thức tiềm lực” xuất hiện trong đề thi Ngữ Văn.Thưa nhà thơ Nguyễn Duy, ông có ngạc nhiên khi bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của mình được Bộ GDĐT đưa vào đề thi THPT Quốc gia 2018?- Trong đề chỉ là những câu mở đầu của bài thơ “Đánh thức tiềm lực” thôi. Tôi rất ngạc nhiên, tôi không nghĩ Bộ GDĐT lại đưa đề tài này vào chương trình thi của học sinh THPT. Nhưng tôi mừng vì cách ra đề làm cho học sinh tiếp cận với khuynh hướng mở. Đây là điều rất cần thiết trong thời điểm hiện tại.
Ông có thể cho biết, thông điệp mình muốn gửi gắm qua đoạn mở đầu bài thơ “Đánh thức tiềm lực” là gì?- Đoạn thơ này, tôi đặt ra một vấn đề, một đòi hỏi, một bức xúc thì đúng hơn. Cái đòi hỏi, bức xúc này tôi đã đặt ra gần 40 năm rồi, từ những năm 1980 –1982.
Tôi nghĩ bức xúc, đòi hỏi cho đất nước giàu mạnh là đòi hỏi muôn đời của bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào chứ không phải là đòi hỏi nhất thời. Đây là đòi hỏi mang tính chất vĩnh cửu của một quốc gia, dân tộc. Với thế hệ trẻ, tôi tin họ cảm nhận được điều này.
Ông đã sáng tác bài thơ gần 40 năm nhưng đến nay, Bộ GDĐT mới đưa bài thơ vào trong đề thi Ngữ văn. Vậy có phải Bộ đã nhận thấy tính cấp thiết mà ông đặt ra trong bài thơ của mình ở bối cảnh đất nước hiện nay?- Tôi thấy như vậy là hơi chậm nhưng dù sao chậm còn hơn không. Đáng lẽ đề tài này phải đưa ra hơn chục năm trước rồi!
Thông điệp đặt ra thời điểm đó là như vậy nhưng những đòi hỏi đánh thức tiềm lực tài nguyên thiên nhiên đến bây giờ có thể nói là lạc hậu.
Cái quan trọng của bài thơ nằm ở phần cuối - đánh thức tiềm lực trong con người: “Xưa mẹ ru ta ngủ yên lành/ để khôn lớn ta hát bài đánh thức/ có lẽ nào người lớn cứ rủ nhau/ ru tiềm lực ngủ vùi trong thớ thịt...”
Đoạn cuối bài thơ không lạc hậu và sẽ không bao giờ lạc hậu.
Khi đưa đoạn mở đầu bài thơ “Đánh thức tiềm lực” vào đề thi Bộ GDĐT đã có những lời kêu gọi rất cấp thiết tới các học sinh – những người được coi là nắm giữ tương lai của đất nước. Vậy nhà thơ muốn nhắn nhủ điều gì với các học sinh hôm nay và thế hệ ngày mai?- Những cái tốt đẹp có thể bị xâm hại, nhưng điều vẫn tồn tại ở lớp người này đến lớp người khác, đó là bản chất của dân tộc. Tôi tin tưởng thế hệ trẻ càng học càng giỏi, trên thực tế, thế hệ trẻ giỏi giang hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều. Tôi tin những trí tuệ và tấm lòng của giới trẻ không bao giờ bị thui chột.
Dân tộc này sẽ vẫn tồn tại với lớp trẻ nên các bạn cần nhận thức được điều đó.
Thế hệ chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình rồi.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Duy!
Khánh Linh
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]