Bản dịch của Trương Việt Linh

Chốn thái tử Chiêu Minh thuở trước,
Đài đá ghi rõ nét "phân kinh".
Đài xưa gió giật mây vần,
Cỏ cây giá rét thân cành chết khô.

Pho kinh cũ hồ đồ đâu thấy,
Chuyện đồn xưa thái tử nhà Lương,
Trẻ trai mê đắm văn chương,
Chia kinh khéo vẽ thêm tuồng ngẩn ngơ.

Phật vốn không, đâu nhờ cậy vật,
Kinh cũng không, bày đặt lừa ai,
Văn thiêng không bởi ở lời,
Pháp Hoa: hão, Kim Cương: thôi, cũng xằng.

Giữa không sắc lăng xăng chẳng tỏ,
Khéo tin quàng phật trở thành ma,
U mê con cũng như cha,
Bởi tâm vọng tưởng nên ma hiện tiền.

Chẳng thấy đó toà sen gò núi,
Để sớm mai ngựa vội sang sông,
Cây rừng cá vực luỵ vòng,
Kinh thành tro bụi, đài không tan tành.

Nghìn vạn chữ cũng đành tuồng bỏ,
Bọn ngu tăng mượn đó lừa đời,
Thế tôn thuyết pháp mượn lời,
Cứu người nhiều tựa cát nơi sông Hằng.

Quán tâm được ấy mình tự độ,
Núi Linh Sơn chỉ ở lòng người,
Gương trong chớ tưởng là đài,
"Bồ Đề" vốn chẳng là cây, chớ nhầm.

Kinh "Kim Cương" nghìn lần đã đọc,
Nghĩa huyền vi gạn lọc khó ra,
Dưới đài gặp lúc bước qua,
Biết kinh không chữ mới là chân kinh.