Bản dịch của Phạm Trọng Chánh

Tháng Thu cúc (tháng 9) năm Canh Tuất, Hải Khách An Nam quay xe sứ thần từ Yên Đài, buông thuyền qua sông Trường Giang, sông Hán, trên lầu Hoàng Hạc nhớ dấu cũ Phí Văn Vĩ và Lã Động Tân, tới Xích Bích hỏi việc Tôn Ngô và Tào Tháo. Trước ngày mùng một tháng Tiểu xuân (tháng 10) đậu thuyền dưới thành Nhạc Dương.

Thừa hứng lên lầu, từ cao xa trông,
Bóng hồ ngàn dặm, trên dưới sáng rực.
Mây trời lửng lơ, khói chiều lóng lánh.
Đó là lúc trời phô bày bóng sắc!
Núi đảo chìm nổi, cây cỏ xanh rờn.
Đó là đất thêu dệt văn chương!
Phong vật Tư Thành náo nhiệt, làng xóm Tam Sở chen chúc,
Đó là người dựng nên bức tranh!
Đến như: Tiếng chuông chùa vắng, du dương như nước cuộn lên.
Bóng tiều phu đi dưới nắng tà, thấp thoáng quanh bờ.
Cả đến: Đàn nhạn ngang dọc, tiếng hát ca chèo phía xa, phía gần.
Tô điểm nước thu chiều tà, chẳng phân bến bờ trước mắt ta.
Thoáng như thân ở trong bầu ngọc, lòng mắt đều sảng khoái.
Chợt có kẻ mặc áo đạo sĩ, nâng chén cùng mời.
Một hớp say sưa, như tưới nước cam lộ vào lòng.
Rồi thì: ngước trông chân tượng (Lã Động Tân), tưởng nhớ đạo huyền.
Ngâm câu thơ vịnh cảnh Thương Ngô, Bích Hải.
Hát bài ca đề cảnh Bôn Phố và Quân Sơn.
Nghĩ thân thế như phù du, sống gửi trăm năm như ngọn đèn trước gió.
Tỉnh ngộ thời gian xưa nay, như quán trọ bên đường,
Mênh mông đất trời, thân như hạt thóc.
Bèn đến trước đạo sĩ, hỏi đạo huyền vi.
Gốc trí tuệ dễ đâu, lẽ nhiệm mầu khó nói.
Khiến cho người có thể giương cánh bay về với dấu phi hồ,
Sao phải gào thét mà tranh nhau truyền tụng.
Rồi thì: Bóng mặt trời lặn xuống nước, ánh sáng lạnh chiếu cao.
Ôm áo lên thuyền về, thần trí thong dong.
Đêm ngủ mộng cùng ông chén say lầu này.

Lại viết một bài thơ:
Động Đình sắc nước biếc trời thu,
Chót vót trời xa hồ mái lầu.
Vũ trụ đông nam thành khuyết hãm,
Sóng mây kim cổ vẫn xanh mầu.
Cột buồm thấp thoáng trời xanh biếc,
Gò đảo lung linh bọt trắng phau.
Lò thuốc luyện đan buồn lữ khách,
Tượng say, tỉnh mộng hát nghêu ngao.