Bản dịch của Hồ Đắc Duy

Chàng lãnh chiếu dẹp yên ngoài cõi
Tiễn đưa người tới lối cầu sông
Ngậm buồn ngăn lệ nhủ cùng
Dù xa cách mấy cũng đừng quên nhau

Từ dạo ấy tin đâu vắng vẻ
Để phòng the lạnh lẽo đêm xuân
Trước thềm rêu phủ xanh dần
Trong màn bụi bám mấy lần nào hay

Buổi chia tay lòng đầy kinh hãi
Biết làm sao gặp lại chàng ơi
Xin làm biển nọ trăng soi
Xin làm mây lạnh trên đoài non xa

Mây lạnh đó năm qua còn thấy
Biễn năm năm trăng trẩy biên cương
Tới lui trăng vẫn bên chàng
Nghìn trùng vạn dặm có nhường thấy chăng

Đường thăm thẳm quan sơn cách trở
Hận vì chàng sao ở quá lâu
Ngày đi vàng cánh hoa lau
Mà chừ trắng xoá cả màu bạch mai

Hoa nghiêng ngả gặp ngày xuân sớm
Nỗi niềm xuân biết ngỏ cùng ai
Thuỳ dương lá rụng chàng ơi
Hoa rơi ngập đất ai người quét đây

Trước sân đầy cỏ xuân thơm ngát
Chốn hoạ đường ôm chiếc Tần Tranh
Giang Nam dạo khúc vì chàng
Gởi tình em đến Bắc Phương cõi ngoài

Nơi phương Bắc xa xôi vời vợi
Vạn dặm đường tin tới hay không
Gối khăn lệ đẫm từng dòng
Áo vàng lụa vẽ hoa cùng rưng rưng

Ba xuân đến qua sông tiếng nhạn
Khác chi người xa bạn người ơi
Ruột đứt đàn vẫn còn hoài
Đàn chưa trọn khúc đau nay đã thành

Chàng nhớ thiếp nặng tình như núi
Thiếp nhớ chàng khôn nỗi nào khuây
Cúi dâng một bức gấm này
Vua tha chàng sớm được quay trở về.

Khi nghiên cứu cấu trúc của bài Chức cẩm hồi văn mới thấy hết cái cách chơi của người xưa quả thực là tuyệt diệu, một lối chơi thật tao nhã có một không hai mà đã trên 2000 năm nay cũng chưa có kẻ hậu sinh nào giải mã dược cái bí quyết, cái bí mật cũng như bức thông diệp này gởi đến cho vua mà khi nhà vua cầm bức gấm lên thì chỉ thấy trước mắt mình chỉ có một chữ THIÊN TỬ nằm ở trung tâm vũ trụ, tất cả các chữ còn lại đều đọc được hết, nhưng toàn thể 280 chữ ấy nói cái gì? thì Hoàng đế và cả quần thần học sĩ uyên bác cũng chỉ nhìn nó như một lời thách đố, sức mạnh, vũ lực, gươm giáo, quân sỉ và tiền bạc, chức tước đã phải ngậm ngùi trước một câu đố hiểm hóc của một người đàn bà thông minh là Tô Huệ này.

Một bản thông điệp có trong tay, mà không ai giãi mã được, trong kết cấu của bài Chức cẩm hồi văn có ẩn chứa một điều bí mật ở những con chữ to nằm trong 32 ô. Nếu là Dụng Hồi văn thể kiêm liên hoàn, với 280 chữ thành 40 câu thơ, mỗi câu 7 chữ thì có thể đọc lên đến 1600 bài thơ và nếu là bình trắc lục vận độc thành thất ngôn, ngũ ngôn hay theo các con chữ 280 mà xếp thì có thể lên đến cả chục triệu bài thơ, một chương trình cho máy vi tính có thể xử lý để in ra mấy chục triệu bài Chức cẩm hồi văn đó.

Trong lịch sử chơi chữ của văn học Việt Nam thì khó có ai qua mặt được vua Thiệu Trị, ông để lại cho đời hai câu đố: Vũ trung sơn thuỷ (Cảnh trong mưa), Phước Viên văn hội lương dạ mạn ngâm (Đêm thơ ở Phước Viên). Đó là một trận đồ bát quái có 56 chữ, ứng với một bài thơ thất ngôn bát cú được khảm xà cừ. Trên câu đố có ghi lời dặn cách đọc bên cạnh bài thơ. Theo chỉ dẫn của Vua đọc theo hai lối hồi văn kiêm liên hoàn, theo thể thất và ngũ ngôn sẽ được 64 bài, sau này chúng tôi có làm được bài thơ Trăng đêm có thể đọc được 96 bài và gần đây có một ông tú ở Quang Trung, Bình Định lại có một bài thất ngôn bát cú đọc được 128 bài.

Đây bài dịch thơ này cũng là một cách chơi, một cách chơi phải được tôn trọng: các chữ và nghĩa gần giống, sát nghĩa nhất và bằng chữ Nôm trong 33 con chữ lớn, đặt biệt là chữ VUA nằm ở vị trí số 273 chữ VỀ nằm ở vi trí 280, xin chép ra để các bạn cùng chơi cho vui trong lúc trà dư tửu hậu.