Mồng 5 tháng 5 năm Nhâm Tý (1912), anh em trong đảng sửa sang tổ chức lại, thành ra hội . Các đồng chí cử tôi giữ quyền tổng lý, Hoàng quân Trọng Mậu thì làm bí thư.
Chúng tôi thảo ra thể lệ cách thức đạo quân Việt Nam Quang Phục, lại in ra phiếu quân dụng riêng cho Việt Nam Quang Phục quân dùng với nhau. Một mặt khác chúng tôi mượn in vô số sách vở văn bài cổ động, như là truyện
Hà thành liệt sĩ và bài văn khuyên bảo lính tập, rồi sai người chuyển vận về nước, rải phát tứ tung.
Tháng 2 năm Quý Sửu (1913), chúng tôi uỷ ông Nguyễn Hải Thần làm chi bộ bộ trưởng hội Việt Nam Quang Phục ở , ông Trần Văn Kiện làm chi bộ bộ trưởng ở Xiêm biên, còn ngả biên thì Đỗ quân Chơn Thiết tự nguyện phụ trách. Chúng tôi bàn định lúc nào thì cả ba mặt cùng tiến, cho nên sự sắp đặt từ trước sẵn sàng, chỉ còn đợi ngày giờ đến thì làm việc.
Tuy vậy, lúc ấy đảng ta vẫn có một vấn đề khó nổi giải quyết, là vấn đề kinh tế. Khó quá, kinh tế chưa được sung túc, mà đến khí giới quân lương cũng đều lo ngại thiếu thốn nữa mới khổ. Nhưng nếu đừng có việc gì xảy ra một cách bất ngờ, để chúng tôi còn có ngày giờ thì vấn đề dầu khó mặc lòng, hoạ may có thể trù tính xong được. Song chẳng may thuyền xuôi gió ngược, tai biến xảy ra không ngờ, làm cho toàn cuộc mưu tính của tôi hư hỏng tiêu tan như bọt nước bóng mây. than rằng đời khó được như ý, thật đúng lắm thay!
Mùa hạ năm Quý Sửu (1913), ở tỉnh thành Quảng Đông có việc quân lính nổi dậy gây biến, cốt đánh đổ Đô đốc Trần Cảnh Hoa, làm cho Trần phải chạy. Long Tế Quang kéo binh tới, tự lãnh chức Đô đốc Quảng Đông. Thuở nay, họ Long với đảng cách mạng Việt Nam vẫn không quen biết nhau và không quan hệ liên lạc với nhau bao giờ. Đã vậy mà Long lại là người thù ghét vây cánh Hồ Hán Dân và Trần Cảnh Hoa, chỉ muốn có dịp bài trừ cho tiệt. Thành ra đảng ta bị vạ lây; tôi phải ôm cái cảm khái thỏ chết chồn đau, vì Hồ - Trần thất bại, đảng ta không chỗ nương dựa ở Quảng Đông nữa. Lúc đó tôi muốn bỏ đi nơi khác cho mau, nhưng vì có công việc của đảng còn ràng buộc, bỗng chốc thu xếp không kịp, tôi đành phải nấn ná ở lại. Nhưng cũng lo phòng thân, tôi lật đật viết thư lên , cậy ông tìm cách vận động xin giùm tôi một hộ chiếu, để nữa tôi có đi đâu mới được.
Nguyễn quân vốn là người nhiệt tâm với nước. Sơ tuần tháng 7, ông tiếp được thư tôi, lập tức lấy được giấy hộ chiếu của Bộ ngoại giao Bắc Kinh gửi xuống cho tôi. Có tờ hộ chiếu nằm trong tay rồi, tôi bớt lo sợ. Vả lại các bạn đồng chí cùng ở Quảng Đông với tôi lúc bấy giờ khá nhiều, nếu như đồng thời giải tán, muốn đi đâu cũng phải cần có phí khoản mà hiện tạ tiền bạc không có, thành ra chúng tôi đành chịu nấn ná ở lại đây với nhau, không tính đi đâu được. Cách không bao lâu, có tin báo rằng quan Toàn quyền Đông Pháp sắp tới Quảng Đông. Kế một tuần sau, thì các cơ quan hành sự của đảng ta đều bị khám xét và được lịnh giải tán. Tôi với yếu nhân của đảng là cùng bị bắt hạ ngục. Nguyên trước, Hoàng quân Trọng Mậu có việc đi Vân Nam và Phan quân Bá Ngọc hồi xuống tàu đi Nhật Bản, đều căn dặn tôi nên liệu cơ mà từ giã Quảng Đông kẻo nguy. Song tôi suy nghĩ các bạn đồng chí đang ở Quảng Đông với mình vô số, mình không đành lòng nào lo riêng một mình. Vì đó mà tôi cứ do dự chần chờ, mới vương lấy tai ách bây giờ.
Ban đầu mới bị bắt, tôi vẫn tự nghĩ rằng mình không đến nỗi nào phải chết. Đến lúc thấy cách thức người ta áp giải mình đi dọc đường, nào xiềng tay, nào trói chặt, dẫn vô tới gục thất, họ lại giam trong ngục thất chung một chỗ với bọn tù xử tử, bấy giờ tôi mới biết rằng Đô đốc Long Tế Quang không đãi tôi là hạng tù chính trị, vậy thì ngày giờ tôi chết gần đến nơi rồi!
Từ khi xuất dương tới giờ, tôi được nếm mùi ở tù, lần này là lần thứ nhất. Nhưng Mai quân hơn tôi: lần này ông ta vào ngục là lần thứ 3 rồi. Vào ngục bữa đầu hết, tôi với Mai quân ở chung một sà lim. Đêm hôm ấy, tôi đọc miệng một bài thơ an ủi Mai quân như vầy:
Phiêu bồng ngã bối các tha hương
Tân khổ thiên quân phận ngoại thường
Tính mạng kỷ hồi tần tử địa
Tu mi tam độ nhập linh dường
Kinh nhân sự nghiệp thiên đào chú
Bất thế phong chủ trương
Giả sử tiền đồ tận di thản
Anh hùng hào kiệt giã dung thường
Đại ý là:
Bơ vơ đất khách bác cùng tôi:
Riêng bác cay chua nếm đủ mùi.
Tính mạng bao phen gần chết hụt.
Mày râu ba lượt bị giam rồi!
Trời toan đại dụng nên rèn chí,
Chúa giúp thành công tất có hồi
Nếu phải đường đời bằng phẳng hết,
An hùng hào kiệt có hơn ai.
Còn tôi thì tự an ủi mình bằng một bài thơ nôm như sau:
Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu,
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân nọ vẫn còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiều nguy hiểm sợ gì đâu.
Làm xong hai bài thơ, tôi ngâm nga lớn tiếng rồi cả cười, vang động cả bốn vách, hầu như không biết thân mình đang bị nhốt trong ngục.
*
Qua ngày thứ nhì, người ta nhốt riêng tôi và Mai quân mỗi người ở cách biệt nhau một nới. Thế là từ hôm nay, tôi là thằng tù bơ vơ trơ trọi ở chốn tha hương khách địa. Những nỗi khổ nhục ở trong khám, cố nhiên mình chẳng nên xót xa than thở làm gì. Duy có một điều đau đớn là mình phải cách trở anh em, tuyệt hẳn tin tức, mà ở trong ngục chỉ có một mình nói tiếng Việt Nam cho mình nghe thôi, luống nghĩ tự buồn rầu cho thân phận, rồi lại chạnh niềm nhớ tới công việc thất bại, khiến tôi phải đau lòng mà khóc, nước mắt tầm tã như mưa. Thật là từ lúc cha mẹ đẻ tôi ra đến nay chưa hề lúc nào biết mùi đau đớn như bây giờ. Mà từ lúc cha mẹ đẻ ra, tôi chưa hề nếm mùi đau đớn như vầy, đầu giây mối nhợ là vì cái chí tôi hoài bão từ 30 năm trước.
Cái chí tôi hoài bão ra thế nào?Thì chỉ muốn đổ máu ra mà mua sự tự do, đánh đổi cái kiếp tôi tớ lấy quyền tự chủ đó thôi. Ôi! Cái chí tôi hoài bão như thế, cứ lấy thiên chức quốc dân ta mà nói, có ai dám bảo rằng: không nên. Song ôm cái chí đó mà có làm thành việc lớn chăng, thì phải nhờ có bắp thịt cứng ra thế nào, học thức giỏi ra thế nào, thủ đoạn có tài ra thế nào, thời thế có khéo xoay chuyển thế nào mới được. Đằng này tôi tự hỏi lấy tôi, bất quá như anh mù cỡi ngựa đui vậy thôi. Bây giờ kết quả thất bại như thế này, chính vì tôi dở mà ra, con than trách gì nữa!
Tuy vậy, tôi nghĩ trong thế giới chẳng lẽ nào có một con nước hễ đã xuống rồi thì không bao giờ nó lại lên, chẳng lẽ nào có một cuộc đời hễ đã thành rồi thì không có lúc thay đổi; bởi vậy, cái cuộc thất bại của tôi tạo ra ngày nay, biết đâu không phải là cái phước cho quốc dân sau này?
Than ôi! Dòng dõi Hùng vương chưa chết hết, chuyện cũ Lê hoàng còn mới hoài, phàm là quốc dân ta, ai hoài bão chí muốn như ta, tất có ngàn ta, muôn ta, ức triệu ta, nên lấy việc thất bại trước của một ta mà răn mình, để cho được trở nên những người năng y, không đợi tới chín lần đứt tay mới hay thuốc!
Tôi lại nghĩ tôi là một người trong tay không có lấy một miếng sắt, trên mặt đất cũng không có lấy một chỗ nào đứng chân, chẳng qua mình chỉ là một thằng tay không chân trắng, sức yếu tài hèn, lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài vuốt nhọn. Ai biết lòng mình thì than tiếc dùm mình mà nói:
Gan to!
Ai muốn bắt lỗi mình thì cả thể bảo mình:
Ngu quá!
Tóm lại, trong đời người thật không có ai ngu lạ như tôi. Nếu có phải tính mạng của tôi đến ngày hôm nay là ngày cùng rồi, khi tôi chết, người ta cứ đặt tên hèn cho tôi là Kỳ Ngu thì đúng lắm, không đổi được chữ nào khác hơn. Nhưng nếu muôn một mà tôi không chết, thì rồi sau thấy beo cọp há lại không thể đánh được ư? Xin quốc dân ta nên xem gương mà tự răn lấy mình.
Lịch ta ngày 25 tháng Chạp năm Quý Sửu (1913).
Sào Nam tử viết tập
Ngục trung thư này ở nhà ngục Quảng Châu, sau khi vào ngục được 3 ngày.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]