Đăng bởi Vanachi vào 01/06/2004 19:24, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 10/03/2006 11:39

Tạo hoá gây chi cuộc hý trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.


Có bản chép tiêu đề là Hoài cổ.

Thăng Long là kinh đô nước ta từ đời nhà Lý đến đời nhà Lê, đến đời Minh Mệnh nhà Nguyễn thì đổi ra tỉnh Hà Nội. Đi qua cố đô, Bà huyện Thanh Quan, đại biểu cho giai cấp sĩ phu Bắc Hà, bâng khuâng trước sự di đô đổi triều, đau lòng trước sự tang thương.

Khảo dị:
Tạo hoá gây ra cuộc hý trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn thi gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.


[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Thơ vịnh Sử

Chuyện bà huyện Thanh Quan

Thanh Quan nữ sĩ gốc Nghi Tàm (1)
Mê thú văn chương rạng Hán Nôm
Tự Đức quý tài… luôn xướng họa
Dạt dào hoài cổ trước chiều hôm

“Qua đèo Ngang” bước đường vào Huế
"Giáo tập" vua phong thật xứng tầm
Dạy chữ cung nhân cùng tứ đức
“Sơn hà đất Bắc sáng trời Nam”… (2)

Thiềng Đức – 4/11/2012


(1) Hà Đông
(2) tứ thơ của bà.
-Một chân lí đã "ngộ" ra và tôn thờ:
"Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ Tài"
Nguyễn Du
112.64
Trả lời
Ảnh đại diện

CHIẾN TRANH

CHIẾN TRANH
Vũ giang
Hoạ bài THĂNG LONG HOÀI CỔ thơ Bà Huyện Thanh Quan

Tôi mới về thăm lại chiến trường
Mưa dầm nắng trải mấy mùa sương
Bạn về chốn ấy đầy u tịch
Tôi ở nơi này chói ánh dương
Binh nghiệp một thời tràn máu đổ
Giao tranh cái thuở ngập đau thương
Cầu mong đất nước thanh bình mãi
Không phải binh đao giữa đấu trường...!
(xướng cổ hoạ kim)
               VG 11/2012

Vũ Giang
133.92
Trả lời
Ảnh đại diện

Bài hoạ THỜI CHIẾN

HỌA :
THỜI CHIẾN

Nguyệt Anh.

Vì đâu chinh chiến mãi kì trường
Đã mấy thập niên vẫn gió sương
Xác chết  cùng nơi khi sớm buổi
Hồn ma khắp chốn lúc tà dương
Muôn người  xơ xác bao hao tổn
Vạn vật điêu tàn quá xót thương
Máu đỏ thành sông đời thống khổ
Cầu mong hết cảnh quyết chay trường.
                        N A.

Vũ Giang
93.44
Trả lời
Ảnh đại diện

Nhớ Thăng Long xưa

Thượng đế bày nên một kịch trường*
Xưa giờ đã trải lắm phong sương
Dấu xe, lối cũ, hồn cây cỏ
Nền đá, thành vàng, ánh tịch dương
Đất vẫn thản nhiên cùng biến đổi
Hồ thường nhăn mặt với đau thương
Bao năm cổ tích Thăng Long giữ
Xúc cảnh tình sinh khiến đoạn trường.*

* Trùng từ dị nghĩa (sân khấu và ruột gan) thể theo bài gốc của nguyên tác.
Nguồn: Tình tự thi tập 2

Quân Sơn
82.75
Trả lời
Ảnh đại diện

Trích lời bình của Chế Lan Viên về bài thơ “Thăng Long hoài cổ” của Bà huyện Thanh Quan

Hãy đọc nhanh qua. Chắc ít ra cũng có mười người cùng nhận với tôi rằng: bốn câu đầu đẹp hơn bốn câu sau. Trong bốn câu đầu thì hai câu sau thì lại đẹp hơn hai câu trước. Trong bốn câu sau, hai câu trên lại lấn hơn hai câu dưới. Trong hai câu dưới, câu sau chót lại trội hơn câu trên nó.

Bây giờ chúng ta hãy xoay qua đọc chậm. Đọc chung cả bài thì mỗi câu đến chữ thứ tư, chúng ta bắt đầu rung động nhanh vô cùng. Đến chữ thứ năm, thì rung động siêu tuyệt, và đến đây hình như ta chờ đợi một cái gì…, sắp xảy ra một cái gì…, một sự thoả mản để kết thúc hồi rung động của ta… hồi trống đánh nhanh lên…, và sau cùng ba tiếng… con sông chảy gấp…, và đây là bể cả dâng xanh… Năm chữ đổ dồn…, và đó là hai chữ sau…, hai chữ Nho chọn lọc như điệp khúc trở đi trở lại như tiếng trống, như mặt bể, để thoả mãn tâm hồn. Ta sung sướng và cảm thấy rằng có cái gì quen quen. Đó là hai chữ Nho sau mấy chữ Nôm, nhưng ta bỡ ngỡ vì hai chữ Nho lần sau lại là hai chữ Nho khác lần trước… vân vân…

Đó là chúng ta đọc nhanh rồi chậm để thưởng thức. Cũng như là gặp một giai nhân ngoài đời hay trong sách, việc tìm biết tên tuổi, quê quán, đức hạnh… là việc sau, việc của sở căn cước, của nhà điều tra, gọi theo văn chương là các nhà khảo cứu, phê bình. Việc trước hết, việc của nghệ sỹ, là ngắm xem có đẹp không đã. Thưởng thức rồi mới tri thức. Thưởng thức bao giờ cũng đứng trước mà ngắm, khen, chê, gật gù gật gưỡng, có vẻ oai hơn. Tri thức bao giờ cũng chạy theo sau, và bao giờ cũng phải thong thả đĩnh đạc…

Thưởng thức đã vừa lòng, bây giờ chúng ta hãy đọc chậm từng câu để tri thức:

Tạo hoá gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tình sương.
………………………
Hai câu phá thừa mở ra bằng một lời oán trách Tạo hoá, than vãn tháng ngày, ngậm ngùi cảnh vật. Nhưng ông Tạo hoá đã làm những gì, hí trường kia ra làm sao, ảnh hưởng thời gian mau chóng thế nào, thì phải chờ cặp trạng:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu dài bóng tịch dương.
Hai câu đầu như lối cây xanh mở ra một tầm mắt, và cặp trạng là chân trời bật nổi giữa hai con đường kia.

Tản Đà rất tự phụ về hai câu:
Đất Nam Sở đỉnh chung người đội gạo
Bến Tầm Dương mây nước chiếc thuyền nan.
Cho rằng thơ không dùng qua một động từ, một hình dung từ nào, chỉ toàn danh từ thôi. Thế mà vô cùng cảm động!
Ai đọc thơ Pháp kỹ, hẳn thấy rằng Victor Hugo hay nhờ thiện dụng tiếng Verbe, thơ Beaudelaire hay nhờ thiện dụng tiếng Adjectif…, và phần nhiều văn thơ hay nhờ dùng hai loại tiếng đó. Bởi phải có một hành động gì, câu thơ mới có linh hoạt; phải có một hình dáng gì, câu thơ mới có sắc màu… theo nghệ thuật hội hoạ, thế là có mouvement, có couleur…, và cần có một forme nữa…

Nhưng trong câu thơ của bà Thanh Quan cũng như trong câu của Tản Đà, tất cả đều là danh từ… chỉ kêu tên vật lên mà thôi, chẳng nói chúng làm gì cả. Thế mà chúng đủ sắc màu, khác nào chỉ vẽ hình người bằng thuỷ mặc mà linh động, mà huy hoàng…

Hai câu của bà Thanh Quan đó nghĩa là sao?

Những sách dạy quốc văn ở học đường đã giảng. Họ giảng đúng chữ. Còn nghĩa thì…! Đức Phật nói rằng mạt pháp, cư sỹ sẽ hơn tăng già, phụ nhân sẽ hơn cư sỹ. Thi nhân cũng có thể nói rằng: đến đời mạt pháp, những người dốt chữ sẽ hiểu được thơ, được đạo cả, hơn các ông cụ khệnh khạng làm sách giáo khoa… cái hay một câu thơ không chính là câu thơ đó, mà là chút linh hồn bao chung quanh câu thơ. Thức ngủ mất còn ai có biết đâu…! Họ giảng: xưa là lối xe ngựa mà nay là lối cỏ thu; xưa là lâu đài mà nay chỉ có bóng mặt trời sắp lặn… Thật là gần gũi cận tiện… thật là trước mặt trên tay… Thơ không phải là việc trước mặt trên tay… thật là chữ nào nghĩa nấy…

Bởi vậy đức Phật lại nói: Y kinh giảng giải, tam thế Phật oan [1]. Giảng theo các sách giáo khoa như vậy chẳng qua bà Huyện Thanh Quan đến thành Thăng Long, một buổi chiều mùa thu, đấy ư? Ôi! Hồn thu thảo, bóng tịch dương, nếu thế, chỉ còn là một phần cảnh vật bên ngoài, rơi rớt lúc nào không biết, thay thế thế nào cũng được, chớ đâu phải là những trạng thái tâm hồn xuất tự bên trong? Hiểu như thế đó, cho nên nhiều bạn trẻ đã hiểu được hai chữ Paysage humain (cảnh con người) của Verlaine vẫn còn cho thơ Đường là thơ tả cảnh!

Hãy tưởng tượng rằng bà Huyện Thanh Quan đến thành Thăng Long một buổi sáng mùa xuân “cỏ cây chen đá lá chen hoa”, và cảnh vật chẳng có gì buồn cả. Chúng ta có thể nghĩ rằng một chút xanh hoa đỏ lá bên ngoài mà tấm lòng hoài cổ của bà tiêu tán đi chăng? Trái lại cái cảnh nhắc cho Lý Bạch chớ đến cung Lý Nhân của vua Ngô không phải là vườn xưa đài cũ, mà chính là sắc liễu xanh rờn, khúc ca lướt gió… Ở đây cỏ hoa đã che lấp cả. Nào lâu đài xưa lối cũ đã tàn tạ đi rồi như hồn cỏ hoa thu đã chết, nhường cho sự ngạo nghễ của hoa cỏ mùa xuân… Nào đâu đền cũ lâu đài? Nó cũng tắt đi như bóng tịch dương chiều hôm qua, chiều bữa trước, nhường cho ánh sáng đẹp đẽ buổi mai nầy. Bắt bài thơ nầy ở trong cảnh chiều phải vào cảnh sáng, cũng như bắt đội quân trong trận đồ đáng lẽ ra cửa sanh, phải ra cửa tử… chỉ để thử thách mà chơi đó thôi.

Thử thách song rồi, chúng ta có thể nói tác giả đến đây một buổi chiều thu nữa đấy… Cỏ thu quả có lúc bấy giờ… tịch dương lúc bấy giờ cũng có… nhưng cảnh ở đâu thì là cảnh. Cảnh đã vào trong thơ thì đấy là tình. Qua một chiếc máy lọc, bao nhiêu nước hồ ao đều thành nước uống, thì qua một con vật hữu tình là người, thì bao nhiêu cảnh cũng đều nhân hoá mà thành cảm tình. Cho nên cảm tình không những chỉ hồn thu thảo mà còn nền cũ lâu đài, không những chỉ bóng tịch dương mà còn lối xưa xe ngựa…

Đứng trước cảnh xưa kia lâu đài nguy nga, ngựa xe rộn rịp mà nay chỉ còn phất phơ hồn cỏ, gang tấc nắng chiều, thì tâm tình chúng ta như sao?… nhà thơ phương Đông mà bao giờ cũng dẹp bản ngã mình trước đại ngã của gia đình, tổ quốc, nhân loại, trước vô ngã của đất trời, lần nầy lại ẩn bóng hình mình, bóng hình nhân loại, sau đá nước:
Đá vẫn bền gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương.
Lá gan trung thành cùng chúa cũ tuy trải qua bao năm tháng vẫn bền vẫn vững, nhưng tấm lòng tích cổ thương kim thì dù tang thương xa cách mà vẫn còn khiến người ủ mặt chau mày…

Tại sao nói về câu trên, tác giả lại dùng chữ VẪN, tỏ ý cương quyết, vế dưới lại dùng chữ CÒN, tỏ ý chịu đựng? Phải chăng vì trước một tình trạng mà có những thái độ? Phải chăng vì hai nhân vật, bên thì ý chí trung, cứng cỏi, bên thì cảm tình sầu, mềm yếu? Cũng có thể nói thế. Nhưng sự thật thì có đến hai tình trạng. Đó là điểm quan trọng của hai chữ tuế nguyệt và tang thương. Ngày tháng dù có tàn phá đến đâu cũng không bằng bình hoả do thói dâu biển của con người gây nên mà xưa nay nơi nơi điều chung chịu. Con roi đánh trên hòn đá chỉ là con roi nhỏ, nhẹ…, chỉ làm cho nay rụng lá, mai rơi hoa. Chứ còn roi đánh trên nước hồ là con roi tàn bạo, làm cho máu tuôn thịt nát! Một bên thì đến bây giờ vẫn chưa chuyển động. Một bên mãi đến bay giờ mà vẫn còn thương đau!

Cặp luận là để tỏ ý tỏ tình. Nhưng nếu đa sự chúng ta cho nó là tả cảnh như hai câu trên, thì lại thêm một điều nầy cho chúng ta nhận xét nữa. Ấy là trong bốn câu trạng luận dùng để thích thực đầu đề, thì hai câu trên tả cảnh nhân tạo, hai câu dưới thích cảnh thiên nhiên: cảnh nhân tạo, nào xe ngựa nào lâu đài, bây giờ đã hoá ra cảnh thiên nhiên nắng thu cỏ úa. Còn cảnh thiên nhiên thì dù cho thuỷ lưu ba tạ vô tình, dù đá sắt không cảm động đi nữa, mà đứng trước tuế nguyệt đứng trước tang thương, nếu chẳng cảm xúc mà chau mày, cũng phải bền gan mà đối phó.

Phải có trăm nghìn nghĩa đâm ngang dọc bài thơ như trăm nghìn con dao, ta mới mong ráo nghĩa bài thơ. Bởi bà Huyện Thanh Quan viết bài thơ thì có một câu, nhưng sau mỗi câu thơ là một tâm hồn, mỗi tâm hồn là một bầu trời, mà mỗi bầu trời dọc ngang biết bao nhiêu hướng. Hãy dọc ngang để cho chim bay. Hãy tung hoành để cho chim bay. Hãy tung hoành để xem rõ ý tướng. Cũng như ta, sau một chữ ta thấy nhiều nghĩa, sau đường thẳng của chân trời ta đoán vạn núi sông, thì sau một cảnh tàn phá bày ra trước mắt, bà Huyện Thanh Quan chợt thấy cả bao nhiêu chuyện phế hưng từ trước đến giờ.

Nghìn năm gương cũ soi kim cổ.
Câu nầy vừa gói cảnh Thăng Long trước mắt, vừa gợi cảnh Thăng Long ngay xưa, vừa thoát ra khỏi Thăng Long để trùng trùng bao ảnh tượng khác…

Đấy là lúc cảm tình đã vào sâu trong lòng thi sỹ, đấy là lúc sắp bật nổ ra một cái gì. Quả nhiên câu chót đến:
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Nếu ví cảnh đấy là con dao, người đây là tác giả, thì luống đoạn trường là máu chảy. Nếu ví cảnh đấy là bầu tâm sự chan chứa, người đây là dây đàn, thì luống đoạn trường là khúc tiêu tao…

Từ trên đến đây ngấm ngầm tình người. Từ trên đến đây ngấm ngầm sự xung đột tình người và cảnh… Nhưng không… Nhưng đến đây, khi cái cảnh trước mắt không những là cảnh trước mắt, mà là cảnh xưa…, không những là cảnh ngày xưa mà là cảnh kim cổ, không những là ở đây mà là ở mọi nơi… khi đã như thế thì sự xung đột phải rõ rệt… cảnh đấy…, hai chữ ấy nhưng dồn tất cả bao nhiêu cảnh ở trên làm một đội quân. Người đây…, hai chữ đó cũng như dồn tất cả những đau buồn rải rác ở trên làm một đội binh. Hai đạo binh đã xung đột nhau: ấy là luống đoạn trường. Cảnh đấy…, hai chữ ấy nhưng dồn cả cảnh vật bỏ lên một đầu cân, và đầu bên kia là tất cả tình người. Tình người đã thua và chìm xuống. Đó là ý nghĩa của luống đoạn trường…


[1] Nương theo thời lời giảng kinh một cách sơ lược giản tiện đó là gieo oan cho phật tam thế.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
84.75
Chia sẻ trên FacebookTrả lời