Sách chép về thế phả, vốn có từ lâu, khảo xét các đời đã qua để rõ nguồn gốc lưu truyền, kê cứu những điều truyền văn, để rõ những tiêu chuẩn xưa nay. Hiềm vì chuyện tin chuyện ngờ lẫn nhau, có điều chưa hợp hẳn với lòng người. Nhưng việc đời biến đổi khác nhau thì làm sao lại khỏi có những điều quái gở. Nghìn năm về sau, khó lòng biết được đầy đủ, mà tìm trong sách vở cũng không thể tra cứu vào đâu được. Bởi vậy, ghi chép về nguồn gốc thực là nhọc lòng lắm. Có người hỏi tôi rằng: Bỏ cái lạ giữ cái thường là đạo của thánh hiền, tại sao ông lại câu nệ theo cũ, không nêu rõ lời mới để đổi hẳn thói mê hoặc của đời?
Tôi đáp rằng: Thời thái cổ còn hỗn mang, chưa phân biệt trời đất, ngay trung thổ cũng còn có nhiều thuyết hoang đường, như những chuyện vá trời, húc núi, lấy chân ngao làm cột trời, mười mặt trời cùng mọc, v.v..., đời sau cứ theo sách mà bàn luận, không kê cứu vào đâu được, đúng hay không đúng, vẫn còn ghi chép trong sử sách. Huống chi đất Việt ta ở vào cõi xa, sự hiểu biết cũng khác, từ đời hồng hoang thời gian xa cách, trong lúc mới mở mang, sách vở chưa đầy đủ, lễ nhạc chưa làm, nếu cho là có thực thì bởi đâu mà biết? Nếu cho là không có, thì do đâu mà xét ra? Cho nên những chuyện góp nhặt được đều là lượm lặt ở tiếng vang chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nên lưu tâm nhận kỹ, cố sức suy nghiệm thì sẽ rõ ngọc đá; thấy được tiếng vang hình bóng của lịch sử; tôi đâu tự dám cho ý mình là thoả đáng.
Vả lại, nước Nam ta ở vào dải đất nóng nực, trong cõi mênh mông, vua sáng đời nào cũng có. Dẫu rằng núi sông rộng lớn, chia biệt mỗi lúc một khác, nhưng từ xưa đến nay, chỉ căn cứ vào tục truyền và dấu vết, hỏi việc về dĩ vãng thì nhờ các cụ già kể chuyện lại; xét nghiệm ở tương lai thì có những đền miếu cúng thờ.
Tôi quên mình hẹp hòi quê hủ, chép sơ lược những chuyện ngụ ngôn, những điều truyền thuyết, muốn đợi các bậc cao minh học rộng tiến bộ sau này, nhận rõ xét kỹ mới có thể biết được trước sau mà không tự nhầm lẫn. Nếu có ai sửa lại cho tập này được đúng, cho lời chép được hay, đẽo gọt kỹ càng, rồi đem in ra, để mọi người thấy rõ việc xưa nay và hiểu thấu lẽ huyền vi, thì đó cũng là một bộ sử ký trong các truyện cổ chăng? Vậy làm tựa.