Quê ta nhiều cảnh đẹp, thuở thiếu thời dạo chơi, in dấu chân hầu khắp. Từng dừng thuyền lên núi này, vỗ tấm bia bên vách núi, cạo rêu mà đọc kỹ, mới biết ngôi tháp cũ đây xây từ năm Tân Mùi, niên hiệu Quảng Hựu thứ bảy triều Lý. Đến khi trèo lên tận đỉnh cheo leo, chỉ thấy nền hoang ngói vỡ vùi lấp giữa lùm cây rậm rạp, đá tảng ngổn ngang, bất giác bùi ngùi than thở. Sao sự hưng vong thành bại mới trải hai trăm mấy mươi năm mà đã trở thành dấu vết cũ kỹ? Rồi đây sẽ mai một cả ư? Hay lại có người xây dựng lại? Từ có vũ trụ đã có núi này, khách lên núi dạo chơi rồi vắng bóng, không biết đã bao người?

Về sau ta làm khách bốn phương, giữ việc quan tại triều, lạm dự chức nơi Đài sảnh thì chốn ẩn dật xưa ở bên trời chỉ còn đôi lúc được về thăm trong giấc mộng mà thôi!

Vào mùa đông năm thứ hai sau khi đức vua lên ngôi, ta đang ở Kinh thành thì vị sơn tăng là Trí Nhu tới bảo rằng: Việc xây dựng lại tháp báu bắt đầu từ năm Đinh Sửu, niên hiệu Khai Hựu qua sáu năm tròn, nay đã xong, xin ông làm cho bài ký. Công đức to lớn không biết chừng nào mà việc báo ứng cũng vậy. Khi mới xem đất để khởi công, sư Đức Văn đêm chiêm bao thấy hơn một nghìn người tụ hợp ở đỉnh núi, trong đó có ba vị quí nhân, tướng mạo khác thường, bảo với mọi người rằng: “Các người nên biết xây tháp là một việc tốt đẹp, để cứu vớt chúng sinh thoát khỏi tam đồ”. Hôm bắt tay vào việc, sư Đức Môn lại chiêm bao thấy đức Trúc lâm Phổ Tuệ kết ấn giữ cho tháp yên vững. Thế rồi khi các sư Đức Tịnh, Đức Minh, kẻ trước người sau đang làm việc xây đường đi vào tháp, bỗng đẩy rơi một tảng đá lớn, người cũng rơi theo, lăn lộc cộc đến mấy nhận. Mọi người trông thấy đều kinh hãi chạy tản hết, cho rằng thân thể họ tất phải nát vụn. Thế mà khi rơi tới đất, vực dậy thì không bị tổn thương một chỗ nào. Tháp xây bốn tầng, đêm toả hào quang, kẻ xa người gần đều trông thấy rõ. Tất cả những việc ấy, có việc nào không phải do phép mầu nhiệm của đức Phật ta.

Vả tôi lại nghe nói: xưa vua A Dục sai quỷ thần xây bốn vạn tám nghìn ngôi tháp; người đến chiêm ngưỡng cúng bái đều như chính mắt được trông thấy Phật. Hình tháp khắc ở đầu gậy cũng có thể trừ được yêu khí; cả ngôi tháp vượt qua bể chỉ phút chốc đã lẩn khẩn trông mây mù. Sự việc đó không phải là quái đản mà xưa và nay đều phù hợp; xin khắc vào bia đá, truyền lại cho đời sau, gửi lại lâu dài nơi cảnh chùa, dùng làm bến làm cầu tế độ chúng sinh. Như vậy há chẳng nên sao?

- Đức Thích Ca lão trượng lấy “tam không” để chứng đạo. Khi Phật tịch rồi, đời sau ít người tôn thờ giáo lý của Phật mà chỉ làm mê hoặc chúng sinh. Đất thiên hạ năm phần, chùa chiền chiếm một, làm cho hư nát đạo thường, hao phí tiền của; bọn sư sãi thì dông dài mà những người khờ khạo lại tin theo. Như thế mà không trở thành quỉ quái gian tà, thật cũng hiếm có. Những việc làm ấy không thể được, không thể được!

Tuy nhiên, sư Trí Nhu là người theo hầu đức Phổ Tuệ, thâm hiểu tôn chỉ của phái Trúc lâm, tu thân khổ hạnh, bỏ được lễ nghi phiền phức và giơ hai bàn tay không mà làm nên việc lớn. Nghĩ đến việc nhà sư lấn chân mây, xếp từng hòn đá, từ một tấc đến một thước, từ một thước đến một nhận, một bước tiến thêm một bước, một tầng cao thêm một tầng; tới lúc tháp cao sừng sững, thế chạm trời xanh, tô thêm vẻ đẹp của non sông, tranh công xây dựng cùng tạo hoá, thì bọn sư sãi tầm thường đâu có thể sánh được!

Than ôi, mai sau mấy trăm năm nữa, chốc lát cảnh tượng biến đổi, nếu lại có kể buông lời than thở như ta, lẽ nào không có vài người như sư Nhu xây dựng lại? Việc ấy không đoán trước được! Còn như non xanh nước biếc bóng tháp in dòng, lúc chiều tà buông chiếc thuyền con lênh đênh dưới núi, nâng mái bồng nhìn quanh ngạo nghễ, gõ mạn thuyền ca khúc “Thương Lang”, thử sợi dây câu tìm phong cách thanh cao của Tử Lăng, dạo chơi Ngũ hồ hỏi ước cũ của Đào Chu, thì cảnh này tình này duy có ta với non sông này biết nhau mà thôi.

Mùa hè năm Quý Mùi, niên hiệu Thiệu Phong thứ ba (1343), Tả ty lang trung Tả gián nghị đại phu Trương Hán Siêu tự là Thăng Phủ ghi.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]