Làng ta có nhiều thắng cảnh, thuở nhỏ du lãm, vết chân ta đi gần khắp, thường khi tự dưới thuyền bước lên núi này, vỗ cái bia ở sườn núi cạo rêu đi, nhân đọc ra mới biết cái tháp cổ kia dựng ra tự năm Tân Mùi niên hiệu Quảng Hựu thứ bảy (1091), triều nhà Lý. Đến khi lên đến trên đỉnh núi, chỉ thấy ngói tàn đền đổ, bỏ vùi rập ở trong sỏi đá bụi rậm, không ngờ bùi ngùi thở dài: Cớ sao hưng, vong, thành, bại, mới độ hai trăm vài mươi năm nay, mà đã thành ra nơi trầm tích! Hay từ đây mà ma diệt đi chăng? Hay lại có người tu đạo lại chăng? Từ khi có vũ trụ, đã có núi này, những kẻ đăng lâm cùng về đâu hết cả, không biết là bao nhiêu người vậy.

Về sau ta đi khách du bốn phương, làm quan trong triều, bị vị nơi đài tỉnh, thời chốn cựu ẩn ở bên trời chỉ mơ màng chơi trong giấc mộng mà thôi.

Đương khi nhà vua mới lên ngôi, mùa đông năm thứ hai, ta ở kinh đô, có người sơn tăng là Trí Nhu đến bảo ta rằng: Mới dựng lại cái bảo tháp từ tháng Chạp năm Đinh Sửu niên hiệu Khai Hựu (1337), sáu năm nay bây giờ mới xong, xin ông làm cho bài ký, công đức nguy nga, không thể lường được, còn về phần báo ứng cũng lại như thế này: Lúc xem lễ, có nhà sư là Đức Văn mộng thấy hơn nghìn người họp ở trên núi, trong có ba người quý tướng, trạng mạo lạ lùng, bảo rằng: “Lũ chúng ngươi nên biết dựng tháp, rất là danh thắng”. Đến nửa ngày hôm sau, nhà sư Đức Uyên lại mộng thấy ông Trúc lâm Phổ Tuệ tôn giả buộc ấn làm phép trấn yên. Lại nhà sư Đức Tĩnh, Đức Minh trước sau lên xây đường cửa tháp, hòn đá lớn lở xuống, người cùng đá tự trên vài nhận đều ném xuống, người đứng xem kinh hãi tưởng là nát rừ ra cám, đến khi rơi xuống đất, đỡ dậy, không có đau đớn gì cả. Xây tháp thành bốn từng, đêm đốt đèn quang minh, bóng tan ra, xa gần đều trông thấy, phàm những sự ấy đều là sức thần thông của đức Phật ta.

Vả lại Nhu nghe rằng: Xưa kia vua A Dục sai khiến quỷ thần, dựng thành tám vạn bốn nghìn cây tháp, lúc đem lễ như là thân trông thấy Phật. Khắc cái tháp lên đầu gậy cũng trừ được yêu khí, dựng cây tháp qua bể, vụt chốc biến mất, không phải là việc quái đản, xưa nay cũng in như thế, xin khắc vào đá truyền tin về sau, chẳng cũng nên ư?

Ta bảo rằng ông Thích già Lão Tử lấy tam không chứng đạo chân tu, khi diệt rồi, đến lúc đời cuối nhiều người phụng thờ đạo Phật để cổ hoặc chúng sinh, trong thiên hạ ba phần, chùa chiếm ở một phần, bỏ dứt luân thường, hao tổn của báu, ngây ngây mà chơi, ngẩn ngẩn mà theo, mà không hoá làm yêu quỷ gian tà, ấy cũng ít vậy, và còn làm ác nữa sao nên.

Dẫu thế, nhà sư là học trò ông Phổ Tuệ, học được phép Phật Tổ Trúc Lâm, tu thân khổ hạnh, cũng thật đáng khen. Vả lại giơ nắm tay không, thành thủ đoạn lớn, bám rễ mây, chồng nắm đá, đo từ một tấc mà lên đến thước, đến nhận, bước tiến một bước, trùng cao một trùng, cho đến lúc nguy nga độc lập, hình thế ngất lưng trời, thêm vẻ tráng quan cho non nước sánh với tạo vật cũng đồng công, không phải những lũ tăng đạo tầm thường sánh nổi.

Than ôi! Sau này nữa lại vài trăm năm, chớp mắt biến diệt, chỉ thêm nỗi thở dài cho ta, không còn thấy lũ sư Nhu nữa, thì còn chắc gì? Còn như non xanh nước biếc, bóng tháp giữa dòng sông, chiếc thuyền buổi chiều mát, tiêu diêu ở dưới sông, nâng mái bồng lên mà ngạo nghễ, gõ khoang thuyền mà hát thơ “Thương Lãng”; hóng gió mát ông Tử Lăng rủ cần câu cá, thăm ước cũ ông Đào Chu đi chơi năm hồ, cảnh ấy tình kia, chỉ ta với non sông này biết mà thôi.

Năm Quý Mùi, niên hiệu Thiệu Phong thứ ba (1343), mùa hạ, Nhập nội hành khiển, Tả tư thị lang, kiêm Lạng Châu lộ kinh lược sứ Độn tẩu Trương Hán Siêu Thăng Phủ ký.

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]