Ôi người Nhung! Người Nhung bị trói!
Mặt tím bầm bị giải tới Tần
Vua thương không giết ban ân
Đày đông nam xứ, giam gần Việt Ngô
Sứ cấp nhỏ lo ghi tên họ
Rời Trường An, giải bọn tù đi
Thân thương tích, mặt sầu bi
Mỗi ngày một trạm, bệnh thì vẫn mang
Bữa ăn sáng không bàn không chén
Buổi tối nằm giường chiếu tanh tao
Thấy Trường Giang nhớ sông Giao
Thõng tay cùng hát líu lo cảm hoài
Trong đám tù có người chợt nói:
“Các bạn không khổ ải bằng tôi”
Bạn tù dò hỏi dò khúc nhôi
Người kia bèn nói, nghẹn lời tỉ tê:
Lương Nguyên mới chính quê nguyên quán
Đại lịch niên di tản sang Phiền
Trải qua bốn chục năm liền
Áo da thân mặc, lưng bền dây lông
Hứa chỉ mặc đầu năm đồ Hán
Quần áo dài khăn vấn chỉnh tề
Thề rằng sẽ trở về quê
Trong tâm đã định, không hề nói ra
Nghĩ thầm may mà còn gân cốt
Chờ đến già rốt cuộc không xong
Lính Phiền nghiêm ngặt canh phòng
Chim không bay thoát, vững lòng cũng qua
Ngày núp đêm đi xuyên sa mạc
Mây âm u gió cát mịt mù
Kinh hồn khi trốn trong mồ
Đêm qua sông lén, Hoàng Hà đóng băng
Chợt nghe tiếng trống vang quân Hán
Tới bên đường van vái đón nghênh
Lính chê tiếng Hán không rành
Tướng sai trói lại, làm tù binh Phiền
Rồi nhập Giang Nam miền ẩm thấp
Chẳng có ai giúp giập hỏi thăm
Cuối cùng nén tiếng thở than
Trọn đời phải chịu muôn vàn đắng cay
Giếng làng Lương Nguyên nay chẳng thấy
Vợ con đều bỏ bậy đất Hồ
Trong Phiền nhớ Hán buồn so
Hán về bị ép làm tù binh Phiền
Nếu sớm biết phiền hà như thế
Về làm chi cho khổ hai nơi
Người Nhung bị trói, than ôi!
Người Nhung khổ nhất trên đời là ta
Từ xưa nỗi oan gia thật hiếm
Thân Phiền, hồn Hán, tiếng Hoa lai.