Biết chăng ai! Sông Hoàng Hà ngọn nước tự lưng trời,
Tuôn đến bể khôn vời lại được.
Biết chăng nhẽ! Đài gương mái tóc bạc,
Sớm như tơ mà tối đã như sương.
Nhân sinh khi đắc ý nên càng.
Khôn nỡ để chén vàng trơ dưới nguyệt.
Tài hữu dụng lẽ trời âu hẳn quyết,
Nghìn vàng kia tiêu hết lại còn.
Lúc vui chơi nào nhắm thức ngon,
Ba trăm chén cũng nên dồn một cuộc.
Bác Sầm với bác Đan mời chuốc,
Rượu dâng lên chớ nỡ dừng tay.
Vì ngươi hát một khúc này,
Xin ngươi hãy lắng tai nghe lấy.
Tiệc chuông trống ngọc vàng là mấy,
Cứ nên say, say mãi, tỉnh chi mà.
Thánh hiền xưa cũng vắng xa,
Người say rượu danh là cũng để.
Tiệc Bình Lạc trước kia vẫn thế,
Mười nghìn chung mặc kẻ vui cười.
Tiền chủ nhân bao kẻ ngắn dài,
Hãy mua rượu cùng người mời rót.
Ngựa hoa tốt, áo cừu cũng tốt,
Gọi đồng ra đổi lấy rượu ngon.
Cùng ngươi giải vạn kiếp buồn.

Bản dịch theo thể hát nói, ngày xưa các cô đầu thường hát, in trong Việt Nam ca trù biên khảo (Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Nhà in Văn Khoa, Sài Gòn, 1962).

Một dị bản in trong sách Việt Nam văn học sử yếu (Dương Quảng Hàm, Trung tâm học liệu xuất bản, 1968):
Biết chăng ai! Sông Hoàng Hà ngọn nước tại lưng trời, tuôn đến bể khôn vời lại được.
Biết chăng nữa! Đài gương mái tóc bạc, sớm như tơ mà tối đã như gương.

Nhân sinh khi đắc ý nên càng,
Khôn nỡ để chén vàng trơ với nguyệt.
Tài hữu dụng, nhẽ trời âu phải quyết,
Nghìn vàng kia, khi hết lại còn.
Lúc vui chơi nào nhắm mùi ngon,
Ba trăm chén cũng nên dồn một cuộc.
Cụ Sầm rủ cụ Đan khuyên chuốc,
Rượu nâng lên chớ nỡ dừng tay.
Vì người hát một khúc này,
Xin người hãy lắng tai nghe lấy.
Tiệc chung cổ ngọc vàng là mấy,
Hãy nên say, say mãi tỉnh chưa mà!
Thánh hiền xưa cũng vẳng xa,
Chỉ có rượu với người danh là vẫn để.
Tiệc Bình Lạc xưa kia cũng thế,
Mười nghìn chuông mặc thích vui cười.
Tiền chủ nhân bao quản ngắn dài,
Cũng mua nửa cùng người khuyên rót.
Ngựa hoa tốt, mà áo cừu cũng tốt,
Gọi đồng ra đổi lấy rượu ngon.
Cùng người giải vạn kiếp buồn.