Bóng nắng, tập thơ thứ hai của Nguyễn Đình Xuân, cộng tác viên của Báo Hải Dương, cho ta cảm nhận về một tâm hồn thơ luôn luôn rung động trước mọi sự việc đời thường. Cũng cảnh ấy, nhiều người cho là sự thường, nhưng trong
Bóng nắng lại thấy hiện ra những cảm thông, chia sẻ. Ví như ở một ngã tư đường phố, cơn gió ào qua cuốn chiếc lá rơi, tác giả lại cảm nhận được “một phận đời lá hoá thân cuối mùa”:
“Chiếc lá như đã từng hạnh phúc
Dù quăn queo hơi ấm cuối ngày
Trở về với phận lắt lay
Hồn lá phiêu diêu nhớ nắng”.
Tứ thơ được đẩy lên:
“Ngã tư đường phố bình lặng
Bao người phận lá trôi qua...”
Bài thơ đâu chỉ viết về lá?
Hay một bài khác, viết về thời gian, một chấm nhỏ giữa dòng thời gian lặp đi lặp lại: Viết lúc 0 giờ. “Quy ước thôi giữa hôm qua và hôm nay/ Ngày đã cũ và ngày mới đến”. Tác giả trải lòng mình vào đúng cái khoảnh khắc ấy:
“Tôi thức thấy thời gian lưu luyến
Vì tôi sợ già thêm
Tôi biết là đã sống đến nửa đêm
Còn một nửa là mơ hay thổn thức
Đêm nối đêm thành cuộc đời có thực
Hay ảo ảnh một sớm mai?”.
Một câu hỏi đặt ra cho tác giả, đồng thời cho mọi người, tự tìm lấy vế trả lời.
Đọc bài
Cơm bụi ở phố nhà binh, thấy tác giả dẫn dắt ta đi vào những chi tiết của một bữa ăn dân giã của mấy anh lính cũ gặp nhau:
“Còn ai nhớ hương rừng cơm lam
Mo cơm của mẹ ngày nhập ngũ
Củ sắn lùi lam lũ
Đất nước qua thời chiến tranh”.
“Lính dã chiến nói năng ào ào/ Chẳng nhớ ngày cồn cào cơn đói”, mấy khổ thơ, mấy lần “chẳng nhớ”. Nhưng ở tầng sâu câu chữ, họ chẳng thể nào quên... Họ không thể quên đồng đội, “giời còn đày những thằng lặn lội/ Rừng xưa trọc dấu mất rồi”... Khổ thơ cuối bài làm ta lặng đi:
“Giá như cả tiểu đội cùng ngồi
Ngõ phố này với ly rượu gạo
Nâng cả chiều huyên náo
Quả trứng nằm trên đũa lặng im...“
“Quả trứng nằm trên đũa”, hình ảnh ta muốn quên đi, nhưng lại hiện diện giữa bàn cơm bụi của đám lính chiến! Cả bài thơ bỗng mờ đi, chỉ để lại câu thơ cuối cùng này day dứt lòng ta.
Tập thơ Bóng nắng, thật ngẫu nhiên có 99 trang sách. Thơ trải ra nhiều mảng đề tài: tình yêu, tình cảm gia đình (
Em đến,
Người đi,
Phải lòng,
Thơ tặng vợ,
Chị tôi,
Sợi tóc...), các miền quê yêu thương (
Góc phố xưa,
Về quê,
Rượu Bắc Hà,
Nhớ Huế,
Gửi về Bạc Liêu...). Có những nét chấm phá về một cảnh, một người nào đó:
Cờ tướng vỉa hè,
Người điên... Có những khoảnh khắc đọng lại:
Thời gian,
Đêm,
Chiều... Nhưng tất cả đều được chắt lọc qua một tâm hồn đa cảm. Câu chữ có tìm tòi, sáng tạo, như: “Câu thơ thu chưa hát/Sao lòng người heo may” (
Nghe quan họ ở nhà hàng), “Anh ngược chiều lá rụng/Thấy se lòng vu quy”... (
Chia tay mùa hạ). Trong tập có nhiều bài thơ lục bát, chứng tỏ tác giả không dễ dãi, coi trọng cả hình ảnh, cấu tứ, vần điệu như các bài
Qua đường cũ,
Giặt áo,
Phôi phai,
Mùa hoa cải... Những câu thơ như “Thương về hai mắt lá răm/Nhớ cơn mưa gọi cõi thăm thẳm lòng” (
Nghiêng ngả) và “Tóc buông hong gió mong manh/Một mùa cau chín để thành người dưng” (
Đường quê) là những sáng tạo rất riêng của nhà thơ.
Lời Nhà xuất bản Công an nhân dân ghi ở bìa tập thơ Bóng nắng cho biết: Nguyễn Đình Xuân yêu thích sáng tác văn học từ tuổi nhi đồng, nhưng bài thơ đầu tiên được đăng trên Tạp chí
Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp năm 1990. Từ đó, thơ Nguyễn Đình Xuân xuất hiện đều đặn trên các báo, tạp chí...
Với Báo Hải Dương, anh là một tác giả thơ khá quen thuộc. Chúc anh đi mãi trên con đường thơ mà anh lựa chọn và đang có nhiều hứa hẹn.
Vương Bạch