Dưới đây là các bài dịch của Thuý Hằng. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 4 trang (35 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tình yêu và sự nhát gan (Eduard Asadov): Bản dịch của Thuý Hằng

Vì sao không hiếm khi tình đổ vỡ?
Do thiển cận của ai? Do không hợp tính tình?
Không thể nào kể hết được nguyên nhân
Nhưng quan trọng, có lẽ là do sợ.

Không phải thiếu đam mê hay xích mích
Mà do nhát gan – nguyên nhân đầu tiên.
Sự nhát gan giống như một quả mìn
Thường được chôn sâu trong lòng hạnh phúc.

Quả thực, có vẻ như ta mọi lúc
Không nhận ra phẩm chất của lòng mình.
Tại sao với mình láu lỉnh tinh ranh
Một khi vẫn biết chuyện này chuyện khác
Một khi xấu tốt ta đều tỏ tường?

Khi người ta chưa biết gì cú sốc
Người tốt hay xấu – quan trọng gì đâu
Trong cuộc đời chỉ biết giải quyết sao
Cho đúng với chính mình như quả thực.

Nhưng khi người yêu vào – đến một lúc
Không thể nào từ chối được người ta
Người hạnh phúc và muốn mình được thích
Thì bỗng nhiên, để ý, thấy hiện ra
Sự nhát gan – tên kẻ thù hai mặt.

Người hồi hộp, sợ kết cục của tình
Nên cố gắng bằng mọi cách trang điểm
Chàng cố giấu đi nhược điểm của mình
Còn nàng cũng cố tìm cách giấu diếm.

Họ mong trở thành những người tốt nhất
Gắng điểm tô cho tính cách của mình
Trở thành hào phóng – kẻ xưa keo kiệt
Rất thủy chung – kẻ xưa vốn bạc tình.
Những người nói dối đứng sau sự thật.

Họ khát khao để ngôi sao bùng cháy
Những kẻ yêu nhau như đứng nhón chân
Cảm thấy mình đẹp hơn và tốt hơn.
“Anh có yêu em không?” – “Đúng vậy!”
“Em có yêu anh không?” – “Tất nhiên!”

Và giờ đây họ thành vợ thành chồng
Tiếp theo xảy ra đúng như cần có:
Liệu bao lâu họ có thể nhón chân?!
Thế là lặng lẽ âm thầm đổ vỡ…

Và giờ đây trong cuộc sống gia đình
Không cần chơi trò ú tim gì nữa
Họ đi tìm khuyết điểm, như quỷ sứ
Quả thực, đã từng có đến vô biên.

Nếu yêu nhau, đừng giấu nhau gì cả
Suốt cuộc đời hãy sống như chính mình
Để rồi không phải nói những lời buồn:
“Anh không ngờ là em người như thế!”
“Em cũng không ngờ như thế với anh!”

Mà có thể, cho hạnh phúc đầy đủ
Không cần nhân đôi tâm hồn của mình
Vì lòng dũng cảm rất cần trong tình
Như chiến tranh hay bay vào vũ trụ!

Ảnh đại diện

Hoàng tử của lòng em (Eduard Asadov): Bản dịch của Thuý Hằng

Em tin tưởng, đi tìm tình yêu lớn
Tình long lanh, lấp lánh như nước nguồn
Tình yêu thực sự, tình như em vẫn
Đọc ở trong những cuốn sách gối giường.

Rồi khi bắt đầu yên lặng xung quanh
Ánh sáng trong phòng khi mờ khi tỏ
Em vẫn thích thường xuyên ngồi một mình
Và lặng im nhìn vào ô cửa sổ.

Em im lặng, nhìn về chốn xa xăm
Sau những vì sao, và trên biển cả
Những con tàu hướng về em gặp gỡ
Những con tàu với những cánh buồm hồng…

Hiệp sĩ Aivanhô* chiến thắng quân thù
Lao vun vút sau tiếng dồn vó ngựa
Chàng Andrei Bolkonsky buồn bã
Mời em bước vào điệu nhảy đung đưa.

Chàng D’Artagnan đưa kiếm ra thề
Rằng sẽ yêu em muôn đời muôn kiếp
Và chàng Rômeo Mông-téc-ki-ơ
Dâng tặng cho em bông hoa tuy líp.

Rồi thoáng qua có rất nhiều khuôn mặt
Ánh mắt, nụ cười, quần áo thời trang
Em nhận ra chàng hoàng tử của lòng
Bước ra với em từ trong cổ tích.

Và giờ đây chàng với một nụ cười
Đeo vào tay em chiếc vòng phép lạ
Từ phút này trong số phận của người
Em trở thành hạnh phúc và phận số!

Rồi khi bắt đầu yên lặng xung quanh
Ánh sáng trong phòng khi mờ khi tỏ
Em vẫn thích thường xuyên ngồi một mình
Và lặng im nhìn vào ô cửa sổ…

Nghe giọng nói từ nơi xa xôi đó
Những con tàu đang bơi ở trong sương…
Và quả thật, những cánh buồm màu hồng
Trên cõi trần gian này vẫn có!

Mà có thể, trong số phận của em
Ở đâu đó, ở nơi này, bên cạnh
Có chàng Gray âm thầm, kiêu hãnh
Và có chàng hoàng tử của lòng em!

Dù chàng không từ trang sách bước lên
Liếc mắt quanh bốn phía, em hãy nhìn!
Dù khiêm tốn, nhưng là người bạn tốt
Dù giản dị, nhưng là bạn tâm phúc
Có thể, đó là hoàng tử của em?!


* Hiệp sĩ Aivanhô – nhân vật trong tiểu thuyết Aivanhoe của nhà văn Walter Scott (1771 – 1832); Andrei Bolkonsky – nhân vật trong tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình của Lev Tolstoy (1828 – 1910); D’Artagnan – nhân vật trong tiểu thuyết Ba người lính ngự lâm của Alexandre Dumas (1802 – 1870); Rômeo – tức Romeo, người yêu của Juliet trong bi kịch Romeo & Juliet của Shakespeare (1564 – 1616); chàng Gray – thi sĩ Thomas Gray (1716 – 1771), nhà thơ Anh, tác giả của Hoài cảm bên ngôi mộ làng quê, hay có thể dịch là Bài thơ nghĩa địa nổi tiếng.
Ảnh đại diện

Khi người ta nói với anh vẻ đẹp (Eduard Asadov): Bản dịch của Thuý Hằng

Khi người ta nói với anh vẻ đẹp
Anh thấy thích, đôi khi thấy thương thương
Không hiểu sao, lắng nghe rất vô tình
Để bây giờ nhớ về em da diết.

Khi người ta nói về sự dịu dàng
Và nhắc với anh cái tên ai đó
Là không hiểu sao lòng anh bỗng nhớ
Nét dịu hiền, giọng nói, ánh mắt em.

Những nét của em anh thấy khắp nơi
Những lời em anh nghe khắp mọi ngả
Dù anh ở đâu – với anh chỉ có
Một mình em, và một chút tự hào.

Con tim vẫn thích nghe những lời khen
Hãy gắng sống không tự cao tự đại
Vì khi nghe chuyện cãi nhau đâu đó
Thì lòng anh cũng lại nhớ về em…

Ảnh đại diện

Cuộc gặp gỡ ngày xưa (Eduard Asadov): Bản dịch của Thuý Hằng

Trên mặt đất này từ thuở hồng hoang
Đã từng sống những con người thượng cổ
Cái thời người ta ăn lông ở lỗ
Họ yêu nhau chỉ biết theo bản năng.

Xưa vẻ đẹp đã từng nghe như vậy:
Rằng không thể nào sống được với nhau
Sự man rợ và vẻ đẹp yêu kiều
Mà cần chiến thắng một bên nào đấy.

Và khi mùa xuân tưng bừng sôi nổi
Giữa bầu trời đôi cánh của bình minh
Đã ghé xuống trên bờ sông một mình
Màu bồ quân, xù lông và lộng lẫy.

Còn mặt đất réo lên ở xung quanh
Trong líu lo, mừng vui không tả được
Nàng trinh nữ bỗng cúi mình xuống nước
Rất bâng khuâng với vẻ đẹp trần truồng.

Bộ da gấu lấy xuống từ bờ vai
Nàng cắt ra rồi phân vân đo đếm
Thêm vào chỗ này, bớt đi chỗ kia
Rồi mặc vào và nhìn ngắm, so đo
Có vẻ như trở thành người khác hẳn.

Mái tóc trên đầu nàng vấn xung quanh
Như trò chơi, một vật treo trên cổ
Cái vỏ sò to mừng vui, hoan hỉ
Nàng đã từng rửa sạch dưới nước sông.

Một chàng trai oai hùng như sư tử
Đã bước ra từ giữa chốn rừng xanh
Nhìn thấy nàng, chàng tê tái lặng im
Vẻ xúc động là kinh thiên động địa.

Còn nàng nhìn bằng ánh mắt e sợ
Chẳng kêu lên vui vẻ trong lặng yên
Và thậm chí, không thấy nhột sau lưng
Mà cúi đầu nhẹ nhàng, đôi má đỏ…

Có điều gì xảy ra không rõ ràng…
Chàng cố căng lý trí rất cố chấp
Chỉ biết gãi gáy mà không biết được
Rằng đấy chính là nữ tính nảy sinh!

Nhưng bỗng nhiên, trong ánh sáng huy hoàng
Chàng bước nhanh lên ngọn đồi trước mặt
Và chàng ngắt một bông hoa tuy líp
Cúi trước nàng, đặt hoa dưới bàn chân.

Và đánh mất điều hung dữ xưa nay
Không lao vào thiếu con tim ấm áp
Không làm điều như cha ông ngày trước
Mà nhẹ nhàng ve vuốt đôi bàn tay.

Rồi sau đó chàng thủ thỉ những lời
Lần đầu tiên không tục tằn lỗ mãng
Bờ môi chàng lên vai nàng khẽ chạm
Trong ngạc nhiên thấy mở những bờ môi…

Còn nàng vô cùng xao xuyến bâng khuâng
Nàng cười vui và nàng đã khóc
Ngả vào ngực chàng mà không biết được
Rằng đấy chính là tình đã nảy sinh!

Ảnh đại diện

Gửi Byron (Marina Svetaeva): Bản dịch của Thuý Hằng

Tôi nghĩ suy về buổi bình minh danh vọng
Về bình minh những ngày tháng của anh
Khi anh thức giấc từ trong giấc mộng
Với người ta – thành quỉ sứ, thiên thần.

Tôi nghĩ về hai bờ mi của anh
Hoà nhập với đôi mắt như là ngọn đuốc
Rằng dòng máu có dung nham thời trước
Vẫn dạt dào trong thớ thịt đường gân.

Nghĩ về những ngón tay dài của anh
Trong mái tóc gợn sóng
Về những đôi mắt ngoài đường, trong khách sạn
Khát khao anh.

Về những con tim quá đỗi trẻ trung
Mà anh không có thời gian để đọc
Về cái thời gian khi mà trăng mọc
Rồi lặn vào trong danh dự của anh.

Tôi nghĩ về một gian phòng tối tăm
Về vải nhung, viền đăng ten buông xuống
Về tất cả những bài thơ theo năm tháng
Rằng: anh – cho tôi, tôi – cho anh.

Tôi còn nghĩ về bụi bặm còn nguyên
Từ bờ môi của anh, từ đôi mắt…
Về tất cả những đôi mắt đã ngủ yên trong đất
Về họ và chúng mình.

Ảnh đại diện

Ở Paris (Marina Svetaeva): Bản dịch của Thuý Hằng

Nhà cao đến tận sao, bầu trời thấp xuống
Mặt đất trong khói nồng càng thấy gần hơn.
Ở Paris hân hoan và rộng lớn
Mà sao tôi vẫn thế – một nỗi buồn.

Những đường phố trong buổi chiều tấp nập
Đã tắt rồi tia nắng cuối hoàng hôn.
Khắp mọi nẻo chỉ những đôi uyên ương
Run rẩy những bờ môi, cả gan từng đôi mắt.

Tôi ở đây một mình. Lên cây dẻ
Ngả mái đầu, bỗng thấy ngọt ngào sao!
Câu thơ của Rostand trong tim nức nở
Ở Mạc Tư Khoa không biết thế nào.

Paris về đêm thấy xót thương và xa lạ
Lòng chỉ vui cơn mê sảng ngày qua!
Về với nỗi buồn, tôi đi về nhà
Dịu dàng quá bức chân dung ai đó.

Ở nhà có ánh mắt ai buồn bã
Có một hình nghiêng âu yếm trên tường.
Người chịu cực hình* và Rostand
Và cả Sara - đều đi vào giấc ngủ!

Ở Paris rộng lớn và hân hoan
Tôi mơ về cỏ hoa và mây trắng
Tiếng cười xa hơn, gần hơn chiếc bóng
Và một nỗi đau sâu thẳm trong lòng.


Napoleon II (1811-1832) – con trai của hoàng đế Pháp Napoleon I. Lên ngôi hoàng đế năm 1915, sau khi Napoleon I bị truất quyền nhưng thực chất không bao giờ được cầm quyền mà chỉ sống ở cung điện của ông ngoại Francis I ở Áo. Từ năm 1918 được phong tước Quận công (Reichstadt). Mắc bệnh lao và chết lúc mới 21 tuổi.
Ảnh đại diện

Tặng mẹ (Marina Svetaeva): Bản dịch của Thuý Hằng

Trong điệu nhảy van Strauss, lần đầu
Chúng con nghe ra lời dịu êm của mẹ
Rồi xa lạ với tất cả những gì ồn ào từ đó
Chỉ mừng vui với tiếng chuông của đồng hồ.

Chúng con cũng như mẹ, chào đón những hoàng hôn
Tận hưởng say sưa sự cận kề sau cuối.
Chúng con giàu có với những hoàng hôn ấy
Là nhờ mẹ đặt vào giữa những con tim.

Mẹ nhẫn nại, kiên trì bên giấc ngủ của chúng con
(Vì thiếu mẹ thì chỉ còn ánh trăng nhìn xuống!)
Mẹ dìu dắt những đứa con nhỏ đi ngang
Qua những ý nghĩ, việc làm của cuộc đời cay đắng.

Từ ấu thơ chúng con đã quen với tiếng cười buồn
Với người khổ đau, với mái nhà mình xa lạ…
Rồi con tàu của chúng con đã nhổ neo lên đường
Trong giây phút chẳng bình an, bơi theo nhiều ngọn gió!

Tái nhợt hơn hòn đảo màu thanh thiên – thời thơ ấu
Chỉ chúng con một mình còn lại đứng trên boong.
Và chỉ rõ ràng một nỗi buồn thừa kế
Nỗi buồn mà mẹ để lại cho những đứa con mình!

Ảnh đại diện

Gửi Trà Hoa Nữ (Marina Svetaeva): Bản dịch của Thúy Hằng

Con đường của em sáng ngời gian phòng ác
Margarita, người ta xét đoán em.
Em có lỗi gì? Lỗi lầm thân xác!
Còn tâm hồn, em gìn giữ tiết trinh.

Với người này, người kia, tất cả
Em mỉm cười, với tất cả gật đầu.
Và cái cười nửa miệng này đau khổ
Cho thân mình em khóc đã từ lâu.

Ai hiểu em? Bàn tay ai giúp đỡ?
Tất cả chỉ cần đắm đuối mê hồn!
Mãi mãi chỉ chờ vòng tay rộng mở
Mãi mãi chỉ chờ: “Anh khát khao em!”

Ngày và đêm những thú nhận dối gian…
Ngày và đêm rồi ngày mai lại nữa!
Đã nói ra những lời rất hùng hồn
Ánh mắt của em tối tăm, đau khổ.

Ngày mỗi chặt cái vòng vây nguyền rủa
Số phận trả thù tiên nữ trần gian…
Một cậu bé với nụ cười con trẻ
Nhìn gương mặt em và cảm thấy buồn.

Ôi tình yêu! Tình cứu độ thế gian
Chỉ trong tình có chở che, cứu rỗi.
Tất cả trong tình. Em hãy ngủ bình an
Tất cả trong tình… Em đã yêu và cứu rỗi!

Ảnh đại diện

“Những bông hồng ngày cũ...” (Aleksandr Blok): Bản dịch của Thúy Hằng

Những bông hồng ngày cũ
Ta mang theo, một mình
Đi vào tuyết, giá băng
Con đường xa vời vợi.

Vẫn theo lối mòn xưa
Trên vai ta thanh kiếm
Kiếm đi cùng với ta
Trong áo sương che kín.

Kiếm đi theo và biết
Rằng tuyết đã dần tan
Đằng kia đang cháy hết
Ánh hoàng hôn cuối cùng.

Rằng với ta – ngày tàn
Chỉ màn đêm quạnh quẽ
Tự do từ nay sẽ
Không đi theo sau lưng.

Ở đâu, khi muộn màng
Ta tìm ra nơi ngủ
Những bông hồng ngày cũ
Đang rơi trên tuyết tan.

Chỉ trên tuyết màu hồng
Giọt nước mắt rơi xuống
Ta không còn hy vọng
Ta đợi phút lâm chung.

Còn kiếm vẻ lạnh lùng
Dìm hoa xưa vào tuyết.

Ảnh đại diện

Trên những hòn đảo (Aleksandr Blok): Bản dịch của Thúy Hằng

Tuyết lại rơi trắng xoá dưới chân cầu
Qua đảo Elagin và hai ngọn lửa.
Và giọng nói người phụ nữ đang yêu
Tiếng cát răng rắc, tiếng phì phò của ngựa.

Hai chiếc bóng quyện trong một nụ hôn
Trong lòng xe trượt tuyết bay chấp chới.
Nhưng không tan chảy và không ghen tuông
Tôi với em – với người tù binh mới.

Vâng, có một sự thoả mãn buồn thương
Rằng tình yêu sẽ đi qua như tuyết
Ô, chẳng lẽ ta cần lời thề thốt
Đến muôn đời trong sự thuỷ chung?

Giờ không phải yêu lần đầu, và tôi
Trong sự nghiêm khắc của mình sáng tỏ
Sự phục tùng đã không còn chơi nữa
Và vương quốc trong người ấy không đòi.

Không, tôi với tính không đổi trong môn toán
Không cần lời tôi tính đếm mỗi lần
Những cây cầu, nhà nguyện, ngọn gió dữ dằn
Độ không người của những hòn đảo vắng.

Tôi thích mặc rất nhẹ nhàng, đơn giản
Quấn áo vào dưới bụng cho nhanh
Và tinh nghịch ôm hình dáng mỏng manh
Lao vùn vụt vào tuyết và đêm vắng.

Và nhớ lại những đôi giày chật cứng
Và thấy yêu lông thú vẻ lạnh lùng
Bởi ngực tôi rồi trong cuộc đấu kiếm
Với chồng cô ta không đợi lưỡi gươm.

Bởi trong nỗi buồn chưa lâu cùng cây nến
Bà mẹ già đứng bên cửa không trông…
Và bởi sau cánh cửa con bịt kín
Sẽ không ghen với cô ấy người chồng…

Cái đêm đã qua đi càng ánh lên
Thì người hôm nay càng thêm gào gọi
Tất cả chỉ là sự kéo dài hội nhảy
Chuyển qua từ ánh sáng vào bóng đêm.

Trang trong tổng số 4 trang (35 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối