Trang trong tổng số 2 trang (15 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tuyết nguyệt nghi phú (Ngô Thì Nhậm): Bản dịch của Trần Duy Vôn

Lờ mờ một màu, tôi chưa hiểu chừ trời đã sáng hay đêm còn lâu!
Tôi muốn xem vòm trời chừ, thì sao Kim cùng sao Mai không thấy đâu.
Trỏ núi trước mà nghển trông chừ, cỏ cây như chiếc cồn quanh co mà trắng phau.
Há đêm dài chưa canh ba chừ, sao còn nghe tiếng chim văng vẳng gắt gao?
Hay là trời vừa sáng chừ, sao bóng người còn vắng ngắt chưa qua cầu?
Tôi có nghi ngờ là tuyết trắng hay trăng chừ, gọi mà hỏi chàng dư phu.
Thì hắn líu lo không rõ chừ, tay trỏ miệng mà nói những câu…
Vừa đi, lòng tôi tự nghĩ chừ, trời đất trước khi còn hỗn độn một bầu,
Ở dưới gì là sông núi chừ, ở trên gì là trăng sao du?
Ở giữa lấy dáng gì làm vật chừ, lấy hình gì làm người du?
Lại là sao có trên, dưới, giữa chừ, khiến cho các sự vật chia rẽ nhau.
Lí đó vẫn lơ mơ chừ, khó đó vẫn mịt mù;
Danh lợi gì cùng theo đuổi chừ, đâu là thân mà đâu là sơ âu?
Đưa đón gì cùng phiền luỵ chừ, đâu là chân mà đâu là nguỵ âu?
Từ khi có thuyền có xe giao thông chừ, kia mới là Huân mà đây là Miêu.
Đã có giáo mác cùng theo rõi chừ, rồi mà ngọc lụa tiếp theo sau.
Mới có con đường xa xa muôn dặm chừ, trải ba lần dịch tiếng mà rồi dong duổi vó câu.
Dấu chân người đã qua chừ, đạp sương tan mà giầy bụi sạch lầu.
Lại còn nghi ngờ gì trăng tuyết chừ, bàn cãi sáng rồi hay đêm còn sâu.
Thân này mong sao mạnh luôn chừ, học xe ông Cừ bon bon không chậm không mau.
Hoạ may việc giao hảo được tốt chừ, để đền đáp trời cao.
Phú bài trở về Liên xã chừ, mong như vị thiên dân ở bãi Hữu Sần tự do tiêu dao!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Vi chi phú (Ngô Thì Nhậm): Bản dịch của Trần Duy Vôn

Khi rỗi, ở không, biết làm gì, khi đi không biết đâu mà đi,
Làm việc không nên làm chừ, lòng ta sinh hồ nghi!
Đi lúc không nên đi chừ, bước chân ta chậm trì trì!
Lòng ta hồ nghi chừ, việc đó ta làm chi!
Chân ta bước chậm trì trì chừ, lúc đó ta không đi,
Ôi! Làm việc gì là nên làm?
Ta nói câu văn chừ, ta ngâm câu thi,
Vâng lời vua truyền chừ, diễn từ sợi luân sợi ti
Ôi! Đi đâu mà nên đi?
Buổi sớm ta vào chầu vua chừ, buổi chiều ta về
Siêng năng chức vụ chừ, răn những điều chạy, đi.

Người thấy chăng:
Mưa xuống phải thời chừ, ruộng nương màu mỡ,
Mùa xuân một trâu cày chừ, muôn khoảnh đầy đủ.
Gió mát thổi chừ, mặt sông mặt biển phẳng bằng,
Giương lá buồm chừ, con thuyền nhỏ chạy băng băng.
Tre gỗ đầy đủ chừ, nhà vua sẽ kiến thiết,
Huy động rìu búa chừ, làm thành cột rường cung khuyết.
Làm việc nên làm chừ: làm ruộng, làm thợ, làm nghề buôn,
Làm nho sĩ như ta chừ, chẳng lo lường.

Lại chẳng thấy:
Sấm mưa ập tới, rồng vươn mình,
Thần núi sợ chừ, thần bể cũng kinh.
Mặt trời buổi sớm mọc chừ, chim phượng hoàng hót,
Nghe nhạc anh nhạc thiều vui chừ, cất cánh vung chân nhảy nhót.
Cỏ chi mọc chừ, muôn kỳ lân tới chơi.
Lang sói phải thất thế chừ, hổ báo cũng mất oai.
Đi nên đi chừ, như rồng phượng và kỳ lân.
Lẽ nào người ta không cho là quý báu vô ngần.
Sợ đường đi chừ, rất là nguy hiểm,
Lời nói phải dè dặt chừ, nết na phải kiểm điểm.
Khi rỗi, ở không, biết làm việc gì chừ, như loài sâu nhỏ kia chừ, cũng đáng chán đáng khiếp.
Buồn cho tình của con người chừ, rất là hiểm sâu,
Rộng quá nên rút hẹp lại chừ, buông thả thì nên thu.
Ai không biết đi đâu chừ, sao chẳng như chim sẻ kia, có quá nhiều môi cầu.

Ta trấn tĩnh tấm lòng của ta,
Ta ở chốn sơ sài.
Vì việc làm thuận theo mệnh trời chừ, dẫu dọc ngang thiên hạ cũng không lấy gì làm vui.

Ta giữ gìn chiếc thân của ta,
Ta đi con đường khang trang.
Bởi ta đi thích hợp với đạo lý chừ, dẫu dày đạp trên đuôi hổ chừ, không gì làm đau thương.

Ta xem tượng quẻ Kiền,
Sau trước rất sáng tỏ,
Chẳng gì là không làm,
Mây thì bay, mà mưa thì rỏ.
Kiền là đạo cha chừ, ta làm chốn dựa đó,
Như mây theo rồng chừ, mà gió thì theo hổ.

Ta xem tượng quẻ Khôn,
(Như ngựa cái) đi trên đất mãi mãi,
Chẳng đâu là không đi,
Phương Tây nam là phương âm (đi thì có lợi).
Khôn là đạo mẹ chừ, ta làm chốn trông cậy.
Dày đạp trên sương phải răn sợ chừ, để phòng khi băng giá sẽ đến vậy.

Ta xem tượng quẻ Ly,
Vì trong trống rỗng, nên mới bốc cháy tràn.
Một ngọn lửa nhỏ, cũng đốt được rừng,
Khi lửa đã tắt rồi, thì tro tàn tiêu tan!
Sao bằng mặt trời đi mạnh chừ, tiễn đưa đến phương tây, mà đón rước từ phương đông,
Bởi khi ẩn khi hiện có điều độ chừ, trải hai tám là mười sáu ngày mà độ số không sai vòng.

Ta xem tượng quẻ Khảm!
Vì trong đông đặc nên hùng cường thay.
Một giọt nước nhỏ cũng làm vỡ đê,
Khi nước đã bị khô, thì bụi cát lầm bay!
Sao bằng vừng thái âm là mặt trăng thường vững bền chừ, đầu tháng nảy nở, mà cuối tháng tiêu dần đi,
Bởi lúc đầy lúc vơi có điều độ chừ, trải tam ngũ là mười lăm đêm, mà đường đi không xa lìa.

Ta xem tượng Chấn, Tốn là quẻ Hằng,
Sấm với gió cùng quyến luyến.
Làm không sai nguyên tắc,
Đức sẵn có, chẳng chút hổ thẹn.
Phải răn cấm “đừng ích thêm nó, lời nói thiên lệch” chừ, vì lòng không thủ thường mà phải chịu điều xấu xa đưa đến.

Ta xem Đoái, Cấn (là quẻ Hàm),
Núi và đầm cùng thông khí.
Có đi mà không thay đổi phương hướng,
Trong chốn cảm ứng, có điều hoan hỉ.
Ba người cùng đi, mà tổn (bớt) một người chừ, vì ngôi không chính đáng mà phải chịu chuốc lấy tai lệ.

Vì các vật nhỏ không gì không ở trong,
Duy nhất sâu thẳng cho nên thường lưu thông
Sự ham muốn của người không bờ bến,
Mà tạo hoá thì vô cùng.
Làm và đi là do ở tâm,
Mà sự giữ gìn thì do ở chí.
Kẻ tiểu nhân thì vị người,
Bậc quân tử thì vị kỷ.
Ví ta ẩn thân ở trong đường làm quan chừ, phải răn đe gặp dòng nước chảy mạnh kia, phải rút lui cho nhanh.
Không phải leo sườn núi mà kiếm lợi chừ, chỉ sợ va chạm vào đá núi mà thuyền bị tan tành.
Nhưng cần điềm tĩnh mà tự mình giữ yên thân mình chừ, mong sao loanh quanh thù ứng ở trong lúc tuổi già.
Học theo thầy Khang Tiết kiểm điểm mọi sự trái ngược chừ, tạm làm bài phú để gửi gắm chút tình của ta…
Trở về bảo rõ cho con em ta chừ, những lời nói của ta chớ có nên đổi cùng thay.
Biết rõ sự đi đi lại lại thì nhàn hạ, tìm tới cung trăng thì tới sát chân trời.
Tiếp theo đây lại làm bài thơ hò khoan rằng:
Khoan hỡi khoan!
Lên thác dễ dàng, xuống thác gian nan.
Lặng rót giữa thuyền ba chén rượu,
Cuộc tiến lui ta phát đạt quan.
Khoan hò khoan!
Xuống thác thì sâu, lên thác gian nan.
Giữa thuyền đem khúc Thương Lang hát,
Đã tĩnh rồi, sau mới có an.

Ảnh đại diện

Lậu thất minh (Lưu Vũ Tích): Bản dịch của Trần Duy Vôn

Non sông nào phải cao sâu,
Có rồng tiên ở thì đâu cũng thần.
Nhà này ta tạm trú chân,
Duy nhờ cái đức thơm gần thơm xa.
Dấu rêu xanh ngắt một toà,
Cỏ phơi màu biếc đơm hoa trước mành.
Ra vào kẻ quý người thanh,
Còn như những đám bạch đinh ắng tàn.
Khi thư giở đến ngón đan,
Khi thanh kinh tụng Át-nan mấy tờ.
Cũng không tiếng trúc đường tơ,
Cũng không án độc thêm nhơ nhọc mình.
Ông Gia Cát mái lều tranh,
Ông Dương Vân lại mái đình ti ti.
Ai ơi có sợ quê gì!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Xuân dạ yến đào lý viên tự (Lý Bạch): Bản dịch của Trần Duy Vôn

Trời đất là nhà trọ muôn vật,
Quang âm là ông khách trăm đời.
Cổ nhân ngọn đuốc lúc đêm chơi,
Nhân thế mà thôi!...
Huống chi! Dương xuân tặng ta phong cảnh đẹp;
Đại khối cho ta văn chương tài.
Vườn đào lý hoa chào hội họp,
Cuộc vinh hoan ràng buộc đạo trời.
Anh em tuấn tú,
Huệ Liên sánh vai.
Ca thần vịnh thánh,
Khang Lạc đua hơi.
U thưởng nguyên còn đó,
Cao đàm đã tới nơi.
Mở tiệc rượu bên hoa ngồi,
Chén vũ tràng bóng nguyệt đầy vơi.
Không có bạn gì thú,
Lấy gì mà thoả thơi.
Nếu thơ làm chẳng nên lời,
Theo y Kim Cốc phạt người phải say.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Ngư tiều vấn đáp ca (Đường Dần): Bản dịch của Trần Duy Vôn

Bể đông có mán thuyền chài,
Non tây lại có một đài tiều phu;
Nước non thạo kế bôn xu,
Đông tây xa cách tuyệt mù dặm khơi;
Một hôm gặp gỡ duyên trời,
Đầu xe mái tóc bời bời rối quay;
Lươn khươn ngồi ngót nửa ngày,
Càng kêu về truyện, càng say về tình;
Kẻ rằng: Gỗ ở non xanh,
Có con mãnh thú hay ăn thịt người;
Sao bằng đốn củi miền ngoài,
Không lo không sợ dông dài đâu đâu;
Kẻ rằng: Cá ở sông sâu,
Có cơn sóng vỗ ngang đầu mà ghê;
Sao bằng những chốn lư huê,
Phong ba phẳng lặng chi kề lo giôi.
Cùng mình ớ cũng thôi thôi,
Việc đời cẩn thận đầu đuôi mới vừa.
Sinh nhai nơi dễ thì ưa,
Cũng thôi núi thẳm, cũng chừa sông sâu.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Minh Hà thiên (Tống Chi Vấn): Bản dịch của Trần Duy Vôn

Đêm thu gió mát thuận chiều trời,
Muôn dặm mây quang bóng Hán soi;
Thanh thiển tối vừa in vẻ các,
Tung hoành sớm đã rạng lưng đồi;
Lạc Dương cao ngất lâu đài dựng,
Đêm tối Tràng An khắp mọi nơi.
Đường sá liên lui nào đã quản,
Nhà cao cửa rộng sướng rên đời;
Màn vân trước cuốn khi trôi chảy,
Rèm thuỷ ngoài che lúc ngược xuôi;
Gớm chửa soi quanh nền trắng xoá,
Đông qua nam tới những bồi hồi;
Bắc nam chinh khách về chưa mấy,
Áo rét đêm ai giở đến rồi;
Trên máy uyên ương huỳnh bỏ dịp,
Bên cầu Ô Thước nhạn đưa thoi;
Nào huỳnh nào nhạn buồn tê lạ,
Ngồi tựa trăng thanh lọt mấy hồi;
Mây nọ đã hay tài khép mở,
Trăng kia nào tiếc mặt đầy vơi;
Minh Hà trông được sao gần được,
Xin cỡi bè lên hỏi đến nơi;
Chỉ lấy chi cơ và miếng đá,
Về Thành Đô bói một đôi lời.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Ngọc tỉnh liên phú (Mạc Đĩnh Chi): Bản dịch của Trần Duy Vôn

Khách đương ngồi ghế chon von,
Trời hè đã điểm vầng son giữa đầu.
Trông xuống nước một mầu xanh ngắt,
Phú phù dung xin vạch mấy câu.
Hốt nhiên lại có người đâu,
Mũ vàng đậy tóc, áo nâu che mình.
Khác cõi tục như hình tiên lạc,
Rảnh hơi cơm không được đặm đà.
Hồi rằng quê ở đâu ta?
Rằng: - Tôi ở ngọn non Hoa mới rồi.
Bèn đưa ghế bảo ngồi thư thả,
Bổ dưa Đông dâng quả Giao Trì.
Cười cười nói nói khì khì,
Đã mà bảo khách là vì yêu sen.
Ta có thứ vẫn khen rằng lạ,
Tay áo này ta đã bỏ lâu.
Không như đào lý chăn chau,
Không như mai trúc phải sầu cô đơn.
Cũng không phải mẫu đơn cẩu kỷ,
Cũng không là cúc rỉ lân sân.
Chính là một giống sen thần,
Mọc trong giếng ngọc giữa làn non Hoa.
Khách mới bảo: - Sao mà lạ thế,
Thật ngó to hoa kể mười tầm.
Lạnh như sương tuyết dãi dầm,
Ngọt như mật tẩm đường đằm ấy chăng?
Vẫn nghe thấy nói năng khi trước,
Nhưng ngày nay biết được thật rồi.
Xem chừng đạo sĩ cũng vui,
Rút trong tay áo mới tòi mòi ra.
Khách trông thấy lòng đà thổn thức,
Giấy bút bày lập tức xong phăng,
Làm bài ca mới hát rằng:
Thuỷ tỉnh làm diệu, ngó bằng lưu ly.
Bùn phải tán pha lê mới phải,
Sương phải đem châu sái mới xong.
Chín lần thoang thoảng thơm nồng,
Trời kia vẫn sẵn có lòng ước ao.
Kìa hương quế ngạt ngào phải hết,
Nọ cô Hằng rất mệt ghen tuông.
Hái rau trên bãi sông Phương,
Người yêu những nhớ sòng Tương chút tình.
Giữa dòng nước ẩn mình chi mãi,
Cố vũ kia sao hãy chẳng về.
Há như hộ lạc quê nề,
Thuyền quyên, ôi hỡi! lầm về thuyền quyên.
Ví dọc nọ không xiên không quẹo,
Gió mưa kia lạnh lẽo hại gì.
Chỉn e thắm rụng hồng suy,
Mỹ nhân khi tới còn gì là xuân.
Đạo sĩ bỗng ân cần than thở,
Rằng: “Bác sao thương nhớ về đâu.
Tử vi bên chốn ao sâu,
Mấy chồi hồng dược trước lầu nhớ nao.
Lên một nước thanh cao một nước,
Chút thân danh chiêu chước đã nhiều.
Kẻ kia lừng lẫy trong triều,
Bác đâu bác cứ tiêu diêu quê người.”
Bèn áy ngáy những lời nói đó,
Thêm kính và thêm mộ vì ai.
Trên đình ngâm khúc Thành Trai,
Thơ Xương Lê lại nối vài bốn câu.
Cửa xương hạp nhòm sâu thăm thẳm,
Mảnh băng tâm đặm thắm dãi liền.
Mừng mừng sợ sợ chưa yên,
Xin dâng bài phú tỉnh liên mấy vần.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Quy khứ lai từ (Đào Tiềm): Bản dịch của Trần Duy Vôn

Về đi thôi quyết về đi,
Ruộng nương bỏ rậm can chi không về.
Đã đem thân để làm thuê,
Sao còn áy ngáy sầu bi một mình?
Biết rằng trước đã khôn ngăn,
Mà sao chắc hẳn khuyên răn, kịp mà.
Đường về ôi! cũng chưa xa,
Nay sao phải thế xua đà sao hư.
Thuyền lan bỏ mái đừ đừ,
Gió hiu hiu thổi, áo từ từ bay.
Hỏi đường năm cũ đâu đây,
Thần quang kia những đắng cay đã loè.
Đoái trông vách dựng tường che,
Lòng vui vui thật, chân đi ti dồn.
Rộn ràng tớ tớ con con,
Cảnh hoang mà cúc tùng còn thướt tha.
Dắt con mới dẫn vào nhà,
Chai đâu đã sẵn rượu pha đã đầy.
Chén quỳnh vừa rót vừa say,
Càng trông thềm cỏ mặt mày càng tươi.
Song nam tựa tựa cười cười,
Vách Nguyên lều Khổng yên thời càng yên.
Thú vui vui với điền viên,
Cửa tuy sẵn mở, mở liền đóng mau.
Thẩn thơ chống gậy đỡ sầu,
Khi chơi đôi lúc nghểnh đầu mảng xem.
Vô tình mây chạy nhá nhem,
Chim bay mỏi cảnh biết đem thân về.
Vào trông phong cảnh đề huề,
Vin cành thông những vui về với thông.
Về thôi thôi chẳng ai cùng,
Đời đời đã thế còn hòng mà chi.
Họ hàng say tấm tình si,
Mua vui khúc hát câu thi đỡ buồn.
Được tin xuân đã về luôn,
Ruộng tây mấy đỗi thông thuôn phải bừa.
Khi xe đón, lúc thuyền đưa,
Sớm qua dạo suối, trưa qua dạo đèo.
Một mầu cỏ mọc xanh reo,
Lơ thơ nước chảy trong veo một dòng.
Khen cho muôn vật thoả lòng,
Gớm cho người lại rỗi không với đời.
Thôi thôi sống được mấy thời,
Sao không quyết chí một hơi thẳng về?
Đi đâu sao lại còn mê,
Kia giàu sang thế, nọ quê vua thì,
Ước sao khi gậy khi kỳ,
Khi ca giữa núi, khi thi giữa dòng.
Chút cùng khí hoá đều không,
Tin đem phúc đối cùng ông trời già.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thu thanh phú (Âu Dương Tu): Bản dịch của Trần Duy Vôn

Chàng Âu xem sách khi đêm,
Đông nam bỗng có tiếng đem ngay về,
Buồn tình vừa nói vừa nghe,
Lạ thay hiu hắt rồi khe khắt lầm.
Hốt nhiên vùn vụt ầm ầm,
Như cơn sóng vỗ đêm thâm mà chồn.
Lại như mưa ép gió dồn,
Chạm qua sắt đá tiếng giòn lang xang.
Lại như quân tới chiến tràng,
Ngậm tăm đi cứ sắp hàng mà đi.
Chẳng nghe hiệu lệnh thấy gì,
Chỉ nghe xe ngựa tiếng đi dập dìu.
Hỏi con rằng: “Tiếng gì kêu?
Mày ra xem thử nó theo chốn nào.”
Con rằng: “Trăng tỏ sông cao,
Bốn phương chẳng thấy xì xào tiếng ai.
Tiếng đâu tiếng ở bụi ngoài,
Ta liền than thở rằng: - Hoài tiếng thu!
Sao mà cũng lại đây ru?
Ôi! sao sắc trạng mịt mù là sao.
Mây che khói lại quẩn vào,
Hình dung nhẹ nhõm trời cao bóng tròn.
Khi hun xương cũng phải mòn,
Ý buồn, ôi! cả nước non cũng buồn.
Cho nên tiếng vẫn luôn luôn,
Reo hò ra dáng, dảy don đến điều.
Cỏ cây xanh tốt một chiều,
Cặp qua cỏ úa cây xiêu lá vàng.
Vì đâu nên sự nhỡ nhàng,
Bởi trong khí hậu thê sương còn rầu.
Ôi! thu là một hình quan,
Mà trong khí tiết lại toàn là âm.
Lại là một tượng binh xâm,
Mà trong hành lại là câm (kim) về đoài.
Ấy là nghĩa khí của trời,
Thường đem túc sát làm nơi tâm điền.
Trời sinh xuân lại thu liền,
Cho nên ở nhạc tiếng rền tiếng thương.
Chủ trương các tiếng tây phương,
Luật coi Di Tắc tháng thường tháng Ngâu.
Chữ thương, thương nghĩa là đau,
Vật kia đã lão thì đau đớn thầm,
Chữ di, di nghĩa là đâm,
Vật kia đã thịnh thì đâm chém đầy.
Vô tình ôi! giống cỏ cây,
Mà sao rồi cũng có ngày phiêu linh.
Người là một vật rất linh,
Đã lòng trăm nghĩ, lại hình muôn dung.
Khi nào đã động thân trong,
Thì ngay khi ấy chuyển long tinh thần.
Huống chi sức nghĩ còn gần,
Lại lo khôn khéo muôn phần chưa hay.
Thâu kia béo cũng ra gầy,
Tóc kia âu cũng mai ngày bạc phơ.
Đã không vàng đá đợi chờ,
Mà sao xanh tốt lại chờ cả cây.
Nỗi niềm tường lạc ai hay,
Cùng thu thôi cũng chớ đay tiếng gì.
Cạn lời thưa lại thưa đi,
Cúi đầu ta nghĩ ước kỳ một hơi.
Những nghe tiếng bốn phương trời,
Sâu kêu tí tắc giúp lời thở than.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Hiệt thử phú (Tô Thức): Bản dịch của Trần Duy Vôn

Đêm khuya Tô tử đương ngồi,
Chuột đâu đang gặm, gặm rồi lại thôi.
Sai con đánh đuốc ra soi,
Hòm suông nghe có tiếng chòi mòi trong.
Rằng: “Ôi! chuột hiếm đường thông,
Cho nên khôn thoát được vòng mà ra.”
Mở hòm vừa mới trông qua,
Ắng không nào có gần xa vật gì.
Đuốc liền soi lại soi đi,
Thấy con chuột chết nằm ỳ trơ trơ.
Trẻ con vừa hãi vừa ngờ,
Rằng: “Vừa còn tiếng, sao giờ đã im?
Tiếng xưa hay quỷ dập dìm?”
Đổ ra chạy thoáng, ai tìm được chăng!
Chàng Tô than thở nói rằng:
“Gớm thay chuột ấy hung hăng quá chừng!
Trong hòm lâu đã chịu bưng,
Lăm le đục thủng nhưng chừng gỗ dai,
Lẽ ra không phải gặm hoài,
Nhưng mà gặm để cho người biết ngay.
Lẽ ra không phải chết vầy,
Nhưng mà chết để tìm ngày thoát thân.
Ta nghe người rất là thần,
Ôm rồng, vuốt hổ, săn lân, cưỡi rùa.
Trên nghìn muôn vật làm vua,
Bây giờ sao lại chịu thua chuột này.
Xem như mưu nó nghĩ vầy,
Các cô kinh thỏ sao tầy được khôn?”
Ngồi mà nghĩ lại nguồn cơn,
Có người đâu lại rỉ ron ta rằng:
“Người tuy học rộng không chừng,
Nhưng mà ngõ đạo chưa từng tới nơi.
Mình không một vật thì hai,
Nên vì con chuột mà sai tính thường.
Người hay ném ngọc nghìn vàng,
Mà sao chõ vở lại càng thêm kinh.
Lại hay bắt hổ một mình,
Mà sao ong kiến giật mình là sao?
Ấy vì lưỡng lự khôn rào,
Những lời ngươi nói thế nào ngươi quên.”
Ta liền cúi mặt cười liền,
Tỉnh ra mới bảo con biên rạch ròi.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 2 trang (15 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: