Trang trong tổng số 1 trang (8 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi thienpht ngày 15/06/2013 12:52
Xin được bổ sung một bài phú Nôm của Nguyễn Khuyến (trích đoạn)
BÀI PHÚ ÔNG ĐỒ NGÔNG
Bốn ống kê giường- vài chồng cặp sách,
Cơm trắng canh ngon- ghế cao chiếu sạch,
Chữ thánh phù; - câu thiên tích.
Chậu thao rửa mặt, tầm váo tầm vênh- điếu sứ long đờm cóc ca cóc cách.
Thần cầu cậy xôi gà tùy thích, ông đã nên ông- bụt Nam Xang oản tẻ chẳng từ, khách thời mặc khách.
Nguyên phú thầy đồ dã giả; Râu ria nhẵn nhụi- mặt mũi ngông nghênh.
Văn pha nguyên mặc- sách học Quan hành.
Chạy gạo chạy tiền, thất điên bát đảo- làm gà làm vịt, tứ đốm tam khoanh.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Viên tòng nhi ca chi viết:
Ê thầy đồ chi hữu tác hề, Khương chữ tốt chi văn hay.
Truyện Thúy Kiều kì đọc ngược hề, Chấn Thiên oai ư roi mây.
Kí lễ sính chi phất ngược hề, Thành kỳ mục chi nan tầy.
Hễ nhà chủ chi có nuôi hề, Tắc ngất ngưởng chi vi thầy,
Hễ nhà chủ chi đếch nuôi hề, Rồi ông xem hồ chúng bay! ...
...Thầy nài nẫm thêm dăm tiền nữa,
Chủ cò kèo đưa mấy đồng ra.
Ruột tượng thắt tưng, nguyên đồ khố rận.
Khăn tay giắt rốn, rặt giống cau già.
...
(Nguồn: Khảo luận về Nguyễn Khuyến, Nguyễn Xuân Hiếu, Trần Mộng Chu, NXB Nam Sơn)
Gửi bởi thienpht ngày 21/03/2013 07:48
- Chứng quả: soi xét đến lòng thành, đến lòng trinh bạch.
Như vậy, vua Lê Thánh Tông khi thăm các địa danh trên huyện Nam Xang, phủ Lỵ Nhân xưa đã để lại cho người đời rất nhiều bài thơ còn lưu giữ được đến ngày nay. Về đề tài vịnh các miếu thờ, ông còn có các bài thơ chữ Nôm “Hoàng Giang, điếu Vũ Nương” và “Vịnh Mỵ Ê” cũng được trình bầy ở trong Thivien.
Một bài thơ khác bằng chữ Hán được vua Lê Thánh Tông viết khi ghé thăm núi Điệp Sơn, nay thuộc xã Yên Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam:
Kinh Điệp Sơn
Giang nhân triều thướng hoàng lưu hợp
Liễu đắc xuân đa thuý sắc minh
Thi khách kỷ hội thương vãng sự
Nghi chu thạch bạn vấn sơn danh
Dịch nghĩa:
Qua Điệp Sơn
Sông thờ thuỷ triều lên hợp với dòng vàng,
Liễu đượm màu xuân càng thêm vẻ biếc,
Khách thơ mấy độ xót chuyện đã qua,
Bèn ghé thuyền sát vách đá vôi hỏi thăm tên núi.
“Xót chuyện đã qua” có lẽ nhắc đến việc vua Lê Hoàn đã đi cày tịch điền ngày xưa tại hai địa điểm: núi Đọi và núi Bà Hối (hay núi Bàn Hải) nhưng dấu tích thì chỉ còn ghi lại được ở núi Đọi, còn ở núi kia thì không còn nữa.
Theo báo: Trường Tiểu học Văn Lý.
Gửi bởi thienpht ngày 20/03/2013 10:57
Bài thơ được là theo thể thơ Nôm nên có một số từ cổ, nay ít được dùng:
- cao thẳm: trời,
- nhẫn: tất thảy,
- hòa: và.
Miếu bà Trương ở bên bờ sông Hoàng giang, thuộc làng Vũ Điện, huyện Nam Xang, phủ Lỵ Nhân (nay là xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).
Tóm tắt truyện:
Vũ Nương lấy chồng tên là Trương Sinh được nửa năm thì chồng phải đi lính. Lúc chồng đi, Vũ Nương đã có thai sau đó sinh con trai đặt tên là Đản. Mỗi tối ngồi chơi với con, nàng thường trỏ vào bóng mình trên vách mà nói dối là cha Đản đấy. Ba năm sau Trương Sinh về, đứa bé đã biết nói. Khi gọi nó, nó lấy làm lạ hỏi: "Ông cũng là cha tôi ư? Sao nay lại biết nói? Trước cha tôi không biết nói, cứ tối thì thấy đến, mẹ tôi ngồi thì ngồi, mẹ tôi đi thì đi". Thấy con nói vậy, Trương sinh lòng ngờ vực, rồi mắng nhiếc sỉ nhục vợ, đến nỗi người vợ phải đâm đầu xuống sông Hoàng giang tự tử.
Sau đấy, một hôm buổi tối, chồng ngồi với con, bỗng đứa con chỉ vào bóng cha ở vách nói: "Kìa, cha Đản lại đến kia". Người chống bấy giờ mới nghĩ ra, biết nỗi oan của vợ mình, bèn lập đàn ở bờ sông để giải oan cho nàng. Dân vùng ấy sau lập miếu thờ bà ấy ở trên bờ sông.
Vua Lê Thánh Tông nhân đi qua miếu thờ đã vịnh bài thơ này.
Gửi bởi thienpht ngày 20/03/2013 10:14
Nguyễn Dư (chữ Hán: 阮餘, ?-?), (nhưng thường quen gọi là Nguyễn Dữ 阮與), là một danh sĩ thời Lê sơ, thời nhà Mạc và là tác giả sách Truyền kỳ mạn lục, một tác phẩm truyền kỳ nổi tiếng tại Việt Nam
Nguyễn Dư là người xã Đỗ Tùng, huyện Gia Phúc, Hải Dương. Chưa rõ Nguyễn Dư sinh và mất năm nào, chỉ biết ông sống cùng thời với thầy học là Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học là Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng thế kỷ 16.
Theo bản Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú in năm 1763, thì tên tác giả là Nguyễn Dư. Trong quyển Việt Nam văn học sử yếu (bản in lần thứ nhất, 1944, trang 290), của Dương Quảng Hàm, đầu sách in là Nguyễn Dữ, song ở cuối sách, tác giả có đính chính lại là Nguyễn Dư. Theo Nguyễn Cẩm Xuyên tên tác giả Truyền kỳ mạn lục là Nguyễn Dư (阮 璵). Chữ 璵 thuộc bộ Ngọc vốn có nghĩa rất đẹp, là tên một loại ngọc quí; Từ nguyên tự điển đã chú cách đọc chữ này như sau: 璵 以 諸 切; 魚 韻 (DƯ: dĩ chư thiết, ngư vận). Vậy chữ này đọc là "Dư" chứ không đọc là "Dữ" . Từ bản Truyền kỳ mạn lục do Nxb Trẻ & Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TP. HCM, in lại năm 1988 (tr. 239), sau khi nêu ra sai lầm này, Hà Mâu Nhai & GS. Hoàng Như Mai đã giải thích rằng: "Có lẽ do số đông chúng ta không để ý đến, cứ đọc mãi thành thói quen".
Theo Wikipedia.
Gửi bởi thienpht ngày 19/03/2013 09:28
Bài thơ nêu bật tư tưởng trung quân của Nguyễn Du đối với triều đình vua Lê, thật sâu nặng. Hồ nghi, không hợp tác với Tây Sơn, có ý định trốn theo Nguyễn Ánh, thế mà khi đã ra làm quan dưới triều Gia Long, ông vẫn nhớ đến những gì mà triều Lê đã để lại, cho dù trước đó ngai vàng của vua Lê đã bị che khuất bởi phủ Trịnh.
Bài thơ này còn nhắc đến tâm trạng của ông khi chứng kiến sức mạnh của nghĩa quân Tây Sơn tiến quân ra Bắc lần thứ nhất (1786), đánh chiếm Sơn Nam, phù Lê, diệt Trịnh trong bài Vị Hoàng doanh (khoảng hai mươi năm về trước).
Gửi bởi thienpht ngày 19/03/2013 08:57
Hai bài thơ này của Phạm Sư Mạnh có nhắc đến giống hai đặc sản nổi tiếng của đất Thiên Trường xưa cách đây gần bảy trăm năm Rươi và Quýt. Trong bài thơ “Hạnh Thiên Trường hành cung” của vua Trần Thánh Tông cũng viết về đặc sản quýt được trồng rất nhiều ở vùng đất bãi ven sông Châu xưa. Đó là giống Quýt hương Lý Nhân thơm, ngọt lịm khác thường, chẳng đâu có được mà ngày nay vẫn còn ở xã Văn Lý, Lý Nhân, Hà Nam.
Món chả rươi cùng vỏ quýt từng là món ăn ngon, để lại những hương vị không thể phai mờ cho người Hà thành xưa, được ghi trong tác phẩm “Miếng ngon Hà Nội” của cố nhà văn Vũ Bằng.
Thế nhưng do ảnh hưởng của việc đắp đê chặn lũ, không cho nước sông Hồng vào sông Châu cách đây hàng chục năm đã làm cho vùng đất Lý Nhân không còn được phù sa màu mỡ bồi đắp hàng năm nữa, chất đất thay đổi dần và giống quýt hương này hiện nay ngày càng mai một, suy tàn và vắng bóng dần trên thị trường. Chính quyền và nhân dân Lý Nhân đang có quyết tâm bảo vệ nguồn gien quý hiếm này và mong muốn được sự giúp đỡ của mọi tổ chức và những người quan tâm.
Theo báo: Trường Tiểu học Văn Lý
Gửi bởi thienpht ngày 19/03/2013 08:27
Trong bài thơ này của Trần Thánh Tông cùng hai bài thơ thời nhà Trần của Phạm Sư Mạnh "Hồ giá Thiên Trường thư sự" (khoảng một trăm năm sau đó) đều nhắc đến giống quýt hương đặc sản nổi tiếng của vùng đất bãi ven sông Châu ngày nay: Quýt hương Văn Lý, Lý Nhân. Quýt hương Lý Nhân thơm, ngọt lịm khác thường cùng với vỏ quýt và món rươi từng được biết đến trong nhiều tác phẩm văn học xưa và nay.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của việc đắp đê chặn lũ, không cho nước sông Hồng vào sông Châu đã làm cho vùng đất Lý Nhân không còn được phù sa màu mỡ bồi đắp hàng năm nữa, chất đất thay đổi dần và giống quýt này hiện nay ngày càng mai một, suy tàn và vắng bóng dần trên thị trường sau gần một nghìn năm tồn tại. Quyết tâm bảo vệ nguồn gien quý hiếm này vẫn là mục tiêu của chính quyền và nhân dân Lý Nhân.
Theo báo: Trường Tiểu học Văn Lý.
Gửi bởi thienpht ngày 19/03/2013 07:44
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi thienpht vào 19/03/2013 08:00
Chú thích:
Trong sách "Nguyễn Du toàn tập" chép là "Phù Hoa" và chú là thôn Phù Nghĩa, ngoại thành Nam Định (nay là phường Phù Nghĩa, tp Nam Định), phía nam quân doanh Vị Hoàng rõ ràng phù hợp hơn. Một số bản khác cũng chép là Phù Hoa thôn. Không nên gọi một cách cưỡng ép tỉnh Thanh Hoá là "thôn".
- Điệp Sơn là núi Điệp, một quả núi nhỏ và thấp nay thuộc xã Yên Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, gần với Đọi Sơn, phía bắc Vị Hoàng. Cả hai đều có tích vua Lê Đại Hành đi cày ruộng tịch điền.
- Dịch: Đừng nhìn về phía thôn Phù Hoa (nhìn gần về hướng nam- nơi đang có chính quyền Tây Sơn) nữa, mà hãy hưỡng về phía núi Điệp (nhìn xa hơn về hướng bắc, nơi đang có chính quyền vua Lê), mong muốn một cuộc sống thanh bình sẽ được sớm phục hồi.
Đó là tư tưởng của Nguyễn Du thời thanh niên. Hai mươi năm sau, khi đã ra làm quan ở Huế dưới triều vua Gia Long rồi, Nguyễn Du vẫn còn hoài vọng về triều Lê như trong bài "Vọng Thiên Thai tự".
Theo báo: Trường Tiểu học Văn Lý
Trang trong tổng số 1 trang (8 bài trả lời)
[1]