Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi ...!!!... ngày 25/04/2009 04:45
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi ...!!!... vào 25/04/2009 06:30
Trại văn đến với trại gàĐó là những câu đầu tiên nhà thơ Vân Long nói vui về bài thơ “Ở nhà máy gà” (Tiếng Việt 3, tập hai). Có thể nói, với mỗi nhà thơ, sự ra đời của một bài thơ thường gắn liền với một ấn tượng nào đấy. “Ở nhà máy gà” của tác giả Vân Long gắn với một kỷ niệm thú vị…
Trại gà hốt hoảng ngỡ là… cáo thăm
Ở nhà máy gà” sau khi “đến với trại gàKhoảng những năm 1975-80, nhà thơ Vân Long chuyển công tác từ Sở Văn hoá Hải Phòng về Ty Văn hoá Thông tin Hà Tây. Lúc đó, nhà thơ Bế Kiến Quốc đang phụ trách mảng thơ, nên nhà thơ Vân Long được giao phụ trách mảng văn xuôi. Để khuấy động phong trào văn nghệ, Ty Văn hoá Thông tin thường tổ chức trại sáng tác, sinh hoạt trại có nội dung đưa các văn nghệ sĩ đi thực tế.
Những chú gà công nghiệp…để trẻ tiếp xúc với nền sản xuất công nghiệp mới.
Thật khác chú gà nhà
Được ấp trong lò điện
Tự mổ vỏ mà ra
Người đầu tiên chú thấy
Áo choàng trắng thướt tha
Chắc là mẹ mình đấy!
Mẹ đẹp như tiên sa!
Anh em đông hàng ngàn
Chẳng biết ai ra trước
Chẳng biết ai là út
Chẳng ai đòi phần hơn!
Mẹ chiều cả ngàn con
Giải trấu thay đệm mới
Thắp đèn làm lửa sưởi
Máng ăn ăm ắp đầy
Gà mà chẳng ở chuồng
Cả dãy nhà rộng đẹp
Bè bạn cứ vàng ươm
Hát suốt ngày liếp nhiếp.
(Tiếng Việt 3, tập II)
Đã từng lên tàu hoảXuất phát từ lòng yêu trẻ
Đã từng đáp ô tô
Cô ong xinh xinh ấy
Đi tàu bay nữa cơ
….
Ơ này những đoá mây
Cũng hồng tươi tím biếc
Hoá ra ở giữa trời
Mật cũng nhiều phải biết!
…
Bác khổng lồ hạ cánh
Sân bay người xôn xao
Khách nào mà sang thế?
Xách va li bé tí
Những cô ong vẫy chào”
(Trích Nghìn cây số hoa, NXB Đồng Nai, 1996)
Tai gỗ nâu hồng bé nhỏ“Mỗi đứa trẻ là một kho báu để người lớn vừa hồi tưởng vừa khám phá lại mình. Viết cho trẻ em là để “hồi lại” cái phần trong sáng của tâm hồn mình mà cuộc sống bon chen đã làm vẩn đục, bởi thế khi viết cho thiếu nhi tôi như được thơ trẻ lại!” Trong câu chuyện, nhà thơ Vân Long đã nói ý nghĩ ấy không chỉ một lần!
Xoè ra nghe đủ chuyện rừng:
Những đôi chim vừa kết tổ
Những con suối thèm mênh mông
Tai gỗ mượt mềm lấp ló
Xoè ra nghe đủ chuyện người:
Cô bộ đội Trường Sơn ấy
Đang làm cây nấm sinh sôi.…
(Trích Mộc nhĩ – tai của gỗ)
Gửi bởi ...!!!... ngày 25/04/2009 04:02
Có những lúc tôi muốn khóc, khóc thật to để át đi những tiếng lòng sầu muộn đang chực trào ra, nhưng nước mắt vô tình lại lặn cả vào trong. Cũng có khi tôi cố nén lòng lại để ngăn những xúc cảm dâng lên từ sâu thẳm trái tim, nhưng nước mắt cứ tự nhiên lăn dài…
Có lẽ, khóc là một đặc ân mà tạo hóa đã ban tặng cho loài người. Đôi khi biết khóc, được khóc lại là hạnh phúc. Một kẻ giết người chỉ có thể khóc khi lương tri hắn trở về. Một kẻ lang thang khóc khi bước chân đến bậc thềm nhà sau bao ngày lang bạt… Người ta khóc khi mất đi niềm tin, mất đi hạnh phúc, nhưng cũng không thể ngăn nổi nước mắt trong những phút giây hạnh phúc…
Nhưng, tôi muốn nói đến một kiểu khóc khác hơn. Đó là “khóc một mình”! Khi đã quá nhiều đau khổ chất chồng lên số kiếp, khi cuộc sống bộn bề những rủi may… thì nước mắt có lẽ là thứ thuốc hữu hiệu nhất để rửa trôi mọi muộn phiền. Dường như Phạm Tâm An đã cảm nhận được điều ấy, nên từng câu thơ của chị cứ hiện lên nhẹ nhàng như một lời an ủi vỗ về…
“Khóc đi! Khóc một mình thôi
Để cho nước mắt cuốn trôi muộn phiền
Trải bao sóng gió, đảo điên
Xót xa đau vỡ cả miền tâm linh”
Chẳng hiểu tác giả đang vỗ về an ủi ai đó hay chỉ là tự nói với mình: “Khóc đi! Khóc một mình thôi”. Một lời mời gọi, thoáng nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng ngẫm lại sao chân thành quá! Câu nói giản dị như mở cả một cõi lòng. Bởi ngay lúc ấy, con người bên cạnh nhà thơ (hay cũng chính là tác giả?) đang chất chứa những muộn phiền chỉ chực được trào ra để vơi đi đau khổ. Thế thì hà cớ gì lại phải kiềm nén, phải nín nhịn để nỗi đau âm ỉ mài mòn tâm hồn và thể xác! Sao lại không “Để cho nước mắt cuốn trôi muộn phiền”! Có lẽ, trong hoàn cảnh ấy, chỉ có nước mắt là thứ duy nhất có thể chữa lành vết thương, vì những nỗi đau đang oằn lên trong tâm tư con người ấy là quá lớn:
“Trải bao sóng gió, đảo điên
Xót xa đau vỡ cả miền tâm linh”
Cuộc sống muôn màu, và không nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Nỗi đau của nhân vật ở đây cũng thế. Khó gọi thành tên, nhưng sức công phá của nó đối với con người lớn vô cùng: đau đến “xót xa”, đến “vỡ cả miền tâm linh”. Dường như con người ấy đã cố chịu đựng nỗi đau từ lâu lắm, và giờ đây, chúng tích tụ thành khối, thành mảng trong cõi lòng nhà thơ… để khẽ chạm thôi, chúng cũng vỡ òa thành nước mắt…
Thi nhân lại tiếp tục vỗ về con-người-đau-khổ ấy:
“Khóc đi, hãy khóc một mình
Để cho thanh thản lặng thinh theo về
Biết hồn còn chút u mê
Trần gian bụi bặm bộn bề rủi may.”
“Khóc đi”, hãy khóc để giũ bỏ nợ trần, để phủi sạch âu lo, để cho “thanh thản lặng thinh theo về”, bởi “sau cơn mưa trời lại sáng”. Sau những phút sống thật với mình, có lẽ người ta sẽ tỉnh táo hơn, thanh thản hơn để mà bước tiếp… Tác giả tự an ủi bằng những lý lẽ rất đỗi hiển nhiên “trần gian bụi bặm bộn bề rủi may”! Cuộc đời là vô thường, và con người thì quá nhỏ bé để có thể thay đổi những điều gọi là định mệnh, là số kiếp, là may rủi. Một chút an phận không làm nhân vật trở nên yếu đuối, mà trái lại, càng làm con người mạnh mẽ hơn để vượt qua sóng gió. Cái lý lẽ đưa ra thật khéo léo, bởi những lúc con người ta sắp ngã, thì điều tốt nhất nên làm là tìm một nơi để bám víu chứ không phải là cố gắng vạch ra nguyên do tại sao mình ngã! Hiểu được quy luật tâm lý ấy mới thấy, tâm hồn nhà thơ quả thật chẳng “u mê” chút nào! Ngược lại, càng đọc, càng suy ngẫm, càng cảm nhận sâu sắc sự tinh tế trong ngòi bút tác giả:
“Khóc đi cho nhẹ lòng này
Đã là số kiếp - đắng cay ai lường?!
Cuộc đời muôn nỗi đoạn trường
Trời cao, đất rộng... đâu đường cỏ hoa?!”
Một lần nữa, nhà thơ lại nhắc đến “số kiếp”, đến “đắng cay”, nhưng không phải nhắc đến để mà chua chát bản thân, mà là đang vạch tìm lối đi trong cõi âm u của cuộc đời. “Trời cao, đất rộng” – tức là sẽ còn những lối khác cho chúng ta đi, đâu nhất thiết phải băng mình vào ngõ tối! “Đường cỏ hoa” vẫn còn phía trước… Và dường như tác giả đang tự mỉm cười:
“Thương mình, nghĩ nỗi can qua
Biết buồn rồi sẽ nhạt nhoà dần thôi
Hôm nay khóc một mình rồi
Để mai cười với mọi người quanh ta”
Đến đây, nhân vật đã gần như tỏ tường được cái lẽ tất yếu của cuộc sống: “Biết buồn rồi sẽ nhạt nhoà dần thôi”. Mọi thứ rồi cũng sẽ trôi vào quá vãng. Mọi nỗi đau rồi sẽ được thời gian gội rửa… Không có hạnh phúc vĩnh hằng thì cớ sao lại phải mãi ôm niềm đau quá khứ! Chi bằng, hãy khóc một mình, khóc thật nhiều trong hôm nay, rồi ngày mai lại vui, lại cười với cuộc đời:
“Hôm nay khóc một mình rồi
Để mai cười với mọi người quanh ta”
Thoáng nhìn, cứ tưởng nhân vật đang chơi trò hai mặt với cuộc đời, bởi hôm nay vừa “khóc một mình” đấy, ngày mai lại “cười với mọi người quanh ta”. Nhưng không, rõ ràng nhà thơ đang nói những điều rất chân thành. Hôm nay khóc, nhưng chỉ là khóc để cuốn trôi đau khổ, để làm mới mình, làm mới tâm hồn. Và ngày mai chính là bình minh của cuộc đời. Nhân vật sẽ cười bằng tất cả những tươi mới của bản thân chứ không phải là nụ cười giả tạo. Rõ ràng nhà thơ đang ngộ ra điều đó:
“Khóc đi, hãy khóc mặn mà
Ngày mai sẽ thấy đời là chốn vui!”
Đời mãi là chốn vui cho nhân gian trú mình trong ấy. Và những thất vọng, những khổ đau… chỉ là khúc ngoặt của đời người. Đừng trốn chạy, hãy mạnh mẽ đối diện với điều tất yếu ấy. Chỉ cần lắng lòng mình lại, rồi tự ghé vào một góc khuất của tâm tư, và khóc thật nhiều… sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản… Rồi lại bước tiếp, lại hòa mình vào dòng đời hối hả…
Tự dưng, tôi cũng muốn nhủ với lòng hãy “khóc đi” để lòng nhẹ nhàng hơn…
Phan Thị Cẩm Tú
Email: phantubd@yahoo.com.vn
Gửi bởi ...!!!... ngày 23/04/2009 22:47
Bữa ấy em qua nhà để lòng tôi nửa vui nửa buồn. Em thì chẳng hay đâu, tuổi xuân hơ hớ ở đau cũng sẵn sàng “ban phát”. Những nụ cười tươi rói rạo rực cả đất trời, ngõ xóm. Những nụ cười chẳng cho riêng ai cả, chúng tràn ngập hạnh phúc nên mọi vật, mọi người được may mắn đón nhận. Nhưng em ơi, tôi cứ muốn nhận những nụ cươi ấy cho riêng mình thôi, nên mới nửa vui nửa buồn, nửa sáng bừng nên nửa tối sầm lại và rồi nửa sáng kia cũng tối sầm theo, vì biết mình đã ngộ nhận. Số phận mình vốn chẳng may mắn gì:
“Bóng người chia nửa mặt tôi
Một bên tối, bên kia rồi tối luôn”
Từ bữa đó tôi vừa mong em qua nhà ban phát nụ cười vừa lo cho lỡ làng cũng từ đó mà ra:
“Đen không vui, trắng cũng buồn
Biết làm chi với nửa khuôn trăng này?”
Em ào qua đời tôi với những trận cười của tuổi xuân, nhưng với tôi chỉ là:
“Gượng cười - nửa miệng đắng cay
Một con mắt chẳng hẹn ngày sáng ra…”
Em ơi, “nguyệt thực” của tôi ơi! Em có hay không tôi đang âm thầm chịu đựng đau đớn của tình yêu đơn phương em đây- “Sự chịu đựng hân hoan”:
“Từ đêm nguyệt thực qua nhà
Vật vờ như thể có ma… ám mình!”.
Thanh Tùng
(Rút từ tập thơ "Những khúc ca trên cỏ")
Gửi bởi ...!!!... ngày 23/04/2009 22:41
Khoan đọc hai chữ “Mẹ ơi!” nhan đề bài thơ. Khoan nói đến tình mẹ con…
Vấp vào câu thơ “Xưa hai đôi đũa một mâm”, tôi bâng khuâng nghĩ tưởng nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng đang nói đến tấn thảm kịch của người vừa… mồ côi vợ, trung niên táng thê, gà trống nuôi con… Nhưng vấp vào chữ “con” ở câu thơ thứ hai “Giở hai đôi đũa… con cầm một đôi” thì tôi bừng tỉnh.
Sức sáng tạo của Nguyễn Ngọc Hưng thật kỳ lạ: nhà thơ khéo dùng hình tượng “mâm vàng kia, đũa ngọc đây” (Bích Khê) để nói đến tình mẹ con.
Khi nhận ra sức sáng tạo ấy cũng là lúc chúng ta thấy ngay tấm thảm kịch nhà thơ đã từng chịu đựng. Nếu tính giới hạn đời người là “trăm năm trong cõi…” thì gần nửa đời người, Hưng đã phải sông nhờ vào mẹ. “ xôi nếp một, chuối ba hương, đường mía lau” là mẹ, mà “gừng cay muối mặn” cũng là mẹ…
Thế mà mẹ đã ra đi… Tuổi tác, mệnh trời, nghiệp lực… đã không cho phép mẹ ở lại bên anh chọn đời…
Nhưng tại sao lại “còn một đôi đũa mồ côi” ? Đôi đũa yên vị trên mâm là đôi đũa nhà thơ dành cho mẹ, tưởng nhớ mẹ. Đôi đũa “con cầm một đôi” trên tay kia mới thật sự là đôi mồ côi. Chính đôi đũa ấy mới giúp “con nuốt cho trôi chén buồn”.
Chén buồn là chén cơm, chén ngọc nhà trời, với nỗi đau vắng mẹ nó trở thành hạt lệ nuốt ngược vào lòng.
Khóc mẹ, nhớ thương mẹ mà tạo được bài thơ như “Mẹ ơi!” của Hưng quả thuộc loại thơ hiếm. Đã là hiếm thì thực đáng quý, đáng trân trọng.
Hạnh Phương
(Rút từ tập thơ 'Những khúc ca trên cỏ')
Gửi bởi ...!!!... ngày 23/04/2009 21:47
Thời gian bóng câu qua cửa. vèo một cái đã thấy mình đứng bên kia dốc cuộc đời. đưa tay bóc tờ lịch cuối, có ai không thảng thốt giật mình. Nói gì đến Nguyễn Ngọc Hưng – con người “luôn ước mơ hạnh phúc mà chẳng mấy khi được hưởng một cách thật sự”. Đã hơn hai mươi năm kể từ ngày anh lâm trọng bệnh (1983), anh nằm đó cảm nhấn sự sống từng ngày qua đi trong đau đớn. Anh khát sống đúng nghĩa, được hưởng cái quyền làm người và được tận hiến cho cuộc đời này. Chính vì vậy, hơn ai hết anh thấy buồn, thấy đau một khi:
“Mỏng manh tờ lịch cuối năm
Nhẹ tênh rơi xuống chỗ nằm…
Vọng âm”
Vâng, tờ lịch cuối năm “mong manh” rơi xuống “nhẹ tênh” gần như không thanh âm, không trọng lượng, thế nhưng người thơ lại nghe bao “vọng âm”. Sức nặng của ngôn từ có được nhờ câu bát bị tách chẻ, tạo nên một dòng thơ đặc biệt, đầy ám ảnh.
Cứ ngỡ sau dòng thơ ấy, ta sẽ nge thấy tiếng “động” cụ thể nào đấy của sự sống. Thế mà… “Thoảng như hơi gió vương trầm / Thoảng như sương khói môi thầm thĩ xa”. Thì ra anh nghe bằng trái tim hôi hổi nóng kỷ niệm của một thời quá vãng. Cái điều tưởng như mơ hồ “thoảng như gió”, “thoảng như sương khói” ấy lại rất thật. Đó là những “vọng âm” của hương vị cuộc sống, của tình yêu mà anh không còn cơ may đón nhận và tận hưởng.
Vẫn biết thời gian là ước lệ thế nhưng tờ lịch cuối năm đã đem lại cho Nguyễn Ngọc Hưng những suy tư, trăn trở đến mức dày vò, đau đớn. Sau những vọng âm hư thực là một sự thật “nghiệt ngã”:
“Mơ màng lật lại trở qua
Ngày chia hai nửa trẻ - già đây ư?
Nửa xanh chớm nhạt ngôn từ
Nửa vàng như đã lại như chưa vàng…”
Những câu thơ day dứt đến buồn thương bởi nó ẩn chứa cả một niềm trắc ẩn. Nếu ta thảng thốt giật mình trước thời gian qua mau thì với Nguyễn Ngọc Hưng còn là sự tự ý thức về thân phận trong cái quy luật của cuộc đời. Chàng thanh niên trai trẻ ngày nào giờ đã ngoại tứ tuần. Có lẽ hơn ai hết, anh hiểu hai nửa của đời mình: một nửa mãi mãi ở tuổi đôi mươi, một nửa đang già đi theo thời gian khắc nghiệt. Một câu hỏi buồn đi liền với những suy tư, ngậm ngùi:
“Nửa xanh chớm nhạt ngôn từ
Nửa vàng như đã lại như chưa vàng…”
Và thật sự cuộc đời anh là thế! Bởi “cái cuộc tôi đi tìm tôi của Hưng là một hành trình không cây số, không phiêu lưu, lang bạt nơi cõi trần ai để tìm trong lánh đục đời mình, để nghiệm đời mình, mà cuộc hành trình của Hưng là một cuộc kiếm tìm lặng lẽ không để lại dấu chân. Anh tự đào sâu vào lòng mình để làm cuộc du hành không nhân ảnh” (Mai Bá Ẩn). Và như thế, làm sao anh không chạnh nghĩ về thơ, về thân phận.
Sau những va đập mạnh của từng đợt sóng xúc cảm, dường như người thơ đã lấy lại được sự thăng bằng. Con chữ không còn giằng xé, vật vã “lật lại trở qua”. Giọng thơ đã trở nên sâu đằm và lắng lại trong một dòng suy tường:
“Cháy thầm trong lửa thời gian
Buồn vui cũng hóa tro than vô hình
Cuối năm mình tiễn tuổi mình
Mỏng manh tờ lịch rập rình…
Gió bay!”
“Cháy thầm”. Quả thật anh đã lặng lẽ cháy hết mình cho thơ – thơ cứu rỗi linh hồn anh – trong “ngọn lửa thời gian”. Vẫn biết tất cả “buồn vui cũng hóa tro than vô hình”. Chúng ta, theo quy luật của thời gian rồi cũng chỉ còn là một nắm “tro than vô hình” ấy. Thế nhưng tâm hồn con người là toàn vẹn và bất tận. Những câu thơ cuối phảng phất một chút “thiền”, gợi cho ta nghĩ về cái hữu hạn của kiếp người mong manh sương khói. Và ta hiểu hơn cái cảm giác trống vắng của Nguyễn Ngọc Hưng khi anh giáp mặt với thời gian, không gian một ngày “cuối năm mình tiễn tuổi mình”. Dường như đã “rập rình” một tiên cảm không vui…
Cái gì đến rồi cũng sẽ đến. Tờ lịch cuối năm mỏng manh rồi sẽ theo gió cuốn bay. Thế nhưng Nguyễn Ngọc Hưng đã kịp đóng đinh thời gian trong trang viết của mình. Và nói như nhà văn - nhà thơ Vũ Tú Nam: “Thời gian - thời gian vô cùng và hữu hạn / Miếng da lừa dài ngắn được bao lâu? / Tuổi tác đến qua từng chặng đường hy vọng / Cái vui gần thường át nỗi lo âu…” (Thời gian).
Nguyễn Mậu Hùng Kiệt
(Rút từ tập thơ “Những khúc ca trên cỏ” của Nguyễn Ngọc Hưng)
Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]