Trang trong tổng số 11 trang (103 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Thu điếu (Nguyễn Khuyến): Tản Đà bình thơ Yên Đổ

Giai thoại: Có người hỏi "thưa Bác Tản Đà, nếu so Bác với cụ Nguyễn Khuyến thì ai hơn ai?" Tản Đà trả lời nếu so về học vấn thì cụ là TAM NGUYÊN YÊN ĐỔ (3 lần đỗ đầu - nhất cả nước) còn mình thì TAM TRƯỜNG (Tú tài) còn chưa đạt! - Về thơ thì Yên Đổ là Thi Hào Dân Tộc... Chỉ 1 chữ "vèo" (lá vàng trước gió sẽ đưa vèo) cũng đủ suy tôn cụ là bậc thầy về tài luyện chữ rồi! Còn thơ Tản Đà? đó là cầu nối từ thơ cũ sang thơ mới, cả đời mình góp được cho thi đàn 1 chữ "choai" (Nhà Dương có gái mới choai - dịch "Trường hận ca" của Bạch Cư Dị)...

Ảnh đại diện

Tây Tiến (Quang Dũng): Bài thơ buổi đầu trình làng "Nhớ Tây Tiến"

Theo tạp chí Văn nghệ số 11-12 tháng 4, 5 năm 1949 - Văn nghệ bộ đội của Hội Văn nghệ Việt Nam (Thư ký toà soạn Nguyễn Huy Tưởng), thì bài thơ in ở trang 17, toàn văn như sau:

Nhớ Tây Tiến

Sông Mã xa rồi, Tây tiến ơi
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi;
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời;
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Lương mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,               
Gục lên súng mũ bỏ quên đời...
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi! Tây tiến cơm lên khói
Mai châu mùa em thơm nếp xôi.

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội giáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Quang Dũng (Đoàn quân nhân văn nghệ L.K.3)

Chú ý: Pha Lương = Pha Luông, giáng kiều = dáng kiều.

Bài thơ thiếu hẳn đoạn 8 câu "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa... Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

Ảnh đại diện

Riêng em! (Từ Nguyễn): @ Từ Nguyễn

Ẩn mình sau bóng hoàng hôn
chút phiêu du để bồn chồn lòng ta
đêm vàng mộng đẹp như hoa
Của riêng em đấy đượm đà tình xuân.

Ảnh đại diện

Xin hãy an lành! (Từ Nguyễn): @ TỪ NGUYỄN

Nhớ Người gửi mộng vào thơ
Đọc thơ lại thấy lơ mơ mộng Người
mong an lành chốn xa xôi
là thơ đưa mộng ru hời đêm đông.

Ảnh đại diện

Tây Tiến (Quang Dũng): Cảm nhận về đoạn thơ đầu của bài “Tây Tiến”

I/MỞ BÀI

Quang Dũng (1921-1988) là một nghệ sĩ đa tài với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. “Tây Tiến” là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ và thể hiện sâu sắc phong cách thơ Quang Dũng. Có thể nói, tinh hoa của bài thơ được hội tụ lại trong khổ thơ đầu tiên. Khổ thơ đã dựng lên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, mĩ lệ của núi rừng miền Tây, nơi nhà thơ cũng đoàn quân Tây Tiến đã từng hoạt động, chiến đấu.

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây,súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
II/THÂN BÀI

1/ Giới thiệu chung

Bài thơ Tây Tiến được sáng tác năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh, khi nhà thơ đã rời khỏi đơn vị cũ Tây Tiến, chuyển sang hoạt động tại một đơn vị khác.

Tây Tiến là một đơn vị bộ đội chống Pháp được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt Lào, tiêu hao sinh lực Pháp tại Thượng Lào và miền Tây Bắc Việt Nam. Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến rất rộng lớn trải dài từ Sơn la, Hoà Bình, miền tây Thanh Hoá đến Sầm Nưa (Lào) – là những nơi hiểm trở, hoang vu, rừng thiêng nước độc. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, có nhiều học sinh, sinh viên, trong đó có Quang Dũng. Họ sống và chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành nhưng vẫn lạc quan, anh dũng. Hoạt động được hơn một năm thì đơn vị Tây Tiến trở về Hoà Bình thành lập Trung đoàn 52.

Bài thơ ra đời từ nỗi nhớ, kỉ niệm, hồi ức của Quang Dũng về đồng đội và địa bàn chiến đấu cũ. Tác phẩm sau khi ra đời đã được bao thế hệ thanh niên và bạn yêu thơ truyền tay tìm đọc. Đến năm 1986, bài thơ được in trong tập thơ Mây đầu ô (xuất bản 1986).

Ban đầu bài thơ có tên là Nhớ Tây Tiến, sau đó tác giả chuyển lại thành Tây Tiến. Nhan đề Tây Tiến đảm bảo tính hàm súc của thơ, không cần phải trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ mà tình cảm ấy vẫn hiện lên sâu sắc, thấm thía. Nhan đề còn làm nổi rõ hình tượng trung tâm của tác phẩm, đó là hình tượng đoàn quân Tây Tiến. Việc bỏ đi từ “nhớ” đã vĩnh viễn hoá đoàn quân Tây Tiến, khiến cho hình ảnh người lính Tây Tiến trở thành bất tử trong thơ ca kháng chiến Việt Nam.

Tây Tiến là bài thơ in đậm phong cách tài hoa, lãng mạn, phóng khoáng của hồn thơ Quang Dũng. Tác phẩm đã bộc lộ nỗi nhớ sâu sắc của nhà thơ với người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng. Đoạn thơ thứ nhất đã tái dựng lại sống động bức tranh thiên nhiên miền Tây với những khung cảnh, những chặng đường hành quân gian khổ, từ đó hình ảnh những chiến sĩ Tây Tiến cũng lần lượt hiên ra.

2/ Phân tích đoạn thơ

a/ Bài thơ mở ra bằng một nỗi nhớ trào dâng:
Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!
Nhở về rừng núi, nhớ chơi vơi
Tiếng gọi “Tây Tiến ơi” bật lên bởi một nỗi nhớ sâu sắc, cồn cào không kìm nén nổi. Đối tượng của nỗi nhớ ấy rất cụ thể, rõ ràng là: “sông Mã”, “Tây Tiến”, “rừng núi”. Nỗi nhớ ấy phải khắc khoải lắm thì tác giả mới điệp lại hai lần từ “nhớ”. “Nhớ chơi vơi” là nỗi nhớ chập chờn hư thực, vừa tha thiết, thường trực, vừa mênh mang, đầy ám ảnh, vừa mở ra không gian của tiềm thức, vừa như gợi ra không gian trập trùng của núi đèo rộng lớn. Cách hiệp vần “ơi” làm câu thơ như ngân vang, phù hợp với biên độ của cảm xúc.

Hai câu thơ đầu đã khơi mạch chủ đạo của cả bài thơ là nỗi nhớ khôn nguôi. Nỗi nhớ ấy được cụ thể dần dần trong những vần thơ tiếp sau.

b/ Hai câu thơ tiếp: gợi lại hình ảnh đoàn quân hành quân trong đêm:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Hai câu thơ vừa tả thực, vừa sử dụng bút pháp lãng mạn. Những từ chỉ địa danh Sài Khao, Mường Lát gợi ra địa bàn rộng lớn, đầy lạ lẫm đối với người lính Tây Tiến. Sương mù vùng cao dày đặc như trùm lấp bước chân, nuốt chửng cả đoàn binh vốn đang mỏi mệt, rệu rã vì chặng đường dài gian khổ. Quang Dũng đã nhìn thấy và miêu tả một mảng hiện thực khuất lấp trong thơ ca kháng chiến. Nhưng những người lính ấy, dù mệt mỏi mà tâm hồn vẫn trẻ trung, hào hoa, lạc quan, yêu đời. Hình ảnh “hoa về trong đêm hơi” là hình ảnh đẹp giàu sức gợi. Đó có thể là những ánh đuốc sáng lung linh của đoàn quân đang tiến về bản làng, cũng có thể là hình ảnh đoàn quân từ rừng đi ra, trên tay vẫn cầm theo những đoá hoa rừng ngát hương, mà đó cũng có thể là hình ảnh ẩn dụ về đoàn quân Tây Tiến như những bông hoa rừng. Đoàn quân ấy hành quân trong một “đêm hơi” đầy huyền ảo, mơ hồ, bảng lảng khói sương chốn rừng suối. Hai câu thơ in đậm dấu ấn tài hoa, lãng mạn của Quang Dũng.

c/ Bốn câu thơ tiếp theo đặc tả địa hình hiểm trở của miền Tây:
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời,
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Nhà thơ sử dụng một loạt các từ láy tượng hình “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút”, kết hợp với cách ngắt nhịp 4/3 như chặt đôi câu thơ, mật độ thanh trắc dày đặc khiến câu thơ trúc trắc gợi sự vất vả, nhọc nhằn. Những phép tu từ đó mở ra trong tâm tưởng người đọc ấn tượng về sự gập ghềnh, hiểm trở, ẩn chứa bao bất trắc, nguy hiểm của núi cao, vực sâu nơi núi rừng miền Tây. Hình ảnh “súng ngửi trời” là một nhân hoá táo bạo, đặc tả sự chót vót của dốc núi. Người lính Tây Tiến leo lên đỉnh dốc, cảm tưởng như mũi súng có thể chạm mây. Từ đó, ta cũng thấy được nét tinh nghịch khoẻ khoắn, vẫn có thể trêu đùa vô tư sau một chặng đường hành quân vất vả, mệt nhọc của các anh lính Tây Tiến. Phép đối “ngàn thước lên cao – ngàn thước xuống” càng nhấn mạnh độ gập ghềnh, hình sông thế núi trập trùng, hiểm trở của thiên nhiên miền Tây. Ba câu thơ giàu chất hội hoạ, dựng lên bức tranh hoang vu, dốc đèo đứt nối, hùng vĩ trên con đường hành quân của chiến sĩ Tây Tiến. Câu thơ thứ tư toàn bộ là bảy thanh bằng “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, vần mở “ơi” đặt cuối câu tạo cảm giác nhẹ nhàng gợi ra những phút giây nghỉ ngơi thư giãn của người lính. Họ đứng trên những đỉnh núi, thưởng thức chút bình yên, vẻ đẹp lãng mạn của núi rừng, phóng tầm mắt, thấy mưa rừng giăng mờ nơi bản làng Pha Luông xa xôi. Bốn câu thơ vừa gợi ra sự dữ dội hoang vu, sự êm đềm của núi rừng, vừa gợi ra những cuộc hành quân vất vả nhọc mệt nhưng đầy trẻ trung, yêu đời của các chàng trai Tây Tiến.

d/ Người lính Tây Tiến không chỉ đối diện với dốc cao vực sâu mà còn phải chịu những mất mát hi sinh:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời.
Cách nói tránh về cái chết “không bước nữa”, “bỏ quên đời” gợi tư thế ngạo nghễ của người lính Tây Tiến. Họ chủ động chấp nhận cái chết, coi nó chỉ đơn giản như một giấc ngủ mà thôi. Tư thế hi sinh “gục lên súng mũ” đầy xót xa nhưng cũng thật hào hùng. Hình ảnh về người lính anh dũng hi sinh ấy sau này ta còn bắt gặp trong “Dáng đứng Việt Nam”: “Và anh chết trong khi đang đứng bắn- Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”. Câu thơ đã tiếp tục cảm hứng bi tráng khi xây dựng chân dung người lính Tây Tiến.

e/ Và người lính Tây Tiến tiếp tục chịu sự thử thách của núi rừng miền Tây:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Các từ láy chỉ biên độ lặp lại thường xuyên của thời gian” chiều chiều”, “đêm đêm” kết hợp với biện pháp nhân hoá “thác gầm thét”, “cọp trêu người” đã nhấn mạnh vẻ bí hiểm, dữ dội,hoang dã chứa đầy nguy hiểm, cái chết luôn luôn rình rập đe doạ người lính của núi rừng miền Tây. Sự nguy hiểm ấy không chỉ trải rộng trong không gian mà còn kéo dài và lặp lại thường xuyên theo thời gian.

g/ Hai câu thơ cuối đoạn lại đột ngột chuyển cảnh:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Núi cao rừng rậm lùi xa, chỉ còn lại hương vị ấm áp nghĩa tình quân dân lan toả từ nồi cơm của các cô gái Thái. Từ cảm thán “Nhớ ôi” đứng đầu câu thơ diễn tả nỗi nhớ da diết, ám ảnh khôn khuây của Quang Dũng cũng như người lính Tây Tiến về đồng bào miền Tây. Nhà thơ như nhói lòng khi hồi tưởng lại cảnh đoàn quân quây quần quanh nồi xôi nếp thơm lừng đang bốc khói. Đó là những giây phút ấm áp ngắn ngủi nhưng lại dịu ngọt, tinh tế nên khắc sâu mãi trong tâm trí nhà thơ. Cách kết hợp từ “mùa em” rất độc đáo, gợi những liên tưởng đẹp, lãng mạn về những cô gái Thái vừa khoẻ khoắn vừa dịu dàng mà đằm thắm yêu thương. Hai câu thơ kết thúc đoạn một bài thơ Tây Tiến có âm điệu nhẹ nhàng tha thiết gợi cảm giác êm dịu, ấm áp, tạo tâm thế cho người đọc cảm nhận đoạn thơ tiếp theo.

Trong những đoạn thơ còn lại, nhà thơ Quang Dũng tiếp tục hồi tưởng về cảnh những đêm liên hoan văn nghệ thắm thiết tình quân dân, những buổi chiều trên sông nước miền Tây thơ mộng, hư ảo, hồi tưởng về chân dung tập thể những người lính Tây Tiến anh dũng, hào hoa. Cuối bài thơ, Quang Dũng bộc lộ lời nguyện thề mãi gắn bó với miền Tây và đoàn quân Tây Tiến.

III/ KẾT BÀI

Đoạn thơ đầu bài thơ Tây Tiến đã thể hiện tài hoa và tâm hồn lãng mạn phóng khoáng của nhà thơ Quang Dũng. Đoạn thơ có ngôn ngữ giàu chất tạo hình, giàu nhạc điệu, gây ấn tượng táo bạo, dựng lên bức tranh sinh động, có chiều sâu về cảnh hành quân của đoàn quân Tây Tiến trên cái nền thiên nhiên rừng núi hùng vĩ thơ mộng miền Tây. Qua đó, ta cảm nhận được sự gắn bó sâu sắc, nỗi nhớ tha thiết của nhà thơ Quang Dũng về những ngày tháng chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến – một thời mãi mãi để nhớ và tự hào.

Ảnh đại diện

Núi Mường Hung, dòng sông Mã (Lương Cẩm Giang): Tiểu sử Cầm Giang

Tên khai sinh: Lê gia Hợp
 Tên thường gọi: Lương Cầm Giang
 Bút danh: Cầm Giang
Ngày sinh:2-5-1931.Nơi sinh:Xóm 3,thôn Nguyệt Viên,Xã Hoằng Quang,Hoằng hoá,Thanh Hoá.
Trú quán:thôn Khách Nhi,Xã Vĩnh Thịnh,Vĩnh Tường,Vĩnh Phúc.Nghề nghiêp:Y tế sơ cấp.Dạy học:Có bằng cấp 2 trong Quân đội.Cụ thân sinh là Lê Gia Tượng là người  giầu có(địa chủ),Cầm Giang đươc học hành tử tế,vào loại có học vấn khá, từng dịch thơ Victor Hugo,văn O.Balzac...Là con trai lớn nên khi mới 11 tuổi Lê gia Hợp đã phải lấy vợ (tảo hôn)-vợ là Lê thị Vịnh.Do ảnh hưởng thơ văn thời "Tự Lực Văn Đoàn" năm 15 tuổi còn đang học trung học,anh bỏ nhà ra Hanoi đi bán báo kiếm sống.Anh được ông Lương Hữu Ca(quê Khách Nhi-Vĩnh Phúc,vợ con chết đói ,ra Hanoi đạp xích lô...Ông đã cưu mang Lê Gia Hợp.Sau 3 năm vừa tròn 18 tuổi anh xin phép Ông Ca cho vào Vệ Quốc Đoàn (Bộ đội Cụ Hồ),anh tự đặt cho mình cái tên Cẩm Giang và lấy họ của cha nuôi là họ Lương.
Tháng 2-1950 làm y tá ở F.335.Thời kỳ này anh bắt đầu sáng tác thơ văn với bút danh Cẩm Giang(một địa danh ở quê Thanh Hoá)nhưng do sơ xuất Cô đánh máy đánh nhầm là Cầm Giang(vì ở Tây Bắc chỉ có họ Cầm,chứ không có ai mang họ Cẩm cả ?);Còn 1 lý do nữa  mà bây giờ nói ra nghe khó tin:là hồi ấy buổi đầu cách mạng báo chí rất kỵ kiểu thơ tình "anh anh em em"lãng mạn...lại với lý lịch địa chủ,học trường Pháp cùng ảnh hưởng thơ mới...nếu sáng tác ký tên Lê Gia Hợp thì rất khó in,mặt khác những bài thơ như "em tắm","nhớ vợ"...Với những chi tiết nude "vớ vẩn" ở thời điểm ấy là không thích hợp.Với giải pháp lấy họ tên Dân tộc thiểu số(1 kiểu "lừa" ban biên tập ở mãi nơi xa xôi khó mà hỏi ra được)để BBT họ cho là:Dân tôc họ viết như thế mà,chân thật chất phác...cần ưu tiên châm chước cho "Pi no ọng",Và quả nhiên,các bài thơ ấy dưới cái"lốt" Cầm Giang,Cầm Vinh Ui,Bạc  Văn Ùi được in ra đời.Năm 1958 anh xuất ngũ về quê Bố nuôi lây vọ là Nguyễn Thị Kiên.Năm 1962 anh mới về Thanh hoá làm thủ tục ly dị với vợ cũ là Lê Thị Vịnh.
Năm 1968 chị Nguyễn Thị Kiên mất ,anh khóc:
        Anh mất em rồi ,anh mất em
        Còn đâu má thắm nụ cười duyên
        Tình em trong trắng ,kiên trì lắm
        Có phải em về lại cõi tiên ?
Người vợ thứ 3 là chị Đỗ Thị Chất:
        Ta tìm đến nhau giữa mùa lúa mới
        Lúc đàn chim sà xuống sân rơm
        trong tiếng trẻ vòi mở vội nồi cơm
        Chào nhau bằng câu hỏi thăm con...
Tóm lại: Cầm Giang là một nhà thơ lãng mạn cách mạng trữ tình độc đáo thấm đẫm hồn quê Xứ Thái (Tây Bắc) đã để lại 3 bài thơ tình độc đáo ít ai có được.

Ảnh đại diện

Tây Tiến (Quang Dũng): Bình luận bài thơ “Tây Tiến”

Tây tiến là một trong vài bài thơ hay nhất của thơ Việt Nam 1945-2000. Đọc Tây tiến, ta cứ ngỡ như đang đọc một bài cổ phong - Thương tiến tửu (của Lý Bạch) đương đại? Cái lối tráng sĩ hề - một đi không trở lại ngang tàng hào hoa của các chàng trai Hà Nội thời 1946. Với thủ pháp nghệ thuật độc đáo theo kiểu 1 câu chia 2 vế âm/dương đối nhau:

Dốc lên khúc khuỷu/dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây/súng ngửi trời...
đã tạo sự cân bằng hằn vào trí nhớ của người đọc, còn “Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm” là câu thơ để đời “tử bất hưu” nghìn năm mới mới xuất hiện!

Cái tài hoa của thi sĩ về mặt dùng “chữ” thì xưa nay ít ai có được, ví dụ như: trong bài thơ có 3 chữ “hoa” (hoa là ám chỉ về con gái - phái nữ):
- Câu “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” đây là cái “cảm” của nhà thơ về cái mùi thương yêu ấy (trong bài thơ Gửi Tuyên Quang của Nguyễn Khôi viết sau 1945 năm cũng có cái “cảm” đồng điệu ấy:
Đêm Hà Nội đã nhạt mùi hoa sữa
Tưởng tóc ai phảng phất hương rừng...
- Câu “đêm trại bừng lên hội đuốc hoa”: Đuốc hoa đây là “hoa chúc” tưng bừng của cái “kìa em xiêm áo” với “nàng e ấp”...
- Câu “trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”: Ai đã từng “đi Châu Mộc chiều sương ấy” đây là vùng thượng nguồn sông Mã chung giữa ta và Lào (Sầm Nưa) thường là đi thuyền mà câu thơ Sống chụ son sao đã tả “hoa áy rờn trôi ngang sông Mã” đôi bờ là hoa rừng và các cô gái dân tộc Thái - Lào ra sông tắm giặt...

Câu kết “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi” là thể hiện “Làm trai có chí xông trời thẳm” của anh bộ đội Cụ Hồ đi giải phóng dân tộc với tinh thần quốc tế cao cả!

Quang Dũng với Tây tiến đã góp phần đưa thơ Việt Nam đương đại lên môt dỉnh cao nghệ thuật lãng mạn cách mạng, hoành tráng với tâm chí “Nay ở trong thơ nên có thép” thật là tuyệt vời xưa nay hiếm là vậy!

Ảnh đại diện

Mây và bông (Ngô Văn Phú): về đầu đề bài thơ"mây và bông" ?

@ Sigma: Theo"Tuyển tập Ngô Văn Phú-Thơ" nxb Hôi Nhà Văn-2007 thì đầu đề bài thơ là"Mây và bông".

Ảnh đại diện

Độ Tang Càn (Giả Đảo): Đăng Tiến(ly khách 40 năm ở Pháp)

Lưu lạc Tinh Châu những chục sương
Ngày đêm canh cánh nhớ Hàm Dương
Tang Càn một buổi thuyền xa bến
Ngoảnh lại Tinh Châu chính cố hương
          12-2008 Đặng Tiến

Mười năm làm khách Tinh Châu
Hàm Dương ngày nhớ,đêm sầu lệ vương
Tang Cang xuôi ngược Hàm Dương
Tinh Châu"à há",quê hương,...ngoảnh nhìn.
          Lai Quang Nam

Chú thích:Câu 3 "bỗng dưng qua bến Tang Càn".
Cách chọn từ chơi chữ của Giả Đảo:"khách"=phản nghĩa với "chủ".Quy tâm=1 dạ.Khước vọng= ngoảnh nhìn,ngoái lại.
"thập sương"=10 năm,là thời gian ước lệ của người xưa,đó là thời gian "10 năm nghiên bút của học trò.Thơ Đỗ Mục trong "khiển hoài":
                    thập niên hốt giác Dương Châu mộng
                    doanh đắc thanh lâu bạc hạnh danh.
                   (Mười năm tỉnh mộng Dương Châu cũ,
                   Còn để lầu xanh tiếng bạc tình).
hoặc là:
                    Thập tải luân giao cầu cổ kiếm,
                    Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.
Đây là đôi câu đối của Viên tri Phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ tặng Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản-phó đoàn Sứ bộ Việt Nam theo lệnh Vua Tự Đức sang triều cống Nhà Thanh (năm 1868),mà lâu nay nhiều người cứ tưởng là của Cao Bá Quát !
Cái tâm trạng "Tinh Châu ngoảnh lại hoá thành quê" xưa nay đã được nhiều thi nhân đồng cảm:            Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
               Khi ta đi đất cũng hoá tâm hồn'
                     Chế Lan Viên

               Dù tản mát khắp chân trời góc bể,
               Còn tấc lòng vẫn gửi gắm nơi quê.
                     Nguyễn Khôi
 Qua đó ta thấy sức mạnh lan toả của một TỨ THƠ tuyệt tác xuyên không gian-thời gian thật là phi thường bất tận...NK

Ảnh đại diện

Mây và bông (Ngô Văn Phú): Thơ của Ngô văn Phú hay thơ của Bàng Bá Lân?

Ngô văn Phú mở đầu sự nghiệp Thơ là bài thơ 4 câu:

Mây và bông

Trên trời mây trắng như bông,
Ở dưới cánh đồng,bông trăng như mây.
Những cô má đỏ hây hây,
Đội bông như thể đội mây về làng.

1961
Bài thơ này được giải thưởng báo Văn nghệ năm 1962. Nhà thơ Bàng Bá Lân (1912-1988) trong thời gian 1952-1953 đi tản cư về dạy học ở Thị xã Phúc Yên (quê Ngô Văn Phú), có sáng tác bài thơ Năm xưa:
Năm xưa đi qua làng đây:
Gà kêu, ngựa hí, tiếng chày nện khuya.
Gió lên, rê thóc đầu hè,
Cô em sẩy gạo tiếng nghe nhịp nhàng.
Bao nhiêu tiếng động dịu dàng,
Bấy nhiêu nhịp sống thôn làng bình yên.
Dừng chân mơ cảnh dịu hiền,
Một thời Nghiêu Thuấn riêng miền quê đây.
Mấy cô má đỏ hây hây,
Nghiêng mình kéo nước giếng xây đầ làng.
...(bài thơ còn 38 câu nữa)
Nhận xét: câu 3 trong bài thơ của Ngô Văn Phú chỉ khác thơ Bàng thi sĩ là Những=mấy. Giá như hồi ấy Bắc-Nam cách trở, thầy Bàng Bá Lân còn ở mãi Sài Gòn, Ngô Văn Phú có thêm chú thích “câu thơ này mượn của Bàng Bá Lân” thì “đẹp” biết chừng nào? Thầy đã từng dạy chúng mình là “cái gì của Xêda thì trả lại cho Xêda” (Rendez à Cesar ce qui appartient à Cesar) kia mà?

Trang trong tổng số 11 trang (103 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: