Trang trong tổng số 4 trang (39 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4]

Ảnh đại diện

Hoành giang từ kỳ 1 (Lý Bạch): 儂 : Nông - Nùng

儂 Nông :
1. - tục tự xưng là ta đây. (ta, tôi)
2. - đất Ngô gọi người là nông , nên gọi người đất Ngô là nông nhân 儂人 .
3. - Người giúp việc, người nô lệ.
4. - một âm là Nùng: họ người (Nùng Kim Ý 儂金意, đời Đường); 儂人 Nùng nhân: Bộ tộc con cháu hậu duệ của Nùng Trí Cao ở Vân Nam, Trung Quốc; (từ khiếm xưng của phụ nữ - theo từ điển tra trực tuyến trên Thi Viện)

(Hi! Chào bác Hoanggiapton! Xin lỗi bác nha! "Phá chọc" chút xíu, góp vui - Nhưng... mà... Nông chớ không phải Nồng đâu nha! Bắt giò bác cái vậy - Chúc vui.)

Ảnh đại diện

Tống hữu nhân (Lý Bạch): Bản dịch của Tản Đà

Ngày nay số 79, 3-10-1937, Tản Đà có cải chính lại là "vái nhau"

"Dịch giả xin được cải chính ở câu thứ 6, hai chữ "vẫy tay" nay đổi thành "vái nhau". Như thế cũng không mất nghĩa chữ "thủ" ở nguyên văn mà ra lời quốc văn hơn". Hiếu.


Xin bổ xung thêm, bản Dịch Nghĩa: Tiễn bạn

Núi xanh nằm chắn ngang vòng thành ngoài ở phía bắc,
Nước trắng lượn quanh khu thành trong ở phía đông.
Nơi đây một khi đã chia tay nhau,
Thì như cỏ bồng lẻ loi trôi xa muôn dặm.
Ý nghĩ của khách đi buồn như áng mây nổi,
Tình bạn cũ sầu như bóng chiều tà.
Vẫy tay tiễn, thôi từ nay bạn lên đường,
Tiếng ngựa kêu rền rĩ nghe càng xót cho mối tình ly biệt.

(Nguồn: THƠ ĐƯỜNG - TẢN ĐÀ dịch, Nguyễn Quảng Tuân, Hội Nghiên cứu Giảng dạy Văn học TP Hồ Chí Minh)

Ảnh đại diện

Kinh Hạ Bì Dĩ kiều hoài Trương Tử Phòng (Lý Bạch): Bản dịch nghĩa và đề nghị bổ xung Chú thích trên bản dịch của Tản Đà

Qua cầu Dĩ ở Hạ Bì nhớ Trương Tử Phòng

Chàng Tử Phòng hồi chưa gặp thời (hổ chưa gầm thét),
Tiêu hết của cải không nghĩa gì đến cửa nhà.
Nơi biển xanh gặp được người tráng sĩ.
Vác chuỳ đánh Tần Thuỷ Hoàng ở Bác Lãng sa.
Việc báo thù cho nước Hàn tuy không thành.
Nhưng cả trời đất đều rung động.
Trốn lẩn ở đất Hạ Bì.
Ai bảo là không có trí dũng.
Nay ta đi qua cầu Dĩ,
Nhớ chuyện cũ, kính phục phong cách kẻ anh hùng.
Chỉ thấy dòng nước biếc chảy xuôi,
Chưa từng thấy ông già Hoàng Thạch.
Than tiếc người xưa đã mất đi,
Để cảnh châu Từ, châu Tứ tiêu điều vắng không.

(Nguồn: THƠ ĐƯỜNG - TẢN ĐÀ dịch, Nguyễn Quảng Tuân, Hội Nghiên cứu Giảng dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh)


Cụ Tản Đà có chú thích, sau bản dịch, như sau:

Ông Trương Lương, tên chữ là Tử Phòng, trước khi chưa giúp Hán Cao Tổ làm nên công to, vì muốn báo thù cho vua Hàn, phí hết của cải để tìm kế thích khách đánh trộm vua Tần Thuỷ Hoàng trong lúc đi chơi ở cánh đồng Bác Lãng. Việc hành thích ấy không thành công, bèn trốn lánh chơi ở vùng Hạ Bì, gặp ông lão Hoàng Thạch ở trên chỗ cầu Dĩ, dạy sách binh thư, rồi sau nhờ đó làm mưu thần nhà Hán, đánh được nước Tần, trả thù cho nước Hàn.

Ông Lý Bạch làm thơ đây tức là hoài cảm vì chỗ Trương Lương gặp Hoàng Thạch công vậy.

(Tản Đà)

Ảnh đại diện

Há Giang Lăng (Lý Bạch): Bản dịch nghĩa

Buổi sáng từ biệt thành Bạch Đế, ở trong làn mây rực rỡ.
Đi suốt một ngày, vượt qua ngàn dăm về tới Giang Lăng.
Hai bên bờ sông tiếng vượn kêu mãi không thôi.
Thuyền nhẹ đâu ngờ đã vượt qua muôn trùng núi non.

(Nguồn: THƠ ĐƯỜNG - TẢN ĐÀ dịch, Nguyễn Quảng Tuân, Hội Nghiên cứu Giảng Dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh)

Ảnh đại diện

Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu): Bản dịch của Nguyễn Quảng Tuân

Người xưa cưỡi hạc đã bay xa,
Hoàng Hạc lầu không vẫn chốn này.
Mây trắng ngàn năm lơ lửng mãi,
Hạc vàng một tếch khuất trùng ngay.
Hàn Dương sông tạnh cây phô sắc,
Anh Vũ cồn xa cỏ mọc dày.
Chiều muộn quê nhà đâu khuất bóng?
Trên sông khói sóng gợi buồn thay.

Ảnh đại diện

Tây Thi vịnh (Vương Duy): kiều/kiêu

Bạn rất đúng, khi đa phần trên các Từ điển, 嬌 thường có danh như vậy; Nhưng vẫn có những bộ chú thêm: kiều, kiêu. (VD: Từ điển Hán Việt Thiều Chửu (Bô mới - Việt Hán Nôm)tra trực tuyến của Huesoft... Và, mình cũng có một bộ có giải tự là "kiêu" (hi hi, nhưng bộ của mình cũ quá rồi, lại không có đầu đuôi, nên không rõ là quyển gì nữa)).
Có lẽ cũng nên chú thích thêm: trên bản của thầy Tuân, câu 9 cũng được phiên là: "Quân sủng ích kiêu thái,".

(Xin lỗi Vanachi - Không hiểu trao đổi thế này có là phạm qui không? Nếu có sao thì các bạn bỏ quá cho nha!)


----------------------

Trên bản dịch bài "Vịnh Tây Thi" của Tản Đà, cụ có chua thêm nghĩa ở hai chữ "nhăn mặt" như sau: Xưa nàng Tây Thi lúc đau bụng, thường ôm bụng mà nhăn mặt lúc ấy lại rất đẹp thêm nhiều. Có con gái nhà láng giềng người rất xấu, cũng bắt chước ôm bụng nhăn mặt, người làng trông thấy phải khiếp sợ mà đóng cửa không dám thò mặt ra đường. (T.Đ)

Ảnh đại diện

Quá Hương Tích tự (Vương Duy): Bản dịch của Vũ Thế Ngọc

Biết đâu Hương Tích tự,
Vài dặm đỉnh mây tràn
Cây già người mất dấu
Núi vắng chuông nào vang?
Suối reo tràn đá loạn
Trời lạnh ngát thông ngàn.
Chiều nhạt đầm hiu quạnh
Tâm thiền, rồng độc an.

Ảnh đại diện

Tây Thi vịnh (Vương Duy): Về bản dịch nghĩa

@Vanachi! Mình đã xem lại, là chữ "kiêu". Chữ 嬌 , ngoài nghĩa "kiều"..., còn có nghĩa kiêu (!)... Hơn nữa, hình như mạch thơ lúc ấy đang đặc tả cái sự hơi "khó ưa" của giai nhân nên mình lại cũng thấy để chữ "kiêu" thì đắt hơn đó.
Vui chút thôi! Có lẽ cần kiểm chứng thêm một vài nguồn khác - Cũng đang rị mọ làm lại quyển THƠ ĐƯỜNG, TẢN ĐÀ dịch... để mừng sinh nhật 120 của cụ Tản, nên rất mừng khi có ý kiến của bạn. Trân trọng!

Ảnh đại diện

Tây Thi vịnh (Vương Duy): Bản dịch nghĩa

VỊNH NÀNG TÂY THI
(Dịch nghĩa)

Vì thiên hạ trọng sắc đẹp,
Nên nàng Tây Thi lẽ nào ở trong cảnh nghèo.
Buổi sớm còn là cô gái (giặt lụa) bên khe (Nhược Da) nước Việt.
Buổi chiều đã là phi tần trong cung vua Ngô.
Thuở hàn vi nào đâu có khác gì mọi người.
Khi sang trọng rồi mới biết là hiếm có.
Nàng sai người thoa phấn thơm,
Nàng không tự mặc lấy áo lụa.
Được vua yêu quí, nàng càng thêm kiêu.
Vua thương không kể gì điều phải trái.
Những cô bạn thời ấy cũng giặt lụa.
Chẳng ai được ngồi cùng xe với nàng về cung vua.
Nàng nhắn đáp cô gái nhà hàng xóm.
Bắt chước nhăn mặt, đâu có mong được gì?

(Nguồn:  THƠ ĐƯỜNG - TẢN ĐÀ dịch, Nguyễn Quảng Tuân - Hội nghiên cứu giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh)

Trang trong tổng số 4 trang (39 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: