Trang trong tổng số 4 trang (39 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Mộng Lý Bạch kỳ 1 (Đỗ Phủ): Bản dịch của Ngô Văn Phú

Chết lìa nhau, khóc nghẹn,
Sống lìa nhau, xót thương.
Giang Nam đầy khí độc
Người đi đầy bặt tin.
Cố nhân gặp trong mộng,
Nhuung nhớ vẫn triền miên.
Thân thì mắc phải lưới
Cánh lông đâu băng miến!
Phải chăng hồn đang sống,
Đường xa, ai thể lường.
Hồn về, rừng phong biếc
Hồn đi, ải đen ngòm.
Nóc nhà trăng xế xế
Trăng soi ai trên đường!
Nước sâu sóng gió dữ
Mong thoát miệng thuồng luồng!

Ảnh đại diện

Tuyên Châu Tạ Diễu lâu tiễn biệt hiệu thư thúc Vân (Lý Bạch): ...

Trong "Tam bách thủ" của Trần Trọng Kim, tựa bài nầy gồm 11 chữ, như trên Thi viện chúng ta.

Nhưng trong "Đường thi tam bách thủ bổ chú" do Hành Đường thoái sĩ soạn và Trần Bá Anh bổ chú, thì chỉ tựa bài gồm 10 chữ, không có chữ "tiễn"...

Và, cái lầu, nơi có cái "sự" nầy, thực ra, phải có tên là "Tạ Diểu", không phải là "Tạ Diễu" - (Xin xem thêm ở phần Chú thích)


Bản dịch của Trần Trọng Kim

TIỄN BIỆT HIỆU THU THÚC VÂN

Bỏ ta đi đó đã rồi
Là ngày bữa trước vãn hồi được sao
Lòng ta rối loạn vì đâu,
Vì ngày hiện tại dồi dào nỗi lo
Ngoài muôn dặm gió thu đưa nhạn,
Trên lầu cao hãy cạn chén mời,
Kiến An văn vật Bồng Lai
Trung gian Tiểu Tạ trổ tài thanh tao
Đem dật hứng chí cao bay tít
Lên trời xanh, nhật nguyệt xem chơi
Rút dao chém nước nước trôi
Tiêu sầu nhấc chén, lại đôi nỗi sầu
Ở đời vừa ý được đâu,
Sáng ngày xoã tóc tiêu dao trên thuyền.


Bản dịch nghĩa của Ngô Văn Phú

TRÊN LẦU TẠ DIỂU Ở TUYÊN CHÂU
TIỄN QUAN HIỆU THƯ THÚC VÂN

Bỏ ta mà đi
Hôm qua đã qua không sao giữ lại,
Làm rối lòng ta
Cái ngày hôm nay là ngày lắm chuyện lo phiền.
Gió dài muôn dặm tiễn nhạn mùa thu,
Trước cảnh này, có thể say ngất trên lầu cao.
Văn chương chốn Bồng Lai cốt cách đời Kiến An
Trong đám này Tiểu Tạ lại thanh tao rất mực.
Lòng đầy tứ thơ phóng khoáng,
                           ý mạnh mẽ tung tẩy.
Muốn bay lên trời xanh ngắm trăng sáng
Rút dao chém nước, nước vẫn chảy.
Nghiêng chén tiêu sầu, sầu thêm sầu,
Người sống trên đời nào được như ý,
Sớm mai xoã tóc, thả thuyền con rong chơi.


Bản dịch thơ của Ngô Văn Phú

TIỄN QUAN HIỆU THƯ THÚC VÂN TRÊN LẦU TẠ DIỂU

Bỏ ta mà đi
Ngày hôm qua giữ lại làm sao!
Làm rối lòng ta
Ngày hôm nay lắm nỗi phiền ưu
Gió rong muôn dặm đưa thu nhạn,
Cảnh ấy nên say ngất trước lầu.
Văn chương Bồng Lai, Kiến An cốt cách,
Ông Tạ tứ lạ, ý thanh tao,
Muốn lên trời xanh ngắm trăng sáng
Vung dao chém nước, nước chảy ào.
Ở đời, người đâu được xứng ý,
Thuyền con, xoã tóc, sớm khua chèo.


(1) Tạ Diểu lâu: Theo Giang Nam thống chí, lầu ở phía bắc Ninh Quốc phủ, do Tạ Diểu khi làm Thái thú Tuyên Châu cho làm. Phủ Ninh Quốc đời Hán gọi là Tuyên Thành, đời Tuỳ, Đường gọi là Tuyên Châu.

Theo Nam sử. Tạ Diểu, tên chữ là Huyền Huy, văn chương thanh nhã, đẹp đẽ.

(2) Bồng Lai văn chương: Văn chương Bồng Lai. Bồng Lai là chốn tiên ở ngoài biển. Văn chương Bồng Lai, ý muốn nói đến văn chương thoát tục, theo kiểu đạo Lão, gần với trời đất thiên nhiên, lấy thanh nhã làm tiêu chí.

(3) Kiến An: Theo Thương Lăng thi thoại, cuối đời Kiến An, Đông Hán có các nhà văn như Khổng Súc, Vương Sán, Trần Lâm, Từ Cán, Lưu Chinh, Ưng Tràng, Nguyên Vũ và cha con Tào Tháo (làm thơ), người đời gọi là cốt cách Kiến An. Kiến An là niên hiệu đời Hán Hiến Đế.

(4) Tiểu Tạ: Tức Tạ Huệ Liên, văn chương có tiếng thanh tao.

(5) Tráng tứ phi: Tứ mạnh mẽ, cao vút. Thơ Lưu Trinh "Quân hầu đa tráng trí, văn nhã tung hoành phi", nghĩa là: "Nhà vua nhiều tráng trí, Hơi văn ngang dọc bay".
Ảnh đại diện

Tam nguyệt hối nhật tống khách (Thôi Lỗ): Bản dịch của Hoài Anh

Giữa đồng chuốc chén dây dưa,
Tôi nay tiễn bác lại vừa tiễn xuân.
Sang năm ngày đón Đông quân,
Xin đừng làm kẻ lần khân chưa về.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Tặng nội (Lý Bạch): Bản dịch nghĩa và bổ sung Chú thích trên bản dịch của Tản Đà

Đưa cho vợ

Ba trăm sáu mươi ngày trong một năm.
Ngày nào cũng như ngày nào đều say bét.
Tuy có chồng là Lý Bạch.
Nào khác chi vợ Thái thường.


1. Nê: là tên một con trùng sinh ở miền bể đông, được có nước thì sống, cạn nước thì như bùn. Vì thế mà gọi là tên “nê”. Nguyên nghĩa chữ “nê” là bùn.

2. Thái thường: Chỉ Chu Trạch làm quan Thái thường đời Hậu Hán. Ông vì coi sóc tôn miếu nên giữ gìn trai giới rất nghiêm, thường ngủ ở nhà trai ít khi về với vợ.

(Tản Đà - Ngày Nay số 130, 1-10-1938)
Ảnh đại diện

Thạch Hào lại (Đỗ Phủ): Bình thử câu 3,4 và ...

Tuyệt! Đồng thuận! Vậy ra tducchau và bạn "cùng phe"!

Xin phép các bạn - Xin được bày tỏ một chút về ...


"Lão ông du tường tẩu" - Điều này chứng tỏ bấy giờ việc bắt lính thô bạo đã xảy ra thường xuyên tới mức tạo ra phản ứng rất bặt trong dân chúng. Ông lão - chứ không phải trai tráng - hoảng hốt tới mức trong nháy mắt có thể vọt qua tường cao! Đủ biết: việc bắt lính đêm, việc bắt phụ lão đã phổ biến tới mức tạo ra "phản xạ có điều kiện"! Mức độ hốt hoảng của ông lão phản ánh mức độ tàn bạo của bọn nha lại và cả mức độ khẩn trương của tình hình chiến sự.

"Lão phụ... "xuất môn khan" - Đọc qua, tưởng đây là câu thơ tầm thường, song, thực ra lại là câu thơ rất quan trọng, có thể xem là nhãn cú (câu mắt) của cả bài, là một nét phục bút tuyệt diệu nâng cao hẳn giá trị tố cáo và ý nghĩa hiện thực của bài thơ. Phản ứng của hai ông bà lão đều rất nhạy, song rõ ràng là một bên cấp, một bên khoan.

"... xuất khan môn" - Nếu "xuất khan môn" (ra coi cửa) thì cả hai đều cấp, câu thơ sẽ mất hẳn ý vị thâm trầm của nó.
Bà lão tin chắc mình không bị bắt nên không vội vàng và có phần bình thản. Thế nhưng... rốt cuộc người bị bắt lại chính là bà!

Đây không chỉ có sự tàn bạo cao độ mà còn là sự tàn bạo đang phát triển, phát triển ngoài dự liệu của dân chúng.

Đối trong thơ cổ phong có một số đặc điểm riêng biệt: không bắt buộc và không có vị trí cố định, không kị trùng chữ, không đòi hỏi phải thật chỉnh... Hình thức đối ở hai câu thứ ba và thứ tư làm cho người đọc lưu ý hơn đến sự khác biệt trong thái độ và cách ứng xử của ông lão và bà lão. Hình ảnh hai nhân vật xuất hiện song song ở đây càng làm nổi bật tình cảnh cô đơn của ông lão ở cuối bài và làm nổi bật ý nghĩa của chữ "độc", nhãn tự của câu cuối bài thơ.

Kết, mình ủng hộ Vanachi hiệu chỉnh tiếp ở câu 4. Từ "Lão phụ xuất khan môn" thành "Lão phụ xuất môn khan". Vì: 1. - Những lẽ như đã nêu trên; 2. - Trên các bản của mình có, cũng đều là... "Lão phụ xuất môn khan".

Ảnh đại diện

Thạch Hào lại (Đỗ Phủ): 泣 Khốc/Khấp - Bản dịch nghĩa

Câu 22

如聞泣幽咽。
"Như văn khốc u yết."


泣 - có bản chép là "khốc", như bản hiện chúng ta đang có trên Thi viện.
Nhưng hầu hết các bản đều chép là "khấp". "Khấp" là khóc không thành tiếng - trong văn cảnh, có lẽ "khấp" hợp lí hơn.

Bản dịch nghĩa của Nguyễn Khắc Phi

Thạch Hào lại
(Viên lại thôn Thạch Hào)

Chiều tối chạy vào thôn Thạch Hào,
Có viên lại bắt người ban đêm.
Ông lão vọt tường tẩu thoát
Bà già ra cửa nhòm (1).
Viên lại hò hét sao mà dữ dằn thế!
Bà lão kêu van sao mà khổ thế!
Lắng nghe bà lão tiến lên thưa:
"Ba con trai đều đi thú ở Nghiệp Thành,
Một con trai vừa gửi thư cho biết:
Hai con trai vừa chết trận.
Đứa còn sống qua ngày
Đứa chết thế là hết!
Trong nhà quả không còn người,
Chỉ còn đứa cháu đang ấp vú
Vì có cháu nên mẹ cháu chưa đi,
Ra vào không có lấy một manh quần lành.
Bà lão này tuy sức đã yếu
Cũng xin theo về ngay đêm nay,
Ứng phó gấp rút việc phục dịch ở Hà Dương
Cũng còn nấu được bữa cơm sáng tối (2)".
Đêm khuya tiếng nói im bặt
Vẫn còn nghe tiếng nấc nghẹn ngào.
Sáng mai khách lên đường
Chỉ còn từ biệt một mình ông lão!


... Trên bản dịch của Khương Hữu Dụng, thấy có đặt là "Tên lại ở Thạch Hào", nghe hình như hơi là "cương"! Cho dù 泣 thường có nghĩa là "viên quan, người làm việc cho nhà nước". Có thể đặt lại là "Viên lại ở Thạch Hào". Trên bản của mình có, cũng giống như bản của thầy Phi là: "Viên lại thôn Thạch Hào".


(1) Câu này dựa theo bản của Tiêu Điều Phi (Đỗ Phủ nghiên cứu, Sơn Đông nhân dân xuất bản xã, 1957. Quyển hạ, tr. 78). Có bản chép là: "Lão phụ xuất khan môn" (Bà lão ra coi cổng)

(2) Câu này có người hiểu cụ thể và sát nghĩa từng chữ với nguyên văn: "Còn kịp sửa soạn bữa com sáng". "Sáng" tức là ngay sáng hôm sau.

(*) Tháng hai năm 759, quân đội triều đình nhà Đường đánh bại An Lộc Sơn, thu phục Trường An. Tháng ba năm 759, bộ tướng của An Lộc Sơn là Sử Tư Minh lại phản công. Quân triều đình đại bại ở Nghiệp Thành, chết trên mười vạn. Tướng Quách Tử Nghi phải lui về cố thủ ở Hà Dương. Đường Túc Tông hoảng hốt gấp rút sai bọn nha lại đi vét lính bắt phu bừa bãi ở các châu huyện đồng thời ra sức bóc lột dân chúng.

Trên đường từ Lạc Dương về Hoa Châu nhận chức mới, Đỗ Phủ đã mục kích tất cả những thảm trạng nói trên và viết nên 6 bài thơ nổi tiếng : Tam lại (Thạch Hào lại, Đồng Quan lại, Tân An lại) và tam biệt (Tân hôn biệt - "Cuộc li biệt của cặp vợ chồng mới cưới", Thuỳ lão biệt - "Cuộc từ biệt lúc về già", Vô gia biệt - "Cuộc từ biệt của kẻ không nhà"). Thạch Hào lại thường được xem là bài thơ tiêu biểu nhất trong hai chùm thơ nói trên.
Ảnh đại diện

Tự khuyến (Bạch Cư Dị): Dị bản ..?

Trong Bạch Hương Sơn Thi tập (Toàn tập Bạch Cư Dị, Quảng Trí thư cục, Hương Cảng xuất bản, không rõ năm) có một bản "Tự khuyến", nguyên văn như sau


Tự khuyến

Ức tích cơ bần ứng cử niên.
Thoát y điển tửu Khúc Giang biên.
Thập niên nhất đẩu do xa ẩm,
Hà huống quan cung bất trước tiền.


自勸

憶昔羈貧應舉年,
脫衣典酒麯江邊。
十年一斗猶賒飲,
何況官供不著錢。


Dịch nghĩa

Nhớ xưa còn bị giam hãm trong cảnh nghèo túng, tôi đi thi.
Cởi áo ra cầm để lấy tiền mua rượu ở bên sông Khúc Giang uống.
Một đấu rượu mà trong bao năm (mười năm) tôi đã phải mua chịu (trả dần).
Huống chi nay làm quan có bổng lộc nhiều thì có uống mấy cũng chẳng mất tiền gì.


Theo Nguyễn Quảng Tuân, thì:

. Bài thơ mà Tản Đà dùng để dịch, nguyên văn như sau

自勸

憶昔饑貧應舉年,
脫衣典酒麯江邊。
十千一斗猶賒飲,
何況官供不著錢。

(trong phiên âm, còn có bản ghi "Ứng tích cơ hàn...")

Như thế là đã dùng một bản khác với bản trong Bạch Hương Sơn thi tập.

. Bài thơ "Tự khuyến" trong Bạch Hương Sơn thi tập là đúng hơn, vì tác giả muốn nói ở hai câu 3 - 4 rằng: Trong mười năm (nhiều năm) đã phải uống rượu mua chịu từng đấu một thì nay làm quan có nhiều bổng lộc, có uống mấy cũng chẳng mất gì tiền của.

Hơn nữa câu thứ 3 mà viết là "thập thiên nhất đẩu" (mười ngàn một đấu rượu) thì vô lý! Làm gì có giá ấy? Bán cái áo làm sao cho có được mấy ngàn?

Theo ý chúng tôi thì bài thơ chép trong Bạch Hương Sơn đúng hơn và chúng tôi xin dịch lại như sau:

Tự khuyên mình

Nhớ xưa còn túng lúc ra thi.
Thèm rượu Khúc Giang cố áo đi.
Một đấu, bao năm thường uống chịu.
Huống nay lộc nước mất tiền chi.

Nguyễn Quảng Tuân


Cơ 饑 : đói (cùng nghĩa với chữ cơ 飢. Có khi đọc là chữ ki).
Cơ 羈 : ràng giữ, kiềm chế.
Xa 奢 : xa xỉ, hoang phí.
Xa 賒 : mua chịu trả dần
Ảnh đại diện

Tự khuyến (Bạch Cư Dị): Bản dịch nghĩa (T.Đ)

Nhớ năm xưa đi thi đương lúc nghèo đói
Cởi áo ra cầm (cố) để lấy tiền mua rượu ở bên sông Khúc Giang uống.
Mười nghìn một đấu rượu mà còn dám hoang phí uống được.
Huống chi là làm quan đã có bổng lộc thì còn kể chi đến giá trị đồng tiền nữa.

Ảnh đại diện

Trì thượng (Bạch Cư Dị): Về bản dịch của Tản Đà - Nguyên bản chữ Hán - Bản dịch nghĩa

Vanachi a! Trên Ngày Nay số 82, 24-10-1937. Cụ Tản dịch câu hai là: "Bông sen trắng nõn trắng tinh thó về." "thó" chứ không phải "hái", và cụ giải như sau:

Oa: 娃 con gái xinh đẹp. (không phải Oa, 女媧 Nữ Oa)
Thâu: 偷 trộm cắp, thó lấy. (không phải 收 thâu là hái).


Và dịch nghĩa bài nầy như sau:

Trên ao

Cô gái xinh đẹp bơi chiếc thuyền con,
Đi hái trộm hoa sen trắng trở về.
Không biết che giấu lối thuyền đi,
Để trên mặt nước bèo rẽ thành một vệt.

Ảnh đại diện

Sơn hạ túc (Bạch Cư Dị): Bản dịch - Dịch nghĩa và Chú thích

Mình lại có một phiên bản hơi khác ở câu kết (4), xin đăng nguyên văn:

Sơn hạ túc

Độc đáo sơn hạ túc.
Tĩnh hướng nguyệt trung hành.
Hà xứ thủy biên đối,
Dạ xuân vân mẫu thanh.

(Theo Đường thi tam bách thủ và Đường thi bát bách thủ - Trong Tản Đà Vận Văn thì là chữ "thu": Dạ thu vân mẫu thanh)

1. - Cây xuân. Ông Trang Tử 莊子  nói đời xưa có cây xuân lớn, lấy tám nghìn năm làm một mùa xuân, tám nghìn năm làm một mùa thu. Vì thế, người ta hay dùng chữ xuân để chúc thọ. Nay ta gọi cha là xuân đình 椿庭  cũng theo ý ấy.
2. - Tục đọc là chữ thung.

(Theo Từ điển Thiều Chửu)

Như vậy, hàm ý của cái kết nầy có nhiều ý nhị, hợp như "xuân... mẫu"...vậy.


Xin bổ xung thêm bản dịch nghĩa:

Ngủ đỗ dưới chân núi

Một mình tới ngủ đỗ dước chân núi,
Lặng lẽ đi dưới ánh trăng.
Có cái cối giã gạo đặt ở đâu bên bờ suối,
Ban đêm nghe thấy tiếng chày giã vào đá vân mẫu.

(Nguồn: THƠ ĐƯỜNG - TẢN ĐÀ dịch, Hội nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP Hồ Chí Minh)

Trang trong tổng số 4 trang (39 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: