Trang trong tổng số 4 trang (37 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Ôi giá như... (Olga Berggoltz): Gửi Điệp luyến hoa & Hoa Xuyên Tuyết

Nặng nề quá! Hê hê!

Đã xin phép dịch giả rồi còn gì?! Chắc mọi người cũng thấy ngay từ đầu là đã có "mạn phép HXT" (vì ai cũng thấy là BG có sử dụng 1 số "tư liệu" từ bản dịch của chị) mà vẫn bị qui tội "vi phạm bản quyền"???

Với bài thơ này, Butgai đã đọc bản dịch của HXT và thấy có nhiều câu hay quá. Nhưng còn 1 số chỗ không hiểu sao người dịch lại dùng sai từ gốc một cách rất khó hiểu nên "ngứa ngáy" quá thôi. Hơn nữa là vần điệu và bằng trắc trong thơ. VD: "rạng ngời" ở câu trước thì "trong đời" ở câu sau là điều dễ hiểu.

Cũng chỉ nghĩ đơn giản đây là một diễn đàn mà các thành viên có thể trao đổi để trau chuốt hơn cho các bản dịch của mình nên mới post lên song song như thế. Nếu là mình, Butgai sẽ thấy tự hào vì trong một bản dịch của người khác có xin phép sử dụng 1-2 câu của mình và cùng đưa lên tham khảo. Nếu HXT không đồng ý thì BG sẽ xin sửa ngay  những từ đã "mượn". Thú thực là BG rất khâm phục HXT ở câu đó nên cố tình để nguyên như vậy đấy. hê hê.

Với Butgai đây cũng là một cách để ôn luyện tiếng Nga vì ở VN bây giờ ít khi sử dụng tiếng Nga quá. Hơn nữa, Butgai cũng là người thích thơ Olga Berggolts.

Ảnh đại diện

Ôi giá như... (Olga Berggoltz): Gửi Hoa xuyên Tuyết

Chính vì vậy nên khi post bài này, Butgai mới phải "mạn phép Hoa xuyên Tuyết" đấy thôi.
Vì nếu ai đọc cũng thấy là 1 số câu là của bạn. Và âm hưởng chung cũng như vậy.

Ảnh đại diện

Ôi giá như... (Olga Berggoltz): Bản dịch của Bút gai

Ôi giá như có được một tâm hồn
Rực rỡ hơn, ấm nồng như ngọn lửa
Tốt đẹp nhất giữa bạn bè trang lứa,
Thì bạn ơi, tôi sẽ sống rạng ngời

Chẳng tham lam, không tranh lợi với người,
Không vì hư danh, tôi chỉ luôn mong đợi
Một tình người và vinh quang mãi mãi
Sáng vĩnh cửu như một ánh sao trời.

Ánh sáng trượt qua- một vì sao rơi
Qua những tâm hồn, tháng năm và bóng tối -
Những kẻ được tái sinh đều như cùng nói:
"Ta, người đầu tiên thấy ánh sao trôi"

Có thể rồi đây, cùng thế hệ xa xôi
Tâm hồn tôi sẽ kiêu hãnh sống,
Sẽ rạng ngời trong cần cù lao động,
Sẽ bình yên trong thư giãn đắm say

Rất tự hào và chẳng giấu điều này:
Thành người tốt hơn, vâng, tôi ao ước
Một tình người, vâng, tôi mong có được
Tình vĩnh cửu như một ánh sao trời...

Ảnh đại diện

Mùa lá rụng (Olga Berggoltz): Thông tin thêm về hoàn cảnh ra đời của bài thơ Mùa lá rụng

Butgai đã đọc lại và biết thêm một số thông tin như sau, xin chia sẻ cùng các bạn:
Bài thơ này Olga viết về một người bạn cùng giới. Cô gái này thầm yêu một chàng trai cùng quê. Chàng trai này sau đó lên Moscow làm việc và họ chưa hề nói lời hẹn ước. Sau nhiều lần đắn đo, cô gái quyết định đến Moscow để bày tỏ tình yêu của mình với chàng trai. Nhưng khi đến căn hô, nơi chàng trai sinh sống, cô đã nhìn thấy một người bạn gái khác đang vui đùa cùng anh. Cô đã hiểu rằng mình không hề có chỗ đứng trong lòng chàng và lặng lẽ quay lui, trở về quê.
Sự việc đó xảy ra vào mùa thu năm 1938, và những con đường cô gái đi qua với những tấm biển cảnh báo, những khu vườn vàng sậm đều là bối cảnh thật. Olga đã mượn tất cả những điều đó để nói lên nỗi lòng của cô bạn gái với tình yêu đơn phương. Việc ấn tượng những tấm biển cảnh báo cũng là có thật, vì ở quê cô gái không có tàu điện nên không ai cảnh báo lá rụng làm gì cả. (Cô gái đó đã thắc mắc là sao lại có nhiều biển đề như vậy). Và Olga cũng đã mượn ấn tượng đó để mô tả sự hụt hẫng khi mang trong mình một tình yêu đơn phương không thể bày tỏ.
(Bút gai đọc được tư liệu này trong Luận văn tốt nghiệp được đánh giá xuất sắc của một cựu SV Văn học Nga về đề tài Olga Bergons)

Ảnh đại diện

“Anh thật buồn khi ngắm nhìn em...” (Sergei Yesenin): Chào bạn thantho

Thật vui vì được gặp lại bạn trên diễn đàn này. Thật tiếc là Butgai chưa một ngày làm phiên dịch hay thông dịch theo cách đặt vấn đề của bạn nên đôi chỗ không hiểu lắm ý bạn định diễn đạt. Có vẻ như có sự khác biệt giữa ngôn ngữ học và thơ ca chăng?
Có thể bạn là một nhà bình luận sắc sảo nhưng hơi ... khắt khe (đứng (2 chân, 1 chân), hay ngồi (xổm, bệt) hay nằm (sấp, ngửa...) để ngắm thì đâu có ảnh hưởng đến nội dung bài thơ?! Nhất là khi nó chỉ mang tính chất một từ đệm trong 1 câu thơ, chứ không phải trong một câu văn xuôi)
Hơn nữa, trong khi trích dẫn bản dịch, bạn đã để sót một từ rất quan trọng: "Thân thể em VÀ nồng nàn hơi ấm...", cái "hơi ấm: này nối liền với "những giọt mưa phùn bay lấm tấm" ở câu sau. Vô tình bạn đã ghép nó thành 1 cụm từ được hiểu nghĩa như "thân thể em rất ấm"

Việc một nhà thơ muốn ví cuộc đời như một cô gái trẻ thì cũng không phải là cá biệt. (Ai cũng biết Exenhin là nhà thơ trữ tình nổi tiếng của Nga và ông cũng không phải là cá biệt trong việc dùng hình tượng). Vì sao bạn cảm nhận đó là một cô gái, hay cụ thể hơn, người tình đớn đau của nhân vật trong thơ? Vì cái hô ngữ "anh, em" của tiếng Việt chăng?

Chính vì cái "anh, em" đó và vẫn muốn thể hiện sự liên tưởng đến cuộc đời nên Butgai mới buộc phải để câu cuối cùng có cụm từ "...cuộc đời ơi". Người đọc có thể cảm nhận đó là một cô gái, một khu vườn (như bạn chẳng hạn)..., cũng có thể hiểu đó không phải là một sự vật, con người cụ thể nào mà đó chính là cuộc đời, chính xác hơn là góc nhìn về cuộc đời của tác giả. Đó chính là quyền cảm nhận của người đọc, mà bạn cũng là một trong số đó.

Có thể cụm từ "còn gì tiếc nuối..." là một sự cẩu thả và lẽ ra nên được thể hiện là "Đừng buồn vì thê ...". Nhưng Butgai nghĩ nó cũng không làm thay đổi ý nghĩa của bài thơ mà có chăng chỉ thay đổi cấp độ biểu cảm.

Ảnh đại diện

“Anh thật buồn khi ngắm nhìn em...” (Sergei Yesenin): Gui ban Thantho

Rất đồng ý với phân tích của Thantho. Rất sắc sảo và chính xác.
Tuy nhiên, ở đây tác giả cung muốn mượn cảnh để nói lên nỗi lòng.
Nếu chỉ nói về khu vườn mùa thu, sẽ rất khó hiểu khổ thứ 4 của bài thơ khi tác giả nhắc đến những sai lầm khi mới đi được quãng đường rất ngắn. Và về những hy sinh của bản thân cho cuộc đời và những nụ cười.
Và thơ cũng hay ở chỗ mỗi người cảm một khác. Có người nghĩ về tình yêu đôi lứa, có người nghĩ về tình yêu ... thiên nhiên.

Ảnh đại diện

“Anh thật buồn khi ngắm nhìn em...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Butgai

Ta buồn rầu lặng lẽ ngắm nhìn “Em”
Ôi nỗi đau và xót thương da diết!
Chỉ còn lại sắc đồng thôi, có biết
Sắc vườn thu tháng Chín giữa hai ta.

Những bờ môi ai đó đã mang xa
Bầu nhiệt huyết và nồng nàn hơi ấm.
Tựa như có mưa phùn bay lấm tấm
Tự cõi lòng ta lạnh giá lắm thay.

Vậy thì sao! ta chẳng sợ điều này
Mở ra trong ta một niềm vui khác.
Đã chẳng còn gì giờ đây để mất
Ngoài ẩm ướt và vàng úa sầu lo.

Đến thân mình ta cũng chẳng đắn đo
Dâng cho nụ cười, cho đời yên lặng.
Vậy mà chỉ khi mới trôi vài chặng
Nhân gian sao đã thấy lắm sai lầm.

Cuộc đời nực cười và thật nhẫn tâm
Đã như thế và sau này vẫn thế.
Như một nghĩa trang, khu vườn dương thế
Đầy lá vàng, xương cốt bạch dương rơi.

Ai cũng vậy, lúc hơi thở buông lơi
Sẽ lặng câm, đến khu vườn làm khách
Giữa  mùa đông sao hoa còn nở được
Xin đừng buồn, đời vẫn thế người ơi.

Ảnh đại diện

“Que diêm nhỏ cháy bùng rồi tắt lịm...” (Boris Kornilov): Bản dịch của Butgai

Một que diêm loé sáng rồi vụt tàn
Đến điếu thuốc ta cũng châm chẳng kịp.
Như miếng bơ sáng giữa trời mù mịt,
Trăng trôi về lặng lẽ với mênh mông.

Chìa tay ra chới với khoảng thinh không
Nghĩ về mình, về nỗi đau chưa lắng
Chợt yêu cả những chia ly cay đắng
Nếu thiếu đi ta khó sống làm sao.

Và nhớ về nhà ga nhỏ lao xao,
Không tĩnh lặng
mà cầm lòng khôn xiết
Những gì nói ra,
những gì chưa nói hết
Vì con tàu đã chuyển bánh mất rồi

Thế là hết, trong xanh thẳm luân hồi
Người đời sau kể chuyện chàng trai trẻ
Từng yêu một cô nàng vui vẻ thế
Sống vô tư như sông lúc xuân thì

Trong quay cuồng
            Dòng nước sẽ cuốn đi
Chẳng giận dữ mà cũng không ác độc
Không cố tình khi đổ ra biển rộng
Khi cuốn trôi theo cả chính anh đi

Thôi thế là xong
Em đã ra đi
Anh chợt nghĩ
chỉ có điều không nói
Về dòng sông
về nhà ga hôm ấy
Về miền đất, như một chốn dừng chân

Ảnh đại diện

Không phải thế! Anh được yêu... (Olga Berggoltz): Bản dịch của Butgai

Không phải như thế đâu! Hỡi anh yêu,
Mãi mãi của em anh yêu là thế
Dù với anh em sẽ không tha thứ,
Nhưng vòng tay anh em sẽ chẳng rời

Không thể đẩy em ra khỏi cuộc đời
Dù cố nhẫn tâm hay lòng anh phẫn nộ
Dẫu em thấy cung đường đầy đau khổ
Thật xa xăm và vô định của đời anh

Chỉ có em đủ sức đi cùng anh
Đường anh đó chỉ mình em sánh bước!

Ảnh đại diện

Đã đến lúc lên đường (Rasul Gamzatov): Bản dịch của Butgai

Em yêu ơi, đã đến lúc lên đường!
Anh chẳng mang theo những điều êm ái.
Những ngọn gió xuân thôi xin để lại,
Tiếng líu lo chim hót lúc bình minh…

Để lại cho em cả ánh trăng tình,
Cả hoa cỏ rừng Tliarotin lưu luyến,
Sóng Caspi bài hát xa xao xuyến,
Cả dòng Koisa hướng biển vội đổ về,

Và cao nguyên nơi ghềnh đá liền kề
Với vết tích của bão mưa, giông gió,
Thân thiết như dấu quầng thâm thiếu ngủ,
Vết lệ khô trên gò má mẹ yêu.

Sẽ chẳng mang dòng Sulak yêu kiều.
Nơi xa đó sao anh gìn giữ được,
Cả tia nắng sưởi vai em gầy guộc,
Cùng ngút ngàn đồng cỏ mọc ngang vai.

Sẽ chẳng mang gì, cả góc thiên thai,
Nơi tâm hồn anh nương vào để lớn
Những lối mòn bên sườn đồi uốn lượn,
Ngọt ngào rạ thơm rơm ngái ngày mùa.

Để lại cho em những nắng những mưa,
Cả vòm trời biếc và đàn sếu trắng…
Nhưng anh đã mang theo mình nhiều lắm:
Anh đem theo nguyên vẹn một Tình yêu

Trang trong tổng số 4 trang (37 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: