Trang trong tổng số 158 trang (1580 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Chờ trong vô vọng (Gabriela Mistral): Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng

Em quên một điều, đã không còn nữa
Những bàn chân rất mau lẹ của anh
Và em bước ra như những ngày xanh
Trên con đường để cùng anh gặp gỡ.

Với bài hát em đi qua thung lũng
Nhưng tội nghiệp thay giọng hát của em
Còn buổi chiều đem chiếc cốc của mình
Lật úp ngược, còn anh thì không đến.

Và những tia mặt trời rắc lên
Rồi cháy đỏ bừng lên trong nắng
Trên cánh đồng sương còn dăng đường viền
Còn em đây chỉ một mình… đứng lặng.

Những cành cây gầy guộc héo hon
Vẫn rung động, bồn chồn trong ngọn gió
Khi đó em kêu lên trong nỗi sợ:
“Anh ở đâu, hãy đến với em!

Em yêu anh với một nỗi kinh hoàng
Anh ở đâu, với em hãy đến!”
Nhưng màn đêm chìm trong im lặng
Cơn mê sảng của em không thể ngăn kìm.

Em quên rằng anh đã chẳng còn nghe
Những lời em điên cuồng gào gọi
Em đã quên cái vẻ lặng câm kia
Và màu trắng nặng chìm như chì thỏi.

Đôi mắt em mở to lặng nhìn
Chỉ đôi mắt mà chẳng còn lời nói
Đôi bàn tay bất động của anh
Đến tay em không thể nào với nổi.

Đêm rót ra dải nhựa đen của mình
Như nước vũng. Trên đồng đang vỗ cánh
Và với giọng rì rào nghe khiếp đảm
Vang lên lời dự đoán của cú đêm.

Em từ nay sẽ chẳng còn gọi anh
Những năm tháng của mình, anh đã sống
Chỉ mình em vẫn dạo bước chân trần
Hãy yên nghỉ, quên những điều lo lắng.

Và sau này, trên con đường hoang vắng
Em lại vội vàng chạy đến gặp anh
Nhưng ảo ảnh xương thịt không trở thành
Trong vòng tay của em giang rộng.

Ảnh đại diện

Giọt sương (Gabriela Mistral): Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng

Xưa có bông hoa hồng
Ướt đầm sương buổi sớm
Đứa con ở trong tim
Mãi cùng ta năm tháng.

Bông hoa hồng co vào
Để giọt sương giấu mặt
Tránh ngọn gió bay cao
Để giọt sương không mất.

Giọt sương đi đến đây
Từ bao la vũ trụ
Và tình yêu trong đời
Cho giọt sương hơi thở.

Vì hạnh phúc, hoa hồng
Im lặng hơn hết thảy
Giữa tất cả hoa hồng
Không ai vui nhường ấy.

Xưa có bông hoa hồng
Ướt đầm sương buổi sớm
Đứa con ở trong tim
Mãi cùng ta năm tháng.

Ảnh đại diện

Al Pueblo Judío (Gabriela Mistral): Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng

Chủng tộc Do Thái – Người là dòng sông đau buồn
Chủng tộc Do Thái – Người là xác thân đau đớn
Cả đất và cả trời cũng không hề chứa đựng
Hết nước mắt của Người, đau khổ cứ tăng thêm.

Người ta không hề để cho Người được yên thân
Được nghỉ trong bóng râm để vết thương lành lại
Mảnh băng của Người luôn có màu đỏ cháy
Còn mạnh mẽ hơn màu đỏ của hoa hồng.

Tiếng khóc của Người từ thuở hồng hoang
Thế giới này vẫn nghe và vẫn đầy thương cảm
Tôi nhìn vào những vết thương sâu hoắm
Trên gương mặt Người mà thấy yêu thương.

Những người phụ nữ vẫn đưa nôi ru con ngủ
Còn những đàn ông vẫn làm việc của mình
Trong giấc mơ cơn ác mộng vẫn kinh hoàng
Và một lời vẫn dành cho Người: “xin lạy Chúa”.

Chủng tộc Do Thái vẫn giữ được nếp nhà
Và giọng nói để dịu dàng cất lên tiếng hát
Dù từng bị giày vò, nỗi sợ trong ánh mắt
Thì hôm nay Người vẫn tiếp tục viết Nhã Ca.

Trong mỗi người phụ nữ có hình ảnh Mẹ Maria
Và trong mỗi đàn ông có dáng hình của Chúa.
Đồi núi Xi-ôn đã từng nghe những lời ân huệ
Nhưng uổng công trong giờ phút nhạt nhoà.

Đám đông sợ hãi khi đó bỏ chạy ra xa
Người đã không nghe ra trong lời Ngài nói
Thì khi đó nàng Ma-đơ-len liền bước tới
Xức dầu cho đôi chân, nơi dòng máu tuôn ra.

Chủng tộc Do Thái – Người là dòng sông đau buồn
Chủng tộc Do Thái – Người là xác thân đau đớn
Cả đất và cả trời cũng không hề chứa đựng
Hết nước mắt của Người, đau khổ cứ tăng thêm!

Ảnh đại diện

Sự âu yếm (Gabriela Mistral): Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng

Mẹ ơi, mẹ hôn con
Con hôn nhiều hơn nữa
Những nụ hôn như thế
Con xin mẹ đừng nhìn.

Con ong trên hoa huệ
Không vẫy cánh của mình
Khi mẹ giấu đứa con
Không hề nghe hơi thở.

Con nhìn mẹ, nhìn mẹ
Bằng ánh mắt không rời
Con nhìn thấy đứa bé
Trong đôi mắt mẹ vui.

Hồ sao chép mọi thứ
Những gì mẹ đang nhìn
Nhưng tất cả đứa con
Chỉ con trai thôi nhé.

Đôi mắt được mẹ ban
Con phải nhìn phải ngắm
Theo mẹ vào thung lũng
Nhìn biển, ngắm trời xanh.

Ảnh đại diện

Balada (Gabriela Mistral): Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng

Chàng cùng cô gái khác
Đi qua trước mặt tôi.
Con đường thật vui tươi
Nhẹ nhàng cơn gió mắt.
Chàng cùng cô gái khác
Đi qua trước mặt tôi!

Chàng đã yêu người khác
Mặt đất vẫn nở hoa.
Dù bài ca đang chết
Lặng lẽ giữa mùa hè.
Chàng đã yêu người khác
Mặt đất vẫn nở hoa!

Chàng ôm hôn người khác
Ở bên bờ biển xanh
Chiếu lên con sóng bạc
Lặng lẽ ánh trăng thanh.
Để tôi buồn tôi khóc
Ở bên bờ biển xanh!

Chàng muốn cùng người khác
Đi vào chốn vĩnh hằng
Ở đó bầu trời khác
(Chúa Trời chỉ lặng im).
Chàng muốn cùng người khác
Đi vào chốn vĩnh hằng!

Ảnh đại diện

Hãy đưa tay cho em (Gabriela Mistral): Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng

Đưa tay cho em, chúng mình sẽ nhảy
Đưa tay cho em và hãy chiều em
Em như là bông hoa đơn lẻ vậy
Một bông hoa – và chỉ thế thôi anh.

Hoà nhịp hát, em cùng anh sưởi ấm
Trong bước nhảy em hoà quyện thân mình.
Như bông lúa đang dập dờn trên sóng
Của gió đồng – và chỉ thế thôi anh.

Anh Hoa hồng, còn em – Hy vọng nhé
Nhưng anh sẽ quên tên tuổi của mình
Để anh và em sẽ thành điệu nhảy
Trên ngọn đồi – và chỉ thế thôi anh.

Ảnh đại diện

Sonnet 093 (Anh vẫn sống như ngày em chung thuỷ) (William Shakespeare): Bản dịch của Nguyễn Thiên Ngân

Anh vẫn sống như em còn chung thuỷ
Ôm đớn đau mà chỉ biết lặng thinh
Môi mắt ấy vẫn ngập tràn yêu dấu
Nhưng anh hay, chúng chẳng phải cho mình.

Mắt em chẳng gợn lên niềm chán ngấy
Nên anh đâu biết được sự đổi thay
Thường những kẻ giấu trong lòng toan tính
Khéo bao nhiêu, ánh mắt cũng phơi bày.

Chỉ có thể trách đời ngang trái vậy
Dung nhan em vĩnh viễn nét gụi gần
Dẫu em có đem lòng yêu kẻ khác
Anh nhìn em, vẫn yêu đến muôn lần.

Em có lẽ giống như là táo độc
Của Eva trong Kinh thánh thuở nào.
Ôi những thứ làm đời ta đau đớn
Luôn ẩn thân trong dáng vẻ ngọt ngào.

Ảnh đại diện

Bông hồng đồng nội (Johann Wolfgang von Goethe): Bản dịch của Nguyễn Thiên Ngân

Chàng trẻ tuổi thấy đoá hồng nho nhỏ
Đứng một mình trên nội cỏ hoang vu
Nàng xinh đẹp và tuyệt cùng tươi trẻ
Chàng đến gần, vui sướng đến khờ ngu

Ôi đoá hồng ôi đoá hồng đỏ thắm
Đứng một mình trên nội cỏ hoang vu.
Chàng dõng dạc với đoá hồng bé nhỏ
“Nụ hồng ơi, ta sẽ hái được nàng!”

Nàng đáp lời: “Này hỡi kẻ khờ ngu
Ta sẽ chích vào chàng bằng gai nhọn
Chàng vì đó rồi chẳng quên ta được
Mình thật tình phải làm khổ nhau ư?”

Ôi đoá hồng ôi đoá hồng đỏ thắm
Đứng một mình trên nội cỏ hoang vu.
Chàng trẻ tuổi dại khờ và nông nổi
Vẫn đưa tay cố ngắt lấy đoá hồng

Nàng khổ sở mà đành giương gai nhọn
Đâm tới chàng đau một nhát thiên thu
Ôi đoá hồng ôi đoá hồng đỏ thắm
Đứng một mình trên nội cỏ hoang vu.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Miên man hoang dại (Anne Carson): Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng

Bầu trời trước bình minh màu xanh lục ánh đen.
Có lẽ là một dấu hiệu.
Tôi nên học thêm về các dấu hiệu.

Rẽ một góc đến bến cảng
gió đập vào tôi
một cú đấm vào mặt.

Tôi luôn luôn đi bộ vào buổi sáng,
là vì sao tôi không biết nữa.
Đời thì ngắn.

Bóng của tôi đi trước tôi.
Với cái mũ áo dựng
nó trông như một chiếc còi báo sương.

Băng trên đường.
Băng trên vỉa hè.
Không còn nơi để bước.

Tốt hơn là bước
nơi có những viên đá đen nhỏ.
Sẽ không quá trơn trượt.

Tôi đoán những viên đá đen nhỏ
có thể là dung nham.
Hoặc tôi đang nghĩ quá.

Một người đàn ông vội vã đi qua
với một con chó nhỏ.
Chẳng ai nói Xin chào.

Một cô nữ sinh hồng đi qua.
Nhìn mặt tôi.
Chẳng ai nói Xin chào.

Ai lại nghĩ
sẽ nhìn thấy một cái còi báo sương di động
sớm đến thế.

Gió đẩy mạnh hơn.
Tôi đẩy lại.
Gần đến nhà.

Sao tôi lại đến đây.
Cơn gió mới mỗi ngày.
Đời là để đẩy lại.

Bây giờ là bình minh.
Một mí mắt vàng mở
trên bến cảng.

Những người sống ở đây
học cách không phàn nàn
về gió.

Tôi vào nhà và pha trà.
Ăn ngũ cốc.
Đọc ba trang Proust.

Proust đang phàn nàn
(đó là năm 1914)
về động từ savoir như cách mà các nhà báo dùng.

Ông nói họ dùng nó
không phải như một dấu hiệu của tương lai
mà là như một dấu hiệu của những ham muốn của họ—

dấu hiệu của cái mà họ muốn tương lai trở thành.
Điều đó thì có gì sai? Tôi nghĩ.
Tôi nên học thêm về các dấu hiệu.

Thứ đầu tiên tôi thấy
sáng đầu tiên tôi ra ngoài đi bộ ở Stykkishólmur
là một con quạ

to như một cái ghế.
Cái ghế đó đang làm gì trên nóc nhà thế? Tôi nghĩ
rồi nó vỗ cánh đi.

Một con quạ đủ lớn để gọi là raven.
Corvus corax theo hệ thống danh pháp hai phần của Linnaeus.
Mỗi con tạo ra tiếng

như cả một thị trấn quạ
trên đất nước quê hương tôi.
Ba tính từ tái diễn

trong văn chương về quạ là
ăn tạp.
Hiểm ác.

Phối ngẫu đơn.
Tôi chú ý đến phối ngẫu đơn.
Tôi kết hôn tháng Năm năm ngoái

và nghỉ tuần trăng mật ở Stykkishólmur.
Năm nay tôi trở lại Stykkishólmur
để sống với chồng

ba tháng trong một căn phòng nhỏ.
Cảnh một vợ một chồng cực đoan này
gần như là quá sức cho chúng tôi.

Thay vì sát hại nhau
chúng tôi thuê một chỗ thứ hai
(nhà của Greta)

gần cái vịnh.
Giờ thì chúng tôi vui vẻ
phối ngẫu kép.

Có những con quạ ở trên mái
ở cả hai nơi.
Có lẽ chúng đều cùng một lũ quạ.

Tôi không biết.
Nếu Roni Horn ở đây
thì cô sẽ nói quạ

cũng giống như là nước,
chúng miên man hoang dại.
Chúng là một dấu hiệu của Iceland.

Tôi nên học thêm về các dấu hiệu.
Tôi đến Stykkishólmur
để sống trong một thư viện.

Thư viện không chứa sách
mà chứa những dòng sông băng.
Những dòng sông băng thẳng đứng.

Im lặng.
Theo trật tự hoàn hảo như là sách.
Nhưng chúng đã tan.

Nó sẽ như thế nào
khi sống trong một thư viện
của những cuốn sách tan.

Với những câu văn tràn trên sàn
và toàn bộ dấu câu
lắng xuống đáy như cặn.

Nó sẽ thật hoang mang.
Không thể tha thứ được.
Một cuộc phiêu lưu vĩ đại.

Roni Horn từng bảo tôi
rằng một nhà thám hiểm Nam Cực nói
Có một cuộc phiêu lưu

là một dấu hiệu của sự bất lực.

Khi tôi cảm thấy mình
vào lúc bất lực nhất

như tôi thấy ở Stykkishólmur
nhiều buổi sáng tối tăm
đi bộ vào trong gió,

tôi cố gắng gợi lên trong tâm trí
một cái gì đó đối lập với sự bất lực.
Ví dụ như quả trứng.

Hình thức hoàn hảo này.
Nội dung hoàn hảo.
Đồ ăn hoàn hảo.

Trong mơ
một nhà thám hiểm gần đây hơn (Anna Freud) nói
bạn có thể luộc trứng hoàn hảo như bạn muốn

nhưng không thể ăn nó.

Đôi khi vào ban đêm
khi tôi không ngủ được

vì gió
tôi đi và đứng
trong thư viện của những dòng sông băng.

Tôi đứng trong một thế giới khác.
Không phải là quá khứ không phải là tương lai.
Không phải là thiên đường không phải là thực tại không phải

một giấc mơ.
Một thứ quyền năng khác,
hoang dại và miên man.

Ai biết vì sao nó tồn tại.
Tôi đứng giữa những dòng sông băng.
Nghe cơn gió bên ngoài

đổ về phía tôi từ những cạnh ngoài của đêm và không gian.
Tôi không có giả thuyết nào
sao chúng tôi ở đây

hay ai trong chúng tôi là dấu hiệu của điều gì.
Nhưng một căn phòng của những dòng sông băng tan
lắc lư trong cơn gió đêm của Stykkishólmur

là một nơi thích hợp để nghiền ngẫm nó.
Mỗi sông băng đều được thắp sáng từ bên dưới
như là ký ức.

Proust nói ký ức có hai loại.
Có cơn vắt óc hằng ngày để nhớ
chúng ta để kính đọc ở đâu

và có một cơn khao khát sâu đậm hơn
đi lên từ dưới đáy
của trái tim

một cách vô tình.
Vào những lúc đột ngột.
Vì những lẽ bất ngờ.

Đây là một đoạn trích trong một bức thư mà Proust viết
năm 1913:
Chúng ta nghĩ chúng ta không còn yêu những người đã khuất

nhưng đó là vì chúng ta không nhớ đến họ:
đột nhiên
chúng ta gặp một chiếc găng tay cũ

và trào nước mắt.

Trước khi rời thư viện
tôi tắt hết đèn.

Những dòng sông băng tối lại.
Rồi tôi về căn nhà của Greta.
Đánh thức chồng tôi dậy.

Nhờ anh luộc cho chúng tôi chút trứng.

Ảnh đại diện

Tag (Anne Carson): Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng

ĐÂY

Tháng Tư vô độ, cây trong chốn,
trong cái chốn trầy trật của chúng,
thế đứng của chúng.
Lối đứng.
Những khu vực cành đỏ của chúng,
những khu vực chồi xanh (sốc),
dòng sông, cái đó.
Tôi làm giật mình một con ngỗng và nó rít lên.
Tôi đi và đi với đôi bàn tay lạnh.
Về đến nhà nó lấp đầy với sự mong mỏi,
chẳng có gì để mang mong mỏi đi.
Tôi nhìn lại đời mình.
Tôi cố tìm những sự tương đồng.
Nhưng không có.
Tôi đã mong người ta trước đây, tôi đã yêu người ta trước đây.
Nó không giống như đây.
Nó không phải là đây.

Cho tôi một thế giới, anh đã lấy cái thế giới tôi là.


CỦA ANH

(“không thể thay đổi được”)
Thật ra là không phải. Bước nhảy nguỵ tạo vào—
dòng sông thoáng thấy qua trần
[chờ đợi]
[một danh từ] cho cái cách suy nghĩ đổ vỡ quanh anh không ở đây
quần áo anh không ướt trong tấm gương sâu này—
cái mà Hölderlin gọi là die Tageszeichen, những dấu hiệu
                             được ghi vào linh hồn bởi vị thần của mỗi ngày
câu trả lời để lại sẹo của anh, tôi vẫn không biết—
bao năm từ bây giờ, những
ký hiệu này trong sổ địa chỉ, bàn tay này cuồng điên.

Trang trong tổng số 158 trang (1580 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: