Trang trong tổng số 60 trang (600 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Địa đàng (Rutger Kopland): Bản dịch của Diễm Châu

Từ trên đê cao một chai bia trong tay
ánh mắt nơi những khu vườn trong thôn xóm
tôi chợt nhớ ấy cũng gần gần như thể
ở đây, như thể lúc này khi mặt trời
trùm lấp một bầu trời cũng mịt mù sương và nơi những cây bạch dương này nữa
cũng chẳng có lấy một hơi gió và đỏ thắm
tròn trịa sáng bóng những trái táo âm âm
rơi từ trên cây xuống đám cỏ
giữa những chiếc áo sơ-mi xù xì buồn thảm
những dấu hiệu duy nhất của sự sống.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Bài ca buổi chiều (Charles Baudelaire): Bản dịch của Vũ Đình Liên

Dù đôi mắt của nàng trông dữ tợn
Và cho nàng một vẻ lạ lùng
Không phải là của một thiên thần
Nàng phù thuỷ, mắt đẹp xinh, say đắm.

Ta yêu nàng hỡi người đẹp vô tư
Ôi! Mối tình của ta ghê gớm
Như là một giáo đồ say mê tin tưởng
Thờ phụng một thần tượng ngày xưa.

Cả hương thơm của rừng sâu, sa mạc
Thơm nồng trong mái tóc cứng của nàng
Đầu nàng có những dáng điệu lạ lùng
Của những điều u huyền và bí mật.

Trên thịt da nàng, hương thơm phảng phất
Như xung quanh một chiếc bình hương
Nàng làm người mê say như một buổi chiều nhẹ nhàng
Hỡi nàng tiên tối tăm và nồng nhiệt.

Những bà đội, bùa mê, mạnh nhạy
Chẳng thấm vào đâu với cái lả lướt của nàng
Nàng biết bí quyết kì diệu vô cùng
Của mơn trớn làm người chết rồi sống lại.

Hai vế đùi nàng mê mẩn say sưa
Bộ ngực nàng và lưng nàng uyển chuyển
Và nàng làm say mê gối đệm
Với những dáng điệu mộng mơ lả lướt.

Có những lúc, để làm dịu đi một chút
Tình yêu của nàng, cuồng dại, lạ lùng
Nàng nghiêm trang vừa cắn lại vừa hôn
Với cả lòng chân thành và nồng nhiệt.

Nàng xé lòng ta, hỡi người đẹp tóc nâu
Với một nụ cười chế nhạo
Rồi lại đặt trên trái tim ta yêu dấu
Cặp mắt nàng êm như bóng huyệt đêm thâu.

Dưới những chiếc gót giầy, sa tăng
Dưới những bàn chân nàng đẹp như tơ lụa
Ta để tất cả niềm vui mừng hớn hở
Cả thiên tài, cả số mệnh, cả tâm tình.

Cả lòng ta khổ đau mà nàng đã vỗ về cứu chữa
Nàng ơi! Nàng là ánh sáng và máu tươi
Là nắng ấm nổ bùng cả một góc trời
Giữa tâm hồn ta, một Xibêri tối đen, giá lạnh.

Ảnh đại diện

Gửi người đi qua (Charles Baudelaire): Bản dịch của Trần Mai Châu

Phố la hét chung quanh tôi huyên náo,
Mảnh khảnh, đau buồn, y phục đại tang,
Cô nàng đi qua, bàn tay cao ngạo
Nâng nhẹ đung đưa gẩu áo ngỡ ngàng.

Lanh lợi thanh tao, đôi chân hư ảo,
Để cho tôi người co lại lại thần,
Uống trong mắt, - bầu trời âm ỷ bão,
Êm dịu tiêu hồn và lạc thú sát nhân.

Một tia chớp... rồi tối mù! Ôi sắc đẹp
Chỉ thoáng nhìn, tôi sống lại vu vơ.
Gặp lại ư? Có khi nào gặp lại.

Rất xa xôi, quá trễ, chẳng bao giờ!
Em một hướng, tôi một đường, cách biệt,
Tôi có thể yêu em, em dư biết vậy mà!

Ảnh đại diện

Chuyện vua Iskanđar tới thành phố những người đạo đức trong sạch (Nur ad-Din Abd ar-Rahman Jami): Bản dịch của Thái Bá Tân

Iskanđar Đại đế tự mình
Luôn dẫn đầu đoàn quân viễn chinh

Đi chinh phục đất đai toàn thế giới
Và nhân thể tìm cái hay, cái mới.

Như vũ bảo, quân ngài đi đến đâu,
Là ở đấy phải khuất phục, cúi đầu.

Một lần kia, khi chiếm xong thành phố,
Ngài tò mò, rất ngạc nhiên về nó.

Thành phố này, thật kỳ lạ, khắp nơi
Đều sạch đẹp, đều no ấm mọi người.

Công việc họ rất nhẹ nhàng, thú vị,
Theo sở thích và nghỉ ngơi tùy ý.

Kỳ lạ hơn, ở thành phố lạ này
Không người giàu, cũng không có ăn mày,

Không lừa đảo, không giết người, cướp bóc.
Cửa không khóa, không ai nghe tiếng khóc.

Còn xã hội thì bình đẳng, người ta
Sống hòa thuận như anh em một nhà.

Không khái niệm quan hay dân, thậm chí
Không cả vua, thật là điều thú vị.

Bao đời nay thành phố sống yên bình,
Chưa một lần từng biết đến chiến tranh.

Kỳ lạ nữa, trước mỗi nhà đều có
Một nhà mộ, thường trống không và nhỏ.

"Sao lại thế? - đức vua hỏi, tò mò. -
Còn đang sống mà đã xây nhà mồ?"

Người ta đáp: "Để nhắc cho người sống
Rằng đời ngắn, nên phải lo lao động

Để sống sao cho có ích với đời,
Và xứng đáng với tên gọi con người."

Vua lại hỏi: "Ta thấy đây không có
Vua, triều đình và các quan văn võ.

Vậy lấy ai cai trị nước? Người nào
Thu sưu thuế? Lúc tai biến thì sao?"

Đáp: "Ở đây mọi người luôn tự giác
Lo việc chung, không ai làm việc ác.

Việc của nước là việc cúa toàn dân,
Cần gì vua? Quan lại càng không cần."

"Không thấy cả người giàu, người danh giá.
Sao lại thế? Quả điều này rất lạ."

"Không khó hiểu, thưa vua, dân nước này
Sống ôn hòa và giản dị xưa nay.

Giàu làm gì? Giàu với ai? Thử hỏi,
Vàng mang lại cái gì ngoài tội lỗi?"

Thấy và nghe những điều trên lạ kỳ,
Vua suy ngẫm, rồi cho quân rút đi,

Để nguyên vẹn cả dân và thành phố,
Không thay đổi một chút gì trong đó.

Ảnh đại diện

Chuyện con lạc đà có cánh (Nur ad-Din Abd ar-Rahman Jami): Bản dịch của Thái Bá Tân

Một ông vua, ngồi không lâu cũng chán,
Mở tiệc lớn mời cận thần, bè bạn.

Và vừa ăn, vua yêu cầu mỗi người
Lần lượt kể những chuyện lạ trên đời,

Với điều kiện chính mình nhìn tận mắt,
Phải hấp dẫn, và tất nhiên phải thật.

Một người kể: "Nghề tôi hay phải đi,
Và lần nọ tôi thấy ở châu Phi,

Một quái vật, nói thế nào được nhỉ,
Giống lạc đà, nhưng vô cùng kỳ dị,

Loại lạc đà một bướu, béo, không gầy.
Có hai cánh, nhưng không hề biết bay.

Không chở hàng, không phải làm gì cả,
Cứ suốt ngày thẩn thơ chơi, nhàn nhạ..."

Mọi người nghe, phá lên cười: "Thôi đi!
Ông kể chuyện nhảm nhí ấy làm gì?

Chúng tôi đây cũng đi nhiều không kém,
Cũng từng gặp nhiều chuyện hay và hiếm,

Nhưng lạc đà có cánh thì ôi, ôi!
Đừng phịa chuyện, đừng hòng lừa chúng tôi!"

Và rốt cục, mặc dù thề có thật,
Không ai tin, bị một phen bẽ mặt,

Ông kể chuyện đành hậm hực ra về
Trong ồn ào tiếng la mắng, cười chê.

Sáng hôm sau, trong lòng còn hậm hực,
Ông vội vã lên đường ngay lập tức

Tới châu Phi, rồi từ đó về nhà
Với một con đà điểu lớn và già.

Ông đem nó vào gặp vua, và hỏi
Có phải đúng là con ông đã nói.

Vua xem kỹ rồi bỗng phá lên cười:
"Vâng, đúng nó. Giờ ta tin nhà ngươi.

Một con vật lạ kỳ, cao, dũng mãnh!
Ngươi đáng thưởng! Đúng, lạc đà có cánh!"

Và tối đến, vua lại mở tiệc to,
Lại mời quan đến ăn uống, chuyện trò.

Tiệc đang vui, vua vẫy tay ra hiệu,
Rồi mọi người vây quanh con đà điểu,

Một con vật rất mới lạ, giống gà,
Nhưng vua bắt cứ phải gọi lạc đà,

Loại lạc đà không bay nhưng có cánh.
Ai gọi khác sẽ bị vua đem đánh.

Ảnh đại diện

Chuyện người thợi giặt và con bồ nông (Nur ad-Din Abd ar-Rahman Jami): Bản dịch của Thái Bá Tân

Ở Bátđa có một chàng trai nọ
Sống bằng nghề giặt thuê, nghèo khổ.

Và hàng ngày ra giặt ở bờ sông,
Anh thường thấy có con bồ nông

Đang dò dẫm mò cua, bắt tép.
Cổ và chân cao kều, trông chẳng đẹp.

Vốn khiêm tốn, hơi ngu đần, cô đơn,
Dường như nó cũng chẳng mong gì hơn,

Ngoài việc lội trên bãi lầy ngập nước,
Ních đầy bụng những gì may kiếm được.

Thế mà rồi, một hôm không hiểu sao,
Ăn no nê, chợt hứng, ngước lên cao,

Nó nhìn thấy con đại bàng to lớn
Dang rộng cánh, giữa trời xanh bay lượn.

Là chúa tể các loài chim, đại bàng
Có phong thái giống hệt một ông hoàng.

Ngoài vô số những điều hay ho khác,
Nó luôn chừa thức ăn cho người khác.

(Vâng, người tốt, người cao quí bao giờ
Cũng chừa lại chút thức ăn dư thừa

Cho những kẻ yếu hơn mình, bé nhỏ!)
Con bồ nông đứng nhìn, đầy ngưỡng mộ.

Cái cổ dài càng dài thêm, đôi chân
Dướn lên cao trong tư thế bần thần:

"Mình thức sự còn to hơn, có lẽ
Còn đẹp hơn cả đại bàng oai vệ.

Vậy mà mình, thật xấu hổ, xưa nay
Chỉ ăn toàn ếch nhái lẫn bùn dây.

Tại sao mình không bắt chim ăn thịt,
Ăn và chừa cho đàn em một ít?

Được, từ nay mình sẽ giống đại bàng,
Sẽ cao quí, hào phóng như ông hoàng!"

Con bồ nông ngu ngốc kia nghĩ vậy
Rồi hùng dũng bay lên cao. Ở đấy,

Nó chưa kịp biết mình oai thế nào
Thì bất chợt từ đâu đó trên cao

Một con chim kền kền to xuất hiện.
Thật tội nghiệp con bồ nông hãnh tiến:

Mấy phút sau, dù không chết, tiếc thay,
Nó bị thương, rơi tõm xuống bãi lầy,

Cánh dính bùn, chiếc mỏ to đầy đât.
Tối thì lên bàn ăn anh thợ giặt.

Đây, bài học rất hay và thông minh
Cho những ai không biết lượng sức mình.

Ảnh đại diện

Chuyện về Sôcrat (Nur ad-Din Abd ar-Rahman Jami): Bản dịch của Thái Bá Tân

Sôcrat, triết gia xưa vĩ đại.
Mong tư tưởng của ông sống mãi.

Ông trong sạch suốt từ đầu đến chân,
Cả vinh quang lẫn tiền bạc không cần.

Như cây cỏ, rất tự nhiên, giản dị,
Ông chỉ sống với những điều mình nghĩ.

Gia tài ông - vẻn vẹn chiếc chum to,
Sứt trên miệng, đáy đôi chỗ bị rò.

Không đựng nước, nên không hề quan trọng,
Nó là nhà, nơi nhiều năm ông sống.

Đêm ông chui vào ngủ, mặt trời lên
Lại chui ra, ngồi sưởi nắng kề bên,

Một mình ông, lim dim trên bãi cỏ,
Người trần truồng, vì áo quần không có.

Rồi một hôm, vua đi ngang, thấy ông,
Trong tư thế đang sưởi nắng, tồng ngồng.

Vua xuống ngựa, cúi đầu chào rất thấp:
"Thưa hiền triết, đã lâu không được gặp.

Ông, một người được kính trọng xưa nay,
Sao né tránh, sao ẩn dật thế này?

Sao lâu lắm không vào cung đàm đạo?
Mà sao ông trần truồng, không quần áo?"

Sôcrat đáp: "Vua xem, ta già rồi,
Mặc áo quần chỉ thêm nặng mà thôi.

Vì với ta, riêng tuổi đời đã nặng.
Giờ hạnh phúc là được ngồi sưởi nắng."

"Ngươi có thể xin bất cứ điều gi.
Ta sẽ cho, đừng e ngại, nói đi!"

Sôcrat không ngẩng đầu, nói nhỏ:
"Cảm ơn vua đã thương tình chiếu cố.

Vậy tôi xin, chỉ một điều, ít thôi:
Ngài tránh ra, đừng che nắng của tôi!"

Vua nghe thế, né sang bên, lặng lẽ
Cởi chiếc áo trên người ngài đẹp đẽ

Khoác lên lưng nhà hiền triết. Ông này
Vua đi khỏi, liền treo nó lên cây,

Và tiếp tục lại trần truồng sưởi nắng,
Một mình ông bên chiếc chum, im lặng.

             *
Trong hàng chục học trò của ông,
Sôcrat yêu nhất Platông,

Người được thầy dành thời gian, nhẫn nại
Dạy, và thành một triết gia vĩ đại.

Ông thường nói: "Tâm hồn con bao la,
Hãy cởi trói để bay cao, bay xa,

Để thoát khỏi cuộc đời này ngu muội,
Để bóng nó không làm con tăm tối.

Nếu chúng ta không độc ác, lòng lành,
Thế giới này đã  không có chiến tranh.

Đời trần tục biết bao nhiêu cạm bẫy,
Nhưng sáu loại con tránh xa, nhớ lấy.

Loại thứ nhất là những người nhỏ nhen,
Ai hơn mình, (không hơn mình), cũng ghen.

Họ hậm hực đến mất ăn, mất ngủ,
Và lồng lộn, gầm ghè như con thú.

Loại thứ hai là những kẻ có quyền,
Là cái chúng sử dụng để kiếm tiền.

Quyền biến chúng thành những tên độc ác,
Thành vô ơn, vô tình và bội bạc.

Loại thứ ba là ham mê quá độ
Để có được cái gì mình chưa có.

Họ tham lam, ích kỷ, chỉ biết mình,
Mà không hề biết đến xung quanh.

Loại thứ tư là những người keo kiệt.
Những người sợ tiêu tiền hơn sợ chết.

Suốt đời mình, họ khổ sở, lo âu
Họ rất nghèo, dù thực ra rất giàu.

Loại thứ năm là những người đê tiện,
Lo nịnh bợ, âm mưu nhằm thăng tiến.

Đối với họ, được thăng quan hơn người,
Là nghĩa sống, là mục đích cả đời.

Còn ngu dốt là loại người thứ sáu.
Loại người này không hẳn toàn người xấu.

Vì ngu dốt, không hiểu người, hiểu mình,
Nên họ làm nhiều việc xấu, đáng khinh.

Ảnh đại diện

Chuyện hai chiếc túi (Jalal ad-Din Muhammad Rumi): Bản dịch của Thái Bá Tân

Giữa sa mạc có một chú lạc đà,
Hai bên hông hai túi lớn bằng da.

Còn vắt vẻo ngồi trên lưng, đang ngủ
Là một người béo và to - ông chủ.

Đến trạm nghỉ, ngồi nói chuyện với nhau,
Một người hỏi: "Bác chở gì? Đi đâu?"

Ông kia đáp: Túi này toàn hạt dẻ,
Còn túi kia là cát thôi, chỉ thế."

"Bác chở cát? Vì sao? Lạy Ala!"
"Vì sao ư? Cho cân đối thôi mà.

Không thì nặng một bên, đi sao được?"
"Tôi mà bác, tôi chia ngay từ trước,

Chia hạt dẻ thành hai phần bằng nhau.
Hàng sẽ nhẹ, lạc đà đi càng mau!"

Ông chủ hàng nghĩ một hồi, đáp lại:
"Bác quả đúng là một nhà thông thái!

Thế mà tôi chở cát, thật buồn cười.
Nếu bác đi cùng đường thì xin mời,

Con lạc đà của tôi giờ hàng nhẹ,
Chở cả hai chúng ta đi luôn thể".

Và rồi đi, câu chuyện nở như hoa.
Đường ngắn hơn, đỡ mệt. Chủ lạc đà

Quay sang khách: "Một khi thông thái vậy,
Thì chắc bác là vị quan nào đấy?"

"Tôi mà quan? Tôi nghèo đói xưa nay.
Hãy nhìn xem, áo tôi rách thế này!"

"Chắc tại bác vi hành. Xin hỏi thật:
Bác có bao nhiêu nhà, bao nhiêu đất?"

Ông kia đáp: "Tôi chẳng có cái gì!"
"Bác lại đùa. Bác là một... nói đi,

Một thương gia nước ngoài giàu, giấu mặt?
Bác buôn gì, hàng đâu, xin hỏi thật?"

"Tôi đã nói, tôi là anh cùng đinh.
Tôi rất nghèo, cái bác bảo thông minh

Xin nói thật, chẳng qua do đói khổ,
Do vất vả kiếm miếng ăn mà có."

Ông kia nghe, tức giận quát: "Hiểu rồi,
Vậy thực tình ông còn ngốc hơn tôi,

Vì thông minh mà nghèo là đại ngốc.
Trong khi đó, tôi giàu dù vô học.

Mời ông xuống, rồi ông đi đường ông,
Tôi đường tôi. Ngay bây giờ, biết không

Tôi cho cát vào túi kia, cứ thế,
Một bên cát và một bên hạt dẻ!"


Thơ cổ Ba Tư
Ảnh đại diện

Con gái người gác chuông (Friedrich Rückert): Bản dịch của thanhbinh82_tp

Là con gái của người gác chuông
Em xuất thân trong gia đình cao quý
Tiếng chuông kia như nhắc nhở tôi
Lẫn ngày, lẫn đêm
Rằng: "Anh không được quên em!"

Là con gái của người gác chuông
Em xuất thân trong gia đình cao quý
Em gọi tôi từng giờ
Qua tiếng chuông ngân
Em mong anh! Em mong anh, đêm ngày!

Là con gái của người gác chuông
Em xuất thân trong gia đình cao quý
Với chiếc đồng hồ hạnh phúc
Lúc tiến, lúc lùi.
Theo nhịp thời gian của chúng ta.

Em xuất thân trong gia đình cao quý
Có tốt hơn không khi đừng như thế?
Cả gia đình em điều xuất thân cao quý
Và mẹ em đã được tuyển chọn kỹ
Để sinh em trong gia đình cao quý

Em yêu dấu xuất thân cao quý của tôi
Thật tuyệt vời khi em không cao ngạo
Em đã không nghĩ đến
Sự cao quý của mình
Mà cùng tôi dạo dưới ánh trăng

Em yêu dấu có xuất thân cao quý của tôi
Khi vừa thốt ra
Cái chuông cũ rớt xuống
Người ta cảm nhận qua cái lắc lư của nó
Cái chuông không muốn cô đơn trong gió
Nên xuống mặt đất bên anh đấy thôi.

Ảnh đại diện

Với chàng em sẽ hạnh phúc hơn (Edward Stachura): Bản dịch của Hoàng Ngọc Biên

Em hãy hiểu điều ta muốn nói
Hãy cố hiểu rõ điều ấy
Như những lời chúc đẹp nhất, chúc ngày kỷ niệm
Hay những lời chúc đầu năm, có lẽ còn đẹp hơn
Nói lên giữa khuya với một giọng run, lời chúc thực thụ
Với chàng em sẽ hạnh phúc hơn
Hạnh phúc hơn nhiều khi em đến với chàng
Còn ta, thế –
Kẻ lang thang, tâm hồn bất định
Sống với ta thì chỉ có thể
đi vào trong truông trong trảng
và quên hết mọi thứ
thời nào, thế kỷ nào
năm nào, tháng nào, ngày nào
và giờ nào
sẽ ngừng
và khi nào sẽ bắt đầu
Em hãy đừng nghĩ là ta không yêu em
Hoặc chỉ yêu một chút
Ta yêu em bao nhiêu, ta sẽ không nói
bởi điều này không nói ra được
Yêu không biết mấy, và còn hơn thế
Và thế nên, vĩnh biệt
Xin em hiểu cho, vĩnh biệt

Với chàng em sẽ hạnh phúc hơn
Hạnh phúc hơn nhiều khi em đến với chàng
Còn ta, thế –
Kẻ lang thang, tâm hồn bất định
Sống với ta thì chỉ có thể
đi vào trong truông trong trảng
và quên hết mọi thứ
thời nào, thế kỷ nào
năm nào, tháng nào, ngày nào
và giờ nào
sẽ ngừng
và khi nào sẽ bắt đầu
Sống với ta thì chỉ có thể
Lặng lẽ biến mất


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 60 trang (600 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: