Trang trong tổng số 2 trang (15 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]

Ảnh đại diện

Hoài xuân thập vịnh kỳ 01 (Đoàn Thị Điểm): Bản dịch của Trần Văn Giáp

Gió tung bông liễu lên không
Gió đưa người ngọc trên cung xuống trần
Mày ngài đượm vẻ thanh tân
Tóc mây mơn mởn mười phần thắm tươi
Giá đành gác tía thảnh thơi
Lứa đôi xứng đáng với người tài hoa
Phòng văn vắng vẻ bóng tà
Ước mong sao được vẻ nga bàn hoàn

Ảnh đại diện

Yên sơn kỳ 1 (Tô Triệt): Bản dịch của Trần Văn Giáp

Dãy núi Yên Sơn tựa rắn dài
Hán, Di ngàn dặm ngắt làm hai
Chầu non Tây đó đầu quay ngậm
Đuôi đến miền Đông hải chảy xuôi


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Việt Nam thế chí tự (Hồ Tông Thốc): Bản dịch của Trần Văn Giáp

Sách chép về thế phả, vốn có từ lâu, khảo xét các đời đã qua để rõ nguồn gốc lưu truyền, kê cứu những điều truyền văn, để rõ những tiêu chuẩn xưa nay. Hiềm vì chuyện tin chuyện ngờ lẫn nhau, có điều chưa hợp hẳn với lòng người. Nhưng việc đời biến đổi khác nhau thì làm sao lại khỏi có những điều quái gở. Nghìn năm về sau, khó lòng biết được đầy đủ, mà tìm trong sách vở cũng không thể tra cứu vào đâu được. Bởi vậy, ghi chép về nguồn gốc thực là nhọc lòng lắm. Có người hỏi tôi rằng: Bỏ cái lạ giữ cái thường là đạo của thánh hiền, tại sao ông lại câu nệ theo cũ, không nêu rõ lời mới để đổi hẳn thói mê hoặc của đời?

Tôi đáp rằng: Thời thái cổ còn hỗn mang, chưa phân biệt trời đất, ngay trung thổ cũng còn có nhiều thuyết hoang đường, như những chuyện vá trời, húc núi, lấy chân ngao làm cột trời, mười mặt trời cùng mọc, v.v..., đời sau cứ theo sách mà bàn luận, không kê cứu vào đâu được, đúng hay không đúng, vẫn còn ghi chép trong sử sách. Huống chi đất Việt ta ở vào cõi xa, sự hiểu biết cũng khác, từ đời hồng hoang thời gian xa cách, trong lúc mới mở mang, sách vở chưa đầy đủ, lễ nhạc chưa làm, nếu cho là có thực thì bởi đâu mà biết? Nếu cho là không có, thì do đâu mà xét ra? Cho nên những chuyện góp nhặt được đều là lượm lặt ở tiếng vang chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nên lưu tâm nhận kỹ, cố sức suy nghiệm thì sẽ rõ ngọc đá; thấy được tiếng vang hình bóng của lịch sử; tôi đâu tự dám cho ý mình là thoả đáng.

Vả lại, nước Nam ta ở vào dải đất nóng nực, trong cõi mênh mông, vua sáng đời nào cũng có. Dẫu rằng núi sông rộng lớn, chia biệt mỗi lúc một khác, nhưng từ xưa đến nay, chỉ căn cứ vào tục truyền và dấu vết, hỏi việc về dĩ vãng thì nhờ các cụ già kể chuyện lại; xét nghiệm ở tương lai thì có những đền miếu cúng thờ.

Tôi quên mình hẹp hòi quê hủ, chép sơ lược những chuyện ngụ ngôn, những điều truyền thuyết, muốn đợi các bậc cao minh học rộng tiến bộ sau này, nhận rõ xét kỹ mới có thể biết được trước sau mà không tự nhầm lẫn. Nếu có ai sửa lại cho tập này được đúng, cho lời chép được hay, đẽo gọt kỹ càng, rồi đem in ra, để mọi người thấy rõ việc xưa nay và hiểu thấu lẽ huyền vi, thì đó cũng là một bộ sử ký trong các truyện cổ chăng? Vậy làm tựa.

Ảnh đại diện

Dục Thuý sơn (Trương Hán Siêu): Bản dịch của Trần Văn Giáp

Non xanh xanh vẫn như xưa,
Du nhân đi mãi vẫn chưa thấy về!
Sóng in bóng tháp bồ đề,
Mở toang cửa động liền kề chân mây.
Đời lênh đênh trước khác nay,
Thân nhàn mới biết trước ngày lầm to.
Mênh mông trời đất Năm Hồ,
Vòm câu cũ, kíp thăm dò nơi đâu.

Ảnh đại diện

Phạt Tống lộ bố văn (Lý Thường Kiệt): Bản dịch của Trần Văn Giáp

Trời sinh ra dân chúng, Vua hiền ắt hoà mục. Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân. Nay nghe vua Tống ngu hèn, chẳng tuân theo khuôn phép thánh nhân, lại tin kế tham tà của Vương An Thạch, bày những phép "thanh miêu", "trợ dịch", khiến trăm họ mệt nhọc lầm than mà riêng thoả cái mưu nuôi mình béo mập.

Bởi tính mệnh muôn dân đều phú bẩm tự trời, thế mà bỗng sa vào cảnh éo le độc hại. Lượng kẻ ở trên cố nhiên phải xót. Những việc từ trước, thôi nói làm gì!

Nay bản chức vâng mệnh quốc vương chỉ đường tiến quân lên Bắc, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch nhơ bẩn hôi tanh để đến thuở ca ngày Nghiêu, hưởng tháng Thuấn thăng bình!

Ta nay ra quân, cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi chìm đắm. Hịch văn truyền tới để mọi người cùng nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi!

Trang trong tổng số 2 trang (15 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: