Trang trong tổng số 22 trang (215 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối
Gửi bởi karizebato ngày 11/09/2009 03:48
Ruồi và Kiến đôi bên cãi vã
Tranh luận nhau về giá trị mình
Ruồi rằng: - Ôi chúa Thiên đình!
Lòng tự ái khiến tâm linh quáng mù
Gớm đến nỗi Kiến bò mạt loại
Dám sánh mình với gái không trung!
Ngồi bàn chúa, ở hoàng cung
Ai dâng bò tế, ta dùng trước tiên
Còn kẻ nọ ươn hèn yếu đuối
Tha cọng rơm nhấm tới ba ngày
Ả kia, ta hỏi thực này
Có bao giờ cái thứ mày được bâu
Đầu hoàng đế hoặc đầu vua chúa
Đầu mỹ nhân đẹp tựa tiên nga?
Ta hôn cái ngực nõn nà
Khi ta thích ý là ta cứ mần
Ta đùa giỡn, ta vờn làn tóc
Ta điểm tôn mặt ngọc da ngà
Mỹ miều thường thấy có bà
Khi vào làm đỏm, khi ra câu tình
Tô điểm xong mặt mình son phấn
Thêm chấm đen, chính mượn của Ruồi
Bọn mày lại sắp rậm lời
Chuyện về xó vựa khua môi nhức đầu
Mụ Kiến đốt: - Dứt câu xong chửa?
Mi khoe khoang sống ở cung đường
Nhưng người ta chửi là thường
Còn như nếm trước cao lương cúng thần
Có gì đáng vinh thân kia chứ?
Xông khắp nơi như lũ tục phàm
Bạ đâu đậu đấy bay quàng
Bâu đầu vua lại bâu sang đầu lừa
Ta chẳng cãi, biết thừa sự thật
Tội quấy người, người đập chết toi
Còn như chuyện cái nốt ruồi
Làm cho sắc đẹp con người nổi lên
Đồng ý cái chấm đen tô điểm
Nốt ruồi đen, sắc Kiến cũng đen
Nốt ruồi chỉ có cái tên
Phải chẳng chuyện đáng gióng lên hợm xằng?
"Ruồi" người gọi những thằng ăn hại
Thôi ngay đi giọng lưỡi ba hoa
Cũng đừng tưởng tượng cao xa
Nịnh thần lũ nhặng bị sa thải rồi
Bọn gián điệp bị lôi treo cổ
Lũ chúng bay đói khổ võ vàng
Cuối cùng rồi cũng đến bương
Vào mùa thần nắng chuyển phương trị vì
Bấy giờ ta, sau kỳ lao động
Của kiếm ra ngồi hưởng an nhàn
Chẳng cần xuống lũng lên ngàn
Chẳng cần gió kép mưa đơn dãi dầu
Sống yên vui, chẳng sầu chẳng tủi
Trước cần cù sau khỏi lao đao
Dạy cho mi rõ thấp cao
Thế nào danh thực, thế nào danh hư
Thôi chẳng mất thì giờ tán phét
Để ta còn lo việc làm ăn
Ngồi lê chuyện gẫu lăng nhăng
Rương kia, vựa nọ đầy chăng? - chẳng đầy!
Ngôn ngữ: Chưa xác định
Gửi bởi karizebato ngày 11/09/2009 03:30
Con sò và các tụng nhân
Hai lữ khách một hôm cùng thấy
Một con sò sóng đẩy đưa lên
Cả hai tay chỉ mắt nhìn
Miệng tuôn nước dãi, cùng thèm nên tranh
Giơ tay vói, một anh định nhặt
Anh bạn kia cản, giật tay ra
Nói rằng hai đứa chúng ta
Ai trông thấy trước mới là được ăn
- Theo điểm đó, mắt thần chính tớ
Anh kia rằng: "Mắt tỏ, nhất tôi
Tôi trông thấy trước hẳn hòi
Nói sai tôi chịu tội trời chết ngay"
- Anh trông thấy, tôi đây ngửi thấy
Giữa lúc này qua đấy một ông
Cả hai đem việc trình luôn
Ông này cầm lấy phanh tung con sò
Ông xơi ruột, còn cho đôi gã
Hai vỏ sò ông đã xé ra
Rồi ông lên giọng quan tòa:
- Cấm không tranh chấp, về nhà cả hai
Án phí tòa miễn không đòi
Gẫm xem kiện tụng xưa nay
Bao nhiêu tiền của vào tay quan tòa
Còn chi cho kẻ kiện thưa
Còn chiếc bị rỗng, sao mà không hay
Gửi bởi karizebato ngày 11/09/2009 03:28
Hai người tranh nhau con sò
Hai người đi trẩy hội chùa
Qua nơi bãi cát, gặp sò nổi lên
Tay cùng trỏ, mắt cùng nhìn
Mồm cùng muốn lẩm cùng vin lý già
Người cúi nhặt, kẻ liền la:
- Khoan, khoan! Hãy hỏi ai là đáng ăn?
Cứ theo như lẽ công bằng
Ai mà thấy trước thì ăn đỡ thèm
Người kia phải đứng mà xem
Đáp rằng: - Nếu vậy mà nên công bình
Nhờ trời tôi mắt cũng tinh
Cãi rằng: - Mắt tớ còn nhanh gấp mười
Tớ thề tớ thấy trước rồi
- Nhưng mà tao ngửi thấy mùi đã lâu!
Trong khi cãi cọ cùng nhau
Sẩy quan án nọ đi đâu qua đường
Đôi bên đem chuyện thân tường
Xin quan phân xử đôi đường trắng đen
Cầm sò quan đứng quan nhìn
Tách đôi mảnh vỏ hút liền ruột trong
Khi quan vừa nuốt trôi xong
Ngài bèn lên giọng Bao Công phán truyền:
- Xử cho bên bị bên nguyên
Quân phân đôi vỏ, hai bên xử hòa
Còn tiền phí tổn thì tha
Thơ rằng:
Kiện tụng xưa nay tốn kém to
Chẳng qua đục nước chỉ nuôi cò
Mới hay gan ruột quan moi hết
Trơ lại còn đôi cái vỏ sò!
Ngôn ngữ: Chưa xác định
Gửi bởi karizebato ngày 11/09/2009 03:25
Một người kia gặp cơn túng ngặt
Muốn vay ai, ai đắt mà vay
Lưng không, biết tính sao đây?
Quyết đi tự tận phen này cho xong
Thừng buộc cổ long đong phải hết
Dẫu chẳng toan cũng chết đói mà
Ngẫm xem bụng dạ người ta
Ai ưa nhịn đói mà qua kiếp người
Gần đấy có một nơi nhà đổ
Anh kiết ta đến đó liều mình
Trên tường sẵn có đóng đanh
Một dây thòng lọng đã đành là xong
Chẳng ngờ vách cũ không được tốt
Đổ đánh ùm, vung một đống tiền
Chàng ta đứng dậy nhặt liền
Đem vàng đi thẳng còn quên chiếc thừng
Cũng chẳng đếm xem chừng lẻ chẵn
Mau bước chân vội lẩn về nhà
Người có của bỗng chạy ra
Thoắt trông đã thấy tiền đà vắng tanh
Kêu: - Trời hỡi! nay mình chưa chết
Mà bạc tiền đã hết mất rồi
Vậy thì chết quách đi thôi
Dây đâu thắt cổ cho rồi một phen
Thừng còn sẵn theo trên vách đổ
Chỉ thiếu người treo cổ vào trong
Thò đầu chàng quấn một vòng
Chỉ trong giây phút là xong một đời
Nực cười chết đến nơi còn tính
Tiền mua dây người gánh đỡ cho
Ông trời sao khéo bày trò
Thừng kia của nọ chéo cho lạ đời
Thương hại thay những người bủn xỉn
Có của mà giấu kín một nơi
Chẳng dám ăn, chẳng dám chơi
Để cho kẻ cắp hoặc người họ xa
Cũng có khi người ta lấy hết
Hoặc đất đen giữ diệt dưới sâu
Tài thần bỡn cợt lắm câu
Bày ra trò lạ ở đâu ghẹo đời!
Ông muốn khiến một người thắt cổ
Bỗng thừng kia, anh nọ chui vào
Ông đùa những cách lạ sao?
Ngôn ngữ: Chưa xác định
Gửi bởi karizebato ngày 11/09/2009 03:17
Con Dê, con Cừu, con Lợn béo
Cùng một xe đương kéo qua đường
Chủ nào có phải vì thương
Đem ra chơi chợ coi phường leo dây
Hay là dắt đi đây đi đó
Để cho coi phường phố thị thành
Chẳng qua đem bán cho nhanh
Nó tham lời lãi chớ tình nghĩa chi
Lợn í éc một khi ỏm tỏi
Ngỡ trăm dao nó đuổi theo sau
Dê, Cừu chẳng rõ vì đâu
Mà kêu nhức óc váng đầu người ta
Hỏi: - Cớ chi mà la thế vậy?
Thử im mồm nằm đấy xem sao?
Chủ nhân nổi giận ào ào
Mắng Heo vô cớ kêu gào điếc tai
- Kìa bắt chước như hai gã nọ
Cứ ở yên phỏng có mất gì?
Con Cừu ngậm miệng lì lì
Khôn ngoan rất mực ai thì không yêu
Heo bèn đáp: - Lựa theo thằng ngốc
Tôi đây nào phải học chú Cừu
Ví chăng Cừu biết phận Cừu
Thì Cừu chắc hẳn lo ưu mấy lần
Còn Dê nọ an thân nằm đó
Cũng chẳng qua là họ ngu si
Hai thằng này ngỡ có khi
Gọt lông và sữa vắt đi là cùng
Có lẽ thế là xong phận họ
Còn tôi đây thân nọ đã đành
Chỉ đem nướng chả, nấu canh
Sống mà cái chết vẫn dành một bên
Cho nên phải khóc rên rầm rĩ
Ngẫm Heo ta thâm thúy lạ dường
Nhưng mà dẫu thét cùng đường
Chết đành vẫn chết ai thương đâu mà
Biết cam thân phận mới là
Gửi bởi karizebato ngày 11/09/2009 03:10
Chó rừng và chó giữ nhà còm
Mới rồi kể chuyện cá con
Kêu ca tán tụng nỉ non hết lời
Mà sau cũng phải vào nồi
Con gà đã nhốt chuồng rồi chớ tha
Thả ra mà đuổi ai mà
Dại ngây vô giá, thật là nên chê
Người khôn cá chẳng dại gì
Thủ thân là nghĩa, ai thì chẳng siêng
Giải cho nghĩa ấy phân minh
Nên đem chuyện nữa kể thêm sau này
Chó rừng kia mới dại thay!
Gặp muông gia cẩu ở ngay cổng làng
Đã toan quắp lấy gọn gàng
Nỏ mồm chó lại kêu van còn gầy
- Xin ngài hãy xá thân này
Để chờ ông chủ tháng này cưới con
Cô tôi gặp hội đào non
Bụng này no béo chẳng còn thiếu chi
Chó rừng tin vậy tha đi
Cách chừng mấy bữa rồi thì lại sang
Xem gầy hay béo cho tường
Ai hay chó lẩn gậm giường nọ ra
Cách trong bờ giậu nói qua:
- Đợi đây một lát tôi ra bây giờ
Anh bằng lại có lòng chờ
Cả anh thủ hộ cũng đưa ra chào
Thủ hộ là chó dữ sao
Chó rừng vùng ấy con nào cũng kinh
Anh kia nghe vậy biết tình
Chào qua Thủ hộ chạy nhanh vô rừng
Đã nhanh mà dại vô chừng
Sài lang mà lại chưa từng mưu gian
Ngôn ngữ: Chưa xác định
Gửi bởi karizebato ngày 11/09/2009 02:11
Người sửa giầy và nhà tài phiệt
Anh sửa giầy cả ngày ca hát
Tự mãn rằng hơn bát tiên xưa
Nhìn anh thú vị thực ưa
Giọng anh hát khiến say sưa mọi người
Ông tài phiệt cạnh thời trái lại
Ngủ ít và chẳng thấy ông ca
Bạc vàng chất chứa đầy nhà
Thường đêm về sáng mới vừa thiu thiu
Thì thợ giầy lại cao tiếng hát
Khiến phú ông khôn đạt giấc mòng
Ước gì cái ngủ bán rong
Như đồ ăn uống! Trời không chìu người!
Anh ca sĩ tức thời được thỉnh
Sang nhà bên diện kiến phú ông
Vào đề không hỏi viễn vông:
"Mỗi năm anh kiếm được bao công là?"
Vốn vui tính, cười xòa anh đáp:
"Tính toán thì không hạp với tôi
Tôi đâu có được tiền dôi
Kiếm ăn năm tháng lần hồi đủ tiêu"
- Vậy mỗi ngày bao nhiêu cho biết?
- Buổi ít nhiều, chi tiết đâu ghi
Khổ năm lễ lạt lắm kỳ
Những ngày lễ lạt tôi thì ngồi meo
Người ta mắc phải nghèo vì lễ
Hết lễ này lại kế lễ sau
Nghe lời chất phác gật đầu:
"Hôm nay tôi giúp anh giàu sang ngay
Hãy giữ lấy tiền này tôi tặng
Mỗi khi cần sẵn có mà tiêu"
Nhiều sao, ôi thật là nhiều!
Của cả thế giới bây nhiêu là cùng
Anh đem về vô chum, chôn cất
Bản tính anh vui mất tự đây
Ca cũng bặt, ngủ hết say
Lo âu, sợ sệt đêm ngày trông nom
Dẫu con mèo chân bon nhè nhẹ
Cũng nín hơi anh ghé tai nghe
Ngờ luôn cả chú mèo kia
Nó toan ăn trộm cái gì của ta!
Sau quyết định sang nhà bên cạnh
Người khi xưa anh đánh thức hoài
Đòi về giấc ngủ đêm dài
Đòi về giọng hát thảnh thơi vui ròn
Tiền ông, anh túc số hoàn...
Ngôn ngữ: Chưa xác định
Gửi bởi karizebato ngày 11/09/2009 02:08
Bác chữa dép sớm chiều ca hát
Thấy bác là đẹp mắt vui tai
Véo von trầm bổng hát hoài
Thất hiền hồ dễ đã ai sướng bằng?
Ông hàng xóm đeo vàng dắt bạc
Trái lại đời thua bác sướng rơn
Hát ít, ngủ lại ít hơn
Đời con người ấy chỉ toàn tiền nong
Sáng có buổi giấc mòng thiêm thiếp
Đã nghe anh chữa dép hát vang
Làm tan giấc điệp mơ màng
Phú ông bực dọc thở than oán trời
Sao ngoài chợ không ai bán ngủ
Như uống ăn, đầy đủ cho ta?
Mời chàng hay hát sang nhà
Phú ông mới hỏi: "Úi xà, bác Nhiêu
Mỗi năm kiếm bao nhiêu tiền nhỉ?"
Bác Nhiêu cười củ mỉ thưa qua:
"Mỗi năm? Xin nói thật thà
Tôi đâu tính vậy tới hòa trọn năm!
Kiếm đâu ra của ăn của để
Hôm nay còn tiếp kế hôm sau
Lần hồi rút cục chỉ cầu
Quí hồ sống nổi đến đầu sang năm
Mỗi ngày đủ cơm ăn là tốt"
- Thế bao nhiêu phỏng một ngày công?
- Khi hơn khi kém bất đồng
Chỉ hiềm một nỗi làm không được đều
Nếu không có điều gì trắc trở
Tiền kiếm ra cũng khớ xung xinh
Mỗi năm mắc míu linh tinh
Những ngày lễ lạt thôi đành ngồi suông
Lại hội hè nhiễu nhương tối kỵ
Người bày trò ta bị thiệt lây
Cái kia làm hại cái này
Và ông cha xứ cứ xoay xở hoài
Lắm thánh mới, lắm ngày giảng thuyết
Ngày lễ làm thua thiệt ngày công
Nghe người chất phác ngỏ lòng
Miệng cười nhăn nhở phú ông bảo rằng:
"Nay lão muốn bác tăng phúc lộc
Rước bác lên bệ ngọc ngai rồng
Tiền đây cầm lấy trăm đồng
Đem về cất kỹ, cần dùng tiêu pha"
Bác chữa dép tưởng là trông thấy
Tất cả tiền trăm mấy năm nay
Trần gian đã đúc ra đây
Để cho thiên hạ chia tay tiêu dùng
Bác về nhà dấu trong hầm kín
Cất túi tiền, cất biến cả vui
Không hát nữa, mất giọng rồi
Được luôn nguồn khổ cho đời chúng ta
Giấc ngủ kỹ bỏ nhà đi biệt
Mối lo âu bám riết không rời
Nghi ngờ, hoảng hốt, bồi hồi
Ngày thời mắt trố, đêm thời tai căng
Mèo sịch động, tưởng rằng mèo cuỗm...
Cuối cùng con người khốn đáng thương
Chạy ngay tìm lão giàu sang
Mà bác đã hết làm tan giấc nồng
Rằng: "Thôi thôi, xin ông chủ bạc
Trả lại tôi giọng hát, giấc say
Tiền trăm xin trả ông đây"...
Gửi bởi karizebato ngày 07/09/2009 04:20
Có những người-đánh-thức-tiềm-lực không biết mệt mỏi, dám “xé rào cơ chế”, dám “chịu nghe” lời khác, ngược lại công thức phát ngôn chính thống, dám hành động vừa quyết đoán vừa nhân tình... chúng ta mới có được một con đường đổi mới...
Hồi này, thời thế “dễ thở hơn” rồi. Thẫn thờ nhớ một “thời khó thở”, thời hậu chiến gian khổ, kéo dài hơn một thập kỷ sau 1975.
30-4-1975, cả dân tộc thở phào nhẹ nhõm trút gánh nặng 30 năm máu lửa khốc liệt. Một thằng lính làm thơ là tôi không chỉ thở phào mà còn nhảy dựng lên, hát toáng lên: ”... Tôi đi tìm thân nhân qua rừng già nguyên thuỷ/ tôi đi tìm thân nhân qua rừng kẽm gai Mỹ/... Hỡi ai không gặp thân nhân/ xin cùng tôi chung mái nhà ấm áp/ là nguyên vẹn nhân dân - Tổ quốc/ ta hành hương trên đất đai sum họp/ nơi nào cũng có thân nhân!...“ (Tìm thân nhân - 1975).
Phơi phới vui hoà bình, thống nhất. Và hi vọng xanh rờn. Trên đất đai này chỉ còn người Việt Nam với nhau. Đã có người tếu táo rằng: “Từ nay sẽ không còn kẻ ngoại bang nào dám đụng đến cái lông chân của người Việt Nam!“. Vậy mà đáng tiếc thay, chính người Việt Nam với nhau lại đưa nhau vào một thời ngạt thở mới.
Thời đó, sau 1975, bạt ngàn lính giải ngũ, trở lại nơi xóm làng xơ xác sau chiến tranh. Triệt để hợp tác hoá ở nông thôn. Đánh tư sản, triệt nhà giàu ở thành thị. Kẻ vào trại học tập cải tạo, không bản án, không thời hạn. Người ra biển vượt biên không hẹn ngày về, phó mặc sinh mạng cho sóng gió và ma quỉ. Đất nước liền một dải mà lắm nhà lại lâm cảnh ly tán. Mà cõi lòng lại đau nỗi cắt chia mới. Lương thực viện trợ của nước ngoài như hồi chiến tranh không còn nữa. Nạn đói hoành hành khắp nước. Đột ngột lính Pol Pot tràn sang, thảm sát dã man dân lành suốt một dải biên giới Tây Nam. Lại đột ngột súng nổ, lại chết người, lại cháy nhà, suốt toàn tuyến biên giới phía Bắc. Một thằng lính làm thơ là tôi đã cởi áo lính rồi, lại cùng lính ra mặt trận phía Nam, lên mặt trận phía Bắc. Lại đột ngột làm thơ trận mạc: ”... Biên ải xưa giặc dã mới tràn vào/ máu lửa ngỡ cũ rồi mà vẫn mới/ gian truân xưa cứ tưởng đã cũ rồi...“ (Lên mặt trận ngày đầu - Lạng Sơn 17-2-1979).
Nền kinh tế quốc gia “tuột dốc theo chiều rơi thẳng đứng” (chữ của nhà thơ Tố Hữu, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ). Lại thiếu gạo. Lại đứt bữa. Lại thấy người ăn mày đầy đường. Lại ăn độn đủ cả sắn, ngô, khoai, bo bo, mì sợi, mì bột, mì hột. Nhà tôi bắt đầu nuôi lợn trên lầu ba... “nâng con lợn lên ngang tầm thời đại!...”
Thời đó, gia đình tôi ở trong khu tập thể Hội Văn nghệ TPHCM: ”... lầu ba, nhà 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa/ tiếng tắc kè nhỏ giọt trong đêm/ tiếng mưa rừng nhỏ giọt trong trí nhớ/ vết đạn trên tường dù trát lại vẫn có màu vôi khác...“. Nghe tiếng tắc kè kêu trong thành phố, nhìn thấy ánh trăng một đêm cúp điện, lại nhớ về những cánh rừng xưa, những bạn lính cũ. Lại thương đến nhão lòng những ước mơ đơn sơ, mộc mạc một thời. Về với mẹ. Về với vợ con. Về với thanh bình vườn ruộng. Về để làm cho dân giàu nước mạnh. Sắp về!... Sắp về!... Con tắc kè trên rừng cây “giơ xương trắng lên trời” do chất độc khai quang hồi đó, nó nói thế. Nó nhắc thế. Nó cứ điệp khúc thế. Cái điệp khúc mơ của người lính trận.
Một cựu binh là tôi lại bắt đầu mơ một điệp khúc mơ đơn sơ mộc mạc khác: “Hãy thức dậy, đất đai!/ cho áo em tôi không còn vá vai/ cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn...“.
Và bắt đầu một nỗi day dứt khác: ”... Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non/ châu báu vô biên dưới thềm lục địa/ rừng đại ngàn bạc vàng là thế/ phù sa muôn đời như sữa mẹ/ sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể/ còn mặt đất hôm nay - em nghĩ thế nào?/ lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?...“.
Đó là nỗi day dứt của một thường dân. Kèm theo là nỗi day dứt của một thường dân làm thơ: ”... Lúc này ta làm thơ cho nhau/ đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt/ ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ tiềm lực còn ngủ yên...“.
Từng chút, từng chút, ý tứ bài thơ Đánh thức tiềm lực tượng hình dần trong tâm trí tôi, đến đầu năm 1980 mới ngọ nguậy nở thành từng con chữ trên giấy. Những dòng chữ nặng nề và chậm chạp chở lênh đênh tâm sự trầm buồn và chân thật như bọt bèo, như rều rác bập bềnh trôi trên dòng sông tuổi thơ.
Thêm rồi bớt, viết rồi sửa, đến giữa năm 1982 bài thơ dài ra thành vài trăm dòng. Tôi tự thấy nó còn nôm na lắm, ngôn ngữ thơ chưa được. Nhưng cái được ở đây là tâm tình thật của tôi. Thôi, cứ để thế. Tôi dừng bài thơ lại với đoạn kết: “Tôi muốn được làm tiếng hát của em/ tiếng trong sáng của nắng và gió/ tiếng chát chúa của máy và búa/ tiếng dẻo dai đòn gánh nghiến trên vai/ tiếng trần trụi của lưỡi cuốc/ lang thang khắp đất nước/ hát bài hát đánh thức tiềm lực!“.
Bài thơ đi từ trong lòng ra nên tôi thuộc lòng nó ngay từ lúc vừa viết vừa sửa, cứ lẩm bẩm một mình như lên cơn thần kinh. Thời đó, thơ như thế là “gai góc” quá, thậm chí là “phản động”, không những bị cấm in mà còn bị cấm đọc. Cái thời hễ có ai phát ngôn khác đi so với công thức phát ngôn chính thống thì đều bị qui là “phản động”, bị “kiểm thảo”, bị “kỷ luật”...
Bản thân tôi, năm 1973-1974 ở Hà Nội cũng đã từng khốn đốn, lao đao vì mấy bài thơ “có vấn đề” bị viết bản “tự kiểm” (14 trang giấy khổ lớn, hồi ấy gọi là “giấy năm hào hai”). May thay, cuộc tổng tấn công mùa xuân 1975 bùng nổ, rồi thống nhất đất nước... Sự kiện lịch sử lớn lao xoá phăng đi cuộc sát phạt nhỏ mọn trong làng văn tù túng, lũ chúng tôi bỗng tự nhiên thoát nạn.
Thế mà ngay khi tôi vừa viết xong bài Đánh thức tiềm lực, đột ngột được tin lão thi sĩ Hoàng Cầm bị tống ngục Hoả Lò chỉ vì tội tự ý phát tán bản chép tay tập thơ Kinh Bắc của chính ông, trong đó có bài Lá diêu bông “ám chỉ chủ nghĩa xã hội là không tưởng”. Tôi không khỏi chột dạ. Tự xem xét lại mình, thơ của tôi rõ ràng là có “rất nhiều vấn đề”. Xin nhớ cho, lúc đó là giữa năm 1982.
”... Lời nói thật thà có thể bị xử tội/ lời nịnh hót, dối lừa có thể được tuyên dương/... có cái miệng làm chức năng cái bẫy/ sau nụ cười là lởm chởm răng cưa/ có cái môi mỏng ráp hơn lá mía/ hôn má bên này bật máu má bên kia/ có trận đánh úp nhau bằng chữ nghĩa/ khái niệm bắn đi không biết lối thu về.../ Cần lưu ý có lắm nghề lạ lắm/ nghề mánh mung cứa cổ bóp hầu nhau/ nghề chửi đổng, nghề ngồi lê, nghề vu cáo/ nghề ăn cắp lòng tin và chẹt họng đồng bào/ có cả nghề siêu nghề gọi là nghề không làm gì cả/ thọc gậy bánh xe cũng một thứ nghề...“ (đoạn viết năm 1980).
Viết thế ấy thì in ở đâu và đọc cho ai? Chỉ dám đọc chơi với vài bạn rượu tri kỷ. Được đoạn nào “rỉ tai” đoạn nấy, từng đoạn, từng đoạn rời rạc. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng an ủi tôi: “Cứ đợi đấy, rồi sẽ đến hồi có người nghe và có người in”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì “triết” hơn: “Sự chân thành tự nó hoá giải bế tắc. Hãy xem lại cái cây mình có thật ngay thẳng không. Cây ngay chẳng sợ chết đứng”. Tôi đã thấy những “cây ngay” mà vẫn bị “chết đứng”, nên lòng cứ thấp thỏm một nỗi lo ngại không xác định, tự nhủ mình phải giữ gìn, chớ hớ hênh mà rước vạ.
Khốn nỗi, cũng giống như có ghẻ phải gãi, có thơ không thể không đọc. Không được in thì cứ đọc, mai sau dù có ra sao cũng đành... (một câu hát của Trịnh Công Sơn). Oái oăm thay, lần đầu tiên tôi công bố Đánh thức tiềm lực, đọc liền mạch hoàn chỉnh toàn bài thơ, lại là đọc tặng một người thuộc lớp người “đáng sợ” nhất lúc bấy giờ: ông Sáu Dân, tức Võ Văn Kiệt - uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư Thành uỷ TP.HCM.
Hồi đó, khoảng đầu thu năm 1982, ông Sáu sắp sửa thôi giữ chức bí thư Thành uỷ để ra Hà Nội làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch nhà nước. Ông Nguyễn Quang Sáng chợt nảy sáng kiến họp mặt vài anh em bạn ruột (ngay tại căn hộ lụp xụp của ông trong khu tập thể 194B Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để mời ông Sáu đến... chơi! “Quí trọng ông Sáu thì tụi mình mới mời ổng uống ly rượu đế. Trước, để coi ổng có chịu đến chơi không. Sau, để nói thẳng nói thật với ổng chút ít tâm sự của tụi mình về tình hình thế sự”. Ông Sáng xác định “mục đích và ý nghĩa” cuộc gặp như vậy, rồi gọi điện thoại “thử” xin nói trực tiếp với ông Sáu. Ông Sáu nhận lời ông Sáng.
Cuộc “chơi” hôm đó thật thoải mái và vui vẻ. “Phe văn nghệ” có nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, nhà thơ Nguyễn Bá (từ Cần Thơ lên) và tôi. “Phe chính trị” có mỗi ông Sáu.
Với nét cười hồn hậu, cởi mở, ông Sáu nói rất ít, không một lời “huấn thị”, chỉ kể một kỷ niệm vui vui hồi chiến tranh, rồi chăm chú lắng nghe chúng tôi hát và “tự do ngôn luận”. Nguyễn Quang Sáng nói chuyện viết và lách, viết đã khó, lách còn khó hơn. Trịnh Công Sơn vừa hát tình ca vừa góp ý với lãnh đạo thành phố về vấn đề... ẩm thực. Trần Long Ẩn trổ tài “ca bài ca cà chớn”, những ca khúc lời nhại hài hước diễu cợt cả thời đại. Còn tôi, không biết nói gì hơn là “xin đọc tặng anh Sáu một bài thơ vừa ráo mực, bài Đánh thức tiềm lực...”.
Xin chèn ngang một mẩu chuyện cũ... Tôi chỉ mới được gặp ông Sáu có mỗi một lần, khoảng giữa năm 1981, trong buổi tổng kết cuộc sinh hoạt chính trị (do nhà thơ Bảo Định Giang điều hành) chuẩn bị thành lập Hội nhà văn TP.HCM. Thấy nhiều người đọc thơ tặng ông Sáu, tôi cũng đọc, bài Ông già Hậu Giang ngang tàng (bản in sau đó đổi ra Ông già Nam bộ), và bài Bán vàng - để “báo cáo” với bí thư thành uỷ về đời sống thực của số đông thi sĩ lúc bấy giờ. Khúc dạo đầu còn e ngại lắm, nơm nớp lo có người ngăn cản: “... Tâm hồn ta là một khối vàng ròng/ đành đem bán bớt đi từng mảnh nhỏ/ Ta mơ màng, ta uốn éo, ta lả lơi/ để mặc kệ mái nhà xưa dột nát/ mặc kệ áo quần thằng cu nhếch nhác/ mặc kệ bàn tay mẹ nó xanh xao/ ta rất gần bể rộng với trời cao/ để xa cách những gì thân thuộc nhất...”
Không bị ai chặn lời, tôi mạnh dạn “làm tới”: “... Cái ác biến hình lởn vởn quanh ta/ tai ách đến bất thần không báo trước/ tờ giấy mong manh che chở làm sao được/ một câu thơ chống đỡ mấy mạng người/ Vợ chồng ngủ với nhau đắn đo như vụng trộm/ không cái sợ nào bằng cái sợ sinh con/ hạnh phúc lớn vòng tay ôm không xuể...”.
Vẫn không thấy ai chặn lời. Phòng họp lặng ngắt. Tôi bình tâm kết thúc bài thơ: Thì bán bớt đi một ít vàng ròng/ để sống được qua ngày gian khổ đã/ phải sống được qua cái thời nghiệt ngã/ để khối vàng đây chỉ đổi lấy mây trời!
Sau cuộc họp đó tôi không những không bị “búa” như dự đoán của tôi và của nhiều người khác, mà lạ thay còn được người thư ký của bí thư thành uỷ tìm gặp: “Anh Sáu nhắn cậu chép tặng anh ấy bài Bán vàng và bài Ông già Hậu Giang để làm kỷ niệm tình cảm”. Tôi hơi ngại, hỏi lại Nguyễn Quang Sáng: “Liệu có phải ông Sáu cần văn bản chứng cớ để xử lý?...”. Ông Sáng nói: “Chắc không phải. Nếu muốn xử, ổng chỉ cần ra lệnh”. Tôi bèn chép hai bài thơ và không quên ghi cẩn thận dưới tên mỗi bài: Tác giả chép tặng anh Sáu Dân để làm kỷ niệm tình cảm.
Ít lâu sau, tại cuộc gặp gỡ nhân dịp đại hội thành lập các hội nghệ thuật chuyên ngành của thành phố, với tư cách bí thư thành uỷ, ông Sáu nói chuyện với đông đảo văn nghệ sĩ. Trong bài nói không dài đó của ông Sáu Dân có một đoạn tôi không bao giờ quên: “Vừa qua, tôi đã nghe và đã đọc bài thơ Bán vàng của nhà thơ Nguyễn Duy. Theo tôi, đó là một bản án nhân tình đối với chế độ của chúng ta. Đau, nhưng là sự thật. Chúng ta cần chân thành nhìn nhận sự thật để cùng nhau vươn lên, vượt qua giai đoạn khó khăn. Muốn vượt lên thì phải có niềm tin. Mà cốt lõi của niềm tin là tin ở con người...”.
Lần đầu tiên tôi trực tiếp nghe một bài huấn thị chính trị như thế, trực tiếp thấy một nhà lãnh đạo chính trị ứng xử như thế. Đó là khoảng giữa năm 1981. Quả là bất ngờ. Tự nhiên tôi xúc động, vì một cái gì đó mà tôi chưa biết gọi nó là cái gì, hình như nó chỉ là cái lẽ nhân tình bình thường mà sao ta ít thấy ở những vị quan lớn. Và, tự nhiên tôi cảm thấy tin ông...
Lúc này, với tất cả nỗi niềm “tin ở con người”, tôi lại trang trọng kính tặng ông Sáu một “rừng gai góc” mới. Tôi đứng ngay ngắn, nhìn thẳng ông Sáu mà đọc, thấy ông không cười cười nữa, hơi cúi đầu đăm chiêu với gương mặt bình thản không phơi lộ cảm xúc. Tôi cũng bình tâm làm phận sự của mình: ”... Xưa mẹ ru cho ta ngủ yên lành/ để khôn lớn ta hát bài đánh thức/ có lẽ nào người lớn cứ ru nhau/ ru tiềm lực ngủ vùi trong thớ thịt/ Tiềm lực còn ngủ yên trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng/ Tiềm lực còn ngủ yên trong bộ óc mang khối u tự mãn”.
Không ngắc ngứ, không ngừng nghỉ, tôi kéo một lèo khoảng 10 phút cho đến hết bài thơ. Thấy ai nấy ngồi lặng. Ông Sáu cũng im lặng chốc lát, mới chậm rãi: “Nặng lắm. Nhưng chịu được”. Hình như ông vừa trải qua một cuộc tra tấn. Rồi ông tiếp: “Nếu kể về cái tiêu cực thì tôi kể cả ngày không hết. Còn nếu kể về cái tích cực thì tôi kể cả tuần cũng không hết. Nhưng vấn đề ở đây không phải là chống tiêu cực hay biểu dương tích cực. Vấn đề ở đây là con người, là văn hoá. Con người có thức dậy thì đất đai mới thức dậy được...”.
Nghe ông Sáu, tôi thở phào nhẹ nhõm, trút bỏ nỗi lo ngại không xác định lâu nay vốn nặng trĩu lòng. Thì ra những câu thơ “khó chịu” thế kia không phải chờ đến mai sau mới có người lắng nghe và chia sẻ. Những người “chịu nghe” và “chịu được” loại thơ “nặng lắm” ấy đã hiện diện quanh tôi ngay từ “thời khó thở” đó.
Sau cuộc đọc thơ đó, tôi bèn đem Đánh thức tiềm lực đi đọc và “phát tán” ở nhiều nơi. Có nơi “hoan hô nhiệt liệt”, mời đọc, cho phát hành bài thơ bằng băng ghi âm hoặc bản in rônêô. Lại có nơi cấm đọc, cấm lưu hành cũng bài thơ đó. Nó xuất hiện muộn hơn trên mặt báo và sách. Lần đầu tiên Đánh thức tiềm lực được in là trên tờ Văn nghệ Đồng Nai do nhà thơ Xuân Sách làm tổng biên tập, số tháng 12-1984. Nhưng tờ báo văn tỉnh lẻ này chỉ ra mỗi tháng một kỳ, mỗi kỳ mấy trăm bản, loanh quanh trong “xóm” Đồng Nai, ít ai biết đến.
Mãi cuối năm 1986, sau nghị quyết “Đổi mới” của Đại hội VI Đảng Cộng sản VN - được coi là đại hội “mở cửa” và “cởi trói” - bài Đánh thức tiềm lực mới được đăng nguyên văn trên báo Tuổi Trẻ, được phát hành khắp trong nước và ngoài nước. Năm 1987, Đánh thức tiềm lực có mặt đàng hoàng trong tập thơ “Mẹ và em” cùng với bài viết “Đi tìm tiềm lực trong thơ Nguyễn Duy” của Nguyễn Quang Sáng (Nhà xuất bản Thanh Hoá). Và từ đó nó đã được chọn vào nhiều tuyển tập. Có một dòng đề từ ngay dưới tên bài thơ, tôi viết thêm sau cuộc đọc thơ vừa kể, để ghi nhớ một kỷ niệm sâu sắc thời kỳ trước đổi mới: “tiễn đưa anh Sáu Dân đi làm kinh tế”. Chính nhờ có những người-đánh-thức-tiềm-lực không biết mệt mỏi, những người dám “xé rào cơ chế”, dám “chịu nghe” những gì khác đi, thậm chí là ngược lại cái công thức phát ngôn chính thống, dám hành động vừa quyết đoán vừa nhân tình... như ông Sáu Dân, chúng ta mới có được một con đường đổi mới với những ngày “dễ thở hơn” như hôm nay.
Gửi bởi karizebato ngày 05/09/2009 22:12
Một nhà nho quê ở Nam Trực (nay thuộc huyện Nam Ninh) lên phố Hàng Thao hát cô đầu, bị cô đào nẫng mất chiếc ô lục soạn đắt tiền.
Ông này tiếc của nhưng không biết làm thế nào, bèn đến nhà Tú Xương nhờ ông Tú rửa cho cái hận này. Ông Tú vui vẻ nhận lời.
Sáng hôm sau, chủ nhà ả đào nhận được tờ hoa tiên có bài thơ trên. Bài này được lưu truyền rộng rãi khiến nhà ả đào bị mất khách. Bà chủ ả đào chẳng phải tay vừa, biết ngay là trò của cậu Tú, liền đến xin cậu thương và tha cho các "em nó".
Không biết bà chủ thưa thốt dàn hoà thế nào mà vài hôm sau ở thành Nam lại lưu truyền một bài thơ khác trả lời bài "mất ô" trước:
Chẳng qua muôn sự tại trời
Thôi thôi xin chớ dài lời làm chi!
Nắng thì nắng cũng có khi
Mưa thì mưa cũng có kỳ mà thôi
Thật lòng anh có thương tôi
Thì anh cứ việc đội trời mà lên!
Nhược bằng anh có bắt đền
Thì xin đền cái đắt tiền bằng ba!
Kết cục là nhà ả đào ấy lại dập dìu ong bướm như xưa. Và nhà nho nọ hẳn phải được đền cái "đắt tiền bằng ba"!
Trang trong tổng số 22 trang (215 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối