Trang trong tổng số 923 trang (9226 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] ... ›Trang sau »Trang cuối
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 27/09/2024 22:26
Và tiếng pháo rền vang, rền vang
Mìn reo vui nổ ở rìa làng
Chim én tung tăng bay đi làm tổ
Xây xong rồi tổ ấm bình an.
Thôi từ nay ra khỏi hầm trú ẩn
Ta đón ngày trọng đại vinh quang
Rồi mọi người cười nói: “Hãy nhìn xem
Ở hậu phương mẹ biết đó ngày vui”
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 26/09/2024 21:48
Ngàn non lớp lớp giậu phên xanh,
Mười bậc trèo lên đến Nhị Thanh.
Tạo hoá năm nao gây cảnh đẹp,
Cao nhân đất ấy trồng cây linh.
Nghìn thu hương khói chân dung tại,
Một mạch văn chương, phúc ấm dành.
Thăm cậu, nay may đường sứ thuận,
Đã tàn hương cúng, rượu đàn thanh.
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 26/09/2024 20:46
Thú du ngoạn thoả chí tang bồng của kẻ sĩ quân tử, chẳng gì vui bằng đi sứ. Trải gió bụi, vượt núi sông; rong ruổi hơn chín ngàn dặm. Sông núi được ngắm xem, nhân vật được giao tiếp; đều là những điều mà ngày thường xưa nay tai mắt chưa từng trải. Trong cuộc phiêu du sảng khoái, ý thơ thần diệu du dương, thể hiện trong thi ca đề vịnh, tự nhiên đáng vui mừng. Xưa nay đi sứ, có biết bao người, nhưng những bài thơ hay, những câu thơ tuyệt diệu thực không người nào giống người nào. Đó há chẳng phải khi cái thần đã đến, cảm hứng dấy lên, gặp cảnh sinh tình thì người ngày nay chưa chắc đã chịu kém cổ nhân. Tập Tinh sà của cha tôi gần đây đã được người đời ngâm ngợi yêu thích. Anh tôi gặp thời thịnh trị, nối bước vẻ vang của cha ông, đang tuổi cường tráng, được chọn trao việc “chuyên đối”. Đọc suốt tập thơ thấy tình cảm lai láng, xem trong đó tức như khói sóng sông Hán Tương, đầm Vân Mộng, cảnh sắc lầu Hoàng Hạc lầu Nhạc Dương, cùng dấu tích xa xưa hưng phế của Trung Nguyên, cảnh đẹp huy hoàng của Yên Đài hoa lệ, tất cả hiện rõ mồn một nơi ngọn bút. Lời thơ đã không bỏ cái cốt cách của người xưa, mà ý tứ lại phiêu dật, cách điệu ôn nhã, so với các nhà thơ danh tiếng cũng đâu có chịu kém. Cuộc đi sứ này thực thoả chí kẻ trượng phu, làm rạng rỡ gia phong. Ôi, nói về cuộc đi sứ của anh tôi ư? Thực không phụ danh là người đọc Kinh thi vậy.
Tập thơ gồm hơn 150 bài. Khi anh tôi trở về biên tập lại, giao cho tôi phê duyệt, viết lời bạt và hiệu đính. Tôi nghĩ mình kém cỏi không bằng anh, thẹn vì ở sâu trong núi, chỉ căn cứ vào những ghi chép của sách, mà tụng đọc lan man những điều cặn bã của người xưa để lại. Đối với những điều tuyệt diệu về cuộc đi sứ hào hùng của anh, tôi đâu dám động bút thêm lời. Tuy nhiên, khi tâm thần đã xúc cảm thì như hoà cùng cảnh sắc; ý tứ đã gặp gỡ thì lòng như tỉnh ngộ. Xưa vốn có người nằm ôm đàn mà tưởng tượng chuyện rong ruổi, cho nên các bài thơ trong tập thơ này tôi xin ngâm lên mà phẩm bình. Như thế thì đại quan cảnh vật của đất Trung Nguyên cũng có thể lấy thần mà lĩnh hội được. Còn như cái tinh tường của từng câu chữ, ý tứ mới mẻ phóng dật thì người đọc sẽ tự mình hiểu được.
Ngày rằm tháng 2 năm Canh Thìn (1829), em là Hạo kính viết lời bạt tại Ninh Sơn học xá.
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 23/09/2024 11:20
Tôi lúc nhỏ theo học tiên sinh Tham chính họ Nguyễn người Lai Thạch. Thám hoa là con trưởng tiên sinh2, lớn hơn tôi chín tuổi, cùng học với tôi, dần dà nhiều năm tháng. Tôi may mắn trộm thu lượm được nhiều điều tốt đẹp để tự hoàn thiện mình cũng đã từ lâu. Tiếp đó ông và tôi lại cùng theo học quan Đông các họ Vũ và quan Thám hoa họ Đỗ, tình bạn bè đèn sách giúp nhau nên người đâu chỉ một sớm một chiều. Như vậy đấy.
Khoa Mậu Thìn (1748) ông đỗ tiến sĩ, khoa Giáp Tuất (1754) tôi cũng đỗ tiến sĩ, đường công danh hẹn ước, không thẹn trong đời từng được theo đòi thi thư giáo huấn, thày của chúng ta chẳng thiên vị một ai. Mùa hạ năm Bính Tý (1756) chia tay, tôi đi nhậm chức ở vùng đông nam, tình thương nhớ bạn luôn canh cánh trong lòng. Nay ngẫu nhiên
gặp dịp triều đình có đại lễ, tôi về kinh, nhân đó đến thăm ông. Chợt thấy trên án sách có bộ “Ngũ kinh” bản mới, liền mở xem, thì thấy chính là bộ sách quen thuộc ông vẫn hàng ngày tụng đọc.
Ôi! Môn Kinh học trên đời này, đối với thư tịch chú giải của các Nho gia, việc lược bỏ những chỗ bề bộn, chọn ra những điều cốt yếu, thì mỗi nhà đều có sách riêng. Nhưng nếu chọn một bản in ra để giúp cho mọi người cùng có thể đọc mà hiểu tường tận thì chưa có sách nào đầy đủ và giản dị như sách này. Tôi vui mừng, vì thế viết mấy lời đề ở đầu sách.
Năm Mậu Dần, niên hiệu Cảnh Hưng (1758), “quyến đệ” là Phan Cận, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1754), Hàn lâm viện Hiệu thảo, Thự Hải Dương xứ Án sát sứ, người Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc đề tựa.
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 21/09/2024 21:00
Than ôi!
Đảo Bồng khói toả, xe tiên khôn nỗi vin theo;
Sân phong móc sa, nhà thánh về nơi yên nghỉ.
Lòng nhớ mong thường phảng phất chốn canh tường;
Nỗi đau xót chỉ ngậm ngùi nơi phủ ỷ.
Nhớ xưa:
Đức Thần Vũ vâng mệnh lớn, trên mình ngựa dầy công khai sáng, đem cả non xanh nước biếc về cõi thái bình;
Ơn nhà trời giáng phúc lành, đàn chung tư đương độ đông vui, mừng thấy lá ngọc cành vàng đầy bầu vượng khí.
Sinh thành bao đức cù lao;
Dạ bảo mọi người đường lễ nghĩa.
Thuở nhỏ đã gia công rèn cặp, nhà dưỡng mông từng học đạo tu tề;
Đường xa càng để ý lo toan, nơi cung Chấn sớm dựng ngôi thừa kế.
Người hiền tài được vào chốn hổ vi;
Cảnh êm ấm khác nào thơ “Lân chỉ”.
Những tưởng bệ son thanh thả, vầng trăng trong chiếu mãi chén quỳnh tương;
Nào ngờ con tạo khắt khe, cơn gió lạnh bỗng tràn nơi ngọc kỷ.
Người cưỡi rồng đã xa chốn Đỉnh Hồ;
Việc che chở càng nhớ câu Phong thuỷ.
Ngoảnh lại bao năm cung kiếm, bỗng lạnh lùng hôm sớm, chỗ ăn nằm đã khác hẳn xưa;
Lo thay một mối non sông, dù nơm nớp vực băng, việc đường cấu vẫn e không xuể.
May oai xưa còn vững, vẻ búa cờ vẫn được huy hoàng;
Đem di chỉ noi theo, lời châu ngọc dường như mới mẻ.
Ngắm hoa cỏ Chiêu Lăng năm trước, bâng khuâng thêm cảm cảnh đình vi;
Tùng thu ấp Bái dặm ngàn, man mác những đau lòng mây bể.
Khói nhang nghi ngút biết bậc cùng;
Tơ tóc đền bồi chưa chút kể!
Xe liễu sáng mai sớm cất, xót xa chỉ biết kêu trời;
Khay chén một chút kính dâng, xin tạm gọi là đủ lễ.
Ô hô! Đau đớn thay!
Kính cẩn tấu cáo.
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 19/09/2024 21:46
Rời nhà hơn ba tháng,
Làm khách ngàn dặm xa.
Ngoái lại, mờ sương khói,
Vẫn biền biệt tin nhà.
Nơi ấy quê mình nhỉ,
Lòng nào không thiết tha!
Cháu con, đứa đã lớn,
Đứa hãy còn u ơ.
Đứa mới lọt lòng mẹ,
Gái trai, chưa tin thư!
Đoàn tụ là mong ước,
Cùng cháu con vui đùa.
Bảo Chân, ngôi tiên quán,
Ta tới lui vẩn vơ.
Thềm vắng hoa rủ bóng,
Sen trắng nhô mặt hồ.
Bốn phía cửa không bụi,
Gió đông quen mặt ta.
Người và cảnh xa cách,
Nỗi nhớ về trong mơ.
Chim bay cũng mỏi cánh,
Tình quê khó khuây khoa.
Nhà nhỏ nhàn năm tháng,
Cửa sài chỉ khép hờ.
Chim ca mời nâng chén,
Yến oanh cùng líu lo.
Phá nỗi sầu uất kết,
Cảnh vật đều nên thơ.
Mừng đôi chân vẫn mạnh,
Mùa dưa đà sắp qua!
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 17/09/2024 02:34
Sao sứ bay qua bám khói lành,
Chín trời đường khó chẳng ngại lên,
Miền nam chướng khí vung tay mở,
Cấp thấp đạo thiền hét tiếng rền.
Tuổi trẻ Chung Quân hơn một bước,
Bàn hay Lục Giả đứng bề trên,
Triều đình về tới nên tâu báo,
Vua thọ, dân xa chúc những đêm.
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 17/09/2024 00:21
Sinh già bệnh chết,
Lẽ ấy thường nhiên.
Muốn cầu giải thoát,
Cởi buộc thêm triền.
Mê mà cầu Phật,
Lầm mà cầu thiền.
Thiền cũng chẳng cầu,
Ngậm miệng quên nói.
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 16/09/2024 23:35
Phương đông tờ mờ sáng,
Mặt đất tối tan dần.
Tâm chạm trần cảnh dấy,
Mắt loà sắc tưng bừng.
Thôi tham ôm xác thúi,
Đầu vùi sớm ngưỡng lên.
Ân cần chuyên sáu niệm,
Hầu mong hợp cơ chân.
Đây là bài cảnh sách buổi khuya thức dậy.
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 16/09/2024 23:29
Một nguyện nguồn linh thường trong lặng,
Hai nguyện tạng thức dứt lăng xăng,
Ba nguyện khối nghi đều tan nát,
Bốn nguyện trăng định mãi tròn đầy.
Năm nguyện pháp trần không khởi diệt,
Sáu nguyện lưới ái lìa buộc ràng,
Bảy nguyện suy nghĩ hành Thập địa,
Tám nguyện nghe suốt bỏ tam thiên.
Chín nguyện tâm vượn thôi nhảy nhót,
Mười nguyện ý ngựa dứt cương yên,
Mười một nguyện mở lòng nghe Phật dạy,
Mười hai nguyện mến thích tổ sư thiền.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
Trang trong tổng số 923 trang (9226 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] ... ›Trang sau »Trang cuối