Thú du ngoạn thoả chí tang bồng của kẻ sĩ quân tử, chẳng gì vui bằng đi sứ. Trải gió bụi, vượt núi sông; rong ruổi hơn chín ngàn dặm. Sông núi được ngắm xem, nhân vật được giao tiếp; đều là những điều mà ngày thường xưa nay tai mắt chưa từng trải. Trong cuộc phiêu du sảng khoái, ý thơ thần diệu du dương, thể hiện trong thi ca đề vịnh, tự nhiên đáng vui mừng. Xưa nay đi sứ, có biết bao người, nhưng những bài thơ hay, những câu thơ tuyệt diệu thực không người nào giống người nào. Đó há chẳng phải khi cái thần đã đến, cảm hứng dấy lên, gặp cảnh sinh tình thì người ngày nay chưa chắc đã chịu kém cổ nhân. Tập Tinh sà của cha tôi gần đây đã được người đời ngâm ngợi yêu thích. Anh tôi gặp thời thịnh trị, nối bước vẻ vang của cha ông, đang tuổi cường tráng, được chọn trao việc “chuyên đối”. Đọc suốt tập thơ thấy tình cảm lai láng, xem trong đó tức như khói sóng sông Hán Tương, đầm Vân Mộng, cảnh sắc lầu Hoàng Hạc lầu Nhạc Dương, cùng dấu tích xa xưa hưng phế của Trung Nguyên, cảnh đẹp huy hoàng của Yên Đài hoa lệ, tất cả hiện rõ mồn một nơi ngọn bút. Lời thơ đã không bỏ cái cốt cách của người xưa, mà ý tứ lại phiêu dật, cách điệu ôn nhã, so với các nhà thơ danh tiếng cũng đâu có chịu kém. Cuộc đi sứ này thực thoả chí kẻ trượng phu, làm rạng rỡ gia phong. Ôi, nói về cuộc đi sứ của anh tôi ư? Thực không phụ danh là người đọc Kinh thi vậy.

Tập thơ gồm hơn 150 bài. Khi anh tôi trở về biên tập lại, giao cho tôi phê duyệt, viết lời bạt và hiệu đính. Tôi nghĩ mình kém cỏi không bằng anh, thẹn vì ở sâu trong núi, chỉ căn cứ vào những ghi chép của sách, mà tụng đọc lan man những điều cặn bã của người xưa để lại. Đối với những điều tuyệt diệu về cuộc đi sứ hào hùng của anh, tôi đâu dám động bút thêm lời. Tuy nhiên, khi tâm thần đã xúc cảm thì như hoà cùng cảnh sắc; ý tứ đã gặp gỡ thì lòng như tỉnh ngộ. Xưa vốn có người nằm ôm đàn mà tưởng tượng chuyện rong ruổi, cho nên các bài thơ trong tập thơ này tôi xin ngâm lên mà phẩm bình. Như thế thì đại quan cảnh vật của đất Trung Nguyên cũng có thể lấy thần mà lĩnh hội được. Còn như cái tinh tường của từng câu chữ, ý tứ mới mẻ phóng dật thì người đọc sẽ tự mình hiểu được.

Ngày rằm tháng 2 năm Canh Thìn (1829), em là Hạo kính viết lời bạt tại Ninh Sơn học xá.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]