Trang trong tổng số 22 trang (215 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bội lan hành (Đông Hồ): Bội lan hành

Tập thơ "Bội lan hành" do Quình Lâm xuất bản năm 1969 sau khi Đông Hồ đã qua đời. Trước đó trên Tập san Văn-Saigon đã đăng bài thơ này vào năm 1966.

Bội lan hành

Nhẫn thu lan dĩ vi bội
(Ly tao)

Trăm kém hai dòng lệ
Gởi lại Mái Trăng Non
Gởi theo gió ly tán
Khắp làng thơ Đau buồn

Lệ khô lòng tấm tức
Chưa hết nỗi oan hờn
Lệ khô rồi lệ rỏ
Quán khách khóc cô đơn

Mực đọng sầu trên giấy
Vần gieo lòng bài thơ
Lệ gieo lòng đau khổ
Sương đọng trên cành khô
Lệ đọng sầu trên gối
Thuyền neo bến mộng bơ vơ

Non xanh xanh
Nước xanh xanh
Non tan tành (bị kiểm duyệt)
Nước tan tành (bị kiểm duyệt)

Gởi ai non nước bài hành

BỘI LAN


Mảnh nguyệt năm tàn vương mỏng manh
Theo con thuyền nhỏ thả lênh đênh
Đêm nay thuyền ghé bờ Vô vọng
Để sáng mai qua bến Bất bình

Kinh cạn sông cùng chèo lúng túng
Đường lầy ngõ tắt bước lanh quanh
Chim bằng cánh mỏi trời thu hẹp
Ngựa ký chân sa đất gập ghềnh
Cá chậu chim lồng chưa thoát khỏi
Miệng hùm nọc rắn sẵn bên mình

Đêm đêm thuyền mở lòng trăng gió
Chẳng đón trăng duyên chẳng gió tình
Mối hận tơ vò lòng cố quốc
Giọt sầu mưa ướt lệ gia đình

Tây yên nước sớm mờ sương khói
Viễn mộng trôi theo cánh lục bình
Nước chảy ngẩn ngơ niềm nguyện ước
Bèo trôi man mác ý phiêu linh

Tuế trừ cơm nuốt mùi chua xót
Lạt lẽo hương gòn vẩn mái tranh
Chèo mất may còn duyên thấy lại
Thuyền chìm thôi hết kiếp thông minh

Giao thừa Kinh khủng qua Bi thiết
Hồn lạc bơ vơ nẻo Trúc thành
Tìm bóng Thân yêu nguyên đán cũ
Sương hoa lã chã lệ bình minh

Muôn Hương vườn ngậm muôn thê thảm
Mái Nguyệt lầu Sao xuân vắng tanh
Giấy mực để đau lòng chữ nghĩa
Tài hoa chi lỡ hẹn bình sinh

Phấn son hoen ố màu tro bụi
Vàng ngọc đành đem lẫn sỏi sành
Đậm nhạt quê xưa rừng nắng xế
Chiều hôm sương gió áo phong phanh
Trời buồn qua những ngày tang tóc
Trùm giải khăn sô xótviễn hành

Ôi! có quên sao đêm giã biệt
Mưa tàn trăng gác núi chênh chênh
Rễ bèo từ đó theo chân sóng
Trăng khuyết rồi trăng lại nửa vành
Cứ dõi theo hoài bờ bến mới
Trăng tròn in đáy nước long lanh

Tin nhà không gởi nhờ chim nhạn
Vận nước còn treo sợi chỉ mành
Ngửa mắt bốn phương mù khói lửa
Cúi đầu bảy thước thẹn thư sinh
Lánh Tần đâu có nguồn hoa thắm
Tìm Tống đây không mảnh đất lành
Vượt khỏi bờ lau qua cửa chợ
Tuyết sương bạc trắng mái đầu xanh
Tiếng tiêu rớt lại chiều ai oán
Gieo rắc thương lòng giọt ớt chanh
No đói ăn nhờ cơm nửa bữa
Nhớ thương chờ gặp giấc năm canh

Chẳng may làm khách chơi thời loạn
Sao chẳng ngu si hưởng thái bình
Mắt chẳng che đi tai chẳng lấp
Vỡ lòng trót học chữ kiên trinh

Sông trôi lai láng xương vô định
Tạo hóa nào đâu đức hiếu sinh
Tấm lụa Non Sông nà nõn quá
Chia năm sẻ bảy để tan tành

Âu vàng ngựa đá ai mong mỏi
Giép mũ ai làm chuyện đảo khuynh
Sáu tỉnh trăm năm còn để hận
Chưa mờ chín chữ bức minh tinh
Hang sâu tàn úa hương vương giả
Đã chật sông Mê bóng ngạc kình
Ưu liệt vũ đài trò thế giới
Lưỡi còn không nói chuyện tung hoành

Thơ ơi! Cao cả nguồn trong sạch
Chảy đục lầm chi giữa chiến tranh
Để tủi thương cho hồn nghệ sĩ
Thơm tho vùi trộn với Hôi tanh
Bạn bè thăm hỏi trong ly tán
Ngóng gió ngàn phương chẳng mối manh
Dằng dặc sông dài sầu cuồn cuộn
Bâng khuâng trời rộng nhớ mông mênh

Cánh buồm bạt gió trôi hồ hải
Núi Thái lông hồng chở trọng khinh
Thương nhớ mài mòn viên khối lỗi
Vườn lòng mưa gió tiết điêu linh
Lạnh lùng một buổi chiều hoa rụng
Ai nhặt hồn hoa chấp lại cành

Lạc bước ngập ngừng trong ánh sáng
Náu mình theo gió bụi Kinh thành
Gái buôn đâu biết hờn vong quốc
Bên nước còn vang khúc Hậu đình
Ngàn Thủ lỗi thề: Vị đắng lắm!
Thành Cai: Tứ diện Sở ca thanh!

Máu rơi nức nở thiên ai oán
Thổn thức nghìn thu tiếng phẩm bình
Sông Dịch chửa lên cơn gió lạnh
Chùm lan sông Mịch hát ngông nghênh
"Tâm thư dục phó hà đo đạt
"Cựu sự thê lương bất nhẫn thinh
"Thương thủy trọc hề trạc ngã túc
Thương thủy thanh hề trạc ngã anh"


Nguồn: Bán nguyệt san Văn, Saigon (15-IX-1966)
Ảnh đại diện

Cảm xúc (Hồ Dzếnh): Cảm xúc của Hồ Dzếnh

Cảm ơn ý kiến của bạn.
Bạn có thể cho biết bản của bạn lấy từ nguồn nào đã được in ra không? Còn bản trên đây là chúng tôi lấy từ tập thơ "Quê ngoại" do Hoa Tiên xuất bản tại Saigon năm 1969 có ở trong tay.

Ảnh đại diện

II. Appamadavagga (Không phóng dật) (Phạm Thiên Thư): Appamadavagga

II. Phẩm Không buông lung

(21) - (22)
Người chuyên niệm, chẳng buông lung
Coi như sống mãi, thoát vòng tử vong
Kẻ phóng dật, kẻ buông lung
Coi như đã bị mệnh chung lâu ngày
Sống mà như chết nào hay
Người hiền trí biết điều này từ lâu
Cho nên gìn giữ trước sau
Dám đâu phóng dật, há nào buông lung
Luôn luôn cảnh giác vô cùng
Nhập vào cõi thánh vui mừng, bình an

(23)
Nhờ tu thiền định thâm sâu
Tháng năm kiên nhẫn, trước sau chuyên cần
Người hiền trí được bình an
Thân tâm giải thoát, Niết Bàn hưởng vui

(24)
Luôn cố gắng, chẳng buông lung
Nghĩ suy chín chắn, tấm lòng hăng say
Bản thân tự chế hàng ngày
Sống theo chánh pháp, tốt thay cuộc đời
Tiếng lành tăng trưởng mãi thôi

(25)
Luôn luôn cố gắng nhiều bề
Lại thêm hăng hái, không hề buông lung
Tự mình khắc chế mọi đường
Những người hiền trí vô cùng tinh anh
Tạo ra hòn đảo cho mình
Vượt trên sóng nước vây quanh thét gào
Não phiền theo ngọn sóng trào
Dễ gì quấy nhiễu dâng cao ngập tràn

(26)
Kẻ ngu si bị đắm chìm
Trong đời phóng dật, trong miền buông lung
Nhưng người hiền trí tìm đường
Chăm lo gìn giữ tâm đừng buông lung
Tựa người bạc bể tiền rừng
Chăm lo báu vật, trông chừng quý kim

(27)
Chớ nên chìm đắm xuôi theo
Buông lung, phóng dật là điều chẳng hay
Chớ nên dục lạc mê say
Hãy nên tỉnh giác tâm này cho mau
Tu thiền định thật chuyên sâu
Mới mong phước báu, mới cầu bình an

(28)
Nhờ trừ được hết buông lung
Những người hiền trí sẽ không lo gì:
- Tựa như bậc thánh hiền kia
Lên đài trí tuệ nhìn về dưới chân
Thấy bao nhiêu kẻ ngu đần
Trăm bề đau khổ, bội phần lo âu
- Tựa người leo tới núi cao
Cúi nhìn muôn vật lao xao dưới ghềnh
Đắm chìm trong chốn vô minh

(29)
Giữ cho tinh tấn trong lòng
Giữa bao nhiêu kẻ buông lung tràn trề
Giữ cho tỉnh táo mọi bề
Giữa bao nhiêu kẻ ngủ mê li bì
Kìa trông kẻ trí khác gì
Như con tuấn mã phóng đi hào hùng
Phía sau bỏ lại trên đường
Ngựa gầy hèn yếu não nùng lết theo

(30)
Nhờ tinh tấn, chẳng buông lung
Khiến cho Đế Thích thành ông thánh hiền
Được làm chủ cõi chư thiên
Muôn người cùng cất tiếng khen ngợi hoài
Kẻ phóng dật bị chê bai
Mọi người khinh miệt, chẳng ai nể vì

(31)
Tỳ kheo sợ tính buông lung
Chuyên tâm chú niệm, dốc lòng chuyên tu
Tiến mau biết mấy cho vừa
Đốt tiêu phiền não tựa như lửa hồng
Đốt dây to nhỏ chập chùng
Từ lâu trói buộc người trong luân hồi

(32)
Tỳ Kheo sợ tính buông lung
Chuyên tâm chú niệm, dốc lòng tu thân
Niết Bàn đã tiến đến gần
Hố sâu đọa lạc trăm phần thoát qua


Nguồn: Tâm Minh - Ngô Tằng Giao, Kinh Pháp cú (thi hoá Dhammapada), Nxb Diệu Phương, Virginia - USA, 2003
Ảnh đại diện

II. Appamadavagga (Không phóng dật) (Phạm Thiên Thư): Appamadavagga

II. Không phóng dật (Appamadavagga)

21
Con đường phóng dật: nguy nan!
Con đường tỉnh thức: vinh quang đời đời
Buông lung là kẻ chết rồi
Pháp mầu bất tử đợi người cần chuyên!

22
Trí nhân thấy rõ cơ duyên
Nhiếp tâm kiên định vẫy thuyền sang sông!
An vui, hoan hỷ tự lòng
Dự vào cảnh giới thanh trong thánh mầu!

23
Trí nhân tinh tấn thiền hành
Kiên trì, nỗ lực duyên sanh niết bàn
Ma vương khó buộc, khó ràng
Tự do tối thượng thênh thang bến bờ!

24
Tinh cần, chánh niệm hỡi ai!
Giữ gìn tịnh hạnh trong ngoài chăm chuyên
Tự điều, theo pháp sống thiền
Nỗ lực sung mãn thiện hiền tấn tăng!

25
Sống không phóng dật, kiên trì
Tự điều, tự chế thường khi mới là!
Chí người thiện trí cao xa
Xây hòn đảo lớn, quê nhà trú thân!

26
Si mê, cuồng sĩ buông lung
Riêng người thiện trí canh chừng niệm tâm
Tâm tâm, niệm niệm tinh cần
Giữ gìn kho báu thế nhân dễ gì!

27
Người không phóng dật, dễ duôi
Người không mê đắm niềm vui dục trần
Tỉnh thức, thiền quán tinh cần
Sẽ hái, sẽ gặt phước phần sum suê!

28
Niệm tâm: phóng dật lùi xa
Thoát khỏi phiền não - binh ma cuối đèo!
Cao sơn, trí tuệ khéo trèo
Vô minh, đau khổ - nằm queo đám người!

29
Trú niệm giữa kẻ buông lung
Tỉnh thức giữa đám mê mung, loạn cuồng
Như con tuấn mã kiên cường
Sau lưng bỏ lại lươn ươn ngựa hèn!

30
Chỉ nhờ đức tánh tinh cần
Đế thích cai quản bốn tầng Thiên vương
Dễ duôi thiên hạ khinh thường
Tinh cần mãi được tán dương đời đời!

31
Tỳ kheo vui thích tinh cần
Sợ hãi phóng dật, niệm tâm canh chừng
Bước đi như đám lửa hừng
Thiêu bao phiền não kiết thừng tiêu tan!

32
Tỳ kheo vui thích tinh cần
Sợ hãi phóng dật, chuyên tâm quán thiền
Khỏi rơi, đọa xuống các miền
Vị ấy nhất định kề bên niết bàn!


Nguồn: Kinh lời vàng do Minh Đức - Triều Tâm Ảnh thi hóa Kinh Pháp cú Dhammapada, chùa Huyền Không - Huế, 1995
Ảnh đại diện

Chữ nhàn bài 1 (Nguyễn Công Trứ): nhân dục

nhân dục (人欲): ham muốn của con người.

Chứa chi lắm một bầu nhân dục - nôm na có thể hiểu là đời người ngắn ngủi, "nên phải giữ lấy chữ nhàn làm trước", ham hố chi mà chất đầy dục vọng, ham muốn đời thường cho đầy bầu tâm sự.

Ảnh đại diện

I. Yamakavagga (Song yếu) (Phạm Thiên Thư): Thi hoá Kinh Pháp cú

I. Phẩm Song song

(1)
Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà ô nhiễm: khổ đau theo kề
Tựa như là cái bánh xe
Theo chân con vật kéo lê trên đường

(2)
Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà thanh tịnh: dạt dào niềm vui
Và bao hạnh phúc trên đời
Theo ta như bóng khắp nơi theo hình

(3)
"Người kia chửi bới, đánh tôi
Lại còn lấn lướt, cướp hoài. Giận thay!"
Ai mà nghĩ mãi điều này
Làm sao dứt bỏ được ngay hận thù

(4)
"Người kia chửi bới, đánh tôi
Lại còn lấn lướt, cướp hoài. Giận thay!"
Ai không còn nghĩ điều này
Sẽ mau dứt bỏ được ngay hận thù

(5)
Khắp nơi trong cõi dương gian
Hận thù đâu thể xua tan hận thù
Chỉ tình thương với tâm từ
Làm tiêu oán hận, giải trừ hờn căm
Đó là định luật ngàn năm

(6)
Người ham cãi cọ nào hay
Chúng ta đều chết một ngày gần đây
Khi ai hiểu rõ điều này
Chẳng ham tranh cãi thêm gây muộn phiền

(7)
Ham theo lạc thú nổi trôi
Giác quan buông thả sống đời mê say
Uống ăn vô độ hàng ngày
Lại thêm biếng nhác, chẳng hay chuyên cần
Con người bị cuốn đến gần
Ma vương dục vọng ngàn lần hại ta
Như cơn gió lốc thổi qua
Cây cành nghiêng ngả, lá hoa tơi bời

(8)
Nhận ra ô uế thân người
Giác quan kiềm chế, sống đời tịnh yên
Uống ăn điều độ giữ gìn
Lại thêm bền vững đức tin, chuyên cần
Người đâu dễ bị cuốn gần
Ma vương dục vọng ngàn lần thua ta
Khác gì cơn gió thổi qua
Núi cao, vách đá khó mà lung lay

(9)
Nếu mà mặc áo cà sa
Lòng còn ô uế, tâm tà quẩn quanh
Chưa tự chế, thiếu chân tình
Xứng đâu mà khoác vào mình áo kia

(10)
Người mà ô nhiễm chẳng vương
Giữ gìn giới luật vững vàng, nghiêm minh
Luôn tự chế, rất chân tình
Áo cà sa khoác vào mình xứng thay

(11)
Những gì không thật, hão huyền
Lại cho là thật và tin vô bờ,
Những gì chân thật lại ngờ
Lại cho không thật, chỉ là giả thôi,
Nghĩ suy lầm lạc mất rồi
Thấy sao chân thật rạng nơi pháp mầu

(12)
Biết đây là thật để tin
Biết kia không thật, hão huyền mà thôi
Nghĩ suy theo đúng đường rồi
Thấy ngay chân thật rạng nơi pháp mầu

(13)
Căn nhà lợp chẳng kỹ càng
Mưa tuôn thấm dột dễ dàng lắm thay
Tâm mà tu vụng có ngày
Bị nhiều tham dục lọt ngay khác gì

(14)
Căn nhà lợp thật kỹ càng
Mưa tuôn đâu dột dễ dàng mấy khi
Tâm mà tu khéo sợ gì
Bao nhiêu tham dục dễ chi lọt vào

(15)
Đau buồn ngay ở kiếp này
Kiếp sau cũng lại tràn đầy buồn đau:
Người làm điều ác hay đâu
Buồn kia theo mãi dài lâu bên mình
Quay nhìn việc ác tạo thành
Chết mòn thân xác, héo nhanh tâm hồn

(16)
Vui mừng ngay ở kiếp này
Kiếp sau cũng lại tràn đầy mừng vui:
Người làm điều thiện ở đời
Thấy chân hạnh phúc khắp nơi theo mình
Quay nhìn việc thiện tạo thành
Sướng vui dào dạt, an lành chứa chan

(17)
Kiếp này tràn ngập khổ đau
Khổ đau cũng lại kiếp sau ngập tràn
Người gây nghiệp ác thở than:
"Bao điều gian ác mình làm trước đây!"
Bây giờ đường ác đọa đầy
Trầm luân cõi khổ biết ngày nào xong

(18)
Đầy tràn vui sướng kiếp này
Sướng vui cũng lại tràn đầy kiếp sau:
Người làm nghiệp thiện vui sao
Nhủ lòng: "Mình tạo biết bao phước lành!"
Kiếp sau sẽ được tái sinh
Vào nơi hạnh phúc an bình chứa chan

(19)
Dù cho có tụng nhiều kinh
Không theo giáo pháp thực hành sớm hôm
Tu hành lợi ích đâu còn
Khác chi một kẻ luôn luôn chăn bò
Chăn thuê nên chỉ âu lo
Đếm bò cho chủ, sữa bò hưởng đâu?

(20)
Dù cho chỉ tụng ít kinh
Nhưng theo giáo pháp thực hành sớm khuya
Hết tham, hết cả sân, si
Lòng luôn tỉnh giác, tâm thì hiền lương
Trước sau giải thoát mọi đường
Tu hành lợi ích ngát hương muôn đời


Nguồn: Tâm Minh - Ngô Tằng Giao, Kinh Pháp cú (thi hoá Dhammapada), Nxb Diệu Phương, Virginia - USA, 2003
Ảnh đại diện

I. Yamakavagga (Song yếu) (Phạm Thiên Thư): Kinh lời vàng

I. Song yếu (Yamakavagga)

1
Các pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ, ý tạo bắc cầu đưa duyên
Nói, làm với ý chẳng hiền
Bánh xe, bò kéo khổ liền theo sau!

2
Các pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ, ý tạo bắc cầu đưa duyên
Nói, làm với ý tốt hiền
Như hình dọi bóng vui liền theo sau!

3
"Nó đánh, nó cướp của tôi!
Lại còn nhục mạ lắm lời đắng cay!"
Ai mà ôm ấp niệm này
Lửa phiền thiêu đốt tháng ngày chẳng nguôi!

4
"Nó đánh, nó cướp của tôi!
Lại còn nhục mạ lắm lời đắng cay!"
Người không ôm giữ niệm này
Lửa phiền chợt tắt khổ rày tự tiêu!

5
Nếu ai lấy oán báo thù
Oan oan tương báo thiên thu hằng sầu
Từ tâm định luật nhiệm mầu
Lấy ân báo oán còn đâu oán thù?

6
Luận tranh chẳng có ích gì!
Tranh cường, hiếu thắng lắm khi phiền hà
Ai người suy gẫm sâu xa
Nói năng tự chế, bất hòa lặng yên!

7
Người hằng say đắm lục trần
Uống ăn vô độ trăm phần dễ duôi!
Ma vương chúng vỗ tay cười
Cây cành mềm yếu tơi bời gió lay!

8
Người hằng quán niệm tự thân
Uống ăn tiết độ tinh cần sớm hôm
Ma vương đâu dễ khinh lờn
Gió qua núi đá chẳng sờn, chẳng lay!

9
Người không tự chế, không chơn
Người mà tâm địa chẳng hơn thế phàm!
Làm sao xứng mặc y vàng?
Làm sao xứng đáng dự hàng sa môn?

10
Người mà nhẫn nại tu hành
Nghiêm trì giới luật cao thanh rỡ ràng
Khen thay! khéo mặc y vàng
Khen thay! xứng đáng dự hàng sa môn

11
Phi chơn lại tưởng chánh chơn
Chánh chơn lại tưởng phi chơn, đó là:
Duy trì ác kiến, ác tà
Ngu nhân nào thấy tinh hoa pháp mầu!

12
Chánh chơn thấy rõ chánh chơn
Phi chơn thấy rõ phi chơn, mới là:
Lìa xa ác kiến, ác tà
Trí nhân dễ ngộ tinh hoa pháp mầu!

13-14
Nhà ai vụng lợp, mưa tuôn!
Tâm người kém hạnh dễ luồn ái tham
Mái tranh che đậy kỹ càng
Tâm người khéo giữ, dục phàm khó xen!

15
Đây hối quá, kia ăn năn
Tâm người ác hạnh hai đằng chẳng vui
Bất an, ưu não rối bời
Mắt nhìn khổ báo, Phật, trời thở than!

16
Đây hoan hỷ, kia hỷ hoan
Tâm người thiện hạnh mọi đàng mọi vui
An vui, hoa nở, nụ cười
Mắt nhìn phước sự thảnh thơi, nhẹ nhàng!

17
Đây đau khổ, kia khổ đau
Tâm người ác hạnh muộn sầu thảm thương
Thở than nghiệp dữ đã vương
Chết vào khổ cảnh đoạn trường, than hơn!

18
Đây hạnh phúc, kia an vui
Tâm người thiện hạnh rạng ngời hân hoan
Đã mừng gieo được phước vàng
Sanh vào tiên cảnh lại càng mừng hơn!

19
Suốt thông kinh luật mặc dầu
Nếu không hành đạo đếm trâu, đếm bò!
Dễ duôi, tự mãn, nằm co!
Qua miền siêu thoát gọi đò, ai đưa?

20
Ít thông kinh luật mặc dầu
Nếu chuyên hành đạo tìm câu sửa mình
Sống đời chánh hạnh, quang minh
Qua miền siêu thoát, vô sinh, hưởng nhàn!


Nguồn: Kinh lời vàng do Minh Đức - Triều Tâm Ảnh thi hóa Kinh Pháp cú Dhammapada, chùa Huyền Không - Huế, 1995
Ảnh đại diện

Nhớ ông Trần Quì (Tản Đà): Thư gửi bạn

Bài này lần đầu đăng trên Đông Pháp thời báo số 641 29-10-1927 có nội dung như sau:

Thư gửi cho bạn

Cô Tô tàn phá, lạc Tây Thi
Tôi giở về quê, bác đổi đi
Một chén quan hà sân Thắng Ý
Cách năm mây nước đất Nam kỳ
Nghĩ đời như mộng chân hay giả
Những lúc chơi tuồng hợp cũng ly
Hoặc có thơ này thiên vạn cổ
Trăm năm ta nhớ bác Trần Quì


Nguồn: Tản Đà toàn tập - Tập I, Nxb Văn học, 2002
Ảnh đại diện

Bóp vú đau tay (Tản Đà): Tản Đà văn tập 1913

Bài này trong Tản Đà văn tập, viết tay 1913 nội dung có khác biệt:

Thầy đồ ve gái phải đánh đau tay

Em mới nghe đồn lắm sự hay
Đồn rằng bác mới phải đau tay
Gớm ghê con bé già gan tệ
Lẩy bẩy thầy nho mắc miếng cay
Hùm đã biết hang sao cứ mó
Chim chưa vỡ bọng dễ mà bay
Từ đây buộc chỉ thôi chừa nhé
Đừng dám chơi dao lại có ngày


Nguồn: Tản Đà toàn tập - Tập I, Nxb Văn học, 2002
Ảnh đại diện

Ghét (Xuân Quỳnh): "Ghét"

Nữ sĩ Anh Thơ là một trong những người động viên, khuyến khích Xuân Quỳnh rất nhiều trên chặng đường đầu tiên mới chập chững bước vào nghề văn.

Bà nhắc mãi một câu chuyện thú vị về Xuân Quỳnh, ngay trong lần đầu tiên gặp gỡ. Hôm đó Xuân Quỳnh đến nhà bà Anh Thơ cùng với bạn trai. Hai người trông rất đẹp đôi.

Bà được nhạc sĩ Chu Minh viết thư gửi gắm: "Như đã giới thiệu với chị, hôm nay Xuân Quỳnh đem thơ đến ra mắt chị. Mong chị sẽ hết sức giúp đỡ cây bút thơ non trẻ này. Rất cảm ơn".

Nhà thơ Anh Thơ mừng lắm. Lúc đó bà đang làm biên tập thơ tại Nhà xuất bản Văn học. Ở cương vị của mình, bà nhận thấy trên văn đàn thật hiếm hoi các cây bút thơ nữ.

Bà đon đả hỏi Xuân Quỳnh có mang thơ đến không? Xuân Quỳnh rút ngay trong túi ra một tập thơ mỏng đưa cho bà. Anh Thơ vội xem ngay và bà hơi thất vọng vì tập thơ khô quá, có những bài như hô khẩu hiệu.

Bà nhẹ nhàng hỏi cô: "Chắc em còn những bài viết riêng cho mình. Đọc thêm cho chị nghe nào!". Anh bạn đi cùng vội đỡ lời: "Có đấy chị ạ. Xuân Quỳnh vừa viết tặng em một bài, có tên là Ghét. Nhưng chỉ ghét lúc đầu vì chưa hiểu nhau, sau thì lại yêu nhau thắm thiết".

Xuân Quỳnh đỏ bừng mặt, lúng túng trả lời: "Bài thơ ấy là viết riêng cho mình, đọc ra chị cười chết, vì nó không gắn với cuộc sống xã hội chủ nghĩa một chút nào".

Bác sĩ Dinh - chồng Anh Thơ, cùng ngồi tiếp chuyện đôi bạn trẻ, vội nói ngay: "Quỳnh đọc đi, tôi thích nghe những bài riêng tư này lắm". Anh Thơ cũng nhiệt tình ủng hộ. Nhưng Xuân Quỳnh vẫn tỏ ra ngại ngần.

Anh bạn lại sốt sắng: "Vì bài này Quỳnh tặng em, nên em thuộc. Em xin đọc anh chị nghe nhé". Trong khi anh bạn say sưa đọc, Xuân Quỳnh vừa sung sướng vừa e thẹn nhìn người đọc thơ mình:

Một tiếng cười khanh khách - Từ phòng múa vọng sang...

Bài thơ tươi trẻ, hồn nhiên. Cảm xúc rất thật và trong sáng. Anh Thơ khuyến khích Xuân Quỳnh cứ hướng này mà tiếp tục sáng tác. Người bạn đi cùng chị hôm đó chính là anh Lưu Tuấn. Có thể nói tình yêu đối với anh Tuấn là nguồn cảm hứng cho những bài thơ tình đầu tiên của Xuân Quỳnh.

Trang trong tổng số 22 trang (215 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: