Trang trong tổng số 16 trang (151 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [11] [12] [13] [14] [15] [16] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tường Thụy

Lý Thu Hải Thảo đã viết:
Em tưởng bài thơ BA CHỮ ANH CẦN...là tặng em. Hoá ra không phải sao? huhuhuhu....buồn quá...!
BA CHỮ ANH CẦN

Nói đi em!
Anh chỉ cần ba chữ
Để chúng mình trọn vẹn một mùa xuân
Sao em cứ cười, lại trắng muốt hàng răng
Mưa rây bột, bụi hồng trên má phấn ...

Nói đi em!
Xim em đừng im lặng
Ba chữ thôi, anh khao khát lâu rồi.
Xuân đã sang, rực rỡ sắc hoa tươi
Đang mời gọi mùa chim về làm tổ.

Nói đi em!
Cái điều anh mong đợi
Để cho anh hạnh phúc đến cuồng điên
Anh sẽ đổi tất cả những gì đang có lấy riêng em.
Em hãy nói
Anh chỉ cần ba chữ.

Nói đi em!
Nào, bắt đầu bằng “em”
Chữ cuối là "anh", đủ ghép từ hai nửa.
Còn một chữ …
Anh thấy tim mình sắp vỡ
Em nói đi, chỉ ba chữ thôi mà.

Ba chữ anh cần
Quí hơn cả ngân khố quốc gia
Hơn cả giang sơn mà anh làm hoàng đế.
Đơn giản thôi, anh tham lam hơn thế:
Anh muốn làm chúa tể trái tim em.


Xuân Kỷ Sửu - 2009
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Thu Hải Thảo

TIẾNG CHỔI KHUYA



Đêm. Lang thang trên những con đường của thành phố, bất cứ ai cũng có thể gặp bóng các chị mặc áo xanh sọc vàng, chiếc mũ bảo hộ lao động cùng chiếc chổi tre đẩy xe thùng đi trong  đêm khuya vắng.

Khi tiếng chuông đồng hồ điểm 12h khuya thì cũng là lúc các chị lao công đã gom tất cả các loại rác vào một chỗ ven hồ Giảng Võ chỉ chờ xe đến chở đi. Vất vả, nặng nhọc, mệt mỏi là thế mà các chị không lấy một lời than vãn. Những ngày nắng, ngày mưa rồi những đêm đông giá rét cắt da căt thịt bóng các chị lao công vẫn trải dài trên những con đường trong khi tất cả mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ say sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Tôi lại gần một cô và  hỏi: “Hôm nay là ngày Quốc tế Phụ nữ mà các cô cũng phải đi làm sao?” Người đàn bà có gương mặt phúc hậu ngẩng lên trả lời tôi: “Sau những ngày này, ngày 14.2, hay sau  những hội chợ hoa và đặc biệt là sau Tết các cô phài làm việc gấp đôi vì số lượng rác thải ra quá nhiều  vậy mà còn bị coi thường, hồi đầu  các con cô còn ngại không dám đến trường vì bị chúng bạn chê cười vì có mẹ là một người quét rác nhưng bây giờ các con cô cũng đã trưởng thành có công ăn việc làm ổn định, đứa út thì cũng học năm cuối  Sư phạm I chúng muốn cô về nghỉ không phải làm nữa nhưng sức mình còn khỏe, phục vụ đất nước được ngày nào hay ngày ấy”.

Không ai hiểu rằng đằng sau tiếng chổi khuya ấy là cả một sự khó khăn mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Phía sau những chiếc áo bạc màu, phía sau những đôi tay áo đầy mồ hôi ấy là cả một gia đình cần chăm sóc của một người bà một người mẹ như bao gia đình Việt Nam khác. Xin cảm ơn các cô, cảm ơn các mẹ đã không sợ “tiếng xấu” để mang lại cho một thành phố luôn xanh sạch đẹp mà còn để lại những ấn tượng tốt đẹp về một đất nước con rồng cháu tiên với du khách nước ngoài. Một nét đẹp giữa chốn hà thành ấy có mấy ai nhận ra khi mà một mùa xuân đang bắt đầu tràn về trên những luống hoa ven đường đang khoe sắc?
Em đa tình như trời sinh ra thế
Đủ tình yêu cho cả trăm anh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Thu Hải Thảo

MÙA YÊU

Khi những giọt mưa xuân bắt đầu len lỏi vào trong từng ngóc ngách và thấm vào trong lòng Hà Nội. Thì cũng là lúc mùa tình yêu bắt đầu trỗi dậy. Ngày tình yêu (hay còn gọi là ngày valentin 14.02 dương lịch hàng năm) - đó không phải là một phong tục tập quán của người Việt, mà nó là một nét đẹp trong văn hóa du nhập vào Việt Nam nhưng giờ đã thành phong trào của những người đã, đang yêu nhau...và đã là của nhau.

28 tuổi may mắn trong tình yêu chưa đến với tôi, tôi đến chùa Hà cầu duyên vào ngày tình yêu bất chợt gặp cụ ông năm nay đã 70 tuổi tiến lại gần bên hương án và vô tình tôi nghe được những lời cụ tâm sự mà thấy là lạ. Đợi cho cụ  ông đi ra ngoài tôi tò mò tiến lại gần và được biết cụ đến đây để gặp bà và tặng quà cho cụ bà không may đã mất cách đây gần 10 năm.

Ngày tình yêu hàng năm thường là dành riêng cho giới trẻ nhưng hiện nay thì giữa những người già với nhau họ cũng lãng mạn không kém, nhưng một điều khiến tôi thấy lạ là giữa những kẻ âm người dương  ta vẫn thấy họ luôn nghĩ về nhau. Một điều hiển nhiên là thế nhưng mà có ít ai nghĩ đến và nhớ đến sau khi một nửa kia của mình không còn chung lưng đấu cật với mình nữa.

Người Việt Nam vốn có ngày lễ Vu Lan (rằm tháng bảy âm lịch) hàng năm để người âm người dương gặp nhau. Nhưng từ ngày có trào lưu tặng quà nhau nhân ngày lễ tình nhân thì không chỉ có ngày lễ Vu Lan các cụ người âm người dương nhà ta mới được tâm sự cùng nhau mà cứ đến ngày lễ tình nhân ai đó có chút thời gian ghé qua các ngôi chùa ở xứ Hà thành đều bắt gặp những cụ đã râu tóc bạc phơ vẫn tìm đến với tình yêu của mình dù một nửa của mình đã ở bên kia thế giới.

Tình yêu vốn thiêng liêng và huyền diệu nếu chúng ta không luôn nghĩ đến nó, không vun đắp cho nó thì nó cũng sẽ tự rời xa ta nhưng những lớp bong bóng xà phòng bay vào trong không trung.
Em đa tình như trời sinh ra thế
Đủ tình yêu cho cả trăm anh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Thu Hải Thảo

MÙA HOA XOAN

"Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay.
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay”
                      (Mưa Xuân - Nguyễn Bính)



Mùa xuân thường kéo theo những đợt mưa phùn, hơi ẩm lan tỏa gọi dậy những lộc non của mùa trước đang còn ngủ vùi trong thân vỏ xù xì thức giấc! Đưa mắt ra ngoài khung cửa sổ bắt gặp những tán cây khẳng khiu của những cây bằng lăng đứng trơ trọi, tím lại. Chợt nhớ...Tháng Ba rồi...Ừ nhỉ! Tháng của những cơn mưa bụi gọi về sắc tím của một loài hoa: Hoa xoan…

Một ngày tháng ba, những nụ hoa bé xíu vội vàng cựa mình, mở mắt ngơ ngác rồi bung ra một mùi hăng hắc rất đặc trưng. Ở quê mùa này những ngõ nhỏ thường đẹp hơn vào mỗi mùa hoa nở rộ.

Chiều. Trẻ con chúng tôi thường ngồi dưới gốc xoan. Cơn gió nhẹ thoảng qua khiến những cánh hoa nhỏ li ti xoay xoay trong gió tạo thành một trận mưa hoa và đậu xuống sân. Để rồi đêm về lại len lỏi vào những giấc mơ bị lên sởi của những cô cậu chơi trò nhảy dây mà chỉ có hai đứa.

Làng quê bây giờ đã trở thành đô thị hóa, sự biến mất của những hình ảnh đẹp ấy đã không còn. Và rồi những mùa xoan nở rộ bung ra như những dải mây tím mềm mại đang lững lờ trong gió, rắc tím những ngõ nhỏ cũng hiếm hoi dần…Chân quê là thế, tím thủy chung là thế… nhưng giờ chỉ còn lại những khoảng trống chênh chao khi những con đường bê-tông  lạnh lùng không bóng một hàng cây.

Tháng Ba…Tôi vẫn thường về quê trên con đường nhà cụ Mai, nơi mảnh vườn nhỏ chỉ còn lại một cây xoan già côi cút...cây xoan ấy đã chứng kiến tình yêu của bà và ông Trúc...nhưng rồi ông đi không một lần trở lại dù hòa bình đã lập lại hơn 30 năm. Tôi cố tình đi chậm lại, thong thả trên con đường ấy bởi biết đâu chỉ ngày mai thôi, cái màu tím ấy tôi sẽ không còn cảm nhận thấy nữa khi mà đô thị hóa ngày một phát triển hơn.
Em đa tình như trời sinh ra thế
Đủ tình yêu cho cả trăm anh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Thu Hải Thảo

RẮN VÀ KHUYÊN LƯỠI

THÚ CHƠI NGÔNG CỦA GIỚI TRẺ



“Rắn và khuyên lưỡi” là một truyện vừa do nhà xuất bản văn học phát hành quý I năm 2009, với 140 trang đã được ra mắt vào tháng 02 năm 2009 đã gây xôn xao dư luận về lối viết khá táo bạo của Kanehara Hitomi khi nhà văn mới đầy hai mươi tuổi.

Cuốn truyện vừa này cho chúng ta nhận thấy giới trẻ ngày nay sống thật với mình hơn, và họ sống theo những ý thích cuồng dại mà họ muốn. Những cuộc làm tình của Lui với Ama và với Shiba-san diễn ra bất cứ lúc nào  khi họ gần nhau. Yếu tố sex dường như là xuyên suốt toàn bộ tác phẩm.

Một Lui phiêu du trong tình ái, một người tình punk kiêm cả split-tongue là Shiba-san, một người tình quậy phá tên Ama. Câu chuyện chỉ xoay quanh ba nhân vật này nhưng nó lại không gây ra sự nhàm chán mà nó thôi thúc độc giả phải đọc từ trang này đến trang khác. Nếu ta không đọc kỹ sẽ không hiểu hết được những con số 16, 12,…0G, 00G…

Một cô gái đang ở tuổi vị thành niên, không quá trẻ nhưng lại rất non nớt trong cách sống buông thả của mình và lại quá già trong chuyện ân ái. Với Ama, Lui chỉ nghĩ là tình bạn và là tình nhân chứ không có tình yêu, nhưng ngược lại Ama lại dành tình yêu cho Lui rất chân thành. Ama có thể làm tất cả vì Lui thậm chí cả giết người để bảo vệ Lui.


Những cuộc phiêu lưu thể xác với Shiba-sai, với Ama, xăm mình và chẻ lưỡi có thể là thú vui và tiêu khiển của Lui sau những tháng ngày phiêu bạt.

Không chỉ có sex mà Hitomi Kanehara còn bàn đến LES – một vấn nạn đồng tính ngày một gia tăng ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.


Với tình yêu chưa chín muồi, tình dục đầy khoái lạc và tăm tối. Cuộc sống đầy ắp tự do cá nhân, dị biệt, vừa buông thả vừa thơ ngây của những người trẻ tuổi bằng một câu chuyện đơn giản nhưng gợi cảm. Rắn và khuyên lưỡi chính là tác phẩm độc đáo đáng để chúng ta quan tâm.
Em đa tình như trời sinh ra thế
Đủ tình yêu cho cả trăm anh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Thu Hải Thảo

TÌNH YÊU


Ánh nắng bắt đầu rọi vào khung cửa sổ trên gác ba. Ông cất cao giọng: “Bà dậy chưa vậy? Tôi mang nước lên để bà rửa mặt rồi  ăn sáng nhé”? Đã ba mươi năm nay từ khi bà bị tai nạn giao thông khi đi mua quà tặng ông nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam về không may bị xe đụng phải, sáng nào hàng xóm cũng được nghe cái giọng nhẹ nhàng đến tình tứ ấy của ông Hòa dành cho bà Nhan.

Là quân nhân về hưu, hai ông bà ở với người con cả. Nhưng công việc kinh doanh của chúng rất bận rộn. Sáng sớm đã ra đi đến tối muộn với về, việc nhà hai anh chị giao cho ông cùng với đứa con gái 14 tuổi và thằng con trai lên 10.

Hàng ngày cứ 6h sáng là ông dậy để đi chợ mua những thứ cần cho bữa ăn sáng và trưa. Là một người khách quen đã ba mươi năm nay nên mọi người ở  cái chợ nhỏ bên ngõ 189 Giảng Võ không lại gì  thực đơn của ông Hòa trong tuần. Không để ông kịp hỏi những người bán hàng đã biết ông ăn gì vào ngày hôm nay.

Người cháu gái đã lớn, thi thoảng vẫn bảo:  “Ông ở nhà để cháu đi chợ giúp”, nhưng ông nói: “Thôi để ông đi, dù sao ông cũng đã quen với việc này ba mươi năm rồi, không đi thấy nhớ phiên chợ buổi sáng và các bà các bạn ở chợ lại tưởng ông  bị làm sao.”

Ở cái tuổi 75 nhưng nom ông vẫn còn sung sức lắm. Dáng đi thanh thoát, nước da trắng hồng cùng với cái giọng khỏe khoắn khi thoảng vào những ngày cuối tuần trời thanh mát ông lại để bà trên chiếc xe lăn cùng dạo bước bên hồ Giảng Võ tận hưởng không khí dìu dịu ban chiều như bao đôi lứa yêu nhau.

Tình yêu đã gắn kết hai ông bà lại với nhau hơn sau khi bà không may bị tai nạn đó. Tôi ngỡ ngàng khi ông nói: “ Không phải khi đã là vợ,  là chồng của nhau rồi thì đó là quyền sở hữu của nhau. Mà khi đã là vợ chồng rồi thì vẫn phải tạo ra cho nhau những cảm giác như buổi ban đầu biết yêu, có như vậy thì tình yêu mới được bền vững”.
Em đa tình như trời sinh ra thế
Đủ tình yêu cho cả trăm anh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Thu Hải Thảo

TÌNH NGƯỜI


“Khung cửa sổ hai nhà cuối phố. Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ. Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp…”

Lời bài hát vọng lại từ cuối hành lang tầng 3 khu điều trị hóa chất của những người bị mắc bệnh ung thư khiến bản tính tò mò của tôi lại gần. Men theo nơi phát ra tiếng hát tôi dừng lại ở cửa phòng số 322, qua cửa sổ tôi thấy tất cả bệnh nhân đều quấn khăn kín đầu, bởi khi hóa chất được truyền vào cơ thể thì một lượng chất độc sẽ khiến những bệnh nhân bị rụng tóc.

Mai – cô bạn tôi quen vì cũng có mẹ phải điều trị ở dãy tầng 3 này vội  gọi: - “Chị Hạnh ơi! Chị vào đây  bác Hùng mang băng ghi âm đến để mở cho mẹ em nghe  toàn những bài hát hay của một thời thôi, hay lắm!”. Tôi lại gần, bài hát Hương Thầm kết thúc thì đến một loạt bài: Ở hai đầu nỗi nhớ, Tình em, vv….Sau khi nghe hết băng ghi âm đó tôi lại gần bác Hùng. Có lẽ bác hiểu ý tôi nên không để tôi hỏi bác đã nói: “Ngày xưa bác và mẹ em Mai nhà ở gần nhau và cùng lớn lên rồi chiến tranh đến bác tình nguyện đi bộ đội nhưng tình yêu bác dành cho bác Hà  thì chưa kịp nói vì biết mình còn có thể trở về hay không. Chiến tranh kết thúc bác trở về với cái chân chỉ còn một chiếc và biết mình không còn khả năng làm bố…”. Bác lặng đi trong giây lát, đôi mắt dõi nhìn vào xa xăm. Còn tôi, tôi hiểu cảm giác đó của bác bởi gia đình nhà tôi cũng có cậu gặp điều không ai muốn như vậy.

Tình yêu vốn thiêng liêng và huyền diêu. Nên điều quan trọng trong tình yêu không phải là tuổi tác, không phải là sự gắn kết giữa xác thịt mà điều quan trọng trong tình yêu chính là Niềm Tin. “Dù không đến được với nhau nhưng mối quan hệ giữa hai gia đình rất hòa thuận. Mai – người con gái của bác Hà bác coi như con ruột của mình chính vì thế mà bác mứi có thêm những  động lực để  sống  tiếp quãng đời còn lại của mình”.
Em đa tình như trời sinh ra thế
Đủ tình yêu cho cả trăm anh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Thu Hải Thảo

ĐI TÌM MIỀN ĐẤT HỨA

Hạnh sinh ra và lớn lên giữa vùng ngoại ô. Cùng làng với Hạnh đã có bao nhiêu chàng trai ngấp nghé để mắt tới cô nhưng Hạnh dửng dưng. Mấy chị trên thành phố về dụ Hạnh lên đó gội đầu, mát-xa vì với sắc đẹp trời cho ấy làm việc đấy nhàn nhã, sạch chân sạch tay lại chả mấy mà giàu nhưng cô sợ, cô muốn giàu nhưng không phải bằng cách ấy.

Một người đàn ông tên Khanh là bạn của anh trai Hạnh đi Séc về, phóng xe máy vù vù, cổ đeo dây chuyền to tướng. Áo sơ mi mỏng trắng tinh có túi hộp bên ngực trái lúc nào cũng đầy tiền Tây. Hạnh ngưỡng mộ lắm, cô rắp tâm đi Tây bằng mọi giá.

Hơn một tháng trời Hạnh và bố mẹ bàn tính chuyện đi Tây. Nghe Khanh nói bên Séc đang có những nhà máy tuyển người sang lao động. Giá một bộ giấy tờ là 7 nghìn đô-la tính ra tiền Việt Nam tận 120 triệu. Bố Hạnh bóp mãi vầng trán nhăn nheo mãi mà không nghĩ ra cách. Cuối cùng cả nhà quyết định bán mảnh vườn cộng thêm mấy sào ruộng của gia đình vậy mà cũng không đủ. Đúng lúc đang ủ ê thì Khanh lại vừa ở bên Séc về, gã hiến kế:

- Bác bán vườn và ruộng đi, thiếu tiền cháu cho vay. Thấy gia đình nhà ta  hiền lành, Hạnh ngoan ngoãn lại xinh đẹp, cháu sẽ cố gắng giúp... người cùng làng cùng xã với nhau cả mà.

Cả nhà Hạnh nhìn nhau không tin vào tai mình nữa. Ông Hòa lắp bắp:

-  Chú nói thật hay chơi vậy?

-         Chuyện này cháu không nói chơi, tất cả vườn và ruộng cháu sẽ mua với giá là 50 triệu còn 70 triệu cháu cho hai bác mượn, mỗi tháng bác chỉ phải trả lãi cho cháu có 2 triệu 100 nghìn đồng. Trong khi đó bên Séc người ta trả lương cho Hạnh ít nhất là một ngàn đô-la/tháng  chưa kể làm thêm ngoài giờ  mấy mà hết nợ ạ!

Hạnh nhìn bố mẹ đau đáu. Khát khao đi Tây của cô biểu lộ trên đôi mắt sáng rực đầy hy vọng làm bố cô tặc lưỡi gật đầu.

Cả làng nhìn Hạnh với con mắt thèm muốn và kính nể. Hạnh  như sống trong giấc mơ bồng bềnh có bơ, có sữa, có xúc-xích với những toà nhà cao tầng, những vườn hoa ngát hương với những cô gái chàng trai tóc vàng mắt xanh…

Thời gian trôi đi không dừng lại, mới đấy mà đã một tháng. Khanh phóng xe ầm ầm tới vuốt nhẹ lên má non tơ của Hạnh:

- Bố mẹ đâu rồi?

- Bố mẹ cháu đi làm thuê ở làng bên chiều tối mới về.

- Hôm nay được một tháng rồi đấy. Chú đến lấy lãi. Thôi, mai chú quay lại. Bảo bố mẹ chuẩn bị tiền cho chú đỡ phải đi lại nhiều lần nhé.

Hạnh há hốc mồm. - Ơ hay, đã được đi Tây đâu mà có tiền trả lãi…Cô chưa kịp nói hết thì chiếc xe máy của Khanh đã êm ru lướt đi tự lúc nào rồi...

Sau bốn tháng trả tiền lãi Hạnh cũng lấy được visa ở cổng Đại Sứ Quán Séc. Cuối cùng thì cô cũng sắp được bay đến vùng trời mơ ước sau 7 lần ký và điểm chỉ với số tiền nợ lên tới 100 triệu. Nhìn mà xót xa cho cảnh dân nghèo thật thà chân chất.

Cầu mong Hạnh bình an trên bước đường mà cô đã chọn. Mong cho nhà máy mà cô sắp tới luôn có việc làm để cô sớm trả hết nợ và mua được ngôi nhà trên phố như cô đã từng mơ.
Em đa tình như trời sinh ra thế
Đủ tình yêu cho cả trăm anh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Thu Hải Thảo

NHỮNG BÔNG HOA ĐẸP


Tôi có anh bạn thân từ thời để chỏm, khi trưởng thành anh qua Australia học và định cư ở đó. Gần hai mươi năm anh mới quay trở lại Việt Nam. Gọi điện cho những người bạn học thời trung học phổ thông bạn bè gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Gần 15 ngày về nước không đủ để chúng tôi hàn huyên với nhau. Về đến bên kia quả cầu anh bạn gửi mail cho tôi: “Huy à! Xa cái xứ Hà thành đã bao lâu khi trở lại tưởng thay đổi nhiều vì cuộc sống đô thị hóa quá nhanh nhưng lạ thay nó vẫn vậy. Vẫn những nếp phố cổ, vẫn con đường Nguyễn Du hương hoa sữa nồng nàn, vẫn hàng cây cơm nguội bên dãy phố Đinh Tiên Hoàng và Lý Thường Kiệt, vẫn rặng sấu xum xuê bên đường Trần Hưng Đạo và Phan Đình Phùng, vẫn những hàng sao đen cao vút ngự trị bên phố Lò Đúc, và con đường Thanh Niên vẫn đỏ rực một góc trời khi những tiếng ve báo hiệu hè sang nhưng đặc biệt hơn cả là những thiếu nữ xứ Hà thành vẫn mộc mạc, đôn hậu, dịu hiền. Hà Nội cũng chỉ là một địa phương như bao địa phương khác của vùng quê non nước Việt Nam. Phụ nữ Hà Nội cũng chỉ như bao phụ nữ Việt Nam khác vậy mà lại có những nét riêng rất dễ nhận ra.

Con gái Hà Nội vẫn đoan trang, ý tứ, khi đi vẫn rất nhẹ nhàng uyển chuyển, khi đi ăn rất đàng hoàng không nhồm nhoàm, không nói cười hô hố, khi ngồi ở đâu bao giờ cũng biết giữ ý  khép chân lại và không bao giờ ngồi co chân lên ghế… Có phải người phụ nữ Việt Nam nào cũng có?

Còn khi về già, ví như mẹ mình ấy thì lại là những người đàn bà khéo tay hay làm.. Chính vì họ như thế nên con gái họ cũng tiếp thu được cách sống, nếp sống, cũng mềm mỏng, ý nhị, cũng tươi tắn, lịch sự...”

     Người Hà Nội có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ngẫm mà thấy nó đúng quá! Những người phụ nữa ấy chính là những bông hoa nhài không chỉ của riêng đất Hà thành mà còn là của chung non nước Việt Nam. Chính vì  thế Chủ tịch Hồ Chí Minh mới tặng Phụ nữ Việt Nam tám câu: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.  Và đó chính là nét đẹp vốn có như là “căn tính” của người Việt ta. Bao nền nếp, bao tinh hoa nét sống, bao phong cách đẹp sẽ chẳng bao giờ mai một cho dù nền công nghiệp hóa – hiện đại hóa đến đâu.
Em đa tình như trời sinh ra thế
Đủ tình yêu cho cả trăm anh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Thu Hải Thảo

PHAN BÍCH THIỆN
NGƯỜI LÀM THƠ ĐI TRÊN MẶT ĐẤT

Là một người học chuyên toán, một tiến sĩ kinh tế, một doanh nhân thành đạt trên đất khách, Phan Bích Thiện còn là Giám đốc khách sạn Frield có tiếng ở Hungary...nhưng lại rất thích thơ và làm thơ. Bên những công việc bận rộn hàng ngày chị còn  miệt mài lao động trong văn chương và chính điều ấy đã giúp chị cho ra đời tập thơ đầu tay “Tình yêu không đáy” xuất bản năm 2004. Và 5 năm sau, đúng 19h ngày 19.02.2009 chị cho ra  mắt tập thơ thứ hai của mình với người dẫn chương trình là nhà thơ Trần Ninh Hồ tại Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông – Tây.

 Mở đầu tập thơ “Khoảnh khắc” là lời giới thiệu của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Tôi đã gặp trong Khoảnh khắc một hồn thơ nồng thắm. Người ấy khi đã nâng niu  từng khoảnh khắc nhất định  sẽ biết giá trị của cả đời người:

Những khoảnh khắc
Đoạn đời đã trải
Em trân trọng nâng niu, ưu ái
Bởi biết mình có sống lại được đâu”.


1 -  Là một giám đốc khách sạn có tiếng ở Hungary  nên công việc của chị thường xuyên bận rộn. Vậy điều gì đã đã thôi thúc chị  niềm đam mê văn chương? Có phải  niềm đam mê ấy  nhen nhóm trong chị  từ khi nhà thơ Phạm Tiến Duật viết tặng chị bài thơ “Áo đỏ em đi trong chiều tuyết trắng”  và khuyến khích chị:  “Em cứ thử viết đi, viết những gì em cảm thấy, những gì em suy nghĩ. Em thấy em sẽ viết được mà”.

Thực ra tôi yêu thơ từ hồi đi học. Bố tôi cũng là dân viết lách, cụ viết sử, nên tôi được sớm tiếp xúc với chữ nghĩa và sách vở. Nhưng đúng là những lời động viên của anh Phạm Tiến Duật đã giúp tôi có thêm sự tự tin và bắt đầu viết thường xuyên hơn. Từ khi gặp anh Duật thơ đã trở thành người bạn đồng hành của tôi.

2 -  Thường thì người sáng tác chọn những nơi thật yên tĩnh để sáng tác nhưng  được biết  chị thường vừa lái xe vừa làm thơ. Tôi thấy hơi kỳ lạ.

Nếu được sáng tác ở nơi yên tĩnh thì thật là tốt. Nhưng do công việc của tôi rất bận nên tôi không có thời gian dành riêng cho thơ. Khi làm việc thì tôi thường tập trung vào công việc. Khi lên xe tôi tạm tách khỏi công việc và cho phép “thả tâm hồn theo mây”. Chính vì thế nhiều cảm xúc đã xuất hiện khi tôi lái xe. Những câu chữ cứ tự đến. Khi đến nơi tôi vội vàng ghi lại và lại trở về với con người công việc.
 
3  -  Là một người chuyên về toán học, một tiến sĩ kinh tế, giám đốc  một khách sạn nhưng lại yêu thơ và  làm thơ. Chị có thấy tất cả những vấn đề đó dường như là không ăn nhập gì với nhau?

Những phạm trù trên tưởng như trái ngược nhưng chính vì thế nó lại bổ xung cho nhau. Thơ giúp cho tôi thư giãn giữa những mệt mỏi của công việc kinh doanh. Mỗi người nghỉ ngơi tùy theo những đam mê của mình. Người thì hát karaoke, người thì chơi tennis, còn tôi thì tìm đến với thơ. Thơ giúp tôi giữ được những rung động và cảm xúc của tâm hồn mình tức là giữ được chính mình. Ngược lại là người học tự nhiên và công việc của tôi đã giúp tôi luôn cân bằng. Tôi thường nói đùa là tôi là người làm thơ đi trên mặt đất.   


        4  -  Chị  thấy sao khi  trong Ngày thơ lần thứ VII tại Văn Miếu Quốc tử giám chị lại có một cây thơ thật hoành tráng với  lời giới thiệu  khiến người xem giật mình và phải thốt lên: “Trời ạ! Đa tài quá!”

Hôm Ngày thơ tại Văn Miếu tôi chưa về nước nên không có mặt ở đó. Việc tập thơ của tôi được trình bày thì tôi phải cám ơn các anh chị bên Hội nhà văn và Ban tổ chức. Còn nếu tập thơ phần nào được người tới dự để mắt tới thì như tất cả những người cầm bút hiển nhiên là tôi rất vui.  


5 -  Đàn bà viết văn hay đa đoan lại còn đẹp, đa tài và đa tình nữa thì thường gặp trắc trở. Chị nghĩ sao về điều này và chị thấy mình có phải là một người phụ nữ như vậy?

Đúng là đàn bà viết văn thường đa đoan và gặp nhiều trắc trở. Nhưng tôi không phải là người làm thơ chuyên nghiệp, không phải là nhà thơ. Tôi biết mình là người rất đa cảm, có vậy thì mới làm được thơ, nhưng trong con người tôi còn có cái chất của dân tự nhiên nên nhiều lúc mình vẫn kiểm soát được cảm xúc. Có lẽ vì vậy chắc tôi không bao giò trở thành nhà thơ lớn nhưng tôi biết giữ được cân bằng trong cuộc sống của mình.    


6 -  Hiện nay trong giới trẻ thường xuất hiện những tập thơ “lạ hóa” mang ngôn từ tự do và ngôn ngữ cơ thể. Chị nghĩ sao khi tính truyền thống trong thơ ngày bị mai một đi? Trong tập “Khoảnh khắc” của chị, tôi thấy chị viết rất nhiều về tình yêu, nhưng tại sao chị lại không “dùng” những ngôn từ mạnh để tập thơ của mình hấp dẫn độc giả hơn?

Việc thơ phải đổi mới là chuyện giới văn chương đã tranh luận từ mấy năm gần đây. Nhiều tác giả trẻ đã có những khám phá tìm tòi trong cách sử dụng ngôn ngữ và vần điệu để tạo nên những điều mới lạ hay gây được sự chú ý. Đối với tôi, thơ trước tiên là tôi viết cho chính bản thân mình, đó là những tâm sự của mình nên tôi không quá quan trọng việc phải gây hấp dẫn cho độc giả. Thêm nữa quan niệm của tôi là thơ hay không phụ thuộc vào việc phải dùng ngôn từ mạnh, lạ, theo mốt mà cái quan trọng nhất là phải đi được vào lòng người. Mà để đi vào lòng người thì đó phải là những cảm xúc chân thật, không lên gân lên cốt. Ngoài ra thơ còn phải đẹp, ngay cả khi nói về những gì sống sượng nhất cũng vẫn phải đẹp và tinh tế. Những nhà thơ tôi yêu thích như Puskin của Nga hay Petofi của Hung đều dùng ngôn từ rất dễ hiểu, vần điệu truyền thống nhưng những dòng thơ của họ vẫn sống mãi với thời gian.      

7 -  Chị có thể bật mí cho độc giả biết những dự định trong năm 2009 của chị?

Năm 2009 sẽ là một năm rất bận bịu vì tôi đang làm một dự án mở rộng khách sạn. Nhưng tất nhiên sẽ vẫn có những bài thơ mới. Và tôi có ý định dịch một số bài thơ của tôi ra tiếng Hung để có thể chia xẻ với những bạn bè Hung của mình.

Xin cảm ơn chị.  Chúc chị thành công trên con đường chị đã chọn.
Em đa tình như trời sinh ra thế
Đủ tình yêu cho cả trăm anh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 16 trang (151 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [11] [12] [13] [14] [15] [16] ›Trang sau »Trang cuối