HÀ NỘI TRONG CON MẮT CỦA ĐIỆN ẢNH
Lâu lắm không vào đâu đó xem phim, hôm nay Hải có nhã ý mời mình đi xem (Thanks anh Hải iu quý nhiều nhìu vì anh mà em đã phải trốn học bên Đại học sư phạm Hà Nội đấy) đã xem 2 bộ phim Vua bãi rác của Đạo Diễn Đỗ Minh Tuấn, và Chiếc chìa khóa vàng của Lê Hoàng.
Hai phim này mình đều được nghe giới thiệu từ lâu lắm rồi mà tận hôm nay mới được xem, khi chiều ngồi xem Vua bãi rác, một cảm giác nào đó vừa thương mến vừa buồn cười của những nhân vật trong phim, một anh Trọng đầy cá tính, một em Thủy dịu dàng đến đáng thương, một anh chàng họa sĩ si tình đến ngất ngư, và hình ảnh những bông hoa chuối rừng màu đó, mình không gặp hoa chuối rừng bên ngoài nhiều, nhưng sao thấy một cái gì đó rất gần gũi, rất thân thương.
Hà Nội của những năm 2002 sao mà yên bình đến thế, những âm thanh thường ngày cứ vang vọng mãi, cây cầu chương Dương, bãi nổi Sông Hồng, tất cả vẫn còn đó nhưng nó sinh sôi, phát triển từng ngày.
Hà Nội hôm nay khác Hà Nội hôm qua, và khác hẳn Hà Nội của những năm 2002 ấy, cái không khí của đất trời Hà Nội, tự nhiên mình thấy thèm, thấy thích cái không gian, cái đường phố, những hàng cây, và những ngôi nhà rất riêng, rất Hà Nội ấy, Hà Nội của những năm 2000.
Âm thanh của cuộc sống cứ vang vọng mãi, "Hà Nội những năm 2000, trẻ em không còn ăn xin, bà già ngồi trong công viên..." nhưng đấy chỉ là mơ ước thôi, những số phận, những con người vẫn đang miệt mài vật lộn với cuộc sống, tìm kế sinh nhai, những số phận, những con người quanh cái bãi rác trên bãi sông Hồng ấy gợi cho người ta phải nhớ, phải ám ảnh mãi...
Bộ phim thứ 2 cũng nói về Hà Nội nhưng Hà Nội của những năm bom đạn, những năm chiến tranh, dù bom đạn khốc liệt đến đâu, nhưng tình yêu vẫn cứ nảy nở, vẫn cứ ươm mầm trong mỗi trái tim, nhưng tình yêu ấy thật đáng thương, thương đến tê tái lòng cho cặp đôi trong phim, vì bom đạn, vì chiến tranh, mà cái đám cưới vội vàng ấy chỉ kịp diễn ra để rồi hai người vẫn còn nguyên ven, trong trắng sau đêm tân hôn, người con trai vào chiến trường gửi lại người con gái chiếc chìa khóa vàng, chiếc chìa khóa ấy mở cái gì đây khi chàng trai ra đi? Trái tim cô gái chỉ chứa đựng hình ảnh của chàng trai, và chỉ có chàng trai mới có chiếc chìa khóa vàng để mở cánh của nơi trái tim cô gái....
Nói chung yêu là phải hy sinh, nhất là trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh như thế, nhưng cái tình yêu ấy sao mà đẹp, sao mà nguyên sơ đến thế, thương cho chàng trai và cô gái ấy biết bao...
Dù trong phim đôi chỗ đạo diễn để tâm lý nhân vật diễn ra hơi gượng ép, đôi chỗ khung cảnh chưa phù hợp với hoàn cảnh cho lắm, nhưng chiếc chìa khóa vàng cũng là một thành công của Lê Hoàng, chỉ có điều cái kết chưa làm ám ảnh người xem, cũng là cái bãi giữa Sông Hồng, cô gái tiễn chàng trai vào bộ đội sau đêm tân hôn kinh hoàng của chiến tranh, nhưng thực sự cái kết thúc ấy vẫn làm cho người xem chưa thực sự thỏa mãn, chưa thực sự thấy thích thú hết mình, có một chút gì đó như nuối tiếc, có một chút gì đó hơi thất vọng...
Nhưng nói chung, nhìn ở góc độ nào đó, thì hai bộ phim này rất thú vị, và rất đáng xem, hai Hà Nội khác nhau, nhưng sao thấy Hà Nội thân quen và gần gũi thế, thấy yêu Hà Nội đến thế, yêu nước mình đến thế những con người thuần hậu đến đáng thương...
Hà Nội đang vào đông, Hà Nội đang thực sự chuyển mình, đang rờ rỡ dưới đông, nhưng sao có chút gì đó man mác, có chút gì đó buồn buồn trong những sớm đông mênh mang...
Và những trận gió bấc đang về....
Em đa tình như trời sinh ra thế
Đủ tình yêu cho cả trăm anh.