Trang trong tổng số 7 trang (65 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Gạo Nhe An Cựu




Lúa bây giờ nhiều rất nhiều giống mới, với nhiều ưu thế như ngắn ngày, kháng sâu bệnh, năng suất cao. Đất ít, người lại đông, một năm có thể thâm canh tù tì ba vụ liền. Nhưng thường cái gì ngắn, mau, vội thì phẩm chất thường không cao. Với các giống lúa ngắn ngày hiện nay, khái niệm về ''bát cơm mới''là không còn nữa. Mùa lên, lên đồng, cơm mới vẫn chỉ là cơm cũ. Ít thơm, ít dẻo, đơn thuần là một thứ tinh bột có tên gọi là ''cơm''.

         Cho nên, bao năm rồi mà nhiều người vẫn nhớ những giống lúa xưa, dài ngày, năng suất thấp, nhưng đã thành cơm thì khi ăn chỉ có ngậm mà nghe. Suốt mấy trăm năm, đồng đất xứ An Cựu -Huế chỉ cấy rặt một thứ lúa, đó là giống lúa Nhe. Cái gì ở giống lúa này cũng dài: dài ngày, thân dài, bông lúa khi đã cúi(chín) dài như đuôi trâu con. Còn hạt lúa chín màu vàng ươm, dài như cái tắp bã (đùi) con gái. Khi thành gạo, hai đầu thon đều anh ánh màu ngà. Đúng là hạt ngọc trời. Đến cái màu vàng của đồng luá Nhe An Cựu cũng khác xa cái màu vàng thếch của những cánh đồng lúa ngắn ngày. Đó là thứ vàng ròng. Vàng như từ trong cổ tích vàng ra. Tơ tơ ươm ươm trong sương mù buổi sáng sớm, rồi bắt nắng mai phô phai rực rỡ như một bức tranh lụa tuyền vàng. Càng đẹp hơn khi chen giữa màu vàng là vài sắc xanh rơi rớt của những thửa ruộng muộn. Giữa một biển lúa vàng, nét gam xanh như một bước đi mềm mại gợi nhớ những mối tình quê và bước chân ai Tư Mã.


         Lúa Nhe An Cựu gặt về để thành gạo còn phải qua nhiều khâu nữa. Trước hết là ủ mát cho màu vàng hạt lúa sậm lại. Rồi phơi nắng cho hạt lá nõ như đất ải, khi đong nghe tiếng lúa rào rạo như kim loại. Hạt lúa Nhe nếu đem xay xát bằng máy thì hỏng, bởi hạt gạo sẽ bị vỡ hình hài và lớp vỏ cám mỏng sẽ bị máy tuốt mất. Gạo Nhe chính hiệu phải được xay bằng cối xay tay, giã bằng cối gỗ và sàng bằng sàng tre. Từ hạt giống lúa Nhe nằm dãi gió dầm mưa trên cánh đồng An Cựu năm sáu tháng trời, cho đến hạt gạo Nhe trắng ngà đựng trong chiếc hủ sành là cả một quá trình cực nhọc. Đó là cuộc hành trình của niềm tin, khả năng lao động bền bỉ để sống còn của người nông dân.

         Nhưng có hạt gạo Nhe trong nhà hạnh phúc mới chỉ là một nửa. Nửa còn lại là phần cơ cực của hạt gạo, chịu đi qua lửa nóng và vùi mình trong tro ấm để được dẻo thơm một bát cơm đầy. Bưng bát cơm gạo Nhe An Cựu, lòng ta hàm ân cái vết bầm trên vai mẹ, những nốt chai sần trên tay cha. Nghe trong hương thơm như điếc mũi có gió mùa đông bắc, nắng xuyên khoai và sương mù buổi sáng. Và lúc này, bát cơm gạo Nhe An Cựu không chỉ đơn thuần nuôi sống con người, mà còn là nguồn thực phẩm nuôi sống tâm thức, nhắc nhở con người về lẽ sống mà từ lâu chúng ta đã gần như quên lãng: hạnh phúc là những gì giản dị nhất trong đời.

          Gần đây, trong xu thế đô thị hoá, cánh đồng An Cựu xưa cũng đã thay đổi hình dạng: lom mom nhà, lom mom phố. Gạo Nhe An Cựu chừ cũng chỉ còn trong câu ca dao xưa:

Tôm rằng bóc vỏ bỏ đuôi
Gạo Nhe An Cựu mà nuôi mẹ già



          Tôi đi qua cánh đồng An Cựu xưa nghe lòng đầy nuối tiếc. Những chân ruộng lúa Nhe vàng rực trải dài trong ảo giác. Chợt lòng cộm lên một câu hỏi: rằng những cậu bé của cánh đồng An Cựu ngày sau sẽ nuôi mẹ bằng gì?




(Nguyễn Xuân Hoàng-Tuỳ bút Hương Mùa Thu-2001)

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Quang Tri

Hay quá,là dân Huế nhưng thú thực tôi cũng mù tịt chuỵện này.Chỉ nghe người ta truyền miệng nhau là gạo Nhe(hay De?,Tôi hay nghe người nói là De nhiều hơn).Đọc để hiểu quê mình rõ hơn,để nhớ đến những cánh đồng An Cựu xưa,chỉ còn nằm trong tâm tưởng bao người.XH ví von dé lúa dài như tắp bã(hay trắp bã) con gái thật là hình tượng (không được hay).Có lẻ vì mới mở đầu nên còn lúng túng nhưng sau đó ,lời văn mượt,sâu cuốn hút hơn.Trong văn chan đầy tình cảm nhân văn sâu sắc,cho ta cảm nhận về một vùng miền đã từng có giống lúa ngon.Đi qua An Cựu bây giờ người khách lữ làm sao biết được nơi dãy phố ấy vốn là cánh đồng một thời vang bóng?Đúng là:"Con đường này tôi đi lại lắm lần nhưng hôm nay tôi bỗng thấy lạ".Xã hội phát triển,thay đổi sẽ có mất mát nhưng sẽ được nhiều hơn.Chỉ mong với tình yêu quê hương,chúng ta dựng xây cho chính mình xin hãy làm những công trình thật chất lượng để khỏi thẹn với bè bạn năm châu.Xin chia sẻ chút.
Hoa đào ngày cũ còn đâu nữa,
Thấp thoáng bên song một đoá hồng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

@ chị Thu: Không có Xuân Hoàng thì những người không phải dân Huế như em, mà có khi cả dân Huế những thế hệ sau nữa, biết thế nào là gạo Nhe- An Cựu, một sản vật mà đất trời chỉ dành riêng cho mảnh đất ấy... Lúc nào rảnh chị lại cho em đọc Xuân Hoàng chị nhé!
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@Quang Tri: Trong dân gian Huế vẫn hay gọi là "gạo De" nhưng NT nghĩ thì "gạo Nhe" chắc là đúng hơn. Bởi người Huế vẫn có một bộ phận khá lớn, nhất là các bà, các cụ xưa, khi nói vẫn hay phát âm "nh" thành "d" mà, ví dụ "nhỏ" thành "dỏ", "như" thành "dư", "nhiều" thành "diều". Bạn có biết một câu mà người Huế hay trêu nhau không: "Mưa "dỏ" coi "dư" không mưa!":D

@hoa cỏ: ngay cả chị, cũng đã gần như quên hết hương vị của gạo Nhe nữa là! :)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

@ chị Thu: Em cứ tưởng chị gửi bài mới của Xuân Hoàng...Nhưng em biết chị bận, cả ngày hôm nay không thấy chị ghé về "Như một nỗi đời riêng...". Chị vui, khoẻ nhé! (Em đọc lại bài cũ cũng tốt chị ạ, em hay quên lắm...)
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

Nguyệt Thu đã viết:

Những đôi mắt trên đèo...






Hơn mười năm đi học ở Huế ,không dưới một trăm lần tôi đi qua đèo Hải Vân . Hơn một trăm lần ấy ,không có lần đi nào giống lần đi nào .Duy lần nào cũng vậy , hễ cứ lên đèo là thấy ...buồn. Sương mù giăng kín .Chim cu cô đơn bay giữa những bụi hoa giẻ giun nở trắng đến se lòng . Và gió, những ngọn gió dại cứ từ trong ruột đá thổi ra hắt hiu một màu lam chướng. Nín lặng trong nổi sợ hãi mơ hồ ,tôi đã nhiều lần thấy khó thở khi xe qua đèo Hải Vân. Tưởng có lúc lồng ngực vỡ ra ,rồi co thắc lại khi nghe sau triền núi có tiếng gì như vượn mẹ hú gọi con.Và bất ngờ từ một khúc cua tay áo hiểm trở, hiện ra những vạt cỏ lau nở dài lấp loá dưới nắng, khắc khoải như tay người đưa tiễn . Cả một rừng lau khiến người bối rối , ngơ ngác không biết ngọn lau nào là tay mẹ tiễn đưa .

           Dường như giữa từ "Mẹ" và "đèo" có chung một nội hàm, nằm trong một trường liên tưởng rộng về những gì vất vả, cơ cực nhất. Chả trách người xưa bảo lên đèo nhớ mẹ. Ai đó từng có ý tưởng: hay là tống hết thảy những kẻ bất hiếu lên đèo, để thị hoặc y, có một lần nghe tiếng khóc của vượn con mà biết ơn sinh thành của cha mẹ. Và theo tôi đèo ấy phải là đèo Hải Vân.

           Những ám ảnh lòng tôi những lần vượt đèo Hải Vân không chỉ có hoa lau và mẹ, mà còn có những đôi mắt thăm thẳm buồn không sao nói hết của những người xa xứ. Mười năm qua đèo,tôi đã ngộ gặp hàng nghìn những đôi mắt như vậy. Háo hức, thất vọng, chia ly, buồn tủi. Buồn trong ngày ra đi và buồn cả trong ngày trở về. Những ánh mắt như đã nói lên hết thảy, từ bao ngày tha phương đói cơm thiếu áo cho đến một một niềm hy vọng mới vừa được nhen nhóm. Đó không phải là cuộc ra đi và trở về của những Kinh Kha vận áo khinh cừu, mà là cuộc ra đi của sự dồn đuổi cơm áo và sự trở về của những con chim thiên di lòng nhớ nhung nguồn cội.


           Trong số những đôi mắt buồn tha phương qua đèo Hải Vân, có lần tôi nhìn thấy đôi mắt của một mẹ già. Khuất sau những vai người, mắt mẹ ầng ậng nước. Phải chăng là mẹ đã khóc khi đi qua đèo này? Bên cửa xe, gió thổi quần quật, chiếc khăn mỏ quạ nâu sồng che khuất một phần gương mặt già nua. Làm sao tôi biết quê của mẹ ở đâu, nhưng đoán chắc đó là một vùng quê nghèo của đồng bằng Bắc bộ chiêm khê, mùa thối. Cây lúa không nuôi nổi con người. Qua hết đèo, xe lại tiếp tục cuộc hành trình vào Nam.


          Mẹ ơi! Mẹ đã tin gì ở ngày ra đi này? Nơi Mẹ đến sẽ là đâu? Đường vào Nam còn xa xôi lắm? Mừơi năm đi qua đèo Hải Vân, sau nỗi buồn cỏ lau, con đã đủ lớn khôn chưa để nhận ra từ ánh mắt mẹ muộn phiền nỗi đau của một người xa xứ...



(Nguyễn Xuân Hoàng - Tuỳ bút Hương mùa thu - XB 2001)

@ Chị à! Đọc lại bài kí này em nhớ tới những dòng tin đọc đã lâu trên báo mạng...Từ bao lâu nay, sau mùa bão lũ, miền Trung lại dậy lên một "mùa li hương"...Nghe buồn tủi, xót xa quá chị nhỉ? Đến bao giờ con người mới thoát khỏi nỗi lo cơm áo, gánh cực mưu sinh? Bao gia đình li tán, mất mát không phải do chiến tranh mà lại do thiên tai khắc nghiệt mà nói cho đúng hơn do chính sự vô tâm,sự tàn nhẫn của chính con người...
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Trò chuyện với cây xanh





         Sẽ thế nào nếu thành phố Huế thiếu vắng bóng cây xanh? Nhiều ngày rảnh rỗi mạn đàm chuyện cây với anh Trần Thanh Khánh Hoà - Giám đốc Trung tâm cây xanh thành phố Huế, chúng tôi chỉ bàn có mỗi chuyện cây. Mỗi đời cây cũng có cái gì đó na ná như một đời người. Cũng có tuổi thơ ấu vụng dại lơ thơ ngững chiếc lá non. Rồi tuổi mười bảy, cành vạm vỡ vươn dài lớn nhanh như thổi. Tuổi trung niên chững chạc, cây đổ vỏ, múi nở ra từng trải. Và, một tuổi già tóc bạc trắng, thân cây còng xuống, chờ ngày sinh tử biệt ly.


             Chỉ về lá thôi cũng đã có khối chuyện nói. Đó là những câu chuyện sinh học, nghe rất lý thú. Nó mở ra trong tâm thức một sự sinh tồn triết học đáng nể. Mùa đông sở dĩ nhiều cây cho lá rụng là để bảo toàn nước trong thân cây. Đừng nhìn những hàng cây trơ trọi mà nghĩ là cây buồn vì thiếu lá. Rồi lá sẽ mọc lại, còn những chiếc lá cũ sẽ là kỷ niệm, của đời cây. Một đời như cây long não có đến trên dưới trăm lần trút lá. Và cứ mỗi lần như thế cây lại nhích lên, tán toả rộng ra che nắng gió cho người.


              Huế có nhiều phố cây rất " sắc tộc ". Có phố cây chỉ rặc có phượng - nên còn gọi là đường phượng bay. Con phố Lý Thường Kiệt chạy bên thắt lưng Đại học Khoa học được gọi là phố bằng lăng. Mùa lá rụng, đường chiu chít lá. Thỉnh thoảng những chiếc lá vàng nhỏ lại kêu lên xạc xào dưới chân du khách. Riêng đường lên nhà thờ Phú Cam thì toàn một màu long não, và đây cũng là nơi khởi nghiệp "diễm xưa" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bồ đề là cây vốn "họ" nhà chùa, sống tịch liêu trong các cổ tự, ấy thế nhưng lúc buồn buồn, lại thoát ra phố, sống ngang nhiên một đời cây vỉa hè, không ngại một chút chút luỵ tục nào. Rồi cũng chịu chơi như bạn bè, bồ đề sẵn sàng trút lá ùa vào cuộc chơi đồng - dao - lá của mùa thu, không một chút ngại ngần. Không chỉ biết hát nhờ gió bắt nhịp, một số loại cây ở Huế còn có khả năng "tự hát". Có một đêm lang thang tôi đã giật mình khi nghe tiếng vó ngựa đều đều trong thanh vắng. Đã từ lâu Huế làm gì có xe ngựa? Tiếng nhạc mỗi lúc một rõ dần. Tôi nín thở nhích từng bước chân cho đến lúc nghe thật rõ, thì ra lúc này tôi đang đứng dưới bóng một tán cây lớn mà sau này hỏi ra đó là cây nhạc ngựa. Nhưng đâu chỉ có cây nhạc ngựa biết hát, nghe bảo cừa - một loại cây mê nước, mọc ven bờ sông Hương cũng biết hát theo cách của mình. Đó là tiếng hát của đàn nước khi nhưng bộ rễ của cừa dài và rậm rạp như râu người được nước kéo dạt nghe lép bép như lửa cháy. Trong nước lại ca những bài ca về lửa, đó còn gì khác hơn là khát vọng nhớ rừng của anh bạn cừa. Mùa hè, đám con trai con gái đang yêu thường thích ngồi hàng giờ cho nhau dưới những cây si, ngắm lá si xanh như mắt người tri kỷ. Bóng si trầm lắng nhưng theo lời gió ru nhẹ những lời thủ thỉ của Kim Kiều thời hiện đại. Đẹp nhất một thời là cây si trong nhà Văn hoá Thiếu nhi Huế. Nhà Văn hoá xây dựng lại, cây si phải nhường chỗ cho các em. Bây giờ chỉ có cây si nằm trong khuôn viên trước trường Quốc Học là giữ được phong vận của một thời.


             Đứng chôn chân bên chân cầu phía nam Trường Tiền nhiều năm nay, vẫn là cây phượng già cội to một người ôm không hết. Thế phượng rất đẹp, nên từ lâu vẫn phải đóng vai một tiền cảnh cho các đoàn làm phim và các bác phó nháy. Có một dạo nhánh chủ đẹp nhất, nhiều hoa rũ xuống dòng sôngHương đã bị chặt đứt, bởi một bác phó nháy muốn giữ "bản quyền" cảnh hoa và cầu Trường Tiền. Một sự thô lỗ mà phải gần chục năm sau mới phần nào bù đắp được...

               Ai đã từng học trường Đại học Tổng hợp Huế, hẳn còn nhớ cây mù u nhiều tuổi nằm bên giảng đường A. Mỗi năm một lần vào mùa xuân, cây nở hoa trắng, hương thơm, ngan ngát, có thể sánh với hương cau quê ngoại. Nhiều năm hương cây đã tác thành cho bao uyên ương. Và ai đó có gãy cánh trong tình trường thì hương mù u là một niềm yên uỷ mang lại sự thanh thản cho lòng.


             Nói chuyện về cây xanh phố Huế, chớ quên cây ngô đồng - một loài cây lạ có gốc phương bắc, chỉ nở hoa vào tháng ba. Hoa nở đến đâu, lá rụng đến đó, cánh nhỏ như hoa tigôn, sắc đỏ tím. Hương thơm hoa ngô đông rất lạ, đượm lâu như lửa thông, ở Huế bây chừ chỉ còn khoảng chục cây, tập trung chủ yếu sau lưng điện Thái Hoà - Đại Nội. Đẹp và thanh thoát nhất lại là cây ngô đồng nằm trong khuôn viên công viên tứ tượng, cách dòng sông Hương chưa tới nửa tầm cây.
Gần đây nhất, anh Trần Thanh Khánh Hoà khoe là mới mang về cho Huế một loài cây mới có tên là cây huyền diệp, hoa nở màu lam như áo nhà chùa. Hiện nay cây đã cao ngang tầm ngực người lớn, và chờ ngày để ra phố với bạn bè.

                
                 Khó mà nói hết được về cây xanh phố Huế, sự di dưỡng nhân hậu mà cây dành cho người. Vòm, lá xanh che chở cho những cuộc đời tất bật. Điều quý báu nhất mà tôi nghĩ như một thiên tính mà con người nên học hỏi là cây không bao giờ nói, chỉ lặng lẽ sống một cách có ích cho người.

(Nguyễn Xuân Hoàng-Tuỳ bút Hương Mùa Thu-2001)

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@hoa cỏ: Chị bận thật sự. Càng gần đến ngày 26/3-một ngày lễ lớn của Huế-chị càng tối tắt mặt mày. :) Những ngày này không dành được nhiều thời gian cho thơ và Thi viện nữa!
Những trang tùy bút của Hoàng, có lẽ chị lâu nữa mới gửi lên tiếp được!

Cảm ơn em đã dành cho những trang viết của Hoàng nhiều tình cảm đến vậy! :)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Bánh canh Nam Phổ





     Có gì lạ đâu, chỉ là bột gạo viên lại rồi cắt thành lát dài, nấu với tôm và thịt heo nạc.  Ấy thế mà bánh canh Nam Phổ ở Huế nổi tiếng khắp cả nước.

                 Từ hàng trăm năm nay, nấu bánh canh bán dạo đã trở thành nghề gia truyền của người làng Nam Phổ. Một gánh bánh canh là đủ chạy gạo cho cả gia đình. Có năm thịnh, cả làng Nam Phổ nấu bánh canh bán dạo khắp vùng Huế. Dù đơn giản , nhưng để nấu được một nồi bánh canh Nam Phổ cũng khá công phu. Từ buổi sáng các mẹ, các chị đã dậy sớm để đi chợ, lựa mua cho được những mớ tôm tươi nhất. Tôm nấu bánh canh phải là tôm đầm, thịt đậm đà, đặc biệt là không tanh. Thịt heo cũng phải là thịt ba chỉ vừa nạc nhưng mỡ phải dày. Tôm và thịt heo mua về được trộn đều, giã nhỏ, ướp gia vị vừa phải và viên tròn thành chả. Trong quá trình giã có trộn lẫn một ít hạt điều để tạo màu.

                 Thường đúng trưa các mẹ mới nhen lửa nấu bánh canh. Đợi nước sôi vùng mới bắt đầu cho bột vào và hạ dần lửa. Khi bột vừa chín, bỏ tôm và thịt đã viên tròn vào nồi. Do hạt điều trong chả viên, từ màu trắng nồi bánh canh chuyển dần sang đỏ sậm. Ngay cả phần thịt heo nạc giã nhỏ trông cũng có màu đỏ như tôm. Dùng vá khoắng chậm và đều cho đến khi đáy nồi sênh sếnh, là vùi lửa để giữ nóng. Về cơ bản đến đây bánh canh đã chín. Có thể múc ra cái bát trẹc, sức chứa bằng nmột chén lớn, vừa thổi vừa ăn. Nhưng muốn ngon phải cầm lòng đợi một tí để các mẹ làm cho chén nước mắm ớt. Đây mới thực là một tuyệt chiêu bởi nước mắm ăn kèm với bánh canh Nam Phổ  là thứ nước mắm cốt được làm từ con khuyết Cửa Thuận có màu vàng sậm như rượu vang, bỏ hạt cơm vào cơm vẫn cứ nổi lên trên. Giữa trời đông, Huế lạnh như cắt, cứ một bát bánh canh Nam Phổ đỏ sậm, chơi lên vài thìa nước mắm ớt, vừa ăn vừa xuýt xoa, mới hay cái ngon ở đời nào phải chỉ là nem công chả phụng.


                 Không chỉ ngon và rẻ, đi với gánh  bánh canh Nam Phổ còn có một nét văn hóa phổ quát rất Huế, đó là chiếc áo dài. Vận chiếc áo dài nái thâm nối vai kín đáo, các mệ, các chị lúp xúp quảy đòn gánh đi khắp nơi. Chiếc áo đã thêm vào ẩm thực Huế một nét văn hóa độc đáo. Và các mệ, các chị không còn là người bán thức ăn dạo bình thường mà là những sứ giả của cái đẹp, mang lại cho phố phường một sự lãng mạn hiếm thấy. Gần đây, người bán bánh canh Nam Phổ không còn mặc áo dài nữa, tôi cho đó là một nỗi mất mát lớn của Huế.


                  Trong xu hướng đô thị hóa, ẩm thực Huế cũng có nhiều thay đổi. Các quán phở, quán bún mọc lên nhan nhản. Người mê bánh canh Nam Phổ cũng không còn mấy. Có còn chăng chỉ là những người lao động nghèo, mà bát bánh canh hợp với túi tiền. Riêng với người sành ăn, gánh bánh canh của mệ Dư, mệ Bê là ngon nhất. Mới đây, mệ Dư, sau gần sáu mươi năm trong nghề, tuổi cao sức yếu, mệ đã giải nghệ. Gánh bánh canh bây chừ mệ chuyền tay cho đứa con gái. Còn mệ Bê, do bán ở Huế ế ẩm, mệ chuyển sang bán ở khu vực phố cổ Bao Vinh. Cứ vào giác đầu giờ chiều, nhiều người thấy mệ đi đò ngang, khuôn mặt đăm chiêu buồn, gánh bánh canh đặt trên sạp ghe, thoang thoảng mùi tôm đầm Chuồn và vị nước mắm Cửa Thuận.


(Nguyễn Xuân Hoàng-Tuỳ bút Hương Mùa Thu-2001)

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Quang Tri

Hay quá,món quê chỉ đọc qua mà hương vị của đọi bánh canh như thơm nồng trong không gian nơi xa nầy.Vâng,cảm ơn XH đã ghi lại một món ẩm thực dân dã nhưng dã thấm vào tâm tư bao người Huế.Món bánh canh kẻo kẹt đường quê, phố chợ ấy với chiếc áo dài và tiếng rao chiều khi giờ ăn bữa lỡ đang đến.Yêu Huế đâu phải là dòng Hương,là cây xanh trên Thiên an,hay đỉnh Ngự ...mà còn những nét chấm phá ẩm thực dân dã như bánh canh ,cơm hến ,nậm ít ram ...Nơi phương xa này,đôi khi thèm bánh canh nhưng chắc hương vị không giống quê nhà bởi con tôm,con tép hay lát thịt heo cùng cách nấu cũng khác đã khiến càng ăn càng nhớ Huế vô cùng.Bởi chỉ có bánh canh nấu tép với thịt là làm bột trước và thả tôm thịt sau,chứ như cháo vạt giường ở Diên Sanh,QT là một loại bánh canh nấu với cá lóc thì xắt bột vào nồi nước dùng đang sôi sùng sục,cây dao phải mỏng và bén với nhát đưa thật đẹp như múa vậy.Ơi, bánh canh làm cho ta lại nhớ một thời lãng du xưa xa.Cảm ơn NT đã cho tôi đọc một đoản bút hay của XH.Thân mến
Hoa đào ngày cũ còn đâu nữa,
Thấp thoáng bên song một đoá hồng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (65 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối