Trang trong tổng số 7 trang (65 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7]

Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@hoa cỏ:
Chị không hề biết gì về chuyện cỏ Ngu Mỹ Nhân Thảo trong Thành Nội. Nếu biết đã sớm hỏi Xuân Hoàng! Sẽ ghi nhớ để tìm hiểu xem sao... :)

---------------

Đọc câu chuyện này làm mình nhớ tới một câu chuyện được nghe ông nội kể từ hồi còn bé, về Tương Tư Thảo.

Hồi đó, khu mộ của đại gia đình mình ở một vùng đồi núi cách thành phố Huế chừng 30km. Mỗi lần được gia đình cho theo xe đi thăm mộ, với bầy trẻ nít thành phố là một niềm vui không thể tả!:)

Tới đó, mặc cho người lớn đi thắp hương, nhổ cỏ quanh các ngôi mộ, tụi nhóc ùa chạy đi tìm các bụi rậm hái sim, móc, nhai tím hết cả miệng! Tò mò chen nhau đứng nhìn các miệng hang thỏ, hang chồn.

Mình có tật vẫn thích vơ vẩn ngắm nghía các cây cỏ mà ở thành phố không bao giờ có thể tìm thấy, thích nhổ các cây cỏ dại rồi hít hít mùi thơm thơm, ngai ngái từ các bụi rễ cây; thích nhổ các dây Hà Thủ Ô - dù rễ của chúng bám rất chắc vào đất sỏi của vùng gò đồi - kỳ cạch nhổ chỉ vì mỗi chuyện thích cái thân dây leo màu đỏ tía của nó.

Một lần như thế, ông nội hỏi: Con có biết cây Hà Thủ Ô còn có tên gì nữa không?
Tất nhiên là mình không thể biết rồi! :)
Thấy vậy, Ông bảo: Cái cây trên tay con đang cầm còn được người ta gọi là Tương Tư Thảo!

Nhìn cái vẻ ngơ ngác, đầy thắc mắc của cô nhóc ưa tìm hiểu, ông nội giải thích luôn bằng... thực địa:

- Con nhìn đi, có phải hai cây Hà Thủ Ô kia đang quấn lấy nhau không? Và những cây khác nữa? Kể cả những cây còn đứng riêng lẻ, vòi đọt của nó vẫn đang vươn ra, hướng về nhau...

Nhìn và quả thấy đúng như thế thật. Ông cười rồi nói tiếp:

- Những cây Hà Thủ Ô được gọi là Tương Tư Thảo vì thế đó. Dù ban đầu mọc cách xa nhau, nhưng chúng vẫn hướng về nhau, mỗi đêm chúng lại vươn đọt non dài ra thêm cho đến khi bắt gặp nhau và quấn lấy nhau như không muốn rời ra nữa!

Cái tên hay và câu chuyện nhiều huyền hoặc đó của một loài cây cỏ, qua lời giảng giải của ông nội, đã sống mãi trong ký ức mình từ thơ bé đến giờ!

Cảm ơn Nội thật nhiều - người ông đã vẽ nên thế giới tuổi thơ thật phong phú cho con!

:x
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

@ chị Thu: Câu chuyện về Tương Tư Thảo- Hà Thủ Ô mà ông nội kể cho chị nghe cũng thật ý nghĩa chị à! Sống trong trời đất, dẫu là cỏ cây cũng chẳng thể vô tình. Và Nguyễn Xuân Hoàng đã nghe, đã cảm được những xúc cảm của bao loài hoa cỏ...Chỉ điều đó thôi cũng đủ thấy Anh có tâm hồn tinh tế, nhân hậu biết bao nhiêu...
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

Quê quán tôi xưa...



                         Gần như mỗi người đều có một "quê quán tôi xưa" rất riêng. Quê quán ấy chảy hoài trong tâm thức, lúc nôn nao bồn chồn, lúc thắt thẻo ray rứt. Có lúc cuộn lên như một khối u nhức nhối những hoài niệm. Rằng nỗi nhớ ấy là những hình ảnh rất cụ thể, rực rỡ như một phiên chợ quê nhem nhép con đường làng bùn lầy. Là mái trường xưa vách đất, đứng run run nghèo khó trong sương lạnh buổi sáng. Là tấm bánh đúc nằng nặng vị vôi Tân lang làm ấm lòng con đường xa đi học. Ai đó bảo nhớ quê cũng là một cơn đau. Cơn- đau- nhớ ấy vin vào trí tưởng tượng để mà sống, tựa vào hồi ức để mà lớn lên như một thứ cây xanh trong vườn cũ. Có lúc tự trách thân sao đành lòng, đành dạ bỏ quê mà đi. Bát cơm xứ người nào có hơn gì bát cơm làng. Tìm đâu ra được chén nước mắm cái mẹ muối bằng tấm lòng mình và những thứ rau tập tàng mọc bên hè mà lay lắt suốt một tuổi thơ. Tìm đâu ra cây đa cũ mười lăm năm bỏ quê ra đi, còn đứng đợi đầu làng. Những dậu hoa tầm xuân tím đến lỡ làng một đời con gái, ngày ai thôi trèo lên cây bưởi hái hoa?

                                Bỏ quê ra đi, đám bạn tôi mang câu hỏi công hầu, như Kinh Kha xưa tráng sĩ chừ đi không trở về... Chừng ấy năm tháng bặt tăm ngày gặp lại có tráng sĩ mười năm theo nương rẫy Đồng Nai, người đen còn hơn cây mía cháy. Có tráng sĩ mười năm bốc nước đá lẻ bán quanh quanh khu vực chợ Bến Thành. Muốn trở thành một Val Gogh bỗng dưng thành gã vẽ truyền thần. Muốn thành nhà toán học bỗng một ngày trở thành anh lái buôn hạng bét. Có thể thay hình đổi dạng, bập bềnh nặng nhẹ giữa đời nhưng rồi đứa nào cũng nhớ... quê. Cũng tự trách mình sao nỡ bỏ quê mà đi. Càng trách, lòng càng nhớ. Cái tỷ lệ thuận đè lên tim ngột ngạt như ngày xưa đi tắm sông chơi dìm nhau xuống nước.

                                Khái niệm "Làng" là một vô cùng ở cõi đời này. Nó mở ra bất tận trong tâm thức sự biết ơn, lòng trách phận và một nỗi u hoài. Những tàu lá chuối xác xơ mùa đông nào có gì đáng nói trong tuổi thơ nhưng khi con người ta trưởng thành trong mỗi giấc mơ đêm về từ tàu lá chuối kí ức ấy bỗng nổi lên ngàn cơn gió thổi miên man. Gió đi qua cánh đồng ngày hạn hán, đi qua cơn mưa tầm tã buổi chiều. Gió đi qua con đường làng hun hút lá tre rơi, đi qua bàn tay mẹ rách bươm phèn mặn ruộng đồng và đi qua tấm lưng cha gầy rộc dưới vai cày. Khu vườn xưa với những tàu lá chuối buồn ủ rũ trở thành nỗi ám ảnh riêng tư cho cả một đời người.

                               Có một "quê quán tôi xưa" siêu hình, nó là ngày cũ trong tiền kiếp. Con người từ đó ra đi để rồi khổ ải làm một cuộc trở về. Một lần ghé thăm nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, trò chuyện về câu thơ "Đê đầu tư cố hương" của Lý Bạch, ông khăng khăng cho rằng: "Cố hương" mà Lý Bạch đề cập ở đây không phải chỉ là quê hương mà là nỗi nhớ về một tiền kiếp của phận người. Cái lí ấy có lẽ đã xuất phát từ một bản thể luận Phật giáo vốn xem cuộc đời là một vô ngã. Rằng quê hương đích thực của con người là chiếc lá đã rơi từ mùa thu năm trước. Nó là thứ hoa đào năm ngoái nở vô minh trong đời sống tâm linh để thức tỉnh giấc mơ về một cõi vĩnh hằng của nguồn cội. Nơi ấy, nghìn năm mây trắng bay. Cây ngô đồng đứng rũ xuống cội già những chiếc lá hình gương mặt người xanh xao trong ưu tư. Và tiếng con chim sẻ đồng kêu thảng thốt dưới chân những ruộng lúa cuối vụ vàng ươm một sắc nắng mai. Về với “quê quán tôi xưa” là về với “vết lăn trầm” ngày nào trong âm nhạc Trịnh, để thao thức hoài giữa một cõi sống “Như có lần chim muông hằn dấu chân. Người đi từ đó chưa thấy về quê nhà”. Không hiểu sao, mỗi lần nghĩ về quê cũ, lòng bỗng dưng muốn tìm về những trang bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường và âm nhạc Trịnh Công Sơn. Về với những cảnh giới trong đời thực đầy những tiên cảnh và dự báo, những mỏng manh hữu hạn đẹp vô ngần như một vạt nắng vàng tê tái bên sông. Như vẫn còn nguyên khối tình quê cũ bảy trăm năm trước của Lý thi sĩ. Đi lang thang trong hoàng hôn, lòng dõi về quê nhà mịt mù một cõi yên ba. Trong nỗi nhớ tha hương ấy hiển hiện hình bóng mẹ già tựa cửa, và mờ nhoà một bông cau đang mùa lổ hoa xa khuất tận cuối đường chân trời. Lúc này, ôi quê quán tôi xưa là một hiện hữu trần gian mà bao năm tháng tao loạn điêu linh, trong trời chiều bãng lãng đường xa lòng vẫn cố tìm về...

                                     Ngày nọ về thăm quê mẹ, đi hoài lang thang cuối bãi. Nước sông Trà mùa thu xanh xanh màu trời. Bước chân dừng lại trên cát trắng, lòng thẫn thờ thương một cánh vạc còn bay...


                                                (Nguyễn Xuân Hoàng- Tuyển tập bút kí "Hồn mai"- Năm 2007)
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Quang Tri

Đọc tuỳ bút này,bỗng dưng tôi lại hỏi tôi.Đâu là quê mình?Làng quê được khắc sâu vào tâm tưởng ?Không mênh mang tự ngàn năm trước hay theo những tản văn hay về những con sông quê,với cánh diều .Tôi lớn lên ở phố thị nghèo của vùng địa đầu giới tuyến xưa.Hằng năm theo cha về quê thuộc một huyện của tỉnh Thừa Thiên để giỗ kỵ.Những hình ảnh lắng đọng lại theo kí ức đã nhạt mờ theo tháng năm mưu sinh.Tự hỏi mình,nhớ nơi nào nhiều hơn,rõ nét hơn và gây nhiều cảm xúc thân thương nhất.Quảng Trị hay Huế?Hôm nay ,khi đứng trước những lăng tẩm bia mộ.Dưới những nấm cement vô cảm là tiếng gọi lưu truyền ngàn đời vang vọng.Tôi lại bồi hồi một niềm tự hào không lời.Vậy thì sao ta lại có lúc phân vân?Nơi sinh ra và nơi dưỡng ta lớn.Những đứa con ta được sinh ra ở miền Tây này hay ở bên bên trời Tây xa xôi có hiểu được những phút giây lắng lòng như ta hôm nay không.Quê hương là gì! Rưng rưng ta nhìn đứa con ,rồi lại nhìn đứa cháu nội còn bi bô mà tự hỏi lòng.Làm sao nuôi dưỡng một tình cảm quê hương nơi con cháu mình!!!Buồn hay vui!!
Út xe ôm
Hoa đào ngày cũ còn đâu nữa,
Thấp thoáng bên song một đoá hồng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

Trở lại vườn xưa...



                   Cái hôm trời Huế chuyển sang thu, tôi cùng bạn bè tìm về Vỹ Dạ, ghé thăm khu vườn cũ của anh Đinh Thu. Vườn rộng, nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Gần thôi nhưng đi thấy hun hút lòng. Vẫn là bờ chè tàu mọc đầy một thứ lá xanh ngắt như là hoang dại. vẫn là cây khế già hơn nửa thế kỷ, cội to, cành lá xum xuê, trái ngọt đầy chiu chít. đứng ở dưới cội nhìn lên thấy trái như một bầy heo con lổn ngổn bám vào vú mẹ cây. Trái chín rụng đầy gốc, mùi khế ngọt ung úng thơm đến nao lòng. Có cái gì đó thực mênh mông ở khu vườn nhỏ này. Nắng mùa thu dìu dịu, mưa lay bay như tơ trời vương vấn, và gió thật nhẹ như từ trong kí ức thổi miên man qua bờ chè tàu rợp lá. Một cảm xúc nào đó của tuổi thơ bỗng trở về tràn ngập tâm hồn. Cũng nắng, cái nắng nhẹ tênh này. Cũng gió, cái thứ gió dại dột và hoang mang này. Và cũng mưa, cái thứ mưa như lấy vạt áo mà đong, mà lắt phắt như lời nói thầm tỉ tê của một ngày xa ngái… Có cái gì đó thảnh thốt như tiếng vạc trong đêm khi cơ hồ lòng nghe tiếng khế chín rụng vùi xuống thảm lá dày. Đâu có ai gọi tên mình mà thảnh thốt. Dưới chân đám cỏ dại, có tiếng bầy dế hoa râm ran gọi Thu về.
                           Về khu vườn xưa Đinh Thu, tôi bỗng thấy mình trẻ dại. Thèm ngồi mãi ở góc nhà để chờ bày cò trắng bay qua. Dường như chẳng mấy khi cò bay qua bầu trời phố Huế và ở vùng Vỹ Dạ, cũng lâu lắm mới thấy một cánh cò bay lạc trong ngày. Trong cái thăm thẳm của khu vườn xưa, bỗng muốn đọc lại thật chậm câu thơ ngày nào của Duy Tờ “Vườn xưa nhà em sao mênh mông” . Ở đâu đó đăng bài thơ này đã “cắt” mất của tác giả một chữ “sao”, và anh quay quắt suốt mấy tháng trời như một người nghèo mất đi thứ của quý nhất. Và với chữ “sao”, thán từ buốt lòng ấy, tôi đứng ngẩn ngơ bên bức bình phong phai màu thời gian, rêu nhỏ mọc lún phún như đã từng mọc trăm năm trước bên thềm nhà Phủ Doãn Thừa Thiên Nguyễn Công Trứ. Không có gì lạ khi thiên nhiên chính là đời sống tinh thần của người Huế và khu vườn là nơi các thành phần của thiên nhiên đã hội tụ về đây. Ngay cả ngọn núi lớn nhất người Huế cũng có thể mang về khu vườn của mình và đặt nó trước hiên nhà. Và phải chăng ngay từ xa xưa, cũng chính người Huế đã cho núi gặp nhau mà thú chơi hòn non bộ là một cách gặp tài tình. Dù rằng nhà thơ Thanh Tịnh nổi tiếng trào lộng từng nói rằng đã là núi thì không thể gặp nhau.
                               Ngồi bên Huỳnh Lâm dưới cội khế già, chợt thấy mắt cay cay cái ngọn nắng thu vàng đã lọc qua những tán lá xanh hoài như mộng. Và ai như bóng mẹ già thấp thoáng sau cánh cửa gỗ bàng khoa…
                                            Mẹ già như khế rụng
                                            Xuống đời con ngọt bùi

                               Đúng là sẽ chẳng bao giờ còn gì để nói nếu khu vườn xưa vắng mẹ, vắng cái phần hồn duy nhất để những đứa con xa có thể trở về dù chỉ để là ngồi đây ngắm mây trời bay ở vườn nhà bên, và để nhớ một góc vườn xưa hoang dại tuổi thơ…


                                                (Nguyễn Xuân Hoàng- Tuyển tập bút kí "Hồn mai"- Năm 2007)
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (65 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7]