Trang trong tổng số 7 trang (65 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ

https://lh5.googleusercontent.com/-u2qnw4sthS4/TPY-jXt0mhI/AAAAAAAAArc/8X1KhvBtHQU/w640-h480-no/IMG_0689.jpg
photo: Nguyệt Thu




       Sống thẳng một mạch mười năm có lẻ ở Huế, nhiều đêm mất ngủ, tôi nằm nghe tiếng chuông Thiên Mụ tựa như lời nói thầm âm hao mà lòng thổn thức nhớ quê.

          Một năm 365 đêm, đêm nào cũng thế, cứ vào giờ tí, sư trụ trì chùa Thiên Mụ lại cho thỉnh chuông. Mùa xuân, tiếng chuông nghe trong vắt như hơi gió heo may đi qua kẽ lá, làm bồi hồi đất trời, đâu đó những mầm sống cựa mình để đất nở hoa, cho hoàng mai nở vàng suốt một dãy phố chợ. Kể từ tiết lập hạ, tiếng chuông nghe thảnh thơi hơn, có nắng gió và sự trầm tĩnh của lòng người thỉnh chuông. Tiếng chuông như có bóng mát che chở mỗi đời người. Nhưng từ trong sâu thẳm vẫn sừng sững một nỗi cô đơn nhân từ của trời cao, và tiếng chuông lúc này nghe như đại ngã bao dung.


         Vào giác thu, trời Huế tím cho đến tận nửa đêm, đường phố nhiều lá rụng, tiếng chuông Thiên Mụ vì thế cũng đã vàng xao xác. Cây cối rũ lá thanh thoát và tiếng chuông đi qua xương cây nghe mơ hồ như một hơi thở nhẹ, say say nắng. Đó cũng là thời khắc bịn rịn, chia lìa của các tình nhân, họ ngậm ngùi trở về để mặc vai áo cho sương thu ướt đẫm. Tiết lập đông có tiếng chim sếu kêu khan ngoài sông lạnh, Huế rét mướt vô kể. Tiếng chuông Thiên Mụ nghe như buồn hơn bao giờ hết, để người xa quê lòng nao nao nhớ một bếp lửa hồng.

           Chỉ một tiếng chuông nhưng chao ôi đã đong bao buồn vui, khắc khoải của một đời người. Rằng nương theo tiếng chuông này, ta sẽ gặp ngày hội ngộ của bốn mùa.


           Với những người am hiểu Huế, sở dĩ tiếng chuông chùa Thiên Mụ hay và vang xa nhất, không phải chỉ vì nhờ cấu trúc tinh xảo và chất đồng tinh luyện mà còn vì chuông được thỉnh bằng dùi gỗ mít nài xứ núi, tuổi trên một trăm, thớ gỗ đã chuyển cả từ vàng nghệ sang đỏ sẫm với vân hình cánh nhạn. Gỗ mít nài xứ núi khắc với đồng như thủy với hỏa. Sự tương khắc để mà sinh sôi cho tiếng chuông kỳ diệu, nghe một đời mà không thấu trọn.


            Còn với người Huế xa quê, tiếng chuông Thiên Mụ là nỗi nhớ dai dẳng như mưa dầm, buốt rức, suốt một đời ám ảnh những bước chân ai phiêu bạt mưu sinh.


(Nguyễn Xuân Hoàng-Tuỳ bút Hương mùa Thu-XB 2001)

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Cây phượng bên chân cầu Trường Tiền

</a
photo: Nguyệt Thu



     Mỗi năm một lần vào mùa hè, cây Phượng bên chân cầu Trường Tiền nở hoa rực rỡ. Sắc hoa đỏ pha hồng vào giác chiều tím bầm như xác pháo. Màu hoa như chạm nổi vào bầu trời bềnh bồng mây trắng đuôi chồn. Ấy là cái màu hoa đỏ khát khao, cuồng nhiệt của một thời áo trắng không thể nào quên. Con trai, con gái Huế phải lòng nhau, hay tìm đến gốc cây Phượng này như một địa chỉ của Vườn Thúy. Vật để gieo cầu tin yêu là những cánh hoa Phượng đỏ. Hoa rút ra từ tơ lòng nên có màu sắc riêng, phập phồng như nhịp đập của trái tim. Uống nước dòng Hương và được sưởi ấm bởi những bàn tay tình nhân, mỗi năm cây Phượng một vậm vạp ra. Gốc đã to hơn một vòng tay của đàn ông, xù xì những thớ gỗ bọc thành múi gân guốc. Thân cây đen mốc những rêu xanh nhung mịn. Ở phần sát với mặt đất lát đá hộc, một chiếc đinh to không hiểu ai đó đã đóng ngập vào thân cây. Nhưng Phượng vẫn lớn, vẫn xanh và đợi con ve sầu kêu là nở bùng hoa đỏ. Gieo từ trời cao xuống những lúm hoa như những chiếc lúm đồng tiền mời gọi một nụ hôn nồng thắm. Nhưng đâu chỉ có con trai con gái lấy cây Phượng làm nơi hẹn hò. Thỉnh thoảng, cây Phượng lại mở vòng tay đón một đôi chim Vành Khuyên lạc rừng về đây âu yếm.


           Nhiều năm sống, cây phượng đã trở thành một phần không thể thiếu được của thành phố Huế. Để lịch sử thành phố tiếp tục với những giả định: nếu như không có sông Hương, nếu như không có cầu Trường Tiền, và nếu như không có cây Phượng đỏ bên chân cầu...thì thành phố Huế sẽ thế nào? Huế sẽ nghèo đi biết mấy. Mà đúng là như vậy. Với người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh, chỉ có một góc ưu việt nhất để bắt cái thần của cầu Trường Tiền là đứng ở đường Nguyễn Đình Chiểu sau lưng Đài Phát thanh-Truyền hình TT Huế, lấy cây Phượng làm tiền cảnh và lia máy ôm gần trọn thân cầu.


          Gần một chục năm nay năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hoa Phượng nở, tôi lại tha thẩn ra chân cầu Trường Tiền chong mắt đếm những cành Phượng đỏ. Vẫn là mười ba cành. Cũng gần mười năm rồi cây Phượng không ra thêm một cành nào. Chỉ có hoa là nhất thủy nhất chung, mỗi năm một lần đỏ trời đỏ đất, đỏ vai con trai con gái mỗi dịp hè về. Không hiểu là có nên xếp cây Phượng này vào loại " di tích sống" hay không? Chứ mỗi năm Phượng cũng đã tiếp ngót nghét chục ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh. Có người đi qua lần đầu chỉ thấy cây Phương hay hay. Đứng một mình mà làm cả mùa hè. Còn với cư dân Huế, cây Phượng là thước đo niềm vui, nỗi buồn, những kỷ niệm chưa bao giờ phai nhạt. Trên lớp vỏ dày xù xì thời gian vẫn còn đọng mãi những dấu khắc vụng dại. Dấu khắc có khi là một cái tên người trọn vẹn. Có khi chỉ là hai chữ cái xoắn vào nhau trong một ô van trong ngần tuổi học trò. Vỗ nhẹ bàn tay vào thân cây, nghe như đâu đó dưới mặt sông có tiếng cười âm vang. Rồi một tà áo tím bạch như áo lụa Hà Đông của Nguyên Sa đi qua cội lòng như một giấc mơ đã nhòa hương sắc.


          Năm nay mùa hoa Phượng nở, tôi lại tha thẩn ra chân cầu Trường Tiền ngắm cây Phượng đỏ. Và đếm số cành trên cây: một, hai, ba, bốn, năm...vẫn là mười ba cành. Sao lại là mười ba? Tôi tự hỏi mà lòng không thể nào trả lời được. Nhưng kìa, từ một nách cành phía lòng sông Hương, một chồi Phượng nhỏ như ngón tay út người lớn đang nhu nhú mọc. Giữa một bầy hoa đỏ, chiếc chồi xanh mạnh mẽ và lạc loài đâm vào kỷ niệm xưa.


(Nguyễn Xuân Hoàng-Tuỳ bút "Hương mùa Thu"-XB 2001)

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

@ Chị Thu: Em mới đọc "Tiếng chuông Thiên Mụ", còn "Cây phượng bên chân cầu Trường Tiền" em để dành, tối về mới đọc; thêm nữa, tối về mới nghe bản nhạc anh vodanh tặng (lời của chị Nguyệt Thu) dù lòng đang háo hức...
Chị ơi! Những cảm nhận của Xuân Hoàng thật tinh tế mà sâu sắc chị nhỉ! Vào Huế, được đến chùa Thiên Mụ, hình ảnh đọng lại trong em là những chú tiểu nho nhỏ ngồi đọc kinh, giọng đọc trẻ thơ nghe nao nao lạ chị à. Rồi có những chú bị phạt (hình như thế!?) phải ngồi quay mặt vào tường ở trai phòng tự học. Rồi những cây mít to, những bông súng tím bé trong khuôn viên chùa...Tất cả gợi lên sự bình yên, thanh thản lạ cho tâm hồn chị yêu quí ạ! Em yêu Huế nhiều hơn có lẽ nhờ thơ chị và bây giờ thêm những dòng tuỳ bút, tản văn của một người tài hoa mà em không bao giờ có cơ hội được gặp mặt...
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@Hoa cỏ: Cảm ơn em đã ghé vào chia sẻ đôi dòng. :)

Chị vừa mới bổ sung cái ảnh chân dung của Hoàng lên trang 1 của topic này. Hoàng ở ngoài đời cũng rất hiền, rất nhỏ nhẹ. Chị cũng thấy nhớ và tiếc Hoàng, nhớ những dòng tản mạn Huế mà ngày trước Hoàng hay gửi lên trang báo cuối tuần của báo TT Huế...
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Hương mùa thu
http://i107.photobucket.com/albums/m291/Nguyetthu_2006/IMG_5574.jpg
Photo: Nguyệt Thu




Nửa đêm choàng thức dậy, nghe mưa rơi lác đác trên mái ngói, gió thổi từng đợt nhỏ xao xác ngoài hàng hiên, rồi lá hổn hển rơi rụng đầy hè phố, biết là mùa thu đã về.


           Mùa thu ở Huế ngắn và vội như một giấc mơ đẹp.Trong ánh nắng thu vàng rượi màu mỡ gà, đã xuất hiện từng cụm sương mù như pháo hoa. Ven sông Hương hàng cây sến lửa thả lá đỏ rực. Những chiếc lá mỏng như con thuyền nan lơ lững trôi về Đập Đá, chở theo trong lòng lá hẹp là một khoảng trời xanh lơ- đặc trưng của mùa thu xứ Huế. Kể từ vào thu, nước sông Hương dường như cũng thêm hương sắc, xanh hơn và trong hơn. Đứng ở mái hiên cầu Trường Tiền có thể nhìn thấy từng bầy cá bống hoa bơi quanh chân cầu. Những bọt nước sủi từ miệng cá, nghe có hương thoang thoảng của Thạch Xương Bồ. Phải là tôi đang nghe hay đơn giản đó chỉ là mùi hương của ảo giác, của một tình yêu trẻ thơ tự ám thị vào mình.


          Có một ngày đi tìm mùa thu chân đưa tôi về Vỹ Dạ. Những bóng trúc xưa in mặt chữ điền trong thơ Hàn không còn nữa. Vỹ Dạ thôn bây chừ đã là phố. Nhưng còn có một niềm may là những vạt cúc dại ven con hói cầu Ông Thượng cứ chớm thu là nở rộ. Màu hoa vàng lay lắt gợi nhớ những ngày xa, ta lần đầu đến trường học a, b, c. Gợi nhớ một mùa thu nào xa lắm hực hỡ mối tình đầu học trò. Tóc em cài hoa cúc, hương hoa bay như bầy bướm vàng trên con đường làng ngái xa . Dường như không phải đợi vào thu, hoa cúc nở, mà là hoa cúc nở để gọi mùa thu về. Hoa cúc cho mùa thu sắc vàng, cho mùa thu hương thơm, cho mùa thu cả màu trời ửng sáng, gọi đàn sếu bên kia sông bay về với ngày hội lá bay.


          Mùa thu ở Huế đầy hương bắp. Hương thơm giản dị như phù sa, thân mật và gần gũi đến lạ. Người Huế thường trồng bắp ven các biền, bãi sông Hương, sông Bồ, sông Truồi...Nhưng nói đến hương bắp Huế, vẫn là nói đến bắp xứ Cồn Hến- cái ốc đảo cách Vỹ Dạ một tầm sông. Mùa thu Huế cũng là mùa những người dân xứ Cồn " cất" lứa bắp non cuối cùng trước mùa mưa lũ. Những gánh bắp nấu dậy hương thơm, được quảy đi khắp phố Huế làm nên cái hồn quê, không thể diễn tả bằng lời. Và nữa, nào ai đã một lần vào buổi sớm mai, đi qua những hào sen mùa thu, nghe trong tiếng đập nước của bầy chuồn chuồn ớt, thoang thoảng mùi sương sen cuối mùa, vị mằn mặn bùn. Đó là hương thơm của những đóa hoa sen muộn mằn nằm khuất lấp nhiều ngày trong những chiếc lá to, để lặng lẽ điểm thêm cho mùa thu một chút hương thầm.


          Xòe bàn tay đếm hương mùa thu Huế, những hương Thạch Xương Bồ, hương cúc, hương bắp, hương sen...sao vẫn còn thấy thiếu thiếu. Chợt nhớ trong ký ức là còn nữa một mùi hương lá. Chỉ thoảng hiện vào buổi sáng sớm và đậm đặc lúc chiều tối. Lá long não nồng nàn, lá phượng cay thoảng chút chua chua, lá bàng sên sết đắng, lá hoàng hậu ngọt lạnh. Hương lá đã làm cho mùa thu xứ Huế có một phong vị và gương mặt riêng của đất kinh kỳ.


(Nguyễn Xuân Hoàng - Tuỳ bút Hương mùa thu - XB 2001)

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

@ Chị Thu:
- Tuỳ bút của Xuân Hoàng ngắn gọn, nhỏ xinh như một bài thơ với những cảm nhận thật riêng, thật lạ chị nhỉ!?
- Hôm nay em qua cầu Chương Dương, thấy nước sông Hồng cạn trơ đáy. Bãi giữa chia đôi, hai nhánh sông chỉ còn là con suối nhỏ với những vụng nước nhỏ. Ngắm ảnh sông Hương của chị thương sông Hồng và tự dưng thấy buồn buồn chị ạ!
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@Hoa cỏ: Chị thích tùy bút của Xuân Hoàng vì như em nói, và còn vì nó chẳng cần hoa mỹ mà vẫn khắc họa thật nét, thật ấn tượng về thiên nhiên Huế, con người Huế, gần gũi, bình dị...

Mỗi dòng sông vẫn có nét đẹp rất riêng mà em. Sông Hương nhỏ nên xinh. Sông Hồng lớn cả về tầm vóc lẫn bề dày lịch sử nên chị vẫn thấy choáng ngợp những lần được ngang qua sông Hồng. Chị chưa tận mắt nhìn thấy cảnh sông Hồng cạn trơ cả đáy, mà vẫn thấy thật ấn tượng trước dòng sông cuộn chảy đỏ nặng phù sa.:)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Quang Tri

Qua những bài tản văn của XH được NT đưa lên.Tôi bắt gặp ngôn ngữ tản văn riêng biệt của những người viết về Huế.Khi đọc những dòng của H ,tôi như thấy từng bước đi của H để cùng cảm nhận hồn Huế thấm đẫm trong câu chữ.Tôi vừa đọc vừa tưởng tượng theo hướng nhìn của H và trước mắt tôi là cây phượng đang nở đỏ rực rỡ với 13 nhánh khoẻ khoắn vươn lên soi bóng mặt dòng Hương.Có chút cường điệu của H khi đặt vị thế của cây phượng ngang với dòng sông,cây cầu,nhưng không sao bởi cây phượng đã cho một góc ảnh đẹp .Cây phượng rủ bóng làm nền cho những bức ảnh ,điểm tô cho nàng Hương xanh trong ,đỏm dáng hơn.Huế đẹp với chút bàng bạc của sương ,của mưa và tiếng chuông chiều trầm lắng vang xa.Huế đẹp với những rêu,những mãng xanh cùng tà áo dài nghiêng nón lá.Tôi bắt gặp một nét lạ,một loài cây sến đỏ bên bờ ,những cây sến này có từ bao giờ ?Chắc là mới trồng sau ngày thống nhất,Huế bây giờ xanh phủ cả hai bờ Hương,đã che mất tầm nhìn của người bên ni ngó qua bên tê để thấy em tan trường về.Huế ơi, Xh ơi,nhờ có em mà ta được trở về rõ nét hơn với Huế dấu yêu này.Thân mến chào NT.  
VỀ VUI TẾT HUẾ

Người  hẹn cùng ta khi én bay,

Về thăm xứ Huế đón xuân này,

Lên chùa Từ Hiếu mai hoà nắng

Ghé bến Hương giang liễu nhuốm mây.

Viếng bạn Nội thành vơi dạ nhớ

Thăm em Cư Chánh vợi lòng khuây

Mai rồi trở lại nơi xa xứ.

Hồn mãi vương mang chút Tết đầy

                   Nhâtthuy


Xin hẹn cùng Huế:
Hoa đào ngày cũ còn đâu nữa,
Thấp thoáng bên song một đoá hồng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@Quang Tri: Huế đẹp một phần nhờ ở đâu cũng thấy một màu xanh bao bọc, không chỉ riêng hai bên bờ Hương Giang. Đôi khi đi giữa lòng Huế, NT vẫn thấy lòng mình dâng lên một tình yêu say đắm với Huế, với màu xanh của Huế, với sông Hương. Thấy vẫn cứ muốn gắn bó với cái vẻ êm đềm và lặng lẽ ấy. Mà nhiều người Huế khác mà NT quen biết cũng có tỏ bày, chia sẻ như thế với NT, bạn ạ!:)

Cảm ơn bạn đã ghé vào đọc và cảm nhận những dòng viết của Hoàng. Tính Xuân Hoàng vẫn nhỏ nhẻ như Huế vậy. Những bạn bè quen biết còn mến, tiếc Hoàng nhiều.:)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Mùa gió Huế

http://i107.photobucket.com/albums/m291/Nguyetthu_2006/463337153_c523b13af0hue.jpg
Photo: Nguồn internet





Giữa hai khối nhà tập thể tôi ở bây giờ có khoảng trống đầy gió. Mùa đông, gió bấc từ phía trước thổi ra đàng sau, hun hút lạnh. Trở gió bấc, hàng cây long não chuyển sang màu xanh tím tê tái. Lá rơi từng đợt làm vàng cả con đường rộng. Nngười đi dưới phố mặc áo mưa kín thân mà vẫn không khỏi rùng mình vì lạnh. Người mẹ Huế đưa con đến trường buổi sáng, cũng chỉ nhìn thấy hai khối người, mỏng manh trên chiếc xe đạp cọc cạch. Con đường như chỉ ấm lên vào buổi tối khi những ngọn đèn vàng được người thợ điện bật sáng. Những vần sáng vàng vàng trên vòm cây long não trụi lá, dễ gây mủi lòng những tâm hồn đa cảm. Nhất là khi có chiếc xe phở đi qua, tiếng gõ mời gọi lóc cóc trong tiếng mưa nhẹ hạt như tiếng người nói lao xao. Một tiếng gọi giật gấp gáp "phở". Chiếc xe phở dừng lại. Tiếng gõ biến mất. người đàn ông Ba Tàu có mái đầu bạc lúi húi trụng phở với một chiếc vá dài. Mùi thơm từ nước phở nấu bằng xương bò bay ra, lan toả trong một không gian rộng ấm áp kì lạ. Tô phở tàu bưng trong mưa giá, toả hơi nghi ngút. Ở Huế bây giờ không còn đến một chục chiếc xe phở dạo. Không biết rồi sau mười năm, hai mươi năm nữa liệu có còn tiếng gõ lóc cóc như tiếng song loan nhịp ba, mang lại cho phố xá hơi ấm giản dị của cuộc đời.


             Thôi những đợt gió bấc, văng vẳng tiếng ve sầu sớm dưới vòm long não, tim phượng nở bập bùng, Huế chuyển dần sang mùa hạ và khoảng trống ở khu tập thể nhà tôi đầy gió đông nam. Lần này gió lại thổi từ phía sau ra đằng trước. Huế vẫn còn sương mù và lạnh về sáng nhưng lại nóng ẩm lúc ban trưa. Trong bữa ăn của nhiều gia đình đã có dĩa rau muống luộc xanh ngắt. rau muống Huế được trồng chủ yếu ở các hồ trong thành nội, ven các hộ thành hào, hộ thành hà. Nói là trồng nhưng thực ra là cấy. Cây rau muống Huế cũng khá đặc biệt.Thường nhỏ sợi, thân mỏng và lá vừa phải. Khi luộc phải đổ nhiều nước, rồi trở rau bằng đũa tre bảng to (người Huế gọi là đũa bếp), giữ cho rau xanh mướt, như khi rau còn nằm dưới lòng hồ. Một dĩa rau muống luộc, một bát nước rau muống nhỏ có đánh một tí ruốc và nặn ít chanh tươi đặt bên cạnh chén nước chấm được pha chế công phu, đã là một bữa ăn thịnh soạn của văn hoá ẩm thực Huế. Sành điệu hơn thì kèm theo bữa ăn một dĩa nhỏ cà pháo đã chẻ lòng, ươm ươm đỏ.vị cà hăng hăng cay cay lẫn với dĩa rau muống ngòn ngọt vẫn còn chát nhẹ, gợi lên trong tâm thức phong vị quê hương không dễ gì quên được.

             Khi những cành phượng đỏ tắt lửa, trái phượng dài ra chừng một gang tay người lớn, màu trời chuyển sang tai tái, bầm bầm, Huế bắt đầu đón gió phơn nam mà người dân quen gọi là gió Lào. Gió cực khô và cực nóng khiến mồ hôi cứ tươm ra, rít rát như ướp muối. Cổ họng khát bỏng, nhiều khi nóng quá phải thở ra đằng miệng. Hàng cây long não trên phố lá đang xanh bỗng dày ra, co lại như những chiếc vỏ hến vàng vọt. Lúc này trên bàn ăn của nhiều gia đình Huế đã có một bát canh rau má thơm mát. Ở Huế, cây rau má mọc nhiều ở vùng gò đồi phía tây thành Huế. Một số người Huế thích ăn rau má núi, một số khác thì chỉ thích rau má đồng mềm và ít đắng. Gần đây rau má còn được trồng ở vườn, ven các nguồn nước. Rau má trồng không bao giờ có được vị ngon của rau má mọc rài ( rau má dại ). rau má hợp nhất là nấu với tôm rằng nước lợ. Tỉ lệ tôm, rau má và nước phải hài hoà. Quá nhiều tôm sẽ làm ôi bát canh. Với một bát canh rau má tôm rằn trong những bữa ăn ngày gió phơn tây nam, người Huế có thừa sự chăm chút để bát canh ở lại mãi trong lòng người thưởng thức.

              Khi những cánh sếu đầu mùa bay từ nội thành Huế qua bờ nam sông Hương, rồi đi mãi miết đến chân đèo Hải Vân, Huế đón mùa thu với gió heo may. Gió rít nhẹ, thoảng thơm như hương cau. Khoảng trời trên sông Hương xanh ngắt, điểm vài cụm mây trắng đuôi gà. Lúc này, những quán cà phê Huế dọc hai bờ sông Hương gần như kín người. Uống cà phê khi gió heo may về, cũng là một thói quen của người Huế thị dân đi tìm một chút tĩnh lặng cho đời sống tâm hồn. Mùa thu cũng là mùa mà thành phố Huế đẹp nhất. Sông Hương mang gương mặt của bầu trời, như chưa bao giờ xanh đến vậy. Ven sông, lá mùa thu rơi vàng như nắng chiều. Đường phố thưa người đi, thỉnh thoảng trong những con hẻm vắng còn đọng lại một ít sương mù...


              Nhiều năm sống ở Huế, với bao nhiêu buồn vui. Có lúc phấn khích, có lúc mỏi mệt, bực dọc chuyện đời thường. Nhưng khi nghe bất chợt một tiếng sấm mùa thu xa tận thượng nguồn, rồi những hạt mưa ngâu đầu tiên rơi xuống lòng bàn tay, sao thấy lòng như ấm lại. Gió heo may nhen nắng về trên phố. có con sếu lẻ nào đó kêu khan khan, khiến lòng ta rưng rưng bởi một tình yêu quá đỗi.



(Nguyễn Xuân Hoàng - Tuỳ bút Hương mùa thu - XB 2001)

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (65 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối