Trang trong tổng số 13 trang (126 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

TÂM SỰ ĐIỆN BIÊN
(Trần Tâm)

Nếu ai chưa đến Điện Biên...
Hỏi thăm một chút biết liền thông tin
Điện Biên mảnh đất thiêng liêng
Bao năm kháng chiến sử thiêng lẫy lừng

Điện Biên xưa rất nhiều rừng
Nay thì còn ít Đất rừng trống trơn
Mưa nhiều ! Suối chảy dữ hơn
Làm cho dân khổ oán hờn ai đây?
Tôi từ Thanh Hoá lên đây
Phủ xanh đất trống dựng xây thành rừng
Ai ơi! Xin chớ phá rừng
Vi phạm Lâm luật thẳng thừng ra tay
Hôm nay mưa lại tung bay
Suối kia nay lại chảy ngày chảy đêm
Bao giờ cho hết những đêm?
Rừng xanh rên khóc từng đêm não lòng
Bao giờ cho hết nỗi lòng ?
Của chàng trai trẻ dang vòng tay xanh

Hôm nay rừng đã rất xanh
Lòng tôi bừng sáng như  anh yêu đời
Đất trống nay đã xanh ngời
Tôi về Thanh Hoá sáng ngời tâm can.../.
                                                                                                                                      Ngày 04.7.2008.
       

Note:
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được nghe nói nhiều về Điện Biên và đặc biệt qua những trang sách lịch sử được biết đến chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng của dân tộc.   
Khi trở thành sinh viên, tôi học và nghiên cứu về Rừng vì thế lại một lần nữa lại được nghe nói nhiều về Điên Biên nhưng lần này là những cánh rừng đại ngàn và cổ thụ có tính đa dạng sinh học rất cao.
Sau khi ra trường tôi đã quyết định lên đây công tác để được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm những điều mà mình đã được biết mà chỉ qua lời kể và những trang sách nhỏ.
Bất ngờ về những điều đã trải nghiệm ở vùng đất này, bài thơ: “ Tâm sự Điện Biên ” cũng là tâm sự của tôi về vùng đất ấy./.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trần Tâm

HẠT MUỐI QUÊ TÔI

Ngắm nhìn hạt muối mến thương…
Thân sao trong trắng lạ thường muối ơi?
Những trưa hè mẹ đem phơi
Bao dòng nước biếc, mặn tươi thắm nồng
Mồ hôi mẹ chảy thành sông
Ngấm vào tình đất ruộng đồng quê ta
Nên dù muối có đi xa
Ra nơi Hải đảo hay qua Phố phường
Dẫu rằng đi khắp bốn phương
Sao em vẫn mặn vấn vương lòng người?
Quê tôi! Hạt muối bao đời…
Nuôi làng quê nhỏ với người quê tôi

Em về Hậu lộc đi thôi…
Cùng anh xem lại cái nôi làng nghề
Biển Diêm phố ngắm thấy mê
Nhà cao san sát bờ đê trải dài
Rừng phi lao tạo vành đai
Dang tay che chắn làng chài bao năm
Người làm muối nước da ngăm…
Chắc vì nắng gió ghé thăm đêm ngày
Còn vì cả những tháng ngày
Phơi dòng nước mặn thành khay muối nồng
Nên em... hạt muối biết không?
Mặn vì thắm đượm bao công sức người./.
                                                                                     Nhớ Hậu lộc!  Đêm 24.4.2009

Note:
    Hậu lộc là một huyện đồng bằng ven biển, cách trung tâm T.P Thanh hóa 25 km về phía đông bắc. Phía bắc giáp huyện Nga sơn, Hà trung. Phía Nam và phía tây giáp huyện Hoằng hóa. Phía đông giáp biển đông.
    Hậu lộc là một vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa. Năm 1973 & 1976, các nhà khảo cổ học đã phát hiện di chỉ văn hóa Hoa lộc và Gò trũng ( Phú lộc ) niên đại cách đây 4.000 – 5.000 năm. Điều đó chứng tỏ con người tiền sử ở Hậu lộc sớm phát triển nền văn minh lúa nước, chăn nuôi và đánh bắt. Người dân Hậu lộc có tinh thần yêu nước nồng nàn, là cái nôi của cách mạng việt nam. Từ xa xưa, mãnh đất này đã sản sinh và nuôi dưỡng nên nhiều anh hùng dân tộc như: Triệu Thị Trinh ( Bà Triệu ), Phạm Bành ( Hòa lộc ), Đinh Chương Dương ( Hải lộc ), Lê Hữu Lập ( Xuân lộc ) – Bí thư tỉnh ủy Lâm thời đầu tiên của Thanh hóa, Nguyễn Chí Hiền ( Hòa lộc ), Mẹ Tơm,…
    Hậu lộc là một huyện có bề dày về lịch sử văn hóa với hàng chục di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng quốc gia và tỉnh như: Di tích Đền Bà Triệu ( Triệu lộc ), Chùa Sùng Nghiêm Diêm Thánh ( Thờ Trần Hưng Đạo – Làng Duy Tinh, Văn lộc ),…
Bên cạnh việc bảo vệ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, Hậu lộc đã tập trung thực hiện phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ”. Điển hình là các phong trào xây dựng làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa. Trong đó, Làng Duy Tinh ( Hay còn gọi là làng Chợ phủ - xã Văn lộc ) là một điển hình về xây dựng đơn vị văn hóa của cả nước.
     Có thể nói, Hậu lộc xưa và nay như một tỉnh Thanh hóa thu nhỏ bởi nơi đây có đầy đủ những tiềm năng để phát triển kinh tế một cách toàn diện. Với sự giàu có về tiềm năng cả 03 vùng: Vùng đồi, vùng đồng bằng và vùng ven biển.
Ngoài việc khai thác có hiệu quả vùng đồi bằng việc hình thành các trang trại VAC, trang trại vườn rừng, vườn cây ăn quả, nhân dân còn tiến hành trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng cây chắn sóng lấn biển  
( Năm 2002 toàn huyện có: 1.298,58 ha rừng ).
Với 12 km đường bờ biển cùng hai cửa lạch lớn ( Lạch trường và lạch sung ) đây không chỉ là tiềm năng để phát triển kinh tế biển mà còn là nơi thăm thú, du lịch, giải trí rất tuyệt vời. Biển Hậu lộc có độ mặn cao, kết hợp với khí hậu nắng gió đã tạo nên nghề làm muối truyền thống ( Có từ năm 1897 ) chủ yếu một số xã ven biển như: Hòa lộc, Minh lộc, Đa lộc, Hải lộc và Ngư lộc ( Là Diêm phố xưa kia ).
     Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Duy tinh ( xã Văn lộc ) nên gia đình không có truyền thống làm nghề muối. Nhưng từ thời thơ ấu và đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in tiếng rao của những người bán rong muối “ Ai muối đê...ê…ê.ê… ”. Rồi những hình ảnh những đoàn xe đạp thô sơ đến mức khó tin ( Phanh trước xe bằng cách gắn một miếng dép xốp vào càng, khi muốn dừng lấy chân đạp mạnh nó vào bánh xe ) chở những bao muối to nặng đi bán rong xa, vẫn còn hiển hiện trong tôi như mới gặp hôm nào. Khi khôn lớn, tôi đã có điều kiện tìm đến những ruộng muối để tìm hiểu cách tạo ra nó cũng như những khó khăn vất vả để có được hạt muối.
      Bài thơ: “ Hạt muối quê tôi ” là sáng tác của tôi dành tặng những người nông dân cần cù, chịu khó đã một sương hai nắng tạo ra thứ hàng hóa đặc biệt này cung cấp cho xã hội.
Qua đây, tôi cũng xin giới thiệu một ít hình ảnh đẹp về mãnh đất Hậu lộc tới những người chưa biết đến và hy vọng làm gợi nhớ lại một chút kỷ niệm cho những người đã từng biết đến nơi đây./.
( Bài viết này của tôi có sử dụng một số tư liệu của Đồng chí: Trần Quang Thiêm – Chủ tịch UBND huyện Hậu lộc trong bài viết Giới thiệu về huyện Hậu lộc ).
                                                                                                        T/giả: Trần Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trần Tâm

NHÁNH LAN RỪNG TÂY BẮC


Tôi là một nhánh lan rừng
Loài hoa cao quý em từng nghe chưa?
Lan tôi vốn chỉ hay ưa…
Mọc vùng Tây bắc rừng chưa ai vào
Nếu em thích hãy cứ đào
Đem tôi trồng với rừng sào Xứ Thanh
Nơi Lan tôi rễ quấn quanh
Đã nuôi khôn lớn thành anh lan rừng
Khi em nhớ! Hãy lên rừng…
Tìm loài hoa dại sẽ ngừng nhớ tôi ./.
                                                                                              Ngày 19.4.2009
                                                                                               T/Giả: Trần Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trần Tâm

TÂM SỰ PHONG LAN

Xưa lan tôi chỉ mọc rừng
Nay rừng còn ít đếm từng gốc cây
Đời này lan chỉ yêu cây
Cùng nhau phát triển xum vầy cộng sinh
Đâu vì thế mọc linh tinh
Lan tôi cao quý trời sinh thế mà…
Tôi thương những cánh rừng già
Người ta khai thác sau là tái sinh
Thương nhiều những rừng tái sinh
Rồi đây cháy hết sau sinh thứ gì?
Tôi thương những thảm thực bì
Rồi đây cũng hết huống chi là rừng?
Sau này chắc chẳng còn rừng
Để lan tôi mọc như từng ngày qua
Để còn tiếp tục ra hoa
Đua hương khoe sắc làm quà tặng anh./.
                         Ngày 25.4.2009
                        T/giả: Trần Tâm

Note:
    Nếu theo quy luật của quá trình hình thành rừng thì phải theo chiều đi lên. Tức là: Từ những kiểu rừng nghèo kiệt hoặc đất chưa có rừng sau quá trình Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và quản lý bảo vệ rừng sẽ dần phát triển thành kiểu rừng tái sinh ( Nhóm IIA,B ), rồi thứ sinh ( Nhóm IIIA,B ). Cuối cùng đạt đến đỉnh cao là rừng già ( Nhóm IVA,B ), giàu trữ lượng.
    Nhưng thực tế hiện nay đang diễn ra trái với quy luật ấy, thành một vòng luẩn quẩn. Cùng với tục du canh du cư và việc kiếm sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng của người dân vùng cao đang làm thay đổi quy luật đó. Họ khai thác cạn kiệt những cánh rừng già có tính đa dạng sinh học rất cao để cuối cùng còn lại kiểu trạng thái rừng IA,B,C ( Đất chưa có rừng ).
    Bài thơ: “ Tâm sự phong lan ” là phản ánh của tôi về thực trạng đó. Nhiều loài phong lan quý hiếm ( Như: Lan đuôi chồn, lan hài,… ) đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do nạn khai thác cạn kiệt và mất dần sinh cảnh sống.
Hy vọng trong tương lai loài hoa tuyệt vời này sẽ còn sinh cảnh để tồn tại và phát triển./.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@ Bạn Trần Tâm: Là thành viên mới, đề nghị bạn nên dành chút thời gian tìm hiểu Thi viện và những quy định của Thi viện. NT đã phải xóa một chủ đề của bạn ở Diễn đàn Yêu cầu thêm Tác giả, nay lại phải vừa gộp một loạt chủ đề bạn mở trong diễn đàn Thơ thành viên-Thơ mới! Tuy hiểu bạn chưa nắm vững quy định chứ không cố tình vi phạm nhưng nếu bạn cứ cắm cúi mở thêm các chủ đề như thế này, NT đành phải xóa chủ đề hoặc khóa nick bạn cho bạn chú ý thôi!
Hãy đọc các bài ở đây đã bạn ạ!

http://www.thivien.net/forum_viewtopic.php?UID=dyNQhH0FroZr5GKq5c8WuQ
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trần Tâm

Gửi NGuyệt Thu!
Đúng là không cố tình vi phạm quy tắc chung của TV vì tôi là thành viên mới nên cũng dễ hiểu đúng không?
Thực ra tôi cũng chưa có thời gian tìm hiểu những nguyên tắc của TV nên dẫn đến những lỗi đáng tiếc đó.
Hy vọng thời gian tới tôi sẽ không mắc những lỗi đáng tiếc đó!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Không sao, bạn hiểu là tốt rồi. NT nhắc vậy vì đã từng rất mệt mỏi vì phải gộp cả chục, có khi cả hai chục topic của một thành viên mà những lời nhắn gửi, nhắc nhở của mình không hề được thành viên đó lưu ý. Chỉ sau khi tạm khóa nick thì mọi chuyện mới được giải quyết ổn thỏa. Bạn là trường hợp mà NT nhận được ý kiến phản hồi sớm nhất, NT tin là bạn sẽ sớm hòa nhập với Thi viện thôi.
Chúc bạn vui cùng Thi viện!
NT
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trần Tâm

VỀ VĂN LỘC ĐI EM


Mong em hãy đến một lần
Về thăm Văn lộc chuông ngân sớm chiều
Thả hồn, vãn cảnh, phiêu riêu…
Nơi Chùa Diêm Thánh bao điều linh thiêng
Hồ Sen mặt nước lung liêng
Soi Bia tưởng niệm thiêng liêng bên hồ
Xa trông đồng lúa, bãi ngô
Cò bay thẳng cánh biết mô đường về?
Chiều ra hóng mát bờ đê
Thăm làng Hà Mát tiện về Mỹ Quang
Có nhà thờ đạo trang hoàng
Ngay làng Mỹ Điện thêm càng mến yêu
Ghé qua Chợ Phủ chiều chiều
Ngay làng Văn hóa yêu kiều Duy Tinh
Biết bao thế hệ học sinh
Từ ngôi trường nhỏ nuôi tình yêu quê
Nhìn Làng Mới cũng sẽ mê…
Đường đi rộng dãi, xum xuê bóng dừa
Quê tôi tuy nhỏ nhưng thừa…
Tình người chan chứa em vừa lòng chưa?
                                    Nhớ Văn Lộc,đêm 05.4.2009
                                        T/giả: Trần Tâm
Note:
     Xã Văn Lộc, huyện Hậu lộc, tỉnh Thanh hóa cách Thị trấn huyện 3 km về hướng Tây bắc; Cách Quốc lộ 1A khoảng 6 km về hướng Tây.
     Là một xã thuần nông của huyện nhưng Văn lộc có bề dầy về truyền thống hiếu học và lịch sử văn hóa. Khi nói đến Văn lộc không chỉ người dân trong huyện, trong tỉnh Thanh hóa mà còn nhiều người ở các tỉnh thành khác trong cả nước biết đến làng Duy Tinh, nơi có Di tích Lịch sử Quốc gia “ Chùa Sùng nghiêm Diêm thánh ” có từ trước Thời Lý, thờ Tướng quân Trần Hưng Đạo. Bên cạnh chùa là Nhà Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là con em, nhân dân trong xã. Ngay trước Nhà Bia là Hồ Sen ( Rộng khoảng 1.500 m2 ) có từ thời Phong Kiến nước rất ngọt và trong, không thấy cạn nước bao giờ.
     Xã Văn Lộc là một điển hình trong cả nước về phong trào xây dựng làng văn hóa, nếp sống văn hóa và gia đình văn hóa. Toàn xã có 08 thôn ( Gồm: Đội 1, 2….8 ) được chia thành 05 làng, đều đạt tiêu chuẩn làng văn hóa. Đó là: Làng Duy Tinh ( Gồm 04 thôn: Tinh anh, tinh phú, tinh hoa và tinh lộc ); Làng Mỹ Quang; Làng Mỹ Điện; Làng Hà Mát và Làng Mới( Thôn Văn Xuân ).
     Hệ thống đường giao thông liên thôn đều được trãi nhựa và bê tông hóa sạch sẽ. Mỗi thôn đều có nhà văn hóa và sân chơi riêng, là nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao, hội họp của nhân dân mỗi thôn. Xã có một sân vận động lớn ( Còn gọi là Sân Căng ) là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT,… có quy mô của xã và huyện.
     Chợ Phủ là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa của nhân dân trong xã và vùng lận cận tuy còn đơn sơ nhưng đã có từ thời Phong Kiến. Có thể nói, Chợ phủ cũng là nét đặc trưng của làng Duy Tinh và cảu cả xã.
     Có thể nói, xã Văn Lộc là bức tranh đẹp về cuộc sống nông thôn Việt Nam nói chung và của Xứ Thanh nói riêng./.
     Bài thơ: “ Về Văn Lộc đi em ” là sáng tác của tôi giới thiệu về quê mình, Đó không chỉ là lời mời của riêng tôi mà còn là lời mời của bà con trong xã tới tất cả mọi người trên mọi miền Tổ quốc về thăm Văn Lộc./.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trần Tâm

TẢN MẠN ĐIỆN BIÊN

Đâu chỉ Điện biên có đốt nương
Mây đen phủ kín phố hay phường?
Chẳng có hoa ban hồng hay trắng
Chắc là cháy hết ban bản mường.

Riêng chỉ phong lan đầu hạ trắng
Điểm tô suối nhỏ lắm sương răng
In bóng rừng đây trăng vàng thế?
Tiếng gà gáy sáng khắp mường phăng.

Tôi mãi yêu rừng với xứ thanh
Một thân trai trẻ trí luyện thành
Tây bắc xa xôi nhưng đẹp lắm…
Thêm công sức nhỏ để thêm xanh.
                                                                                     Ngày 26.4.2009
                                                                                    T/giả: Trần Tâm

Note:
Mùa đốt nương trên Điện biên bắt đầu từ giáp tết âm lịch đến tận đầu mùa mưa năm sau. Đây chính là nguyên nhân làm cho những cánh rừng yêu quý của chúng ta biến mất.
Bài thơ: “ Tản mạn Điện biên ” của tôi phản ánh thực tế đó. Đấy cũng là nhắc nhở tế nhị của tôi không chỉ người dân vùng cao Điện Biên mà còn tất cả chúng ta, những người đang được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguồn này. Hãy biết quý trọng và giữ gìn nó...!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trần Tâm

XA VẮNG
---------------------------
                               Trần Tâm         
                            Ngày 01.12.2008.   
Tạm biệt em và các con...
Và Sa Dung lắm núi non hùng vỹ
Tạm biệt nếp nhà cũ kỹ
Nơi quây quần và hoan hỷ bấy lâu
Anh đi vào chốn rừng sâu
Rồi đây xa cách biết đâu ngày về

Xa quê! Nhớ đến tái tê…
Nhưng anh sẽ giữ tình quê trong lòng
Mong em hãy cứ yên lòng
Anh đi chân cứng hơn chòng đá cao
Cũng vì chuyên nghiệp đã trao
Dẫu rằng gian khó có cao bằng trời
Miễn sao rừng mãi xanh ngời
Đời sau con cháu cuộc đời ấm no
Chim rừng sẽ mãi líu lo
Vì anh chiến sĩ chăm lo giữ rừng
Suối ơi! Hãy chảy tưng bừng
Bên anh chiến sĩ gác rừng mỗi đêm

Ánh trăng nay bỗng sáng thêm
Bỗng dưng anh nhớ gọi tên vợ hiền
Và thương con trẻ thảo hiền
Bao đêm thức giấc gọi liền tiếng cha...
Kiểm Lâm Cơ động vậy mà !
Lênh đênh đây đó nhà là bốn phương
Dẫu rằng lòng mãi vấn vương
Nhưng mà nghiệp thế con đường gian nan
Thương anh! Em chớ thở than...
Sau này “Tặc” hết qua can anh về./.
                                                                                                                                                                                                             Note:  
Sa Dung là một xã của huyện Điện Biên Đông, cách thị trấn Na Son khoảng 18 đến 20 km. Đây là quê hương của anh Lầu A Lử, một người đồng đội cũ của tôi khi còn công tác tại Điện Biên Đông.
Nhân lần gặp lại anh tại Mường Chà, cả hai đã có dịp nói chuyện và ôn lại những kỷ niệm xưa. Bài thơ: “Xa Vắng” là sáng tác của tôi dành tặng anh cũng như nhớ lại vùng đất và những kỷ niệm về nghề nghiệp mà thời gian tôi còn công tác tại đây.
Nhân vật trong bài thơ không phải tôi mà chính là A Lử. Tôi chỉ thay anh nói lên tâm sự, tình cảm của mình về nghề nghiệp, nỗi nhớ gia đình và quê hương của anh./.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 13 trang (126 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối