Tản mạn đôi dòng về ngày 20 tháng 11 (phần tiếp theo)
Nghiệp “thầy” vì gắn bó với nhiều số phận, với công thành danh toại, với hưng thịnh nước nhà, với lời ca tiếng hát, nên cũng bát ngát hồn thơ. Nhưng cho đến nay một định nghĩa chính xác về nghiệp “thầy” cũng đang nhiều băn khoăn do dự.
Bạn Tam Diệp Thảo coi Thầy như con sóng cần mẫn nâng thuyền ra xa khơi để vượt trùng dương, hoặc là nguồn sáng diệu kỳ như vầng trăng tỏa sáng giữa đêm tối mịt mùng không điện, không dầu đốt cháy. Nhưng tê tái hơn khi người ta coi thầy như “viên phấn trắng” cứ mài mòn năm tháng và thời gian :
Có người xem thầy là con sóng
đẩy thuyền ra khơi đến bạc đầu
vỡ lặng...
Có người xem thầy là vầng trăng
chẳng điện, chẳng dầu vẫn tự tâm
toả sáng...
Có người xem thầy là phấn trắng
mài mòn... (Tam Diệp Thảo)
Bạn Ốc Biển lại nhìn nhận người thầy như một con thuyền chở người qua sông, âm thầm, lặng lẽ ngày lại tiếp ngày, ươm dòng đời cho bao thế hệ :
Cuộc đời nhà giáo
Như một con thuyền
Lặng lẽ truân chuyên
Chở bao thế hệ (Ốc Biêu)
Bạn Nhâm Tỵ nhìn được thầy giáo là khuôn vàng thước ngọc của mọi người, không ví von gần xa mà chỉ thu hẹp trong không gian nhà trường, với thời gian được đánh dấu bằng tiếng trống trường giục giã hằng ngày. Hình ảnh thu thời gian vào 2 đầu tiếng trống thật hay, thật đẹp và cũng rất thực:
Ba mươi năm trong nghề dạy học
Làm khuôn vàng thước ngọc của đàn em
Với phượng đỏ,ve ran,thu cúc nắng vàng
Thu thời gian vào hai đầu tiếng trống...(Nhâm Tỵ)
Còn Hương Giang lại thả hồn vào những dòng thơ lãng mạn, chất chứa nỗi niềm, nuối tiếc cho công ơn thầy cô khi học trò lớn khôn trưởng thành ra đi lập nghiệp, để lại một bến đò trống vắng man mác nỗi buồn ...
Người như cô lái bên bến vắng
Nuối tiếc nhìn theo những mái chèo
Từng lớp người đi người đi mãi
Man mác nỗi buồn đã buông neo...(Hương Giang)
Trái lại, Phạm Bá Chiểu cũng tứ thơ ấy nhưng lạc quan hơn, không cần ai nhớ ai quên, miễn sao chở cho người vượt qua được phong ba bão táp đến bến bờ vui, đó là thành công lớn nhất của người thầy và công việc đó cứ lặp lại, lặp lại mãi mãi. Hình ảnh người thuyền trưởng ở đây hàm chứa súc tích, gói lại hình ảnh người thầy đúng với cái nghĩa cầm lái vững chắc cho con đò qua sông không bị chênh vênh chao đảo.
Thầy, cô giáo cuộc đời như thuyền trưởng
Chở bao người vượt bão biển phong ba
Đến bến lạ mặc người quên, kẻ nhớ
Lại trở về chở tiếp những người qua…(Phạm Bá Chiểu)
Và có lẽ còn rất nhiều cách nhìn nhận người “thầy” dưới các góc độ khác nhau, nhưng theo tôi hình ảnh ví người “thầy”như một con đò nhỏ, được cầm chắc lái trước phong ba bão táp, trước mưa giật gió gào, cần cù và nhẫn nại chuyển đi chuyển lại những dòng đời, đưa họ vượt từng chặng đường quanh co, gian khó đến đích vinh quang là một hình ảnh đẹp, có lý có tình..., cho nên tôi đã viết :
Có người hỏi :
Ai chở đò trên khúc sông xa,
Có chán ngán khi đưa đò qua lại ?
Câu trả lời vẫn tìm hoài mê mải,
Gom niềm vui khi gặt hái vào mùa. và niềm vui ấy được thừa nhận, được nâng niu như chị BachVan_vietnam đã nói một cách rất hình tượng. Một dòng đời trôi lung linh chảy vào tha thiết, thật đẹp thật thơ. Dòng đời ấy có được vì người trồng cây ươm nó vào khát vọng màu xanh ! Người ươm cây đó như một bông hồng tươi rói, nở hương khoe sắc trong vườn hoa chắt chiu từ bụi phấn qua năm tháng nhóm nhen.
thì dòng trôi lung linh vào tha thiết
vẫn ươm đời trong khát vọng màu xanh
một đóa hồng thắm nở giữa long lanh
gom lại từ tháng năm trong bụi phấn (Bachvan)
Công ơn to lớn của Thầy Cô được xã hội thừa nhận và đánh giá, bằng cảm nhận, bằng hành động và bằng cả niềm tin :
Ơn sinh thành bố mẹ chắp cánh con bay,
Ơn giáo dưỡng công thầy năm tháng Dù đang là học sinh ngồi dưới mái trường, hay là đã người thành đạt hay là người đã thuộc thế hệ “xưa nay hiếm”, khi đứng trước thầy vẫn là một học trò bé nhỏ ngày nào. Thật khiêm nhường, thật cao sang và thanh bạch :
Bao năm rồi dù lưu lạc muôn nơi.
Nay đứng trước thầy,
Tôi thấy mình vẫn là cô trò nhỏ. (P.H.)
Vì chính những người chở đò ấy đã cho họ cuộc sống thực hôm nay, làm sao mà quên được ?
Mái chèo lặng lẽ khua bến vắng,
Gắn bó cuộc đời bến đò ngang.
Ai đã qua đò mà chẳng nhớ,
Mái chèo khua sóng nước nhịp nhàng! (Phạm Thôn Nhân)
Họ thành danh nhờ công ơn dạy dỗ của Thầy Cô, những con người đâu có cuộc sống đàng hoàng, đâu có được hưởng cao lương mỹ vị, mà một thời đã từng “đói cơm, rách áo’, đã nằm gai nếm mật, để an tâm với nghiệp “trồng người” :
Một thời, chẳng quản nắng mưa,
Đói cơm, rách áo sớm trưa đưa đò.
Bao nhiêu là lớp học trò,
Qua tay mẹ dạy bây giờ "thành danh".(Theviet2009)
Trong thực tế khắc nghiệt của đời sống xã hội, của cơ sở vật chất đang rất thiếu thốn của nhà trường, thầy cô vẫn miệt mài giảng dạy, làm việc. Hình ảnh cốc nước đọng phèn vàng úa mà thầy cô vấn phải cầm lòng nuốt vội cho đỡ khô rát họng mình đưới cái nắng chói chang ngột ngạt không gió, không quạt làm chúng ta cũng đến nao lòng :
Nắng chói chang bụi bay mù mịt
Quạt trần nhà uễ oãi chẵng chịu quay
Nước quá phèn nên cốc ly đỏ ối
Nhấm tý thôi đỡ rát họng giãng bài (Minh Bình)
Và thật xúc động khi ngoài việc gieo trồng kiến thức trong những hòan cảnh khó khăn ấy, thầy còn là một tấm lòng bao dung về tình người. Khi hiểm họa thiên nhiên gieo chết chóc cho con người, có những em học sinh đã không còn có thế đến trường nghe thầy giảng, đã vĩnh viễn lìa xa cuộc sống. Thầy biết, thầy hiểu nỗi đau mất mát đó và ngậm cay đắng trong lòng mình :
Tên em còn trong sổ
Nhưng thầy chẵng gọi đâu
Liếc nhìn về cuối lớp
Bỡi thiếu một mái đầu (Minh Bình)
Vì trách nhiệm của người thầy, vì công việc cao quý của người thầy không cho phép thầy lơ là, sao nhãng :
Làm thầy trách nhiệm luôn luôn
Vì đang chăm chút tâm hồn tương lai.(Tuankhi)
và, vì thế :
Thầy Cô vẫn lái con đò
Yêu thương dạy dỗ mong trò qua sông(Tâm Bão)
Giữa đời thường vất vả, giữa trăm ngả chênh vênh, thầy cô lạc nhịp với cái gọi là “cơ chế thị trường”, nhưng chính vì thế mà được trò yêu thương, xã hội tôn trọng :
Tâm hồn tôi như trang sách mở
Chẳng quanh co, dối trá bao giờ
Yêu văn chương nên cứ sống mộng mơ
Giữa cơ chế thị trường, tôi thành người lạc lõng.(Bùi Thị Sơn)
Cho nên trên con đường lập nghiệp của mình, dù không còn ở bên thầy, họ vẫn luôn luôn cảm nhận được sự chăm sóc,theo dõi từng bước đi của họ, tìm họ, giúp họ trưởng thành :
Mấy chục năm trời thầy trò không gặp
Con vẫn thấy:
Thầy tìm con ngoài chợ đời nhốn nháo
Thầy tìm con quãng đường dài dông bão
Thầy tìm con nơi cát bụi tha phương...!(Nhguyễn Lâm Cẩn)
Chính vì thế mà người ta yêu thầy, cần thầy như vậy , Thầy đã gieo những hạt mầm tri thức cho họ, gieo cho họ niềm tin và hy vọng khi họ đang lóng ngóng tìm những bước đi chập chững vào đời :
Hay các em đang nghĩ đến ngày mai
Khi tôi đọc, các em nghe bài thơ Đất nước?
Ngập trong lòng em mênh mông điều ước
Nên mắt ngây thơ một thoáng cũng lặng nhìn!
Hay các em đang nghĩ đến những người đã hy sinh
Khi tôi giảng về 9 phút cuối đời anh Trỗi
Niềm xúc động dâng trong tim tôi quá đổi
Nên các em cũng xúc động như tôi... (Nguỵệt Thu)
Và khi họ còn do dự, đắn đo, suy nghĩ thì hình ảnh người “thầy” hiện ra như một phép nhiệm mầu, cho họ niềm tin vào ngày mai, vào phía trước, để bước tiếp chặng đường sau :
Đứng ở cổng, nghe hồi trống thân thương
Thấy bóng thày đi lên thang gác
Bỗng ấm lại lòng tôi đang ngơ ngác
Tôi biết rằng mình phải bước tiếp thôi!
Tôi biết rằng thày sẽ giúp tôi... (1989-1990) Thuỵ Anh, Hà Nội – Ams (Hoa Xuân Tuyết)
(còn tiếp)
Sự thật phũ phàng
Là thang thuốc bổ !